Trang chủ    Thực tiễn    Nữ trí thức và bình đẳng giới ở Việt Nam
Thứ hai, 25 Tháng 4 2016 10:29
7407 Lượt xem

Nữ trí thức và bình đẳng giới ở Việt Nam

(LLCT) Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nữ trí thức hát huy truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, là lực lượng lao động chất lượng cao, có nhiều đóng góp quan trọng đối với cộng đồng và xã hội. Cụ thể là đóng góp tích cực vào việc hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình khoa học, văn hóa, nghệ thuật có giá trị, nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao; góp phần từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. 

1. Bình đẳng giới và nữ trí thức ở Việt Nam hiện nay

Điều 5 Luật Bình đẳng giới (2006) ghi rõ: "Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó". Luật cũng quy định rõ nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Theo đó, mọi người dù nam hay nữ, với tư cách là các cá nhân đều có quyền bình đẳng và cần được tạo cơ hội để phát huy tiềm năng sẵn có của mình cũng như có quyền tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng trong quá trình phát triển chung, như: Tiếp cận và sử dụng các nguồn lực (tài chính, đất đai, thời gian, cơ hội...); tham gia quyết định những vấn đề liên quan tới việc sử dụng nguồn lực; tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; thụ hưởng những thành tựu của sự phát triển.

Bình đẳng giới là nữ và nam, trẻ em gái và trẻ em trai phải có cơ hội ngang nhau trong việc sử dụng các quyền của họ. Bình đẳng giới đòi hỏi các chương trình phát triển, các dịch vụ công và các dịch vụ xã hội phải được thiết kế bảo đảm đáp ứng được các nhu cầu nhiều mặt phù hợp với mức độ ưu tiên khác nhau của nữ và nam giới. Làm được như vậy thì sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ dẫn tới sự công bằng trong hưởng thụ các thành quả và mở ra cơ hội như nhau cho nữ và nam giới trong việc phát huy các tiềm năng cá nhân.

Nói bình đẳng giới không có nghĩa là chỉ đấu tranh giành quyền lợi cho phụ nữ mà là đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng của cả hai giới.

Tuy nhiên, còn có nhiều quan niệm sai lệch về bình đẳng giới, chẳng hạn: Quan niệm bình đẳng là số lượng nữ và nam tham gia vào các tổ chức phải ngang nhau.

Nhìn chung, đến nay sự bất bình đẳng chủ yếu xảy ra đối với nữ nên nhận thức bao trùm về bình đẳng giới là đòi quyền lợi cho nữ.

Nói cách khác, bình đẳng giới trong bối cảnh hiện nay chủ yếu là bảo đảm cơ hội bình đẳng của giới nữ, theo đó nữ trí thức có vị trí, vai trò quan trọng trong bình quyền.

2. Vai trò, vị thế của nữ trí thức trong bình đẳng giới

Thứ nhất, vai trò, vị thế của nữ trí thức và bình đẳng giới trong gia đình

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng,bình đẳng giới trong gia đình là mọi thành viên trong gia đình, trước hết là vợ và chồng,đều có vai trò, trách nhiệm và quyền lợi ngang nhau trong lao động, học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hưởng thụ văn hóa và tham gia các hoạt động xã hội.

Nói cách khác, bình đẳng giới trong gia đình có nghĩa là nữ và nam giới có vị trí như nhau và có cơ hội ngang nhau để phát triển. Mọi công việc trong gia đình đều được các thành viên, trước hết là vợ và chồng, cùng nhau chia sẻ và cùng nhau hưởng thụ thành quả. Vợ và chồng bình đẳng bàn bạc, quyết định và thực hiện công việc. Đặc biệt là chia sẻ công việc nội trợ và chăm sóc con cái.

Thực tế cho thấy, nữ trí thức có nhiều cơ hội để thể hiện được vai trò điều phối một cách thông minh cho chồng, con và các thành viên trong gia đình chia sẻ trách nhiệm đối với công việc nội trợ, chăm sóc gia đình để dành thời gian phấn đấu, học tập, lao động. Vì nữ trí thức có trình độ hiểu biết, được học tập, nghiên cứu nên nhạy cảm trong nắm bắt được tâm lý của chồng, người thân, khéo léo phân công công việc gia đình để vẫn chia sẻ trách nhiệm với gia đình trong vai người "giữ lửa" nhưng vẫn có thời gian nghiên cứu, học tập, tham gia hoạt động xã hội. Nữ trí thức có cơ hội tiếp cận việc làm có thu nhập, cùng chồng tạo lập kinh tế gia đình, có khả năng, điều kiện tiếp cận với các dịch vụ khoa học - công nghệ để giải phóng những vất vả trong công việc nội trợ như: mua sắm các thiết bị gia đình hiện đại để thay các việc bằng thủ công,... để có thêm thời gian cho công việc, thể hiện tốt vai trò kép "giỏi việc nước, đảm việc nhà".

Một lĩnh vực quan trọng đòi hỏi bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng phải cùng chia sẻ mọi vấn đề, kể cả vấn đề dân số - kế hoạch gia đình. Ở đây, vợ và chồng phải có bổn phận như nhau trong quyết định sinh con, số con và khoảng cách sinh. Cha mẹ tuyệt đối không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Ngay từ thuở thiếu thời, cha mẹ phải giáo dục con cái hiểu rõ và hành động theo tư tưởng bình đẳng giới.

Ở Việt Nam hiện nay, tình trạng sinh nhiều con chủ yếu rơi vào gia đình mà người vợ thiếu hiểu biết, không có tiếng nói trong gia đình, chồng và gia đình ép buộc sinh nhiều con, nhất là phải sinh được con trai.

Thực tế cho thấy, nữ trí thức có nhiều cơ hội để tiếp cận và hưởng thụ quyền chăm sóc sức khỏe hơn so với chị em có trình độ học vấn thấp, điều kiện khó khăn, nên chủ yếu chỉ sinh 1 hoặc 2 con. Nữ trí thức cũng chăm sóc con cái khoa học hơn, chăm lo sức khỏe, tạo điều kiện tốt cho con em học tập. Điều này sẽ là cống hiến vô giá của người mẹ là trí thức đối với xã hội.

Bình đẳng giới là không có bạo lực gia đình, vì nạn nhân của bạo hành chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), nêu các hành vi bạo lực gia đình gồm 4 nhóm sau:

Nhóm 1: Nhóm hành vi bạo lực về thể chất hay thể xác.

Nhóm 2: Nhóm hành vi bạo lực về tinh thần.

Nhóm 3: Nhóm hành vi bạo lực về kinh tế.

Nhóm 4: Nhóm hành vi bạo lực về tình dục.

Đảm bảo bình đẳng giới được coi là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống bạo lực gia đình. Các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng nguyên nhân dẫn đến bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái xuất phát từ định kiến giới, thói gia trưởng.

Trong thực tế, một số nữ trí thức cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình; hầu hết họ là nạn nhân của bạo lực về tinh thần. Bởi nhiều nữ thành đạt nhưng trình độ, vị trí xã hội của chồng không tương xứng; nên người chồng bị áp lực tâm lý từ phía gia đình, xã hội nên dễ tự ti, mặc cảm và tạo áp lực tâm lý, dễ phát sinh hành vi hành hạ tinh thần vợ để chứng minh vị thế trụ cột của mình.

Thứ hai, vai trò, vị thế của nữ trí thức vì bình đẳng giới trong xã hội

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nữ trí thức có đầy đủ phẩm chất của người trí thức Việt Nam gồm đức và tài, tạo thành phẩm chất. Phẩm chất của nữ trí thức còn thể hiện ở tư cách con người của phụ nữ, ở chất lượng cuộc sống, chất lượng nghiên cứu khoa học, cái làm nên giá trị chân chính của con người. Phẩm chất của  nữ trí thức còn là khẳng định trong xã hội là nữ trí thức và nam trí thức cùng có phẩm chất, có trí tuệ, có tinh thần độc lập trong tư duy.

Trong xã hội phong kiến, do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, nên việc học hành và thi cử không có chỗ dành cho người phụ nữ, vì quan niệm “nữ nhân nan hoá".

Ngược dòng lịch sử cũng ghi nhận, ở thời nhà Mạc có bà Nguyễn Thị Duệ đỗ đầu tiến sĩ là nữ tiến sĩ Nho học duy nhất Việt Nam ở thế kỷ XVI - XVII(1). Ngày nay, đội ngũ trí thức nữ Việt Nam ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Theo số liệu của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, năm 2013, tỷ lệ nữ có trình độ đại học trên toàn quốc chiếm 36,24%; thạc sĩ: 33,95%, tiến sĩ: 25,69%. Tỷ lệ nữ được phong danh hiệu phó giáo sư và giáo sư tăng đều qua từng giai đoạn(2). Chỉ tính trong 5 năm (2010-2015), có gần 600 nữ được phong danh hiệu phó giáo sư, giáo sư.

Tính từ năm 2011-2015, có 7,75% giáo sư là nữ, 24,64% phó giáo sư là nữ, tính chung: có 23,06% nữ giáo sư, phó giáo sư.

Năm 2014 trong số 644 nhà giáo được công nhận giáo sư, phó giáo sư có 3/59 nữ giáo sư(5,08%) và 138/585 nữ phó giáo sư (23,59%);

Năm 2015, có 129/522 giáo sư, phó giáo sư nữ được công nhận (24,9%), trong đó có 5 nữ giáo sư. Có 5 phó giáo sư là người dân tộc thiểu số: 1 dân tộc Hà Nhì và 4 dân tộc Tày; 4 nữ, 1 nam(3).

So sánh số liệu nữ được công nhận đủ tiêu chuẩn đạt chức danh phó giáo sư, giáo sư từ năm 2000 đến năm 2015 sẽ thấy rõ sự nỗ lực vươn lên của nữ trí thức Việt Nam:

Tỉ lệ % nữ được công nhận đủ tiêu chuẩn đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2000, 2007, 2013, 2014, 2015:

Học hàm

Năm được công nhận đạt chức danh/tỉ lệ % so với nam

 

2000

2007

2013

2014

2015

PGS

7,0

11,7

22,57

23.59

26,38

GS

4,3

5,1

5,26

5.08

9,62

(Nguồn: http://www.hdcdgsnn.gov.vn)

Sự hiện diện và đóng góp quan trọng của trí thức nữ trong sự nghiệp đổi mới và phát triển  đất nước của nữ trí thức Việt Nam, thể hiện trên các phương diện sau:

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nữ trí thức hát huy truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, là lực lượng lao động chất lượng cao, có nhiều đóng góp quan trọng đối với cộng đồng và xã hội. Cụ thể là đóng góp tích cực vào việc hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình khoa học, văn hóa, nghệ thuật có giá trị, nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao; góp phần từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. 

Với tài năng, nghị lực và những phẩm chất của giới nữ, đội ngũ nữ trí thức đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước, nhiều người đoạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp do  nữ làm chủ nhiệm, có đề tài, sáng kiến làm lợi nhiều tỷ đồng.

Hằng năm, nhiều nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học nhận được giải thưởng Kovaleskaia. Bên cạnh đó, nhiều nữ trí thức Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài cũng đạt thành công trong nghiên cứu khoa học, đó là: Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên người Mỹ gốc Việt đã vượt qua tất cả rào cản, sự kỳ thị của xã hội, những vất vả của đời thường và cả khả năng tiếng Anh còn hạnc hế khi mới ở Mỹ, đã đạt nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học đã trở thành một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới ngành khoa học vật liệu(4); GG, TS Lưu Lệ Hằng, người Mỹ gốc Việt đã đoạt hai giải “Nobel Thiên văn” là "Nobel thế giới” và “Nobel Phương Đông"(5). Bà là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đoạt Giải thưởng Kavli trong lĩnh vực Vật lý thiên văn (vốn được coi là Giải Nobel trong lĩnh vực Vật lý thiên văn), giáo sư Lưu Lệ Hằng góp phần phát hiện 31 tiểu hành tinh.

Giáo sư đã tâm sự khi giao lưu với sinh viên Việt Nam sau buổi thuyết trình khoa học “Cách nhìn mới về hệ Mặt Trời tại Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày 24-7-2015" rằng: “Dù ở phương Đông hay phương Tây, trong lĩnh vực khoa học nói riêng và mọi lĩnh vực khác nói chung, tư tưởng kỳ thị phụ nữ vẫn tồn tại với mức độ khác nhau. Đó là một thực tế và tôi không hy vọng nó sẽ thay đổi. Tôi chỉ có thể cố gắng hết sức và phớt lờ thái độ kỳ thị hay coi thường của một số người. Nếu cứ nghĩ tới sự kỳ thị của người khác, bạn sẽ không thể thành công”(6).

Thành công của hai nữ Giáo sư người Mỹ gốc Việt là minh chứng sự nỗ lực của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học và là tấm gương cho nữ trí thức nói chung và ở Việt Nam nói riêng noi theo.

Vai trò, vị thế của nữ trí thức vì bình đẳng giới tronglĩnh vực kinh tế:

Nữ trí thức thông qua các công trình nghiên cứu góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động; với tư cách nhà giáo thông qua bài giảng, hướng dẫn các thế hệ sinh viên, học viên kiến thức để góp phần phát triển kinh tế khi rời ghế nhà trường; thông qua các chương trình tập huấn hướng dẫn nông dân, công nhân tiếp thu và ứng dụng các thành quả khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới, thực hiện cơ giới hóa, điện khí hóa; phát minh những sáng kiến khoa học góp phần phát triển xã hội theo hướng hiện đại và bền vững.

Nhiều nhà khoa học nữ đã nhận được những danh hiệu cao quý, được cấp bằng lao động sáng tạo, các giải thưởng khoa học trong và ngoài nước. Ngoài các hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ truyền thống, các nữ trí thức đã và đang gặt hái nhiều thành công trong các lĩnh vực khoa học công nghệ. Có thể kể đến gương mặt nữ trí tài năng trẻ TS Trần Hà Liên Phương, 34 tuổi đã nhận được bằng phát minh sáng chế tại Hàn Quốc, nhận được giải thưởng L’OREAL-UNESCO năm 2015)(7).

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội

Nữ trí thức nỗ lực góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Tại Hội nghị biểu dương nữ trí thức tiêu biểu lần thứ nhất, năm 2015, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã biểu dương 101 nữ trí thức tiêu biểu, có nhiều đóng góp hiệu quả trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và xây dựng và phát triển Hội Nữ trí thức Việt Nam vững mạnh giai đoạn 2011-2015 nói riêng(8).

Trước hết, phải ghi nhận vai trò, vị thế của nữ trí thức vì bình đẳng giới trong giáo dục: Nữ trí thức không chỉ có vai trò "nhạc trưởng" trong giáo dục con cái, mà họ còn giữ vai trò, vị trí quan trọng trong lĩnh vực giáo dục của đất nước. Nói đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thì mọi người đều có thể hình dung được vai trò quan trọng to lớn của nữ trí thức, bởi lẽ nữ cán bộ làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo ở Việt Nam hiện đang chiếm tỷ lệ áp đảo nam giới.

Số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2011-2012 cho thấy: Trong số 59.634 giảng viên đại học có 28.027 nữ (47%); trong 24.437 giảng viên cao đẳng có 13.122 nữ (53,7%)(9); trong tổng số 1.044.035 nhà giáo trực tiếp đứng lớp, có gần 74% là nữ; nữ đảng viên chiếm 60% tổng số đảng viên toàn ngành(10).

 Nữ trí thức là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành giáo dục. Nhiều nữ nhà giáo đã trở thành giáo viên giỏi, đạt giải cao trong các cuộc thi, các giải thưởng lớn. Đã có 11 nữ nhà giáo vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” và 1.011 nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.

Trong tổng số 247 giám đốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo có 61 cán bộ nữ, chiếm 25%, trong đó 3 người giữ vị trí giám đốc. Tại các trường Đại học, Cao đẳng, dự bị Đại học, có 26 cán bộ nữ đảm nhiệm vai trò hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trong tổng số 350 cán bộ lãnh đạo các trường.

Ngoài ra, nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm vào các chức vụ trưởng, phó khoa, phòng, bộ môn và tương đương ở các trường Đại học, Cao đẳng; trưởng, phó phòng giáo dục, phòng chuyên môn tại các Sở Giáo dục và Đạo tạo; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông...

Riêng cơ quan Bộ Giáo dục, cán bộ nữ có 1 Thứ trưởng, 2 vụ trưởng, 12 phó vụ trưởng và tương đương, 9 trưởng phòng, 12 phó trưởng phòng...

Có thể nói, kết quả đạt được của ngành Giáo dục trong những năm qua có phần đóng góp không hề nhỏ của cán bộ lãnh đạo là nữ.

Về đào tạo sau đại học trong 5 năm (2006 - 2010), có tổng số 27.335 nữ thạc sĩ tốt nghiệp, chiếm 41,1%; 611 nữ tiến sĩ được cấp bằng, chiếm 22,47%. Số liệu này cho thấy thực tế đã vượt xa chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch hànhđộng của ngành giáo dục về thực hiện bình đẳng giới (đến năm 2015, tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt ít nhất 40%, nữ tiến sĩ đạt ít nhất 20%)(11).

Về trình độ chuyên môn, số nữ có học hàm, học vị cao ngày càng nhiều và phổ biến trong ngành giáo dục ở tất cả các cấp học, hệ tào tạo. Năm học 2013-2014 ở nước ta có:

Trong khối các trường đại học:  nữ tiến sỹ là 2.671/9.467 (28,2%), nữ thạc sỹ là 16.016/34.283 (46.7%).

Trong khối các trường cao đẳng: nữ tiến sỹ là 167/608 (27%), nữ thạc sỹ là 4.817/10.024 (48%).

Trong khối các trường trung cấp chuyên nghiệp: Số nữ tiến sỹ là 38/196 (chiếm 19,4%), nữ thạc sỹ là 987/2.475 (chiếm 39,9%).

Trong khối các trường trung học phổ thông: Số nữ tiến sỹ là 97/193 (50%), nữ thạc sỹ là 9.492/15.339 (61,9%).

Trong khối trung học cơ sở: nữ tiến sỹ là 16/23 (69,6%) và nữ thạc sỹ là 2.964/4.312 (68,7%).

Trong khối các trường tiểu học: nữ tiến sỹ là 61/68 chiếm (89,7%) và thạc sỹ là 374/460 (81,3%)(12).

Như vậy, ngày nay nữ giới có nhiều cơ hội để phát triển bản thân cũng như có không gian rộng mở để khẳng định mình. Giáo dục giờ đây là không gian để nữ có thể phát huy thế mạnh của mình, và đóng góp đối với đất nước.

Trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật

Nữ trí thức góp phần bảo vệ và phát triển văn hoá dân tộc, gồm văn hoá tinh thần, văn hoá xã hội và gia đình.

Nữ trí thức có vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát triển truyền thống văn hoá gia đình. Một người mẹ có tri thức, nghề nghiệp, lối sống lành mạnh, ứng xử có văn hóa là hình mẫu tốt đẹp cho con cái. Trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nữ trí thức có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng gia đình Việt Nam, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá, dân tộc. Nữ trí thức không chỉ nuôi dạy con biết làm điều hay, lẽ phải mà còn có phương pháp phù hợp trong giáo dục con cái(13).

Trong văn hoá nghệ thuật, 8 vị tổ của hát chèo Việt Nam thì có hai vị nữ bà Phạm Thị Trân (thế kỷ X) từng được coi là Thanh tiên sư của sân khấu chèo; bà Đào Hoa (thế kỷ XV), nghệ sĩ chèo, đứng hàng thứ 8 trong 8 vị tổ phường chèo, được tôn làm tổ sư về hát múa, làm trò.

Trong số những nữ văn nghệ sĩ trước thế kỷ XX, có ba người được đưa vào danh sách những phụ nữ Việt Nam huyền thoại được thế giới tuyển chọn là “Những hình tượng phụ nữ nổi tiếng nhất của nhân loại từ thời tiền sử đến nay”, đó là Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Phạm Thị Trân(14)

Nối tiếp và phát huy truyền thống của lớp văn nghệ sĩ đi trước, nhiều nữ trí thức trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật đã sáng tác rất nhiều những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, nổi tiếng cả ở trong và ngoài nước. Hoạt động trong lĩnh vực văn hoá- nghệ thuật, nữ trí thức không chỉ sáng tạo những tác phẩm đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống, mà còn giúp cho nhiều tầng lớp dân cư cảm nhận được cái hay, cái đẹp của kho tàng văn hoá, nghệ thuật truyền thống. Từ lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng, phụ nữ còn là những nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn những điệu múa dân tộc uyển chuyển, mềm mại, hát các làn điệu dân ca trong sáng, bình dị, thiết tha và tham gia xây dựng nền nghệ thuật sân khấu cổ truyền tài hoa, hiếm có.

Có thể điểm qua một số gương mặt nữ trí thức trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tiêu biểu như: Nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, người đã rạng danh ở châu Âu và trên thế giới, là tên tuổi lớn trong nền điêu khắc thế giới, được vinh danh là tài năng lớn trong nghệ thuật thế kỷ XX trong Từ điển Larousse; Nhà giáo nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, GS, TS Trần Thu Hà, từng là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội; Nghệ sĩ nhân dân Chu Thúy Quỳnh - cánh chim không mỏi của làng múa Việt Nam....

Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của một số hoạ sĩ, nhà tạo mẫu là nữ trí thức đã đem lại một vẻ đẹp mới cho áo dài Việt Nam, tiêu biểu là nhà thiết kế nổi tiếng ở trong nước và quốc tế gắn bó sâu sắc với tà áo dài và những chất liệu truyền thống của dân tộc - Minh Hạnh, dưới bàn tay tài hoa của chị áo dài Việt Nam vẫn giữ nguyên kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài cổ điển, đưa thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp mới, hiện đại được chắt lọc từ văn hoá truyền thống Việt tạo nên một ấn tượng đẹp cho áo dài Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, nữ trí thức là tầng lớp tinh hoa của phụ nữ Việt Nam, và họ là những hạt nhân nòng cốt trong việc duy trì, sang tạo và phát triển nền văn hoá truyền thống với những giá trị đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong lĩnh vực chính trị

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội các nước Bắc Âu đứng đầu thế giới với 42.1%; quốc gia nghèo ở châu Phi như Rwanda có tỷ lệ nữ trong Quốc hội lên tới 63,8%. Trên toàn cầu hiện có 29 quốc gia có tỷ lệ nữ trong Quốc hội trên 30%; có 25 nữ nguyên thủ trên tổng số 195 quốc gia trên thế giới, 36 nước có tỷ lệ phụ nữ giữ chức vụ Bộ trưởng trong nội các Chính phủ trên 30%. Có 31 nước có tỷ lệ nữ Bộ trưởng dưới 10% và 8 quốc gia châu Á Thái Bình Dương không có nữ Bộ trưởng nào. Những con số này đã mô tả rõ nét một bức tranh bất bình đẳng sâu sắc đang diễn ra tại tất cả các khu vực và vùng lãnh thổ. Thế giới vẫn đang khan hiếm lãnh đạo nữ trong toàn bộ hệ thống quản trị Nhà nước từ cấp địa phương tới quốc gia(15).

Ở Việt Nam, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, phụ nữ ngày càng có cơ hội tiếp cận quyền tham chính. Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 có xu hướng tăng hơn nhiệm kỳ 2010-2015: Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ ở cấp xã chiếm 19,69% (tăng 1,59%); Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ ở cấp huyện chiếm 14,3% (tăng 0,3%); Tỷ lệ là nữ trong Ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh chiếm 13,3% (tăng 1,9%), trong Ban Thường vụ là 10,75%; có 03/63 tỉnh, thành phố có nữ Bí thư, chiếm 4,76%; Nữ Phó Bí thư cấp tỉnh có 17 người chiếm 10,9%; cấp Trung ương có 03 nữ là Ủy viên Bộ Chính trị chiếm 15,7%; có 20/200 nữ Ủy viên/ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương chiếm 10%(16).

Trong lãnh đạo, quản lý nhà nước, có thể thấy qua những số liệu sau đây: Có 01 nữ Phó Chủ tịch nước; Nữ giữ chức vụ Bộ trưởng 2/22 (9%); Nữ Thứ trưởng 13 (9%, tăng so với khoá trước 3,6%); tỷ lệ nữ Vụ trưởng của cơ quan bộ và ngang bộ là 9,9%, nữ Phó Vụ trưởng là 20,7%. Ở cấp tỉnh có 1/63 tỉnh, thành có nữ Chủ tịch UBND (1,6%), Phó Chủ tịch UBND chiếm 10,4%. Lãnh đạo nữ trưởng ngành cấp tỉnh chỉ đạt 10,5%. Cấp huyện, nữ chủ tịch UBND là 3,6% (giảm 1,65% so với nhiệm kỳ trước); Phó Chủ tịch UBND là 14,5% (tăng 6% so với nhiệm kỳ trước); lãnh đạo nữ trưởng ngành đạt 13,9%. Cấp xã, tỷ lệ nữ Chủ tịch UBND là 3,42%, Phó Chủ tịch tịch UBND là 8,8%(17).

Trong cơ quan dân cử: Tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội khóa XIII là 24,2% (giảm 1,36% so với khóa XII); nữ đại biểu Hội đồng nhân cấp tỉnh là 25,17%; cấp huyện là 24,62%; cấp xã là 21,71%(18).  Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 31-3-2016, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội có nữ Chủ tịch đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân 62 tuổi (sinh năm 1954) đã trúng cử với số phiếu 95,5%. Đây là vinh dự lớn của phụ nữ Việt Nam, là mốc son trong lịch sử nữ quyền ở Việt Nam vì đã có phụ nữ được nắm giữ một trong 4 vị trí lãnh đạo cao cấp nhất "tú trụ" trong bộ máy quyền lực nhà nước.

Từ phân tích trên cho thấy, xét một cách toàn diện, có thể nhận định rằng, ngày nay trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững, vai trò và vị thế của ĐNTT Việt Nam đã được nâng cao đáng kể trên tất cả các phương diện gia đình và xã hội. Đạt được kết quả đó là nhờ sự phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của phụ nữ Việt Nam kết hợp với sự nỗ lực của chính đội ngũ nữ trí thức và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước sự hỗ trợ, động viên của người thân và gia đình.

Thứ ba,phấn đấu để trở thành nữ trí thức là minh chứng rõ nét cho sự thành công của mỗi người trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp bình đẳng giới. Bởi vì:

Một là,phụ nữ trí thức đã vượt qua rào cản để tiếp cận và hưởng thụ quyền được học tập.

Như đã đề cập, phụ nữ trí thức là những người có học vấn cao, do đó để trở thành phụ nữ trí thức thì ngay từ khi đến tuổi đi học trẻ em gái phải được gia đình và xã hội quan tâm tạo điều kiện cho cắp sách tới trường như mọi em trai khác. Tuy nhiên, chuyện đến tuổi được đi học của trẻ em gái không hề đơn giản bởi do nhiều nguyên nhân về điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa trong đó có nguyên nhân từ bất bình đẳng giới dẫn đến trẻ em gái gặp nhiều rào cản trong tiếp cận quyền giáo dục. Mặc dù, trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo và khoa học công nghệ: khoảng cách giới được thu hẹp đáng kể ở từng cấp học, bậc học. Tuy nhiên, khoảng cách giới về giáo dục - đào tạo vẫn còn đáng kể tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn: Phụ nữ và trẻ em gái thuộc gia đình nghèo gặp nhiều khó khăn và trở ngại hơn so với các em trai và nam giới trong việc tiếp cận quyền được học tập; phụ nữ và trẻ em gái vẫn chiếm số đông trong số người ở độ tuổi 15 trở lên cho đến 40 trong dân số không biết đọc, biết viết. Trình độ học vấn của phụ nữ so với nam giới ở bậc sau đại học có sự chênh lệch lớn.

Nghiên cứu, phân tích số liệu thống kê từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 của Tổng Cục Thống Kê cho thấy trẻ em gái vùng dân tộc miền núi phía Bắc có: (i) tỷ lệ chưa bao giờ đi học cao hơn so với các vùng khác trong cả nước; (ii) tỷ lệ biết đọc biết viết thấp nhất trong cả nước; (iii) tỷ lệ biết đọc biết viết thấp hơn trẻ em trai tại tất cả các tỉnh trong cùng vùng và (iv) càng học cao trẻ em gái càng bỏ học nhiều hơn so với trẻ em trai. Nguyên nhân của tình trạng này là do: (i) điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và đường sá đi lại khó khăn; (ii) rào cản từ phía bản thân các em; (iii) rào cản từ phía nhà trường và (iv) rào cản từ phía gia đình(19).

Từ đó cho thấy, để được đến trường, được hưởng thụ quyền học tập, trau dồi kiến thức, chiếm lĩnh các nấc thanh tri thức và được tôn vinh là nữ trí thức, phụ nữ phải vượt qua nhiều rào cản, và chính con đường đến với tri thức gian khổ của người phụ nữ là minh chứng quan trọng và trở thành tấm gương cho xã hội nhìn nhận rõ hơn phụ nữ cũng có quyền và có thể học hành thành đạt như đấng mày râu. Họ có quyền tự hào vì họ đã vượt qua chính mình, và mỗi người phụ nữ thành đạt đã lan tỏa cho các thế hệ phụ nữ về vị trí vai trò của phụ nữ trong xã hội, thông điệp mà họ chuyển tải đến xã hội và chính phụ nữ là chị em hãy vượt lên chính mình để cống hiến và hưởng thụ, điều này đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn "Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến bình đẳng thật sự cho phụ nữ"(20).

Hai là, phụ nữ trí thức đã vượt qua rào cản để thăng tiến trong công việc.

Ba là, phụ nữ trí thức đã vượt qua rào cản để tham chính.

Bốn là, phụ nữ trí thức đã đóng góp thiết thực cho sự nghiệp bình đẳng giới với tư cách chủ thể góp phần truyền thông tri thức nhân loại, khẳng định phụ nữ cũng có thể thành danh và cống hiến nhiều cho xã hội, khi đó cuộc đời và sự nghiệp của họ sẽ trở thành tấm gương cho các thế hệ phụ nữ, nhất là nữ trí thức trẻ noi theo; đồng thời, có tác động đến nhận thức của phái nam, gia đình và xã hội về vai trò, vị thế của nữ trí thức trong gia đình và ngoài xã hội...


(1) http://cws.vnu.edu.vn (Trung tâm nghiên cứu về phụ nữ-ĐHQGHN), bài "Đặc điểm phụ nữ trí thức Việt Nam hiện nay" PGS. TS. Hoàng Bá Thịnh, cập nhật ngày 6/13/2011.

(2) Nguồn: http:/vietnamnet.vn/vngiaoduc/148002/them-547-nhagiaoduoccongnhandatchuangd-pgs - 2014

(6)http://news.zing.vn/gs-luu-le-hang-muon-thanh-cong-phai-phot-lo-su-ky-thi-post562698.html, bài "GS Lưu Lệ Hằng: Muốn thành công phải phớt lờ sự kỳ thị",  cập nhật ngày  26-07-2015.

(7)http://truyenthongkhoahoc.vn/vn

(9)ttp://xaydungdang.org.vn/Home/MagazineStory.aspx?mid=65&mzid=502&ID=1153, bài "Phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ công chức nữ", Nguyễn Ngọc Lâm, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Tạp chí Xây dựng đảng số 10 -2013.

(10) https://vnu.edu.vn/home/?C1635/N7932/Vai-tro-nu-tri-thuc-trong-viec-duy-tri-ban-sac-van-hoa-dan-toc-truyen-thong..htm, bài "Vai trò nữ trí thức trong việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống"

(11)https://tienbophunu.lhu.edu.vn/334/24323/Nganh-giao-duc-no-luc-thu-hep-khoang-cach-gioi.htmlbài"Ngành giáo dục nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới", cập nhật ngày 30-3-2016.

(12)http://hoilhpn.org.vn/newsdetail.asp?CatId=16&NewsId=22508&lang=VN, bài "Vai trò kép” của phụ nữ trong giáo dục, Cập nhật: 22-10-2015.

(13)https://vnu.edu.vn/home/?C1657/N7922/Nu-tri-thuc-la-bo-phan-tinh-hoa-cua-dat-nuoc.htm, bài "Vai trò nữ trí thức trong việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống", cập nhật ngày 31-3-2016.

(14)https://vnu.edu.vn/home/?C1657/N7922/Nu-tri-thuc-la-bo-phan-tinh-hoa-cua-dat-nuoc.htm, bài "Vai trò nữ trí thức trong việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống", cập nhật ngày 31-3-2016.

(15)http://genic.molisa.gov.vn, bài " Bức tranh nữ quyền nhìn từ bản đồ phụ nữ tham chính" của TS. Lương Thu Hiền, Cập nhật ngày 26-02-2015.

(16) Báo cáo số 08/BC-UBQG ngày 03-02-2016 của Ủy ban quốc gia vjf sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam về kết quả hoạt động năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2016, tr. 11-12.

(17) Phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ nữ , T/C Xây dựng Đảng, số 10, 2013.

(18) Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, phát biểu khai mạc Tọa đàm "Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp" do Ủy Ban Quốc gia về bình đẳng giới phối hợp với UNDP tổ chức tại Hà Nội, ngày 25-02-2016.

(19) http://ilssa.org.vn/2015/07/16/nhung-rao-can-trong-viec-tiep-can-giao-duc-cua-tre-em-gai-vung-dan-toc-mien-nui-phia-bac/, bài "Những rào cản trong việc tiếp cận giáo dục của trẻ em gái vùng dân tộc miền núi phía bắc", CN. Đỗ Minh Hải.

(20)Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.504.

 

PGS, TS Nguyễn Thị Báo

                                                                        Ban Thanh tra, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh     

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền