Trang chủ    Thực tiễn    Thực hiện tư tưởng Hồ chí Minh về công bằng xã hội trong thời kỳ đổi mới
Thứ tư, 20 Tháng 1 2016 16:34
2595 Lượt xem

Thực hiện tư tưởng Hồ chí Minh về công bằng xã hội trong thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Công bằng xã hội (CBXH) là mục tiêu, khát vọng của con người trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và phát triển xã hội. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: công bằng, bình đẳng, tự do là giá trị đích thực của độc lập, là thước đo cao nhất những thành tựu đạt được trong sự nghiệp xây dựng CNXH.

1.  Quan niệm của Hồ Chí Minh về công bằng xã hội

Công bằng xã hội (CBXH) là mục tiêu, khát vọng của con người trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và phát triển xã hội. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: công bằng, bình đẳng, tự do là giá trị đích thực của độc lập, là thước đo cao nhất những thành tựu đạt được trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Khi còn là một thanh niên, Hồ Chí Minh khát khao cháy bỏng tìm ra con đường đấu tranh cách mạng phù hợp để đưa đất nước thoát khỏi sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no thực sự cho nhân dân. Qua những năm tháng bôn ba, trải nghiệm ở nhiều quốc gia và châu lục, Người nhận thức rằng, ở bất cứ nơi đâu cũng tồn tại sự thống trị, áp bức bóc lột của giai cấp thống trị và nỗi thống khổ của người dân lao động, nhất là ở các nước thuộc địa. Người dân bị đẩy vào tình trạng “hấp hối trong vòng tử địa”, họ không có quyền tự do, bình đẳng, “họ chỉ có nghĩa vụ như nộp sưu, đóng thuế, đi lính, đi phu mà không có quyền lợi”(1). Nhiều tác phẩm của Hồ Chí Minh như: Tâm địa thực dân, Vực thẳm thuộc địa, Công cuộc khai hóa giết người..., đã tố cáo, lên án chủ nghĩa thực dân, vạch trần cái gọi là “khai hóa văn minh” của chúng. Người viết: “Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột giết người, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn trang điểm cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: Bác ái, Bình đẳng, v.v..”(2).

Vượt lên những nhà yêu nước tiền bối, đồng thời đứng vững trên lập trường mácxít, Hồ Chí Minh nhận thức rõ nguyên nhân sâu xa, chủ yếu nhất của tình trạng bất công, phi nhân tính trong xã hội thực dân là “vì một số ít người đã chiếm làm tư hữu những tư liệu sản xuất của xã hội”(3) và dùng nó để chiếm đoạt công sức lao động của người khác. Do vậy, để có cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân, các nước thuộc địa phải giành độc lập, tự do và xây dựng xã hội mới mà người dân có quyền làm chủ về mọi mặt của đời sống xã hội, được nắm quyền sở hữu tư liệu sản xuất, và đó chính là xã hội XHCN.

Theo Hồ Chí Minh, CBXH là một đặc trưng cơ bản, là mục tiêu và động lực của sự nghiệp xây dựng CNXH và xây dựng CNXH là phương thức và điều kiện tất yếu để thực hiện CBXH. “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình và hạnh phúc”(4). CBXH là việc giải quyết quan hệ phù hợp giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa cống hiến và hưởng thụ, nguyên tắc phân phối thực hiện CBXH chính là nguyên tắc phân phối theo lao động: “Phân phối phải theo mức lao động. Lao động nhiều thì phân phối nhiều, lao động ít thì phân phối ít. Lao động khó thì được phân phối nhiều, lao động dễ thì được phân phối ít”(5). Nguyên tắc phân phối này là điều kiện để bảo đảm cho mọi người có thể phát huy tối đa năng lực cống hiến cho xã hội mà trước tiên là cho bản thân và gia đình. Thực hiện phân phối công bằng sẽ khơi nguồn hứng khởi, kích thích tính sáng tạo của người lao động, giúp họ luôn hăng say, tích cực tạo ra nhiều của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Việc thực hiện CBXH tạo nên sự hài hòa, thống nhất trong tương quan lợi ích, quy tụ lòng người; tạo nên sự đồng thuận xã hội cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Đề cao CBXH, Hồ Chí Minh cũng phê phán tư tưởng cào bằng, bình quân chủ nghĩa. Theo Người, bình quân chủ nghĩa sẽ triệt tiêu động lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trái với bản chất của chủ nghĩa xã hội: Không nên có tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ cũng công điểm như nhau, đó là chủ nghĩa bình quân, phải tránh chủ nghĩa bình quân(6).

Để thực hiện CBXH, Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải ra sức phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm, lại phải phân phối cho công bằng, hợp lý, từng bước cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khỏe và giải trí cho nhân dân”(7).

Mặt khác, theo Người, thực hiện CBXH ở Việt Nam phải có sự quan tâm đặc biệt các đối tượng có công với cách mạng để họ có cuộc sống ổn định. Trong Di chúc, Người căn dặn, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Đối với những người dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình,... Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm cách lo cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn,... Đối với cha, mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét(8). CBXH cũng đòi hỏi phải giảm dần sự cách biệt giữa các vùng, miền trong cả nước, phải chú ý xem xét khi phân phối nguồn lực đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, nhằm giảm bớt sự mất cân đối giữa vùng phát triển và chậm phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về CBXH có giá trị khoa học và nhân bản sâu sắc, là sự kế thừa và phát triển những tư tưởng tiến bộ về CBXH, dưới ánh sáng thế giới quan phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và những giá trị căn cốt của truyền thống văn hóa và đạo lý dân tộc, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, là cơ sở, kim chỉ nam cho hoạt động cách mạng của toàn Đảng và toàn dân ta trong công cuộc xây dựng xã hội mới, công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện công bằng xã hội thời kỳ đổi mới

Tại Đại hội VI, Đảng ta quyết định chuyển từ cơ chế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phát triển theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, CBXH đối với các thành phần kinh tế; Đảng ta chủ trương khắc phục tình trạng phân phối bình quân, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động và hiệu quả kinh tế: “Việc thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động đòi hỏi sửa đổi một cách căn bản chế độ tiền lương theo hướng bảo đảm yêu cầu tái sản xuất sức lao động, khắc phục tình trạng bình quân, xóa bỏ từng bước phần cung cấp còn lại trong chế độ tiền lương, áp dụng các hình thức trả lương gắn chặt với kết quả lao động và hiệu quả kinh tế”(9).Thực hiện “xóa bỏ những thành kiến thiên lệch trong sự đánh giá, đối xử với người lao động thuộc các thành phần kinh tế khác nhau”(10). Đây là chủ trương hết sức phù hợp nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ra sức đầu tư phát triển, yên tâm làm ăn lâu dài, hợp pháp, có lợi cho quốc kế dân sinh.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc đề cao phát triển kinh tế, song hành với thực thi CBXH, thiết lập quan hệ thống nhất giữa tăng trưởng kinh tế và CBXH của Đại hội VIII, Đảng khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển”(11), mỗi bước phát triển kinh tế phải gắn liền với việc giải quyết những vấn đề xã hội; mỗi thành quả tăng trưởng kinh tế phải được tính toán hợp lý, vừa tái đầu tư cho phát triển kinh tế, vừa đầu tư cho phát triển xã hội, tạo sự phát triển ổn định và bền vững.

Bên cạnh việc thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động và hiệu quả kinh tế trong phát triển kinh tế và thực thi CBXH, Đảng ta còn thực hiện nguyên tắc phân phối thông qua “phúc lợi xã hội”; phát triển giáo dục, văn hóa, y tế; giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển”(12).

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về CBXH, qua tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, trong thời kỳ đổi mới Đảng ta đã có nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về CBXH.

CBXH là bản chất, mục tiêu và động lực của CNXH, CBXH gắn liền với truyền thống đạo lý và khát vọng của dân tộc, là sự kết nối và phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

CBXH là sự tương xứng giữa cống hiến và hưởng thụ của các cá nhân, nhóm xã hội trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, lĩnh vực kinh tế đóng vai trò chủ đạo. CBXH được thực hiện trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế làm chủ yếu, kết hợp với các hình thức phân phối theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

CBXH được thực hiện gắn liền với tăng trưởng kinh tế trong từng bước và cả quá trình phát triển. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện để thực hiện CBXH và ngược lại, thực hiện CBXH là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam, thực hiện CBXH đòi hỏi phải tính đến những đối tượng đặc thù như những đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, đòi hỏi phải được đãi ngộ xứng đáng.

CBXH tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình trong quá trình cống hiến và hưởng thụ, CBXH gắn với việc phát huy nguồn lực con người toàn diện.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng vào thực hiện CBXH, đến nay, nước ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng:

Thứ nhất, đã tạo được môi trường và điều kiện pháp lý lành mạnh, tích cực, phát huy tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh tế, khuyến khích làm giàu hợp pháp; mọi người dân được chủ động trong việc tìm kiếm việc làm, gia tăng thu nhập, lựa chọn cơ hội đầu tư, phát triển vì lợi ích của mình và của toàn xã hội. Các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng, ngày càng nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò, sức mạnh của mình. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể tạo thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Thành phần kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển. Môi trường cạnh tranh bình đẳng của các thành phần kinh tế đã tạo điều kiện khai thông các nguồn lực, thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh và liên tục nhiều năm. Năm 2011, tăng trưởng GDP đạt 6,24%. Năm 2012, mặc dù bị ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu cùng với chính sách thắt chặt tài khoá và tiền tệ trong nước để kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý 5,25%. Năm 2013, tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra(13).

Thứ hai, bảo đảm phân phối các nguồn lực và phân phối thu nhập theo nguyên tắc công bằng. Đảng và Nhà nước ta lựa chọn phương án tối ưu để thúc đẩy tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế và khuyến khích đầu tư phát triển vùng; tạo lập những khu vực phát triển “đầu tàu”, đồng thời luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các vùng khó khăn, các vùng dân tộc và miền núi nhằm thu hẹp khoảng cách về mọi mặt giữa nông thôn và thành thị, miền núi và miền xuôi. Chương trình 135 giai đoạn II 2006 - 2010 đã đạt kết quả đáng ghi nhận: tổng kinh phí đầu tư cho 1.848 xã đặc biệt khó khăn và 3.274 thôn bản đặc biệt khó khăn là 14.024,7 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, các xã thuộc Chương trình 135 đã giảm 2% - 3% hộ nghèo(14).

Thứ ba, chú trọng giải quyết các chính sách xã hội bảo đảm CBXH. Hiện nay, tỷ trọng đầu tư ngân sách nhà nước cho chính sách xã hội đạt trên 28%. Chúng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, nhất là đào tạo nghề, hỗ trợ tín dụng. Trong 3 năm, (2010 - 2013), có khoảng 4,6 triệu người thất nghiệp có việc làm, trong đó xuất khẩu lao động 253 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị luôn ở mức dưới 4%(15).

Từng bước đổi mới chính sách tiền lương. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng dần, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 còn 7,8% vào cuối năm 2013.

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và hỗ trợ các đối tượng chính sách. Trên 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Số người hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tăng từ 1,7 triệu cuối năm 2010 lên trên 2,5 triệu năm 2013(16).  Thực hiện tốt công tác cứu trợ đột xuất và khắc phục hậu quả thiên tai. Mạng lưới và cơ sở vật chất kỹ thuật y tế tiếp tục phát triển. Chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh được nâng lên.

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu, song việc thực hiện CBXH ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức:

Sự phân hóa giàu nghèo của các tầng lớp dân cư, vùng, miền tăng nhanh. Khoảng cách về thu nhập giữa nhóm có thu nhập cao nhất so với nhóm thu nhập thấp nhất năm 2002 là 8,1 lần, năm 2012 tăng lên 9,4 lần. Sự chênh lệch thu nhập giữa vùng nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng ngày càng rõ rệt và có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2011, thu nhập bình quân đầu người ở thủ đô Hà Nội khoảng hơn 2 nghìn USD, Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 3 nghìn USD, Cần Thơ khoảng 2.350 USD. Riêng Bà Rịa - Vũng Tàu, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đã đạt 5.800 USD, cao hơn gần 5 lần bình quân cả nước cùng thời điểm. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Nam Định khoảng 900 USD, Bắc Kạn khoảng hơn 700 USD, Quảng Ngãi hơn 400 USD, Hà Giang dưới 300 USD(17).

Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Năm 2012, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm nhẹ so với năm 2011 nhưng tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước, từ 34,6% (năm 2010) tăng lên 35,8% (năm 2011) và 36,6% (năm 2012)(18). Năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-24 trong 9 tháng là 5,97%, trong đó khu vực thành thị là 10,79%, tăng 1,27%, khu vực nông thôn là 4,49%, tăng 0,05% (so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 25 tuổi trở lên trong 9 tháng năm 2013 là 1,29%, trong đó khu vực thành thị là 2,45%, khu vực nông thôn là 0,77% (19).

Tham nhũng, lãng phí gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Việc xây dựng cơ chế quản lý, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế. Tham nhũng, lãng phí được phát hiện ở rất nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều vụ tham nhũng lên đến hàng trăm tỷ đổng. Trong báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ VI, khóa XIII, (21-10-2013), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong gần 3 năm, qua thanh tra đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng; đặc biệt phải kể đến một số vụ án “đại tham nhũng” điển hình như: vụ án tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank; Ngân hàng ACB liên quan Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên); Tập đoàn Vinashin v.v.(20).

3. Một số giải pháp cơ bản thực hiện công bằng xã hội ở nước ta thời gian tới

Một là, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Đảng phải không ngừng nâng cao trình độ, trí tuệ và năng lực lãnh đạo, trước tiên và quan trọng nhất là nâng cao năng lực hoạch định chủ trương, đường lối khoa học, đúng đắn. Mỗi cán bộ đảng viên phải ra sức học tập, rèn luyện, gắn bó với nhân dân; không ngừng mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Nhà nước cần tích cực xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện CBXH; xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ nhà nước.

Hai là, đổi mới và hoàn thiện các chính sách kinh tế và chính sách xã hội. Đổi mới chính sách phát triển kinh tế phải bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong công bằng, hướng vào giải phóng triệt để năng lực sản xuất, đẩy mạnh tự do hóa sức lao động, phát huy tối đa tiềm năng nguồn nhân lực. Cùng với đổi mới chính sách kinh tế, chính sách xã hội cũng phải được đổi mới, tạo nền tảng ổn định và động lực cho tăng trưởng kinh tế. Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và phù hợp với khả năng của nền kinh tế. Chính sách xã hội phải chú trọng giải quyết việc làm, chống thất nghiệp, tạo điều kiện cho mọi người được làm việc trong môi trường an toàn; bảo đảm công bằng trong phân phối tiền lương và thu nhập; bảo đảm phân tầng xã hội tích cực, không làm gia tăng quá đáng mức độ chênh lệch về thu nhập giữa các vùng, các nhóm dân cư; tăng trưởng phải gắn với xóa đói, giảm nghèo, mọi người, nhất là người nghèo, đều được hưởng lợi từ thành quả của tăng trưởng kinh tế. Có như vậy hệ thống chính sách kinh tế và chính sách xã hội mới vận động tương thích, không ngừng phát huy hiệu quả trong quản lý và điều tiết xã hội, bảo đảm CBXH trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển ở nước ta.

Ba là, phát huy dân chủ xã hội, kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng trong xã hội, đặc biệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người làm công tác quản lý v.v.. 

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2015

(1), (3), Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.219, 203.

(2), (4), (7) Sđd,t.1, tr.75, 461, 482.

(5) Sđd, t.12, tr.185.

(6) Sđd, t.10, tr.410.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.616.

(9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI,Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.72, 61.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996,tr. 113.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.227.

(13), (18), (19) http://www.chinhphu.vn

(14) Mai Ngọc Cường: Một số vấn đề cơ bản về chính sách xã hội ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.88.

(15), (16) http://baodientu.chinhphu.vn

(17) http://laodong.com.vn: “Chênh lệch thu nhập tại Việt Nam đang tăng”.

(20) Báo Công an nhân dân Thành phố Hồ Chí Minhđiện tử, ngày 22-10-2013.

 

ThS Nguyễn Hồng Sơn

Đại học Kinh tế Quốc dân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền