Trang chủ    Thực tiễn    Hà Nội gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội
Thứ sáu, 22 Tháng 7 2016 17:19
2733 Lượt xem

Hà Nội gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội

(LLCT) - Thực hiện chủ trương gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, thành phố Hà Nội đã luôn đề cao mối quan hệ biện chứng này trong mọi chính sách phát triển. Trải qua 30 năm đổi mới, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, Hà Nội còn đạt được những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội và con người, tạo nên sức mạnh và sự bền vững của quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

1. Quan điểm của Đảng ta về quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội

Trong những năm đổi mới, đường lối của Đảng cũng như chính sách của Nhà nước đã thể hiện quan điểm mới, sâu sắc và toàn diện trong việc gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và tiến bộ, công bằng xã hội.

Về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa:

Đại hội VIII của Đảng đã chỉ rõ sự gắn bó hữu cơ của yếu tố văn hóa và kinh tế qua việc xác định: “Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”(1).

Đại hội X đã đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, yêu cầu phát triển kinh tế phải gắn bó chặt chẽ và đồng bộ với phát triển văn hoá. Khi bàn về văn hóa, Đảng ta luôn khẳng định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII đã xác lập một hệ thống chính sách để xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó đáng chú ý là chính sách “kinh tế trong văn hóa” nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa và “chính sách văn hóa trong kinh tế” nhằm bảo đảm cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế. Hội nghị Trung ương 10 khoá IX đã khẳng định mục tiêu chủ yếu của sự nghiệp CNH, HĐH là bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội.

Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sác dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”(2).

Đại hội XI của Đảng yêu cầu “Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế”(3). Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, tiếp tục khẳng định quan điểm đó và bổ sung, phát triển luận điểm mới là“Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Nhấn mạnh việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, Hội nghị chỉ rõ: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh... Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế,... Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc”(4).

Về việc gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội:

Sau 10 năm đổi mới, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng, tạo tiền đề để thực hiện CNH, HĐH, Đại hội VII của Đảng (1996) xác định: “Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội...”(5). Đại hội VIII nêu cụ thể hơn nội dung gắn kết: “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”(6). Đại hội IX khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển’’(7). Đại hội X nhấn mạnh: “Phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội”(8). Đại hội XI tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán: “Phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”(9).

Thực hiện chủ trương đã đề ra, trong thời kỳ đổi mới, cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế là những kết quả đáng ghi nhận về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển nền văn hóa. Dấu ấn nổi bật nhất là việc năm 2008 nước ta đã hoàn thành hầu hết các Mục tiêu thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015. Chỉ số phát triển con người (HDI) ngày càng tăng cao, mức hưởng thụ văn hóa, điều kiện tiếp cận thông tin của người dân được nâng lên rõ rệt, hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng, công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều thành tựu nổi bật.

2. Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và tiến bộ, công bằng xã hội tại Hà Nội

Với vai trò là Thủ đô, là trung tâm chính trị - kinh tế của quốc gia; trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế lớn của cả nước, thành phố Hà Nội luôn chú trọng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô.

- Tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Hà Nội luôn được duy trì ở mức ổn định và khá cao. GDP tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 9,0%, cao hơn 1,5-1,7 lần so với cả nước (năm 2014 tăng trưởng kinh tế của cả nước là 5,98%)(10).

Các thành phần kinh tế phát triển mạnh; đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích kinh tế tư nhân và hộ gia đình, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Số doanh nghiệp Hà Nội chiếm khoảng 25% tổng số doanh nghiệp của cả nước (mỗi năm có thêm 7.283 doanh nghiệp thực tế đi vào hoạt động)(11), chương trình xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế mở được triển khai đã thu hút hàng triệu lao động vào làm việc.

 Bên cạnh đó, nhiều chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với các mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng, phát triển các làng nghề, xã nghề... Trong những năm qua, Hà Nội đã xây dựng nhiều công trình trọng điểm, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian qua đã tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho người lao động. Trung bình hàng năm Thành phố đã giải quyết việc làm mới khoảng 137 nghìn lao động, ước tính năm 2015 giải quyết việc làm cho khoảng 141.500 lao động(12).

Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng việc làm mới được tạo ra còn thấp, vì việc làm chủ yếu được tạo thêm trong khu vực nông nghiệp với trang bị, công nghệ, kỹ thuật thấp; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm.

- Tăng trưởng kinh tế góp phần nâng dần thu nhập cho nhân dân, xóa đói giảm nghèo

Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người của Hà Nội năm 2012 đạt 2.257 USD/người, gấp 1,33 lần so với mức 1.696 USD/người năm 2008; năm 2013 đạt khoảng 2.580 USD/người(13); gấp 1,3 lần mức chung của cả nước. Hà Nội dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển con người. Năm 2013, toàn thành phố thực hiện giảm 16.500 hộ nghèo (giảm tỷ lệ hộ nghèo 1% so với năm 2012), căn bản xóa hộ nghèo thuộc diện chính sách. Nhìn chung, tốc độ giảm nghèo của Hà Nội luôn nhanh hơn so với mức bình quân chung của cả nước.

- Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và đảm bảo an sinh xã hội

Về phát triển văn hóa, chi ngân sách cho các hoạt động văn hóa của Hà Nội tăng cao trong những năm qua. Nếu như năm 2008, nguồn chi cho hoạt động văn hóa là 449 tỷ đồng, thì năm 2013 tăng lên 1.293 tỷ đồng (tăng gần 3 lần). Đời sống văn hóa tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống thông tin, các khu vui chơi, giải trí, nơi sinh hoạt văn hóa ngày càng hoàn thiện, hiện đại, phục vụ tốt đời sống tinh thần của đại bộ phận người dân. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hà Nội về cơ bản đã phản ánh kịp thời những thay đổi của đời sống vật chất.

Các lĩnh vực văn hóa đã bước đầu gắn với công nghiệp sản xuất, tạo nền tảng cho sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH. Các loại hình công nghiệp văn hóa ở Hà Nội từ báo chí, phát thanh và truyền hình, điện ảnh, xuất bản, sản xuất băng đĩa, sản xuất đồ chơi, rạp hát, thư viện, khu vui chơi giải trí đều có những bước tiến đáng kể. Hiện nay, Hà Nội có 20 đơn vị báo chí (chiếm 3,91%), 35 nhà xuất bản (chiếm trên 50%), có nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh băng đĩa, kinh doanh dịch vụ văn hóa giải trí.

Về giáo dục và đào tạo, trong những năm qua, giáo dục - đào tạo Thủ đô đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng theo hướng bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đến nay, Hà Nội đã có 50% số trường đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành xóa phòng học tạm và phòng học nhà cấp 4; và đi đầu trong phổ cập giáo dục. Mô hình trường chất lượng cao được nhân rộng với mục tiêu đạt 35 trường chất lượng cao năm 2015. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục và đào tạo được tăng cường. Chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo năm 2013 là 9.538 tỷ đồng, chiếm15,8% tổng chi ngân sách (gấp 3 lần năm 2008). Ngoài ra, hệ thống các trường, cơ sở dạy nghề, trung học chuyên nghiệp cũng lớn mạnh vượt bậc. Việc liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề để phát triển nguồn nhân lực ngày một chặt chẽ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội tăng khá nhanh, từ 38,7% năm 2011 lên 49,7% năm 2014 và năm 2015 ước đạt 55%.

Về y tế, hệ thống cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Hà Nội dày đặc nhất trong cả nước với chất lượng điều trị, ứng dụng kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong khám chữa bệnh của nhân dân Thủ đô và cả nước. Hà Nội đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Từ năm 2008 đến nay, Thành phố đã đầu tư gần 3.200 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế xã/phường, trong đó đặc biệt ưu tiên các cơ sở y tế tuyến huyện. Đến năm 2013, toàn Thành phố có 570/577 xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (98,8%).

Phong trào làm việc thiện, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... trở thành nền nếp thường xuyên và dẫn đầu cả nước. Có thể thấy rằng, sự phát triển của văn hóa và việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở Hà Nội ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, đã phát triển đúng hướng, đồng bộ với sự phát triển kinh tế và tạo thành một mắt xích hữu cơ hết sức quan trọng trong sự phát triển toàn diện của Thủ đô.

3. Những vấn đề đặt ra trong việc gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở Hà Nội

Trong những năm qua, tuy thành phố Hà Nội đã đạt được những thành quả quan trọng, song vẫn còn không ít hạn chế trong việc hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội:

- Tăng trưởng kinh tế tuy đạt cao và tương đối ổn định song chất lượng tăng trưởng thấp. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp và các sản phẩm hàng hóa còn thấp. Với vị thế của Thủ đô, nhưng Hà Nội lại đứng sau nhiều địa phương về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Năm 2008, Hà Nội đứng thứ 31/63, năm 2012 tụt xuống vị trí thứ 51/63, đến năm 2014 lên thứ 26/63.

- Những kết quả và tiến bộ đạt được trong lĩnh vực văn hóa chưa xứng tầm với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến của Thủ đô, chưa đủ mạnh để tác động có hiệu quả làm chuyển biến rõ rệt các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những mặt trái của phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức một bộ phận nhân dân Thủ đô, đặc biệt là giới trẻ. Các loại hình công nghiệp văn hóa dần được định hình và phát triển, nhưng còn manh mún, tản mạn, chưa có sự liên kết giữa các lĩnh vực với nhau để tạo lợi thế cạnh tranh. Việc đầu tư để nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa chưa được chú trọng, Thành phố cũng chưa có chiến lược phát triển đồng bộ lĩnh vực này.

- Giãn cách thu nhập của Hà Nội đang tăng nhanh, phát triển thiếu tính bền vững, năm 2002 tỷ lệ giãn cách giàu nghèo là 8,1, năm 2008 tăng lên 8,9, đến năm 2012 là 9,3(14). Đặc biệt là khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn ngày một tăng. Đồng thời, trên địa bàn Hà Nội tồn tại sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa các nhóm dân cư, đặc biệt là giữa nhóm di cư đến và dân sở tại.

- Việc xóa đói giảm nghèo có xu hướng chậm lại, số hộ tái nghèo tăng lên. Theo chuẩn nghèo, cận nghèo của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, Hà Nội có 34.409 hộ nghèo với 147.589 nhân khẩu, chiếm 1,91 tổng số hộ dân cư. Số hộ nghèo khu vực nông thôn chiếm 82,9% tổng số hộ nghèo. Còn 44.639 hộ cận nghèo, chiếm 2,48% tổng số hộ dân. Nguyên nhân của tình trạng này là các chính sách xã hội mang tính chất hỗ trợ (tiền), chứ chưa tập trung vào việc hướng dẫn họ sử dụng vốn, công tác hướng nghiệp chưa mang lại hiệu quả. Hơn thế, đã và đang xảy ra tình trạng ỷ lại vào chính sách ưu đãi và sự đầu tư của Nhà nước, vào sự hỗ trợ của cộng đồng, bên cạnh đó, số hộ cận nghèo ngày càng tăng do thu nhập bấp bênh.

- Mô hình tăng trưởng và phân bổ nguồn lực là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất, lâu dài đến việc tạo lập tiến bộ và công bằng xã hội. Mô hình“thị trường - hướng về xuất khẩu” được triển khai trên thực tế lại chệch sang xu hướng “thị trường - thay thế nhập khẩu”. Tăng trưởng cao nhưng chưa mở rộng cơ hội việc làm tương ứng.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2015

(1), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.85, 85.

(2), (8) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.33, 178-179.

(3), (9) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.124, 21.

(4) Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

(5) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr.73.

(7) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.88

(10)  Nguyễn Thành Công (2015): Đề tài cấp thành phố “Đánh giá thực trạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

(11) Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (2012): Đề án “Chuyển đổi các phòng đăng ký kinh doanh thành đơn vị sự nghiệp có thu”.

(12) Thành ủy Hà Nội (2015): Dự thảo lần 4 Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV trình Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội.

(13), (14) Nguyễn Đình Dương (chủ biên): Kinh tế - xã hội Hà Nội sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.74, 234.

 

ThS Sền Thị Hiền

Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền