Trang chủ    Thực tiễn    Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hiện nay
Thứ tư, 16 Tháng 3 2016 16:03
24050 Lượt xem

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, từng bước hội nhập khu vực và thế giới. Trong thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng, trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế đất nước. Cùng với nhiều tác động tích cực tới kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước, FDI cũng có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế: ảnh hưởng đến lượng ngoại hối, giảm đóng góp vào nguồn thu thuế; có khi biệt lập với các ngành sản xuất trong nước, do đó không có những hiệu ứng lan truyền có lợi về phổ biến công nghệ sản xuất, quản lý và marketing; có thể đẩy các nhà sản xuất trong nước vào cuộc cạnh tranh không cân sức; có nguy cơ bị biến thành bãi rác công nghiệp.

Thực trạng này đặt ra cho Việt Nam những bài toán lớn từ vấn đề luật pháp, chính sách, quy hoạch lãnh thổ, ngành nghề, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, công tác giải phóng mặt bằng, phân cấp trong quản lý FDI, môi trường... để khai thác lợi thế cũng như hạn chế những tác động tiêu cực của FDI khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

1. Một số kết quả đạt được

FDI là nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Từ năm 1988 (Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực) đến ngày 31-10-2014, tổng vốn đăng ký FDI đạt 230 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 130 tỷ USD, chiếm 56,5% vốn đăng ký (trong đó có khoảng 20% vốn của Việt Nam)(1). FDI có nhiều ưu thế trong huy động và tạo ra các tác động tích cực đối với việc huy động các nguồn vốn khác (như: ODA...), đồng thời kích thích thu hút vốn đầu tư trong nước. Qua gần 30 năm, đến nay, FDI đã phân bố khắp cả nước. Nguồn vốn đó chủ yếu đến từ các nước châu Á như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Xinhgapo (chiếm 70,6%). Các nước châu Âu như Đức, Pháp, Anh (chiếm 8,8%), châu Mỹ gồm Mỹ, Canađa (chiếm 7,7%), Ôxtrâylia (chiếm 2,7%), còn lại là các đối tác khác. Hằng năm, bình quân vốn FDI thực hiện chiếm khoảng 25% vốn đầu tư xã hội. Đây là nguồn vốn quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế.

FDI tạo cơ hội tiếp cận khoa học - công nghệ, trở thành động lực phát triển kinh tế trình độ cao. Khoảng cách phát triển khoa học - công nghệ giữa Việt Nam với các nước công nghiệp phát triển còn lớn. FDI tạo cơ hội cho Việt Nam có thể tiếp thu kỹ thuật - công nghệ hiện đại từ các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, khu vực FDI kích thích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm với giá cả cạnh tranh.

FDI thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế mới ra đời và phát triển: dầu khí, công nghệ thông tin, hóa chất, ô tô, xe máy, thép, điện tử và điện tử gia dụng, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may... FDI thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật - công nghệ ở nhiều ngành kinh tế, góp phần tăng năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu tỷ trọng các ngành trong nền kinh tế.

Khu vực FDI tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế và định  hướng công nghiệp hoá. Giai đoạn 2000 - 2010, tỷ trọng khu vực FDI trong cơ cấu kinh tế tăng 5,4%, trong khi khu vực nhà nước và khu vực tư nhân giảm tương ứng.

Khu vực FDI chiếm khoảng 45%tổng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế: viễn thông, dầu khí, điện tử, hóa chất, ô tô, xe máy, công nghệ thông tin, thép,
xi măng, chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may... Các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành công nghệ cao: khai thác dầu khí, điện tử, viễn thông, thiết bị văn phòng, máy tính...

FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu và tiếp thu một số công nghệ tiên tiến, giống cây, giống con có năng suất, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, tỷ trọng FDI chiếm chưa đến 3% giá trị sản lượng của khu vực nông nghiệp.

FDI nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và kiểm toán với các phương thức hiện đại trong thanh toán, tín dụng, thẻ. FDI trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, văn phòng cho thuê đã làm thay đổi diện mạo của một số đô thị lớn và các vùng ven biển. Nhiều khu vui chơi giải trí như sân golf, bowling, vui chơi có thưởng tạo ra điều kiện hấp dẫn đối với nhà đầu tư và khách quốc tế.

Giáo dục, đào tạo, y tế tuy chưa thu hút được nhiều vốn FDI nhưng bước đầu đã hình thành một số cơ sở giáo dục có chất lượng cao; một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh hiện đại, phục vụ nhu cầu của một bộ phận dân cư có thu nhập cao và người nước ngoài tại Việt Nam.

Trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tỷ lệ tham gia của doanh nghiệp FDI cao hơn so với doanh nghiệp trong nước. Năm 2000: 19,78%/5%, 2004: 12,41%/3,43%; năm 2010: 10,9%/2,5%. Chi phí R&D trung bình cho một cán bộ khoa học - công nghệ trong doanh nghiệp FDI cao hơn mức trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2000: 135,69/103,36 triệu đồng; năm 2009: 1.340,34/190,75 triệu đồng.

FDI đóng góp vào GDP liên tục tăng. Năm 1992: 2%, 2000: 12,7%, 2006: 16,98%; 2011: 18,97%; 2014: 20%. So với trung bình của thế giới, khu vực FDI đóng góp vào GDP của Việt Nam cao hơn 9,4% .

Khu vực FDI nộp ngân sách tăng bình quân 24%/năm. Giai đoạn 2001-2005: 3,6 tỷ USD; 2006 - 2008: gần 5 tỷ USD, năm 2014 chiếm 20% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu).

Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI từ 27% (1995) tăng lên 47% (2000), 57,2% (2005) và tăng lên 67% (2014). Trong 10 tháng năm 2014, tổng giá trị ngoại thương Việt Nam đạt 244,27 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 123,07 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 121,2 tỷ USD, xuất siêu 1,87 tỷ USD, trong khi khu vực FDI xuất siêu 13,82 tỷ USD thì khu vực trong nước nhập siêu 11,95 tỷ USD.

Khu vực FDI đã tạo việc làm cho khoảng 2,8 triệu lao động trực tiếp và nhiều lao động gián tiếp, trong đó có hàng vạn công nhân lành nghề, kỹ sư và cán bộ quản lý có trình độ cao, góp phần phát triển đội ngũ lao động cả về số lượng và chất lượng để thực hiện CNH, HĐH đất nước.

2. Một số vấn đề đặt ra trong thu hút, sử dụng FDI hiện nay

Thứ nhất, chậm chuyển hướng chính sách thu hút FDI. Từ năm 2001, Đại hội IX của Đảng đã đề ra chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế quốc dân, trong đó có FDI. Tuy vậy, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư của FDI diễn ra chậm; các ưu tiên đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển không đạt được như dự kiến.

Thứ hai, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao (KKT, KCN, KCNC) phát triển nhanh ở nhiều địa phương nhưng có cơ cấu gần như nhau, không tạo ra lợi thế của sự khác biệt từng địa phương, từng vùng lãnh thổ.

Việc phát triển các KCN, KCNC, KKT trong thời gian qua đã đặt ra một số vấn đề cần giải quyết: chưa tính đến các yếu tố bảo đảm thành công, thậm chí được xây dựng theo phong trào; sử dụng lãng phí đất đai và vốn đầu tư; các vấn đề như: nhà ở, trường học, bệnh viện và các dịch vụ khác chưa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng lãnh thổ diễn ra chậm chạp, vẫn tập trung ở các vùng có điều kiện thuận lợi về hạ tầng và nguồn nhân lực; thị trường và đối tác FDI của Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nước châu Á. Đầu tư từ Hoa Kỳ, EU và những nước OECD khác vào Việt Nam còn rất khiêm tốn (so với FDI của các nước đó vào Thái Lan, Inđônêxia, Xinhgapo, Malaixia); máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn lao động; việc chuyển giao công nghệ, sáng chế phát minh, giải pháp kỹ thuật từ doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chưa tương xứng với vốn đầu tư, nhất là trong những ngành công nghệ cao như: công nghiệp điện tử, ô tô, xe máy.

Thứ ba, tình trạng chuyển giá đã được phát hiện trong những năm gần đây gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Hiện tượng “lỗ giả, lãi thực” còn phổ biến, không ít doanh nghiệp tuy công bố lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn tái đầu tư, mở rộng sản xuất.

Thứ tư, tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp FDI có xu hướng gia tăng do xung đột về lợi ích giữa chủ doanh nghiệp với người lao động. Một số chủ doanh nghiệp thiếu tôn trọng người lao động, kéo dài thời gian thử việc và thời gian làm việc vượt quá quy định của Bộ Luật Lao động, trả lương thấp, điều kiện sinh hoạt của người lao động không được quan tâm. Các tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp FDI chưa phát huy vai trò là người đại diện quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

3. Một số giải pháp, phương hướng

Một là, thu hút vốn FDI trong giai đoạn đến năm 2020 phải được điều chỉnh theo hướng chuyển từ thiên về số lượng sang chú trọng nhiều hơn đến hiệu quả thu hút và nâng cao chất lượng đầu tư, tận dụng tối đa nguồn FDI để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và hiệu quả, thực hiện nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cần có sự ưu tiên các dự án có công nghệ và dịch vụ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, ít phát thải khí cácbon và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần xây dựng “kinh tế xanh” và phát triển bền vững; tập trung thu hút FDI vào ngành, lĩnh vực ưu tiên về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp; hình thành chuỗi giá trị, mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh; phân loại các khu kinh tế, khu công nghiệp để xử lý trên nguyên tắc hiệu quả kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng lãng phí đất đai, đầu tư theo phong trào.

Hai là, sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi đối với các dự án FDI theo nguyên tắc không chỉ ưu đãi theo ngành, lĩnh vực mà gắn với vùng, lãnh thổ. Chính sách ưu đãi đặc biệt được áp dụng đối với dự án FDI lớn của các tập đoàn công nghệ cao, tạo ra tiềm lực và sức lan toả lớn trong từng sản phẩm, từng ngành kinh tế. Rà soát, sửa đổi, bổ sung thể thế và triển khai áp dụng hệ thống quy định, yêu cầu bắt buộc về công nghệ, chuyển giao công nghệ, thu hút, đào tạo kỹ năng cho người lao động. Hỗ trợ các hoạt động đầu tư có hiệu quả, đồng thời giảm thiểu những mặt hạn chế, tiêu cực như nhập khẩu nhiều nhưng chỉ tập trung vào gia công, lắp ráp và khai thác thị trường nội địa là chủ yếu; lợi dụng kẽ hở về chính sách, pháp luật để thực hiện chuyển giá, kê khai lỗ hoặc lợi nhuận thấp để chuyển lợi nhuận về nước, không có đóng góp hoặc đóng góp rất thấp cho nguồn ngân sách nhà nước của Việt Nam. Không tiếp nhận hoặc hạn chế những dự án sử dụng công nghệ thấp, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, sinh thái. Có các chính sách, quy định về thuế, phí, đất đai, quản lý ngoại hối... để thu hút, khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sử dụng đầu vào trong nước. Ban hành văn bản pháp quy nhằm điều chỉnh và quản lý thống nhất hoạt động xúc tiến đầu tư trên cả nước; xây dựng Chiến lược xúc tiến đầu tư điều phối tổng thể các hoạt động xúc tiến ở bình diện quốc gia; xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi vốn FDI giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Rà soát và sửa đổi, bổ sung quy chế phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài, bảo đảm tính chủ động của các địa phương nhưng cần gắn với trách nhiệm giải trình, hoàn thiện hệ thống chế tài để tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, điều chỉnh của các Bộ, cơ quan Trung ương trong trường hợp cần thiết.

Ba là, các tỉnh, thành phố cần quan tâm định hướng thu hút FDI, thực hiện tốt quyền lựa chọn nhà đầu tư và dự án FDI để thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vùng lãnh thổ và ngành kinh tế - kỹ thuật, thiết lập doanh nghiệp tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thu hút vốn FDI vào những ngành cần tăng tỷ trọng đầu tư như: kết cấu hạ tầng, nông nghiệp và nông thôn, tài chính, tín dụng, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng; tăng cường quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, đào tạo lao động và chuyển giao công nghệ.

Bốn là, về thị trường và đối tác, coi trọng các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi thu hút các Công ty xuyên quốc gia hàng đầu thế giới từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...; thực hiện phương thức kết hợp công - tư đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, áp dụng hình thức đầu tư mới, sáp nhập và mua lại.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015

(1) Báo Đầu tư, ngày 14-11-2014

ThS Ngô Văn Cương

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền