Trang chủ    Thực tiễn    Ngành thanh tra với công tác phòng, chống tham nhũng
Thứ tư, 27 Tháng 7 2016 15:27
2174 Lượt xem

Ngành thanh tra với công tác phòng, chống tham nhũng

(LLCT) - Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, trong nhiệm kỳ 2011-2016, ngành Thanh tra đạt được những kết quả quan trọngtrong việc hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát,  xử lý vi phạm.

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng (PCTN) được các ngành, các cấp quan tâm. Từ năm 2011 đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 5.914 văn bản; sửa đổi, bổ sung 3.171 văn bản nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được đưa vào hệ thống giáo dục, đào tạo và triển khai rộng rãi, bước đầu nâng cao nhận thức trong xã hội về PCTN. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện, điều chỉnh phù hợp hơn, đã ngày càng phát huy hiệu quả. Việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước. Hiệu quả thu hồi tài sản qua công tác thanh tra, điều tra tội phạm tham nhũng có chuyển biến rõ rệt; vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, báo chí trong phòng, chống tham nhũng được đề cao; cơ chế bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người tố cáo hành vi tham nhũng được xây dựng và tổ chức thực hiện, góp phần quan trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của xã hội và mỗi người dân trong phòng, chống tham nhũng.

Ngành đã tham mưu với các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục về PCTN gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đến tháng 9-2015, gần 13 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, với gần 140.000 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN được tổ chức và trên 1 triệu cuốn sách, tài liệu về PCTN được phát hành.

Với việc thực hiện mạnh mẽ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nên Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam (do Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá trong năm 2014) đạt thứ hạng 68/144 nền kinh tế (tăng 2 hạng so với năm 2013). Ngân hàng Thế giới xếp hạng môi trường kinh doanh 2014, Việt Nam giữ vị trí thứ 99/189 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 5 hạng so với năm 2006)…

Các ngành, các cấp tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện. Đã có 18.588  cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra, qua đó phát hiện 407 cơ quan, tổ chức đơn vị vi phạm quy định về công khai minh mạch; quan tâm thực hiện công tác cải cách hành chính, đưa ứng dụng công nghệ trong cung cấp thông tin, quản lý. Đã có 96,7% cấp xã, 98,5% cấp huyện và 88,3% các sở, ban, ngành triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 367.000 doanh nghiệp khai thuế qua mạng Internet, chiếm 76% doanh nghiệp đang hoạt động. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, sửa đổi, bổ sung 40 văn bản về các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; các bộ, ngành, địa phương ban hành 40.473văn bản; huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung 18.697văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 23.381cuộc kiểm tra việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; phát hiện 604 vụ vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 645,7tỷ đồng, đã được thu hồi 197tỷ đồng, xử lý kỷ luật 266 người.

Việc thực hiện quy định về việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được triển khai đầy đủ, nhất là sau khi có Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị. Năm 2013có 944.425 người đã kê khai tài sản, thu nhập trên tổng số 952.178 người phải kê khai (đạt 99,2%); số lượng bản kê khai thuộc diện cấp ủy hoặc cấp trên quản lý: 201.345 bản; có 914.245 bản kê khai đã công khai (đạt tỷ lệ 96,8% so với số bản đã kê khai). Thanh tra Chính phủ đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc 56 cơ quan, bộ, ngành, địa phương, nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ về nhận thức và hành động trong công tác kê khai tài sản, thu nhập.

Năm 2014 (theo báo cáo của 98 cơ quan, đơn vị) có 1.008.949/1.004.914 người đã kê khai (đạt 99,6%); trong đó có 998.827 bản đã công khai (đạt 98,4%); 320.050 bản đã công khai theo hình thức niêm yết (đạt 32,4%); 668.777 bản đã công khai theo hình thức công bố (đạt 67,6%). Có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, trong đó phát hiện 4 người kê khai không trung thực (đã xử lý kỷ luật 2 người). Riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập 1.438 người, phát hiện 1 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, hiện đang trong quá trình xem xét kỷ luật.

Công tác kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ở các ngành, các cấp được tăng cường.Qua kiểm tra 19.584 cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện và xử lý 597 người vi phạm.

Các cấp, các ngành đã tiến hành xử lý 212 người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó đã xử lý 200 người: 16 người bị xử lý hình sự, 184 người bị xử lý kỷ luật hành chính.

Bên cạnh công tác phòng ngừa, ngành Thanh tra gắn công tác thanh tra với công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, qua thanh tra đã phát hiện 441 vụ,696 người có dấu hiệu tham nhũng với số tiền 769 tỷ đồng, 10 ha đất; kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng, 6,3 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 đối tượng.

Công tác bảo vệ, khen thưởng người tố cáo, phát hiện tham nhũng được quan tâm, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV ngày 16-3-2015 Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng.

Trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về công tác đối ngoại, tuân thủ các quy định của Nhà nước, xuất phát từ nhu cầu hợp tác của các quốc gia để cùng phát triển, qua đó đã thể hiện quyết tâm chính trị, hành động thực tế của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng. Đến nay, Thanh tra Chính phủ đã ký kết 14 thỏa thuận hợp tác song phương với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới(1). Thanh tra Chính phủ đã tham mưu việc phê chuẩn và chủ trì tổ chức thực hiện có hiệu quả Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng; đã phát hành ấn phẩm Báo cáo quốc gia của Việt Nam đánh giá thực hiện Công ước. Tham gia tích cực và trách nhiệm tại các tổ chức, diễn đàn, sáng kiến đa phương khu vực và quốc tế về phòng, chống tham nhũng; không ngừng thiết lập, củng cố và tăng cường các mối quan hệ hợp tác song phương với các cơ quan đối tác nước ngoài nhằm trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn tốt, đồng thời tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ ngành Thanh tra; hợp tác có hiệu quả với các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để tranh thủ nguồn lực hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực tổng thể ngành Thanh tra qua các chương trình, dự án như POSCIS, GI-UNCAC, AC-UNCAC và các dự án đào tạo trung hạn do JICA (Nhật Bản) và KOICA (Hàn Quốc) tài trợ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng của ngành Thanh tra trên một số nhiệm vụ hiệu quả còn hạn chế. Tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp nhất là ở một số ngành, lĩnh vực như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng... và xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Nguyên nhân là do một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quán triệt đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức công tác phòng, chống tham nhũng; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhìn chung còn hình thức, hiệu quả chưa cao; việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, việc phát hiện tham nhũng qua hoạt động của ngành Thanh tra tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng chưa tương xứng với thực trạng vi phạm; việc tổng hợp số liệu, phân tích tình hình tham nhũng và đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành còn chậm và chưa sát với thực tế.

Qua đánh giá sơ bộ 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng cho thấy, có 4 giải pháp được đánh giá là có hiệu quả tích cực, đó là: Cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nhất là trách nhiệm giải trình trong việc thực thi công vụ); xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Hai giải pháp được đánh giá hiệu quả ở mức trung bình, đó là: Chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Ba giải pháp được đánh giá hiệu quả thấp, là: Kê khai tài sản, thu nhập; đổi mới phương thức thanh toán và nộp lại quà tặng…

Trong những năm tới, ngành Thanh tra tập trung tham mưu cho các cấp, các ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó, đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; có chiến lược truyền thông đúng đắn về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin phòng, chống tham nhũng; triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao Như: đầu tư xây dựng, đất đai, thu ngân sách, thuế, hải quan, mua sắm công, công tác cán bộ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; tích cực thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng để nghiên cứu việc sửa đổi toàn diện, nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với Việt Nam, đề xuất những giải pháp đột phá bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng; tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật phòng, chống tham nhũng, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phíBan hành kèm theo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 6-2-2012 của Chính phủ…

_________________________

(1) Cơ quan Thanh tra và Kiểm toán Hàn Quốc; Bộ Giám sát Trung Quốc; Cơ quan Điều tra hành vi tham nhũng Singapore; Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia; Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập; Bộ Quan hệ với Quốc hội-Thượng viện và Thanh tra Campuchia; Thanh tra Chính phủ Lào; Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan; Cơ quan Thanh tra Philippines; Ủy ban Chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc; Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản; Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia; Cục Chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga; Cơ quan Chống tham nhũng Brunei Darussalam.

ThS  Đinh Quang Tuấn

 Thanh tra Chính phủ

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền