Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy vai trò của thanh niên trong bảo tồn và xây dựng văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa
Thứ năm, 28 Tháng 1 2016 09:18
9783 Lượt xem

Phát huy vai trò của thanh niên trong bảo tồn và xây dựng văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa

(LLCT) - Thanh niên đóng một vai trò quan trọng, là lực lượng tiên phong trong các hoạt động văn hóa - xã hội; với vị trí là thế hệ tiếp bước, kế thừa, phát huy, thanh niên có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn, xây dựng văn hóa.

1. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, rất phong phú và phức tạp. Do đó, cho đến nay chưa có một khái niệm thống nhất về văn hóa. Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng: “Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn xã hội - lịch sử, tiêu biểu cho trình độ đạt được trong lịch sử xã hội”(1).

Trong tuyên bố về những chính sách văn hóa, Hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì từ ngày 26-7 đến 6-8-1982 tại Mêhicô đã thống nhất đưa ra khái niệm về văn hóa: “Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng. Chính văn hóa đã làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân”(2).

Trong quá trình lãnh đạo cac mạng Việt Nam, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa luôn được bổ sung và ngày càng hoàn thiện.

Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) xác định “văn hóa là một trong ba mặt trận mà người cộng sản phải quan tâm”; Đại hội IV (1976) chỉ rõ “một trong ba cuộc cách mạng phải tiến hành đồng thời”; Hội nghị Trung ương 7 khóa VII (1994)  khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội”; Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII chỉ rõ “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội”. Đến Hội nghị Trung ương 10 khóa IX, Đảng khẳng định “Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa- nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ cả ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định để bảo đảm cho sự phát triển toàn diện bền vững của đất nước” và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 chỉ rõ “Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Tựu chung lại, văn hóa biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức mạnh tiềm tàng và vị thế, tầm vóc dân tộc. Thực tế đã chứng minh, một quốc gia muốn phát triển bền vững, ngoài dựa vào các “yếu tố cứng” như tài nguyên thiên nhiên, tiền vốn, cơ sở vật chất,…thì cần phải biết tận dụng, khai thác “yếu tố mềm”, đó chính là nguồn nhân lực con người-cụ thể ở đây là thanh niên với vai trò là nhân cách văn hóa năng động, sáng tạo nhất, đóng góp quyết định nhất đến sự hùng mạnh, phồn vinh của xã hội. Hay nói cách khác, văn hóa là một “nguồn lực mềm” làm động lực và đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển và làm “hài hòa hóa” các mối quan hệ xã hội và “lành mạnh hóa” môi trường xã hội.

Như vậy, văn hóa là tổng hòa tất cả các khía cạnh trong đời sống con người, ngay cả những khía cạnh nhỏ nhặt nhất cuộc sống cũng đều mang những thành tố văn hóa. Văn hóa là toàn bộ những sáng tạo của con người trong lịch sử, nhằm phục vụ nhu cầu sinh tồn của con người. Con người vừa là chủ thể văn hóa, đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa.

Văn hóa được hình thành và phát triển trong quan hệ thích nghi giữa con người với tự nhiên và trong mối quan hệ giữa con người với con người. Trong mối quan hệ giữa con người với con người, văn hóa không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ giữa cá nhân với gia đình, trong cộng đồng từng dân tộc mà còn mở rộng ra trong mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, do đó, luôn có sự tiếp xúc, giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa nền văn hóa bản địa với những nền văn hóa khác.

2. Trong mối quan hệ người - người đó, thanh niên đóng một vai trò quan trọng, là lực lượng tiên phong trong các hoạt động, trong đó có các hoạt động văn hóa-xã hội; với vị trí là thế hệ tiếp bước, kếthừa, phát huy, thanh niên có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn, xây dựng văn hóa.

Đặc biệt hiện nay, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ mang tính bùng nổ của khoa học công nghệ, các phương tiện thông tin ngày càng đa dạng, phong phú, đặc biệt là sự phát triển của internet; Việt Nam đang đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng để phát triển, điều đó đồng nghĩa với việc hội nhập, giao thoa văn hóa. Những giá trị văn hóa từ nước ngoài xâm nhập, tác động đến đời sống văn hóa truyền thống Việt Nam. Xu thế toàn cầu hóa với sự phổ biến các giá trị văn hóa phương Tây trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, tác động tiêu cực vào nhận thức và lối sống, làm xói mòn các giá trị xã hội truyền thống, ảnh hưởng trực tiếp đến thanh niên. Những sự thay đổi đó tác động mạnh mẽ đến văn hóa dân tộc, đặt ra những thách thức to lớn đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các quốc gia dân tộc. Đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất chính là thanh niên, bởi họ là những người năng động và rất nhạy bén trong việc tiếp thu các loại hình văn hóa. Thanh niên là đối tượng dễ tiếp thu văn hóa từ đó dễ thay đổi nếp sống văn hóa đã có sẵn, vì vậy có thể nói thanh niên giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và xây dựng nếp sống văn hóa. Nếp sống sinh hoạt văn hóa của thanh niên có sự thay đổi mạnh. Điều dễ nhận thấy nhất đó là phong cách nói năng, ăn mặc, đi lại, cách ứng xử, xã giao, quan hệ gia đình, bạn bè…của thanh niên ảnh hưởng của văn hóa công nghiệp và các nước khác, nó diễn ra rất phổ biến.

Thực tế hội nhập quốc tế là xu thếtất yếu, nó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng mặt tích cực cũng luôn tiềm ẩn những thách thức, tiêu cực, đặt ra yêu cầu trong giao lưu với các nền văn hóa trên thếgiới cần dựa trên cơ sở nền tảng là văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc;  phân biệt giữa những giá trị văn hóa văn minh, tiến bộ, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc với những giá trị không phù hợp. Ở đây cần phát huy những kinh nghiệm từ truyền thống dân tộc qua hàng nghìn năm dưới ách đô hộ của ngoại xâm mà cha ông ta chỉ “tiếp biến văn hóa”. Đó là sự tiếp thu những yếu tố văn hóa, những hạt nhân hợp lý và thay đổi, cải biến cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, truyền thống văn hóa dân tộc. Đây là cách thức rất sáng tạo mà nhân dân ta đã áp dụng trong suốt quá trình giao lưu văn hóa để đến hôm nay chúng ta có một nền văn hóa rất đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc.

3. Trong bối cảnh hiện nay, để phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng nền văn hóa gặp không ít khó khăn, đó là: Một bộ phận không nhỏ thanh niên chưa nhận thức thực sự đầy đủ và đúng đắn về văn hóa truyền thống. Để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập tác động đến văn hóa và phát huy vai trò thanh niên Việt Nam trong bảo tồn giá trị truyền thống, xây dựng văn hóa Việt Nam, cần thực hiện một số nội dung sau.

Một là, tăng cường truyền bá, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tri thức về văn hóa dân tộc trong xã hội, trọng tâm là thanh niên từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Trên cơ sở hiểu biết những cái hay, cái đẹp, những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa truyền thống, nâng lên thành niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hành động của tuổi trẻ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó.

Lãnh đạo thực hiện tốt công tác văn hóa thông tin, bảo đảmđịnh hướng, dẫn đường đối với xã hội. Đa dạng hóa công tác truyền bá văn hóa, phổ biến sâu rộngcác giá trị văn hóa truyền thống qua cácphương tiện, cáchthức,nhưthông qua các kỳ sinh hoạt đoàn, đội, hội, các hoạt động về nguồn, tham quanbảo tàng, di tích lịch sử, qua các cuộc thi tìm hiểu, dã ngoại,tổ chức tham quan các di tích lịch sử và về nguồn...

Hai là, cần xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách về phát triển đời sống văn hóa cho thanh niên. Thực hiện phương châm gắn tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển, trong từng chiến lược, kế hoạch; nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho thanh niên, bảo đảm phát triển văn hóa nâng cao chất lượng cuộc sống của thanh niên, bảo vệ môi trường sinh thái - nhân văn.

Tăng cường đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa ở cơ sở như nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, điểm vui chơi, giải trí, xây dựng tủ sách truyền thống, phòng lưu niệm,… để thanh niên có điều kiện học tập, tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc.

Ba là,phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong các nhiệm vụ, hành động cụ thể, thiết thực. Đổi mới nội dung hoạt động của Đoàn, đẩy mạnh các phong trào thanh niên, chú trọng phát huy vai trò của đoàn viên trong xây dựng cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa. Cụ thể hóa việc phát huy vai trò của thanh niên đối với xây dựng văn hóa bằng những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực là xây dựng, phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư, xóm làng và địa phương. Đóng góp xây dựng địa phương vững mạnh toàn diện. Sự cộng hưởng từ những việc làm cụ thể, thiết thực của mỗi cá nhân, tổ chức sẽ trực tiếp quyết định việc giữ gìn bản sắc dân tộc, xây dựng văn hóa.

Bốn là, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực về văn hóa. Chủ động theo dõi và kịp thời nắm bắt, uốn nắn và xử lý các biểu hiện lệch lạc trong việc tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa. Có các biện pháp, cách thức đấu tranh kiên quyết với các hiện tượng phản văn hóa. Nâng cao ý thức trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và miễn dịch với các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa.

Năm là, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa. Tăng cường và đổi mới việc tổ chức những đợt sinh hoạt truyền thống sinh động nhân các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm, giao lưu gặp gỡ với các chứng nhân lịch sử, kể chuyện hoặc đối thoại với thanh niên; lôi cuốn thanh niên tham gia sưu tầm, ghi chép lịch sử địa phương, đơn vị, lịch sử đảng, đoàn thể ở địa phương đơn vị, sự nghiệp và cống hiến những nhân vật lịch sử, các vị Anh hùng,... để thanh niên có điều kiện giao lưu, học hỏi các thế hệ cha anh.

_________________       

(1) (2) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Khoa Văn hóa Xã hội chủ nghĩa: Giáo trình lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2000,tr. 507, 23-24.

                                     Nguyễn Thị Minh Hiền

                        Đại học Sư phạm Thái Nguyên

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền