Trang chủ    Thực tiễn    Sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay
Thứ năm, 30 Tháng 6 2016 15:51
8864 Lượt xem

Sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý được coi là thước đo cơ bản về vai trò của phụ nữ trong nền chính trị hiện đại. Có thể nói, phụ nữ ở tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn gặp những trở ngại trong sự thăng tiến quyền lực chính trị, sự có mặt của phụ nữ trong quốc hội hay các vị trí từ cấp bộ trưởng trở lên là rất ít.

Ở Việt Nam, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội nói chung và trong quản lý nhà nước, trong hệ thống chính trị nói riêng. Nam nữ bình quyền đã được khẳng định từ Hiến pháp 1946 và ngày nay vẫn đang được tiếp tục quán triệt trong các hoạt động của Đảng và Nhà nước. Phụ nữ Việt Nam hiện nay được bảo đảm có quyền, cơ hội và điều kiện vươn lên, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự tham gia ngày càng đông đảo vào lực lượng lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, chính quyền, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức xã hội.

1. Thực trạng phụ nữ tham gia chính trị tại Việt Nam

Năm 2010, tỷ lệ đảng viên nữ đạt 32,8%, tăng đáng kể so với năm 2005 khi số nữ đảng viên chỉ chiếm 20,9%. Mặc dù vậy tỷ lệ đảng viên nữ vẫn thấp hơn nhiều so với đảng viên nam và sẽ dẫn tới tác động là sẽ có ít phụ nữ được đề bạt, tiến cử vào những chức vụ lãnh đạo quan trọng(1).

Cùng với số lượng nữ đảng viên, số lượng phụ nữ tham gia cấp thể hiện rõ nét thực trạng sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Bảng trên cho thấy, sự xuất hiện của nữ giới trong Ban Bí thư có gia tăng từ năm 2001, nhưng xu hướng là giữ nguyên. Đến nhiệm kỳ gần đây phụ nữ mới bắt đầu có mặt trong Bộ Chính trị (1 nữ ủy viên được bổ nhiệm năm 2011), nhưng cũng hết sức khiêm tốn là 7%. Sự có mặt của phụ nữ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng không có sự gia tăng qua các nhiệm kỳ.

Số liệu ở Bảng 2 cho thấy một thực trạng là ở cấp ủy càng cao, tỷ lệ phụ nữ giữ trọng trách càng thấp. Tỷ lệ nữ đại diện trong Ban Chấp hành Trung ương và tỉnh không tăng trong vòng 3 nhiệm kỳ gần đây, ở cấp huyện và xã có tăng nhưng rất ít. Tỷ lệ giữ các vị trí như bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ chỉ chiếm khoảng 10% ở mọi cấp. Bên cạnh đó, dù tham gia vào cấp ủy, nhưng phần lớn các nữ ủy viên chỉ phụ trách các công việc hành chính, ít liên quan đến nhiệm vụ chiến lược(4).

Tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội cũng là một tiêu chí về sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống chính trị. Tính đến năm 2009, chỉ có 23 quốc gia trên thế giới đạt được tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội chiếm 30% trở lên. Biểu dưới đây thể hiện tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam qua từng giai đoạn.

Theo số liệu ở Biểu 1, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội của Việt Nam tăng theo từng khóa, từ khóa I chỉ có 3%, đến khóa XIII đã có 24,4%, thuộc nhóm cao của thế giới (xếp thứ 9/135)  và cao nhất châu Á.

Một trong những lý do khiến tỷ lệ đại diện nữ trong quốc hội các nước thấp là số lượng các nữ ứng viên được lựa chọn hoặc đề cử trong bầu cử thấp. Theo số liệu của Liên minh Quốc hội, năm 2011, trong số 260 ứng viên nữ, chỉ 122 người trúng cử (47%), trong khi đó tỷ lệ trúng cử của các ứng viên nam là 67%(5).

Đáng chú ý,  trong nhiệm kỳ 2011-2016 có hai trong bốn Phó Chủ tịch Quốc hội là nữ. Tuy vậy, trong Ủy ban thường vụ, chỉ có 2 trong số 12 thành viên là nữ. Trong số 9 ủy ban của Quốc hội, hiện chỉ có 1 ủy ban có chủ tịch là nữ, tuy nhiên, số lượng phó chủ tịch có tăng nhẹ so với các nhiệm kỳ trước(6).

Vai trò và vị trí của các nữ đại biểu trong Quốc hội chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như các vấn đề xã hội (42%), văn hóa, giáo dục, thiếu niên nhi đồng (35%) và khá mờ nhạt ở những lĩnh vực khác như ngoại giao (16%), kinh tế (15%), tư pháp (10%), quốc phòng, an ninh (5%).

Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là một con số minh chứng cho vị trí của người phụ nữ trong Quốc hội nhưng nó chưa thể hiện được hết vai trò của họ trong hệ thống cơ quan này. Bởi bên cạnh các thành viên chủ chốt của Quốc hội là các chủ tịch, phó chủ tịch thì Quốc hội Việt Nam còn được phân chia thành các hội đồng và ủy ban khác nhau để xem xét các đạo luật, sáng kiến pháp lý, văn bản luật và các báo cáo của Quốc hội trên từng lĩnh vực. Là thành viên của một ủy ban hay hội đồng, các đại biểu sẽ có cơ hội tác động tới các quyết định trong từng lĩnh vực cụ thể. Hơn nữa, trong số thành viên của các ủy ban và hội đồng, những thành viên chuyên trách cũng có nhiều cơ hội tác động tới quá trình ra quyết sách hơn so với các thành viên kiêm nhiệm. Do vậy, tỷ lệ phụ nữ được bầu làm các thành viên chuyên trách của các ủy ban, hội đồng trong quốc hội sẽ minh chứng rõ nét và chính xác hơn về quyền lực thực sự của họ trong tổ chức này(8).

Như vậy, nếu xem xét tỷ lệ nữ giới là đại biểu Quốc hội thì nhiệm kỳ 2011-2016 con số này của Quốc hội Việt Nam là 24,4%. Tuy nhiên, xét trên quan điểm đã đề cập ở trên thì tỷ lệ nữ giới có vai trò thực sự trong việc ra quyết sách của Quốc hội chỉ là 17,5%.

Có một điểm đáng chú ý nữa trong phân tích cơ cấu nữ đại biểu Quốc hội là những năm gần đây trình độ học vấn của các nữ đại biểu không ngừng được nâng cao, góp phần tích cực và có hiệu quả vào việc khẳng định vị trí của họ trong Quốc hội nói riêng và trong toàn xã hội nói chung(10).

Đánh giá chung về trình độ học vấn của nữ đại biểu Quốc hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Tuy tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XII chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra nhưng chất lượng đã cao hơn so với các khóa trước. Cụ thể, đã có 91,34% đại biểu có trình độ đại học trở lên (khoá XI có 88,98%), trong đó, trên đại học là 32,28%, đại học là 59,06% và chỉ có 8,66% đại biểu có trình độ dưới đại học.Việc tham gia xây dựng luật pháp, chính sách và đóng góp ý kiến, tọa đàm với cử tri của các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng có chất lượng(11).

Sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan dân cử cấp tỉnh, huyện, xã cũng là một đặc trưng đáng lưu ý. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, quy mô và mức độ tham gia quản lý của phụ nữ Việt Nam trong hệ thống các cơ quan này vẫn còn hạn chế, không liên tục và ổn định(12).

Theo đánh giá chung, tỷ lệ nữ trong Hội đồng nhân dân các cấp tăng không đáng kể. Ngược lại với số lượng phụ nữ tham gia ở các cấp uỷ, tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo ở Hội đồng nhân dân càng xuống cấp dưới càng thấp và thấp nhất ở cấp xã, phường.

Bảng trên cho thấy, tỷ lệ nữ giới làm chủ tịch xã, huyện, tỉnh đều rất thấp, tỷ lệ làm phó chủ tịch các cấp có cao hơn so với tỷ lệ làm chủ tịch nhưng nếu so với nam giới thì vẫn hết sức chênh lệch. Điều này cho thấy một sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa nam và nữ, khoảng cách giới về quyền lực tồn tại rất xa. Những số liệu minh chứng trên cho phép chúng ta đi đến nhận định rằng sự tham gia của phụ nữ trong quản lý nhà nước ở các cấp còn thấp. Việc đề bạt, bố trí và sử dụng cán bộ nữ còn nhiều bất cập ở tất cả các cấp và vị trí lãnh đạo. Tỷ lệ nữ tham gia quản lý nhà nước đã thấp lại chủ yếu đảm nhận vị trí cấp  phó, thừa hành, giúp cho cấp trưởng là nam giới(14).

Trong tương quan so sánh với thế giới, tính đến cuối năm 2011, Việt Nam xếp thứ 43 về sự tham gia và đại diện nữ trong hệ thống chính trị, giảm so với vị trí thứ 36 vào năm 2010 và 33 năm 2008, 31 năm 2007, 25 năm 2006 và 23 năm 2005. Việt Nam xếp thứ 7 trong khu vực châu Á Thái Bình Dương(15).

2. Một số định hướng giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia chính trị của phụ nữ

 Phụ nữ muốn thăng tiến, muốn được nhìn nhận thì phải làm việc rất nỗ lực và phải vượt qua nhiều thách thức hơn so với nam giới. Trở ngại chủ quan có thể đến từ chính bản thân phụ nữ, khi họ không vượt qua được áp lực từ chính mình. Các trở ngại khách quan phổ biến khác có thể bao gồm những rào cản từ thể chế, chính sách, định kiến xã hội và áp lực xã hội. Trên cơ sở nhận định như vậy, một số định hướng giải pháp có thể được đưa ra nhằm khắc phục những rào cản khách quan và chủ quan, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia ngày càng sâu rộng vào các hoạt động xã hội nói chung và vào công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị nói riêng.

Trên bình diện chung, còn thiếu những chính sách cán bộ mang tính đồng bộ, một số chính sách về cán bộ nữ trước đây chỉ nặng về huy động và khai thác sự đóng góp của phụ nữ, thiếu những chính sách cụ thể trong chiến lược xây dựng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ, cũng như thiếu chính sách giúp giảm gánh nặng gia đình cho phụ nữ(16). Do vậy, cần rà soát, hoàn thiện chính sách đối với phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng.

Những rào cản tiếp theo đối với phụ nữ làm quản lý xuất phát từ định kiến xã hội. Để từng bước khắc phục rào cản này, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng nhân dân, tạo môi trường thuận lợi, sự ủng hộ chung đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ làm quản lý, lãnh đạo.

Bắt nguồn từ những định kiến xã hội, phụ nữ cũng mang trong mình những định kiến về chính bản thân họ, có xu hướng đánh giá thấp chính bản thân mình. Phụ nữ dường như không sẵn sàng tự đề cao bản thân, hoặc thể hiện các hành vi quả quyết, hay sẵn sàng chấp nhận rủi ro cần thiết dành cho các chức vụ lãnh đạo(17). Bên cạnh đó, gánh nặng gia đình cũng là một trong những rào cản lớn khiến cho nhiều phụ nữ ít có điều kiện phấn đấu hay không dám làm quản lý. Mặc dù công cuộc giải phóng phụ nữ đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ, nhưng rất nhiều phụ nữ vẫn nhận ra rằng mình phải là người hy sinh để có thể cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Tuy nhiên, đối với phụ nữ, khó khăn bắt đầu từ gia đình, nhưng thuận lợi cũng có thể bắt đầu từ đây. Nếu được bố mẹ, chồng con ủng hộ và tạo điều kiện, người nữ cán bộ quản lý sẽ vượt qua được các trở ngại và giải quyết tốt các nhiệm vụ quản lý.  Do vậy, các giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào công tác lãnh đạo, quản lý, cần hướng tới việc giúp phụ nữ khắc phục, vượt qua tâm lý mặc cảm, tự ti, mạnh dạn phát huy thế mạnh cũng như giúp họ nhận được sự đồng thuận từ gia đình để bớt đi gánh nặng tâm lý, nhận được sự chia sẻ để bớt đi gánh nặng việc nhà.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền cho phụ nữ. Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ Việt Nam cũng đạt được những bước tiến quan trọng, hiện Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao trong khu vực và trên thế giới, đứng thứ 43/143 trên thế giới và thứ 2trong 8nước ASEAN có Nghị viện.

Những phân tích nêu trên cho thấy xu hướng chung của phụ nữ làm lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay là có sự gia tăng không đồng đều và khá chậm. Hiện nay, thông qua việc tham gia lãnh đạo, quản lý, phụ nữ đã có nhiều đóng góp to lớn cho xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều ở các lĩnh vực và bị hạn chế về số lượng, thậm chí, ở nhiều cơ quan, tổ chức, phụ nữ lãnh đạo, quản lý ít có thực quyền(18). So với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, số lượng nữ ở các cương vị quản lý như vậy chưa tương xứng với vai trò, vị trí và những đóng góp của họ trong các hoạt động phát triển. Sự thiếu hụt cán bộ nữ trên một số lĩnh vực quan trọng làm cho việc hoạch định kế hoạch, chính sách thiếu tiếng nói đại diện của phụ nữ, dẫn đến thực hiện bình đẳng giới về mọi mặt chưa đạt kết quả mong muốn.

_____________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2015

 

(1), (2), (3), (5), (6) (7), (8), (9), (13), (15) Munro.J: Sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam, UNDP, 2012.

(4), (11), (18) Lê Thị Quý, Nguyễn Thị Tuyết Nga: Phụ nữ nước ta trong việc tham gia lãnh đạo và quản lý, http://www.tapchicongsan.org.vn.

(10), (12), (14), (16)  Võ Thị Mai: Vai trò nữ cán bộ quản lý nhà nước trong quá trình CNH-HĐH, Luận án tiên sĩ xã hội học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2001.

(17) B. Kellerman & D. Rhode: Phụ nữ và quyền lãnh đạo(bản dịch Đăng Trọng, Tường Khôi), Nxb Tổng hợp, Đồng Nai, 2007.

 

PGS, TS Nguyễn Thị Vân Hạnh

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,

Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí MinhSự tham gia của phụ nữ vào hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền