Trang chủ    Thực tiễn    Xóa đói giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo - thành tựu, thách thức và giải pháp
Thứ tư, 27 Tháng 1 2016 11:08
29575 Lượt xem

Xóa đói giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo - thành tựu, thách thức và giải pháp

(LLCT) - Trong mọi hoàn cảnh, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội. Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, với nhiều chương trình dự án, đặc biệt là thực hiện Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong cả nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

1. Những kết quả đạt được

Theo Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam năm 2012 của Ngân hàng thế giới (WB), hơn 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo trong hai thập kỷ qua. Nghèo đói ở Việt Nam đã giảm nhanh chóng từ 60% hồi đầu những năm 1990 xuống còn 20,7%; tỷ lệ nhập học tiểu học và trung học cơ sở là hơn 90% và 70%.

Theo đánh giá của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), Việt Nam là một trong những nước đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) trong giai đoạn 2010-2012, và đã đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 1 (MDG1), hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015.

Thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020, Bộ Lao động – thương binh xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành gồm 153 văn bản, tập trung vào 6 nhóm chính sách chủ yếu: tín dụng ưu đãi; giáo dục - đào tạo; y tế; nhà ở; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ sinh kế; trợ giúp pháp lý. Qua rà soát, hiện có 149 văn bản còn hiệu lực, trong đó có 20 văn bản được đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế và 28 văn bản được đề xuất ban hành mới. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Trung ương còn thực hiện sửa đổi, bổ sung các chính sách và dự kiến ban hành các chính sách mới đồng thời tích hợp các chính sách giảm nghèo như hỗ trợ học sinh bán trú nghèo dân tộc thiểu số, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ tiền điện, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế.

Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm. Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo chung và chính sách giảm nghèo đặc thù tiếp tục được triển khai. Năm 2014, ngân sách đã chi khoảng gần 13 nghìn tỷ đồng để mua cấp thẻ BHYT cho các đối tượng, trong đó gần 10 triệu người nghèo và cận nghèo được hỗ trợ thẻ BHYT; gần 2 triệu lượt học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí, hỗ trợ học bán trú, hỗ trợ chi phí học tập với số tiền hơn 7 nghìn tỷ đồng; Ngân hàng chính sách xã hội đã cho hơn 400 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn sản xuất, xuất khẩu lao động, hơn 60 nghìn học sinh nghèo được vay vốn học tập... Các chính sách giảm nghèo đối với các xã trên địa bàn huyện nghèo theo Nghị quyết 30a tiếp tục được thực hiện. 

Về nguồn lực cho giảm nghèo, Nhà nước ưu tiên tập trung cao nhất từ ngân sách cho các huyện nghèo, xã nghèo và người nghèo nhằm đạt mục tiêu đề ra. Trong năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương bố trí hơn 6 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài các doanh nghiệp đã nhận hỗ trợ các huyện theo cam kết, năm 2014, đã có thêm Tổng Công ty Hoá chất và Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội nhận hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và Hà Giang.

Theo báo cáo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm nhanh ở tất cả các địa phương. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo là 5,97%, cuối năm 2015 còn dưới 5%. Đối với các xã nghèo thuộc diện 30a, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 28%.

Như vậy, sau 5 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo quốc gia, Việt Nam đã đạt được mục tiêu đề ra và được thế giới đánh giá là 1 trong 6 quốc gia hoàn thành mục tiêu trước thời hạn và là điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

2. Những thách thức mới

Tuy đạt được những thành tích đáng mừng nhưng công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức trong quá trình thực hiện như giảm nghèo chưa đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn cao; giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo ở một số nơi còn cao; chính sách còn chồng chéo, nguồn lực còn đầu tư dàn trải… “Hiện nay, khu vực rốn nghèo vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tôc thiểu số. Nếu nhìn tốc độ giảm nghèo trong 5 năm thì đây lại là vùng có tốc độ giảm nhanh nhất, mỗi năm khoảng 10%. Song, do khoảng cách nghèo quá lớn so với các vùng khác nên những vùng này vẫn còn khoảng 40-50% hộ nghèo. Cá biệt có một huyện hộ nghèo còn trên 60%, có 7 huyện nghèo hộ nghèo chiếm từ 50-60%..."

Phần lớn những người nghèo còn lại sống ở vùng nông thôn xa xôi, hạn chế về tài sản, trình độ học vấn và điều kiện sức khỏe.

Người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao. Đồng bào các dân tộc thiểu số chỉ chiếm gần 15% dân số cả nước nhưng chiếm tới 47% tổng số người nghèo năm 2010, so với 29% năm 1998.

Người nghèo ngày khó tiếp cận với các điều kiện giảm nghèo chung do không theo kịp tốc độ gia tăng của các điều kiện giảm nghèo, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số.

Tình trạng chính sách chồng chéo, khó thực hiện, hoặc có chính sách mà không cân đối được nguồn lực để thực hiện; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, tình trạng huy động nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, sử dụng nguồn lực hiệu quả chưa cao, có nơi chưa dành ưu tiên cho công tác giảm nghèo hoặc trông chờ, ỷ lại và ngân sách Trung ương.

Một hạn chế lớn nữa là có nơi, có lúc nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ về công tác xóa đói giảm nghèo chưa đúng mức, trách nhiệm chưa cao, thiếu quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh những thách thức giảm nghèo bền vững là một số thách thức mới như: Bất ổn vĩ mô ngày càng tăng khiến cho tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại; nghèo tại khu vực thành thị gia tăng do tốc độ đô thị hóa nhanh khiến người dân gặp khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi và nguy cơ tái nghèo mới ở khu vực nông thôn, ven biển…

3. Phương hướng và giải pháp

Trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, cả nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững. Quốc hội thông qua Nghị quyết về hai Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới (giảm từ 16 Chương trình xuống còn 2 Chương trình mục tiêu) để dành nguồn lực đầu tư tập trung, bảo đảm giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo.

Mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm (theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020); tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo như y tế, giáo dục, điều kiện sống cơ bản, thông tin, bảo hiểm, trợ giúp xã hội...

Theo đó, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ phê duyệt, về thu nhập là 700 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn; 900 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Với mức thu nhập này, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ vào khoảng 12% và tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6%.

Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước; ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản khó khăn.

Kinh phí thực hiện chương trình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tối thiểu là 46.161 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương là 41.449 tỷ đồng và 4.712 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Để đảm giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cầntriển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp cơ bản:

Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước; phải coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền.

Thứ hai, tập trung rà soát chính sách để loại bỏ những điểm không còn phù hợp và bổ sung những chính sách mới, phù hợp. Các chính sách sửa đổi, bổ sung phải hướng vào hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hỗ trợ sản xuất tập trung vào hỗ trợ trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc; giao đất, giao rừng cho người dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng, điều chỉnh các chính sách về giữ rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ lương thực, giống, khuyến nông, đào tạo nghề, lãi suất cho vay phát triển sản xuất; hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn và thu hút lao động tại chỗ gắn với hỗ trợ đào tạo nghề thông qua doanh nghiệp.

Hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, bảo hiểm y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Thứ ba, huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo và thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Cùng với nguồn đầu tư từ ngân sách, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng; khuyến khích sự nỗ lực của người nghèo, hộ nghèo.

Ngân hàng Chính sách xã hội tăng thêm dư nợ tín dụng người nghèo so với chỉ tiêu 10% hiện nay để tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ tín dụng chính sách; bảo đảm mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Thứ tư, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 tổng kết, đánh giá chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 và xây dựng Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với những tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn, gắn với việc xây dựng, ban hành và thực hiện chuẩn nghèo mới. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc trong thời gian tới.

 _________________                                                          

Tài liệu tham khảo

1. Ngân hàng Thế giới: Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam 2012: “Khởi đầu tốt, nhưng chưa phải đã hoàn thành: thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và những thách thức mới”.

2. “FAO vinh danh Việt Nam về thành tích xóa đói giảm nghèo”, báo Tuổi trẻ Online.

3. “Thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo: Thành tựu ấn tượng nhưng còn nhiều thách thức”, báo Quân đội Nhân dân.

4. “Những kết quả xóa đói giảm nghèo trên thế giới và bài học kinh nghiệm”, Đại học Kinh tế Quốc dân.

5. “Chương trình xoá đói giảm nghèo: Kinh nghiệm từ Braxin”, theo Sài Gòn tiếp thị Online.

 

 Ngô Thị Quang

                                                                  Đại học Nông lâm Thái Nguyên

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền