Trang chủ    Thực tiễn    Một số giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở miền Trung
Thứ năm, 30 Tháng 6 2016 16:05
4677 Lượt xem

Một số giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở miền Trung

(LLCT) - Để khắc phục tình trạng bất cập, phức tạp  cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thì nhất thiết phải có một đội ngũ cán bộ chuyên môn cao và có khả năng xử lý mọi tình huống. Việc chú trọng đầu tư vào công tác bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Trong những năm qua, chính quyền ở các địa phương miền Trung đã chú ý công việc này và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên nhìn chung, việc đào tạo cán bộ làm công tác tôn giáo vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt trong việc xác định nội dung, hình thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với đối tượng là cán bộ quản lý tôn giáo.

Ở miền Trung, trong những năm gần đây các tôn giáo có sự phát triển với hàng chục tổ chức tôn giáo sinh hoạt hợp pháp. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay có tổng số 182.301 tín đồ/ 951.700 dân,  trong đó Phật giáo có 120.790 tín đồ; Công giáo có 46.168 tín đồ; Cao đài 6.543; Tinh lành 7.600 tín đồ... Về cơ sở thờ tự, Phật giáo với 105 cơ sở gồm 103 chùa, 2 tịnh xá; Công giáo với 52 cơ sở gồm 26 nhà thờ, 6 nhà nguyện, 1 trụ sở Tòa giám mục và 19 cơ sở dòng tu; Đạo Cao đài có 12 cơ sở gồm 5 thánh thất, 5 thánh xá, trụ sở Trung ương giáo hội, 1 tịnh đường; Các hệ phái Tin lành có 11 cơ sở gồm 8 nhà thờ, 2 nhà nguyện và một tư thất mục sư... Về số chức sắc: Phật giáo 699 chức sắc; Công giáo 53 chức sắc; Cao đài  60 chức sắc và các tôn giáo khác là 12 vị. Ở Thừa Thiên - Huế, các tôn giáo khá đông, chiếm gần 60% dân số toàn tỉnh. Phật giáo có 1.035 tu sĩ (546 tăng, 489 ni); 563 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường...; Công giáo trên địa bàn Thừa Thiên Huế có 4 giáo hạt, Huế có 70 giáo xứ, 48 giáo họ, 138 nhà thờ, 25 nhà nguyện...; Huế có 2 tổng giám mục, 132 linh mục, 105 linh mục triều, 18 linh mục dòng và 9 linh mục thuộc Hội Xuân Bích; đội ngũ tu sĩ khá đông 641 vị, trong đó có 108 tu sĩ nam, 533 tu sĩ nữ... Tỉnh Quảng Trị,  tổng số hơn 107 nghìn tín đồ; 195 chức sắc và 229 cơ sở thờ tự. Trong đó, có gần 90 nghìn tín đồ Phật giáo, Công giáo hơn 13 nghìn người và Tin Lành 4.200 người.

Thời gian gần đây, các cơ sở thờ tự tôn giáo được xây dựng, nâng cấp khang trang hơn. Nhu cầu đi lại, tu nghiệp của các linh mục, nhà tu hành trong và ngoài nước, việc phong chức, thuyên chuyển mục vụ cũng diễn ra khá phong phú. Bên cạnh xu hướng đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo thì vẫn còn một số hoạt động của tôn giáo có biểu hiện phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Chẳng hạn như vấn đề liên quan đến đất đai có nguồn gốc tôn giáo, cơ sở thờ tự trước đây chưa được giải quyết dứt điểm. Việc lấn chiếm, chuyển nhượng, mua bán đất đai trái pháp luật vẫn xảy ra và diễn biến khá phức tạp. Một số nhóm, đối tượng ở trong và nước ngoài liên kết tìm cách lợi dụng hoạt động tôn giáo để thực hiện các hoạt động chống phá; gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước ta; giữa đồng bào có tôn giáo và không có tôn giáo... Trên thực tế, việc giải quyết tình hình trên vẫn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra điểm nóng phức tạp.

Thực tế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân khá cơ bản là do trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở các địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở các tỉnh miền Trung hiện nay có tri thức và bản lĩnh chính trị vững vàng; có kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ việc; nhiệt tình, trách nhiệm đối với công tác được giao. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ còn có những hạn chế nhất định, cụ thể là:

Vốn hiểu biết về các tôn giáo của một số cán bộ còn hạn chế.Trong quá trình tiếp xúc, trao đổi, chúng tôi nhận thấy còn một số cán bộ làm công tác tôn giáo nhưng kiến thức cơ bản về tôn giáo chưa tốt, còn nhiều khiếm khuyết. Việc tiếp cận, hiểu biết các giáo lý, kinh sách của tôn giáo chưa sâu sắc. Một số cán bộ còn thiếu những hiểu biết, kỹ năng sơ đẳng cần có khi tiếp xúc với các chức sắc, tín đồ... Điều này thể hiện cụ thể qua một số hoạt động như cách xưng hô trong giao tiếp đối với các chức sắc và tín đồ, các thánh lễ tôn giáo; trong việc góp ý và đề xuất trao đổi ý kiến liên quan đến các tôn giáo...

Vấn đề này, xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản: (1) nhiều cán bộ làm công tác tôn giáo ở địa phương vẫn kiêm nhiệm, chuyển từ đơn vị, bộ phận khác về nên trình độ chuyên môn chưa cao; (2) những cán bộ phụ trách công tác tôn giáo nhưng chưa được trang bị đầy đủ các tri thức chuyên môn; họ chỉ mới được dự một số đợt tập huấn ngắn ngày với nội dung còn sơ lược nên việc nắm được những tri thức về tôn giáo khó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hầu hết chưa được đào tạo bài bản tại các trung tâm, cơ quan khoa học nghiên cứu tôn giáo.

Nhận thức về các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo chưa thực sự sâu sắc

Tuy nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác, nhưng việc đào sâu nhận thức để thực sự hiểu được những nội dung của các văn bản, nghị quyết là chưa tốt. Chẳng hạn như tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào có đạo là tôn trọng điều gì, tôn trọng như thế nào, dựa trên những tiêu chí nào...; làm thế nào để thực sự giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đạo đức tôn giáo; làm thế nào vừa bảo đảm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mặt khác lại có thể loại trừ được yếu tố mê tín, dị đoan và ngăn ngừa sự lợi dụng của các thế lực thù địch... Không những thế, nhiều quan điểm mới của Đảng vẫn chưa được vận dụng một cách tốt nhất vào thực tiễn cuộc sống bằng những chủ trương, biện pháp và hành động cụ thể. Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo tuy đã có hiệu lực nhưng vẫn còn nhiều cán bộ chưa tiếp cận một cách đầy đủ để áp dụng theo tinh thần mới.

Không những thế, từ nhận thức về chính sách, pháp luật đối với tôn giáo đến thực thi những chính sách đó vẫn còn một khoảng cách. Cụ thể, vẫn còn những trường hợp mắc bệnh quan liêu, quản lý giấy tờ, không thực sự nắm sát tình hình, hiểu và chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của các tín đồ tôn giáo. Có những trường hợp còn gây nên những phiền hà không đáng có, mà điều này tạo nên tâm lý và cả nhận thức không đúng trong đồng bào tôn giáo đối với chính quyền.

Đây đó vẫn còn tồn tại những thiên kiến chủ quan, phân biệt đối với tôn giáo trong tư duy và hành động. Khi có những vấn đề, vụ việc nảy sinh - tuy mức độ dân sự bình thường, nhưng lại bị nghiêm trọng hóa, làm vấn đề trở nên gay gắt không đáng có, chưa thể hiện đúng chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước.

Vẫn có trường hợp thiếu sự nhạy bén và tinh tế trong việc xử lý các vụ việc cụ thể

Còn một số trường hợp có thái độ và cách thức xử sự chưa chuẩn mực, đôi khi gây nên những bức xúc không đáng có.

Cũng cần nói thêm rằng, các chức sắc tôn giáo đa phần là những người có trình độ tri thức cao, họ không chỉ am hiểu sâu sắc về giáo lý mà còn am hiểu sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Hầu hết chức sắc thể hiện một tinh thần cởi mở, hòa đồng và đồng thuận với chính quyền, tuy nhiên vẫn có một số ít tỏ ra khép kín, dè dặt, thậm chí có một số không đồng thuận với chính quyền và luôn tìm cơ hội để chống đối. Trong mọi trường hợp, những ứng xử thiếu chuẩn mực của người cán bộ đối với nhân dân là không thể chấp nhận. Đặc biệt, trong một số trường hợp, thái độ chưa đúng mực có thể bị suy diễn một cách thiên kiến, chủ quan, các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động thì có thể dẫn đến những hệ quả lớn. Từ thực tế này, hơn bao giờ hết, cán bộ làm công tác tôn giáo cần thể hiện rõ thái độ cởi mở, nhiệt tình và sự tinh tế để xây dựng mối quan hệ hiểu biết và chân thành.

Để khắc phục tình trạng bất cập, phức tạp nêu trên cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thì nhất thiết phải có một đội ngũ cán bộ chuyên môn cao và có khả năng xử lý mọi tình huống. Đây cũng chính là vấn đề đặt ra hiện nay đối với đội ngũ làm công tác tôn giáo. Việc chú trọng đầu tư vào công tác bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Trong những năm qua, chính quyền ở các địa phương miền Trung đã chú ý công việc này và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên nhìn chung, việc đào tạo cán bộ làm công tác tôn giáo vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt trong việc xác định nội dung, hình thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với đối tượng là cán bộ quản lý tôn giáo.

Xuất phát từ những bất cập, hạn chế nêu trên, xin có một số kiến nghị sau đây:

Thứ nhất, đào tạo cán bộ làm công tác tôn giáo phải có một “lộ trình” dài hạn, khoa học

Để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo bảo đảm dài hạn, khoa học, hợp lý thì công việc đầu tiên cần  là phải tiến hành khảo sát, thống kê số lượng cán bộ làm công tác tôn giáo, đặt biệt là khảo sát, đánh giá năng lực, trình độ của độ ngũ này. Từ đó, phân loại cán bộ theo trình độ để có kế hoạch bồi dưỡng đúng đối tượng. Kế hoạch mở lớp bồi dưỡng cán bộ, cần xác định bồi dưỡng theo trình tự đối tượng dự học ở các cấp; trên cơ sở xác định mục đích, yêu cầu của từng khóa học. Đối với những địa phương có nhiều hoạt động tôn giáo, cần ưu tiên số lượng nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở, những người trực tiếp giải quyết vấn đề liên quan đến tôn giáo ở cơ sở.

Việc trang bị tri thức lý luận cho đội ngũ cán bộ là hết sức quan trọng. Những cán bộ chuyên trách công tác tôn giáo cấp huyện trở lên cần phải đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị. Tuy nhiên, việc đào tạo cán bộ hiện nay chưa dựa vào đặc thù công tác mà còn căn cứ vào các yếu tố khác (chức vụ, tuổi, hệ số lương...), vì vậy hiện nay ở các địa phương miền Trung, đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tôn giáo ở cấp huyện vẫn còn nhiều người chưa qua cao cấp lý luận chính trị. Đơn cử như Quảng Ngãi, trong số 28 cán bộ chuyên trách tôn giáo của 14 huyện, hiện chỉ có 12 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Tại Thừa Thiên Huế, trong số 16 cán bộ của Ban Tôn giáo, chỉ có 3 người đã qua chương trình cao cấp lý luận chính trị; trong số 24 cán bộ của 9 huyện thì chỉ có 9 người đã qua chương trình cao cấp lý luận chính trị. Như vậy, số cán bộ cần tiếp tục đào tạo là khá nhiều.

Bên cạnh đào tạo đại trà, cần tổ chức tuyển chọn những cán bộ ưu tú làm công tác tôn giáo hoặc tuyển chọn những sinh viên khá, giỏi mới ra trường để đào tạo thành những người có kiến thức chuyên sâu, trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực này. Thực tế hiện nay ở miền Trung, số người có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực tôn giáo còn ít.

Thứ hai, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo bằng những hình thức đa dạng và thiết thực hơn

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý tôn giáo, nội dung phải luôn mới, sát hợp thực tế, thậm chí phải có tính “vượt trước” thực tế nhằm dự báo và chuẩn bị các phương án sẵn sàng nếu có điểm nóng xảy ra. Để nội dung “thẩm thấu” vào đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cần phải có phương pháp phù hợp.

Thực tế, trong những năm gần đây, các tỉnh miền Trung đã có những cách làm hay mà thành phố Đà Nẵng là một thí dụ. Ngoài những khóa học lý luận ở các trung tâm đào tạo như Học viện Chính trị khu vực III, Trường chính trị thành phố... Đà Nẵng đã tổ chức Hội thi kiến thức quản lý nhà nước về hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Đây là phương pháp mới mẻ, góp phần trang bị, cập nhật tri thức cơ bản cho cán bộ mà không nhàm chán, khô khan. Cũng thông qua những hình thức trên, có thể khảo sát, nắm rõ được chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tại các cơ sở.

Thứ ba, tăng cường hoạt động khảo sát tình hình thực tiễn nhằm đúc rút những bài học kinh nghiệm

Để quản lý nhà nước về tôn giáo có hiệu quả cao, thì một trong những yếu tố quan trọng là kinh nghiệm thực tiễn. Nếu cán bộ tôn giáo chỉ nắm vững kiến thức lý thuyết mà không có kinh nghiệm thực tiễn thì khi xử lý công việc sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ, lúng túng trong khi lĩnh vực tôn giáo lại rất phức tạp và có nhiều biến động đa dạng. Do vậy, tăng cường giao lưu, hợp tác học hỏi giữa cán bộ các địa phương là điều đặc biệt cần thiết. Điển hình như tỉnh Quảng Bình đã thành lập đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước về tôn giáo của các tỉnh phía Bắc, những vùng có đông đồng bào Công giáo như các huyện: Quảng Trạch, Quảng Ninh, Tuyên Hóa... Ban Tôn giáo tỉnh đã mời các Trưởng, Phó Phòng Nội vụ cùng lãnh đạo, chuyên viên Ban Tôn giáo tham gia các cuộc khảo sát để góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác quản lý hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Sau mỗi đợt khảo sát có tổ chức viết báo cáo về tình hình cần học tập.

Thứ tư, tăng cường huấn luyện các kỹ năng cho cán bộ làm công tác quản lý tôn giáo

Hiện nay, các khóa đào tạo cán bộ làm công tác tôn giáo đã được tổ chức khá công phu, khoa học và bài bản. Tuy nhiên, hầu hết các chương trình đều tập trung vào cung cấp tri thức tôn giáo, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, ít chú trọng vào các kỹ năng, nghiệp vụ trong hoạt động quản lý tôn giáo. Thực tế cho thấy, có nhiều cán bộ có tri thức tôn giáo và nắm vững pháp luật, chính sách nhưng lại không thành công trong quá trình tiếp xúc, giải quyết các công việc thực tiễn. Điều này chứng minh rằng, người làm công tác quản lý tôn giáo cũng giống như người làm công tác dân vận - phải nói hay, thực hành giỏi mới vận động, thuyết phục được đồng bào các tôn giáo. Đặc biệt, tôn giáo lại rất đa dạng, nhạy cảm, người theo tôn giáo bao gồm nhiều thành phần dân cư khác nhau, trình độ khác nhau. Do vậy, đòi hỏi người làm công tác quản lý tôn giáo phải có kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng thâm nhập, xây dựng tình cảm đối với quần chúng nhân dân. Thời gian tới, chúng ta cần đầu tư xây dựng chương trình, giáo trình không chỉ cung cấp lý luận mà hướng đến các kỹ năng như kỹ năng ứng xử, giao tiếp với các tôn giáo, kỹ năng xử lý điểm nóng tôn giáo... Có như vậy, mới xây dựng được đội ngũ cán bộ tôn giáo đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2015

 

TS Đoàn Triệu Long

Học viện Chính trị Khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền