Trang chủ    Thực tiễn    Đảng bộ tỉnh An Giang: tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát
Thứ sáu, 15 Tháng 1 2016 16:50
2487 Lượt xem

Đảng bộ tỉnh An Giang: tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát

(LLCT) - An Giang là tỉnh phía Tây Nam của Tổ quốc, có đường biên giới gần 100 km với Campuchia. An Giang hiện nay có dân số hơn hai triệu người, diện tích 3.424 km2, gồm 11 đơn vị hành chính trực thuộc trong đó có 2 thành phố là Long Xuyên và Châu Đốc, thị xã Tân Châu, 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên và có 3 cửa khẩu cấp quốc gia và quốc tế là Tịnh Biên, Vĩnh Xương và Khánh Bình.

(Thành phố Long Xuyên, An Giang)

Đảng bộ tỉnh An Giang có 16 đảng bộ trực thuộc, với 56.534 đảng viên sinh hoạt trong 896 tổ chức cơ sở đảng; trong đó xã, phường, thị trấn 156 (xã 119, phường 21, thị trấn 16); cơ quan 373, đơn vị sự nghiệp 176, doanh nghiệp 111 và lực lượng vũ trang 80. Có 3.269 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và đảng ủy bộ phận; trong đó, chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn 2.364, cơ quan hành chính 220, đơn vị sự nghiệp 235, doanh nghiệp 173 và lực lượng vũ trang 277.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, trước bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, Đảng bộ đã đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ mức trung bình cả nước; nông nghiệp, nông thôn ngày càng đổi mới; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Đảng bộ tỉnh An Giang luôn quan tâm làm tốt các mặt công tác xây dựng Đảng, trong đó, các cấp ủy đã xác định rõ vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, từ đó có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; chất lượng công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên. Ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được quy định trong Điều lệ Đảng, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, cán bộ kiểm tra luôn bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khách quan, thận trọng, nhưng kiên quyết, giữ vững nguyên tắc, thực hiện nghiêm phương châm: công minh, chính xác, kịp thời; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan tham mưu, các cơ quan liên quan; vận dụng linh hoạt các phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra Đảng cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Cấp ủy các cấp luôn xác định: công tác kiểm tra, giám sát là hoạt động quan trọng nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo và nâng cao hiệu quả điều hành thực hiện nhiệm vụ, nên luôn chủ động triển khai, quán triệt Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng; trong đó tập trung triển khai Quyết định số 46-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng, Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Quy định số 263-QĐ/TW, ngày 8-10-2014 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và các Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương như: Hướng dẫn số 07 về việc thực hiện chất vấn của cấp ủy viên tại các kỳ họp ban chấp hành đảng bộ các cấp; Hướng dẫn số 9 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Hướng dẫn số 10 về công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng các cấp và Hướng dẫn số 11 về công tác nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp. Quy định số 1507, 1508, 1509, ngày 26-9-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…

Trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của Trung ương ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp đã ban hành quy chế làm việc của cấp mình và quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra cùng cấp. Cấp ủy các cấp đã chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị, tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các nghị quyết, chỉ thị, chương trình công tác của cấp mình và cấp trên, việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, công tác cán bộ, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay... Cấp ủy các cấp tiến hành rà soát bổ sung quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng có liên quan, các quy trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy...

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy các cấp, việc triển khai các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng ở An Giang từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm đúng quy trình, quy định, nguyên tắc, phương châm… mang lại hiệu quả cao. Trong nhiệm kỳ, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra trên 129 nghìn đảng viên, tăng 56%; 4.898 tổ chức đảng, tăng 11,37%; giám sát 1.667 tổ chức đảng, tăng 411,35% so nhiệm kỳ trước và 11.517 lượt đảng viên, tăng 592,96% so nhiệm kỳ trước; giám sát chuyên đề được 2.180 lượt đảng viên, tăng 48,1% và 964 tổ chức đảng, tăng 267,94% so với cùng kỳ. Lĩnh vực kiểm tra chủ yếu tập trung vào việc triển khai, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, sai phạm như: quản lý và sử dụng đất đai, tài chính, công tác cán bộ và việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Việc kiểm tra, giám sát đã góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; ngăn chặn, phòng ngừa những biểu hiện tiêu cực, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước của tổ chức đảng và của cán bộ, đảng viên; giúp các tổ chức đảng, đảng viên kịp thời nhìn nhận, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế; tạo được sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ vững kỷ cương và tăng cường kỷ luật của Đảng, góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp ở tỉnh An Giang còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm:

Nhận thức của một vài cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ, chưa thấy rõ vai trò, vị trí của công tác kiểm tra, giám sát trong thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của địa phương, đơn vị.

Chức năng giám sát của một số tổ chức đảng chưa được quan tâm đúng mức. UBKT các cấp chưa phát hiện và kiểm tra được nhiều đảng viên vi phạm ở các lĩnh vực nhạy cảm để tương xứng với dư luận như: quản lý tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản, đối tượng được kiểm tra là cấp ủy viên cùng cấp còn ít.

Trong xử lý kỷ luật, việc thực hiện phương châm công minh, chính xác, kịp thời ở một số tổ chức đảng có lúc, có mặt còn hạn chế, việc xử lý kỷ luật vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, đùn đẩy lên cấp trên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật.

Một số tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ công tác kiểm tra, giám sát, coi đây chỉ là công việc của UBKT các cấp, nên thiếu quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra. Một số chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng triển khai thực hiện chậm, nhưng chưa được kiểm tra uốn nắn kịp thời.

Công tác tham mưu cấp ủy của UBKT có nơi chưa tốt, chưa chủ động đề xuất những vấn đề cơ bản, cấp bách để cấp ủy tập trung chỉ đạo giải quyết. Tổ chức bộ máy, biên chế, năng lực thực tiễn của một số Ủy ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra chưa đáp ứng tốt so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

- Bổ sung thêm đối tượng thực hiện quy chế phối hợp với Ban Dân vận cấp ủy. Vì Ban Dân vận cấp ủy cũng là một ban tham mưu giúp việc cấp ủy và theo dõi hoạt động của khối dân vận, hiện nay đang thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW về giám sát và phản biện xã hội, quá trình giám sát sẽ nắm được nhiều tình hình, nếu phối hợp sẽ thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát.

- Xem xét cho ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở được sử dụng con dấu của đảng ủy khi ban hành các văn bản của UBKT.

- Đề nghị có quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm cho chi bộ các cấp đối với đối tượng là đảng viên không giữ chức vụ trong đảng.

- Có hướng dẫn quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật đối với đảng viên đã bị xử lý về mặt chính quyền.

- Thực hiện Quy định số 169-QĐ/TW, ngày 24/6/2008 của Ban Bí thư về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên cơ sở, đề nghị bổ sung thêm việc thực hiện chế độ này đối với đảng ủy bộ phận trực thuộc đảng ủy cơ sở.

 

Huỳnh Văn Thức

Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Châu Thành, An Giang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền