Trang chủ    Thực tiễn    Nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
Thứ sáu, 22 Tháng 7 2016 17:16
2986 Lượt xem

Nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

(LLCT) - Để thực hiện các mục tiêu và triển khai các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), vấn đề tiên quyết là sự thống nhất trong nhận thức về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; nội hàm và các mục tiêu, phương pháp, phương thức tiến hành Chương trình trong toàn bộ hệ thống chính trị cũng như cán bộ các cấp liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình. Bởi có nhận thức đúng mới có sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, khoa học, phù hợp với điều kiện của địa phương. Có như vậy Chương trình MTQG về XDNTM mới đạt được những thành quả đích thực, đúng mục tiêu đã đặt ra.

Quán triệt vấn đề này, trong các văn bản quy phạm liên quan đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, Chương trình MTQG về XDNTM nói riêng đã có những quy định về thống nhất trong nhận thức và hành động([1]1). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong thời gian qua, ở nhiều địa phương, do nhận thức không đúng về Chương trình mà đã có những chỉ đạo, triển khai thực hiện nóng vội, chủ quan, duy ý chí, không hợp lòng dân, gây nên những phản ứng tiêu cực, xáo trộn trong đời sống, thậm chí tạo nên những mâu thuẫn, bất đồng, chia rẽ trong cộng đồng dân cư và giữa người dân với chính quyền.

Qua khảo sát cán bộ thuộc Ban Chỉ đạo, điều hành và giúp việc cho Chương trình MTQG về XDNTM tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên cho thấy, có 45,2% cán bộ trong mẫu điều tra cho rằng, mình “biết rất rõ” về Chương trình xây dựng NTM, 38,8% trả lời “biết đôi chút”, 15,7% cho rằng “có nghe qua nhưng không biết nội dung cụ thể” và 0,3% “hoàn toàn không biết”. Trong đó, nhóm cán bộ thuộc Ban Chỉ đạo (hoặc tổ giúp việc) về NTM các cấp vẫn còn một bộ phận không nhỏ (15%) cho rằng mình chỉ “biết đôi chút” về Chương trình(2).

Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG về XDNTM là nhân tố then chốt thúc đẩy XDNTM đạt thắng lợi, kết nối chủ trương của Đảng và Nhà nước đến nhân dân. Tuy nhiên, số liệu khảo sát cho thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ trong Ban Chỉ đạo (54,8%) vẫn chưa nắm rõ chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã cho thấy: “Một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn thiếu quan tâm chỉ đạo; năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện chương trình. Một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, phương pháp xây dựng nông thôn mới để phù hợp, hài hòa với đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ...”(3). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chỉ đạo thiếu quyết liệt, thiếu sâu sát, còn nhiều lúng túng trong việc hướng dẫn các cấp, ngành hữu quan thực hiện Chương trình.

Hội nghị Trung ương 7 khóa XI chỉ rõ: Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp. Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa... Cụ thể hóa chủ trương phát triển “tam nông”, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành Chương trình MTQG về xây dựng NTM. Tuy nhiên, số liệu khảo sát (Bảng 1) cho thấy, có 31,6% cán bộ được hỏi cho rằng một trong những nguyên nhân để tiến hành xây dựng NTM là “Tốc độ đô thị hóa ở nông thôn còn chậm, cần đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa nông thôn” và 26,1% cho rằng là do “Tỷ lệ các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn còn cao”. Những chỉ báo này đã phản ánh sự nhận thức chưa triệt để của đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ trực tiếp chỉ đạo và điều hành Chương trình MTQG về XDNTM nói riêng. Điều đáng nói là, sự nhận thức sai lệch này “trải đều” trong các địa phương trong mẫu điều tra càng cho thấy tính chất “phổ biến” trong vấn đề nhận thức chưa đúng về Chương trình.

Khi được hỏi về mục tiêu của Chương trình MTQG về XDNTM, có 59,9% cán bộ trong mẫu điều tra trả lời “không rõ”.  Các “mục tiêu cứng” và gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như “kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội”, “đời sống vật chất và tinh thần” được liệt kê với tỷ lệ khá cao (51,7% , 57,2%) còn các “mục tiêu mềm” như “an ninh trật tự”, “môi trường sinh thái”, “bản sắc văn hóa dân tộc” có tỷ lệ liệt kê thấp (12,3%; 10%; 9,7%). Giữa hai nhóm tuổi (22 đến 45; trên 45) của cán bộ được hỏi,  tỷ lệ này cũng không có sự chênh lệch đáng kể về mặt thống kê. Qua đó cho thấy, mức độ nắm bắt về chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu và các nội dung liên quan đến Chương trình MTQG về xây dựng NTM của đội ngũ cán bộ trên địa bàn khảo sát còn nhiều hạn chế.

Qua phân tích số liệu, các nhóm cán bộ có trình độ chuyên môn ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp; nhóm cán bộ có thâm niên công tác dưới 20 năm và từ 20 năm trở lên  không có sự khác biệt lớn trong nhận thức về mục tiêu của XDNTM. Qua đó cho thấy, sự nhận thức về mục tiêu, nội dung của Chương trình không phụ thuộc vào thâm niên công tác, nhóm tuổi hay trình độ chuyên môn của cán bộ.

Khi được hỏi về mục tiêu số xã đạt chuẩn NTM đến năm 2015 mà Chương trình đề ra, chỉ có 30,4% số cán bộ được hỏi trả lời đúng về mục tiêu đến năm 2015 phải đạt được 20% số xã đạt chuẩn NTM (theo Quyết định 800), 69,6% trả lời sai hoặc “không rõ”; và chỉ có 27,6% trả lời đúng về mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM; 72,4% trả lời sai hoặc “không rõ”.

Khi được hỏi về nội dung Bộ tiêu chí quốc gia về NTM do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16-4-2009 (Quyết định 491), có 6,7% cán bộ được hỏi trải lời sai hoặc “không nhớ rõ” nội dung Bộ tiêu chí và 75,3% “không nhớ rõ” Bộ tiêu chí gồm mấy nhóm tiêu chí lớn(4).

Quyết định 491 (Mục B, C) có quy định rõ: “Huyện nông thôn mới” là huyện có 75% số xã trong huyện đạt NTM; “tỉnh nông thôn mới” là tỉnh là 80% số huyện đạt NTM. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, có đến 64,7% số cán bộ được hỏi trả lời sai hoặc “không nhớ rõ” về tiêu chuẩn “huyện nông thôn mới”; 63,5% trả lời sai hoặc “không nhớ rõ” về tiêu chuẩn “tỉnh nông thôn mới”. Đây là những chỉ báo minh chứng rõ thực tế: cán bộ nói chung, cán bộ liên quan trực tiếp đến công tác điều hành, chỉ đạo NTM nói riêng, nhận thức chung về Chương trình MTQG về xây dựng NTM còn hạn chế, thiếu tính xác đáng; còn lơ là trong nắm bắt các điểm cốt yếu của Chương trình. Chính điều này dẫn đến những hạn chế, thiếu sót (thậm chí lệch lạc) trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các tiêu chí theo Quyết định 491 của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

Báo cáo Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chỉ rõ: “Qua khảo sát, nhiều cán bộ chủ chốt cấp xã còn chưa nắm được đầy đủ nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng nông thôn mới. Một số cán bộ chuyên trách ở các cấp chưa được tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ chỉ đạo, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình”(5).

Thực tế, ở một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và chưa chủ động triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình nên kết quả đạt được ở mức thấp.

Không thể có sự chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng nếu nhận thức của đội ngũ cán bộ chưa thật chính xác về ý nghĩa, mục tiêu; chưa sâu sát, nắm bắt triệt để các nội dung của Chương trình.

Một trong những vấn đề cốt yếu trong nhận thức về Chương trình MTQG về XDNTM là xác định chủ thể của NTM, nhằm có hướng đích để chỉ đạo thực hiện, huy động sức dân, vực dậy các nguồn lực trong nhân dân trong triển khai Chương trình. Nghị quyết số 26 chỉ rõ: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới”; Tại điều 2 Chương I, Thông tư liên tịch số 26/2011 liên bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Kế hoạch đầu tư, Tài chính về Hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg nhấn mạnh, cộng đồng cư dân nông thôn, cụ thể là người nông dân đóng vai trò là chủ thể trong quá trình tham gia thực hiện và hưởng thụ các thành quả do Chương trình mang lại. Khi được hỏi về vấn đề này, chỉ có 49,2% cán bộ trong tổng mẫu điều tra trả lời chính xác về “chủ thể nông thôn mới”; 51,8% không trả lời chính xác, trong đó có 29,9% xác định chủ thể NTM chính là “Đảng và chính quyền địa phương”, 9% cho rằng chủ thể là “Các tổ chức chính trị - xã hội”.

Trong tiến trình XDNTM, chủ thể lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện là các cấp ủy đảng, bộ máy chính quyền, cụ thể là các Ban Chỉ đạo XDNTM các cấp. Nhà nước và hệ thống chính trị đóng vai trò quan trọng trong chế định các chính sách liên quan, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nông dân có vai trò là chủ thể tham gia thực hiện và hưởng thụ các thành quả do Chương trình mang lại. Tuy nhiên, Bảng 2 cho thấy, tình trạng “nhầm vai” khá phổ biến. Điều này dẫn đến hai hệ lụy lớn: Một là, đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ liên quan đến Chương trình nói riêng, từ nhận thức không đúng về chủ thể sẽ dẫn đến mất phương hướng, chủ quan, đùn đẩy trách nhiệm trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện; tư tưởng nóng vội, duy ý chí, đốt cháy giai đoạn nhằm đạt được những tiêu chí mà quên đi mục tiêu chính yếu của XDNTM, trong đó có nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn trên cơ sở dân chủ, công khai minh bạch; Thứ hai, chính sự “nhầm vai” này khiến cho nông dân - những người cần phải trực tiếp tham gia và thụ hưởng từ Chương trình - còn “đứng ngoài cuộc”: quyền được biết, bàn, tham gia, quyết định, giám sát, hưởng thụ... chưa được thể hiện một cách đầy đủ và vô hình trung trở thành “khán giả” trong tiến trình xây dựng NTM.

Thực tế này đã thể hiện sự bất cập trong nhận thức của đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác điều hành, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình; trong công tác tuyên truyền về chủ trương XDNTM cho chính đội ngũ cán bộ và người dân. Sự yếu kém này đã được một số địa phương phản ánh: “Một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy và chính quyền chưa tập trung chỉ đạo chương trình, chưa thực sự xem nông thôn mới là giải pháp quan trọng, có tính chiến lược trong việc thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chưa xem xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương trong giai đoạn hiện nay”(5). Đây chính là nguyên nhân (và cũng là hệ quả) gây nên sự  “đóng thay vai” của Nhà nước nói chung, chính quyền địa phương nói riêng trong thực thi XDNTM; công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu về vai trò, vị thế, quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong XDNTM chưa thật sự tốt; các lực lượng chính trị - xã hội khác (tổ chức chính trị - xã hội, các hợp tác xã, doanh nhân, các tổ chức tình nguyện...) chưa tham gia nhiệt tình và trở thành hợp lực trong XDNTM.

Tình trạng hạn chế trong nhận thức về chức năng, mục tiêu và các nhiệm vụ cụ thể của đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành XDNTM nói riêng là một thực tế hiện hữu. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề bất cập trong chỉ đạo, triển khai thực hiện và nhiều hệ lụy khác: nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chủ quan, nóng vội, cào bằng, bao biện, thậm chí trốn tránh trách nhiệm, đóng “nhầm vai” của cán bộ và người dân trong tiến trình XDNTM ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2015

(1) Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008 về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (mục 1, phần II).

(2) Đề tài “Xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ: thực trạng và giải pháp” do tác giả làm Chủ nhiệm, khảo sát chọn mẫu 3 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên (với 311 mẫu là cán bộ thuộc diện Ban Chỉ đạo, điều hành và giúp việc cho Chương trình MTQG về XDNTM và cán bộ không thuộc diện này).

(3), (4) Ban Chỉ đạo Trung ương, Chương trình MTQG về XDNTM giai đoạn 2010-2020, Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Lâm Đồng, ngày 24-3-2014.

 (5) UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG về xây dựng NTM: “Báo cáo tình hình thực hiện chương trình MTQG về xây dựng NTM năm 2014, kế hoạch năm 2015”, tháng 01-2015.

 

TS Phạm Đi

Học viện Chính trị Khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền