Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thứ sáu, 29 Tháng 7 2016 09:20
2101 Lượt xem

Nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(LLCT) - Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) nói chung và tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thời gian qua diễn biến phức tạp. Việc điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn do có sự can thiệp của Chính phủ một số nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ… Do đó, công tác điều tra, xử lý đối tượng này cần khéo léo, thận trọng, nghiêm minh.

Đảng ta luôn quan tâm chỉ đạo sát sao công tác điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Điều đó được thể hiện trong các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư như: Kết luận số 212-KL/BBT ngày 25-5-1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VII); Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14-10-2006 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo công tác bảo đảm ANQG trong tình hình mới; Kết luận số 86-KL-TW ngày 5-11-2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14-10-2006 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo công tác bảo đảm ANQG trong tình hình mới; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tinh hình mới…

Nhà nước đã thể chế thành các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật trên, như Nghị quyết số 4-NQ/HĐTP ngày 29-11-1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các Tội phạm; các quy định của ngành Công an như Công văn 318-CV/BNV ngày 29-3-1992 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quy định về việc bắt, giam giữ, xử lý đối với các đối tượng thuộc loại có “nhân thân đặc biệt”.

Thực hiện sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trung ương Đảng, lãnh đạo Bộ Công an, trong những năm qua, cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều đối tượng phạm tội tuyên truyên chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trong đó có những đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; đã giải quyết tốt các yêu cầu chính trị, đối ngoại, pháp luật và nghiệp vụ, trong đó yêu cầu quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước luôn được đặt lên hàng đầu

Quan điểm của Đảng và Nhà nước trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bao gồm một số nội dung cơ bản sau:

Trước hết, điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của các cấp ủy Đảng.

Việc áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là quá trình đấu tranh vừa công khai, vừa trực diện, nhưng cũng cần bí mật bởi nội dung mà các đối tượng phạm tội, các thế lực thù địch và phần tử phản động, tay sai thường tập trung tuyên truyền, chống phá liên quan trực tiếp đến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước (chính sách đối ngoại, chính sách hình sự, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách phát triển kinh tế - xã hội…). Qua đó, làm giảm uy tín, vai trò của Đảng và Nhà nước. Do đó, trong điều tra, xử lý các đối tượng này cần đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng.

Trong quá trình áp dụng biện pháp pháp luật để điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, cơ quan ANĐT phải chấp hành và vận dụng đúng đắn, phù hợp đường lối, chính sách của Đảng, nhất là trong các hoạt động điều tra, khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và lựa chọn, đề xuất các hình thức xử lý; chấp hành tốt Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng.

Thứ hai, điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải phục vụ yêu cầu chính trị, đối ngoại của Đảng, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và yêu cầu nghiệp vụ của ngành Công an.

Quá trình điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG và phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, cơ quan ANĐT cần quán triệt các yêu cầu chính trị, đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thông qua quá trình điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội, một mặt phải góp phần giữ ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; không tạo dư luận xấu trong nhân dân; bảo đảm việc thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mặt khác, việc xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu đối ngoại, không để các thế lực thù địch lợi dụng can thiệp, chống phá và gây khó khăn cho Việt Nam trong ký kết, đàm phán và quan hệ đối ngoại, không tạo dư luận xấu trong cộng đồng quốc tế, góp phần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc tranh thủ các nguồn lực, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quá trình áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý phải thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước đối với đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG nói chung và đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nói riêng. Việc điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội không những đáp ứng được yêu cầu trừng trị, trấn áp các đối tượng phạm tội, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc pháp chế XHCN trong phòng ngừa, đấu tranh, mà còn góp phần ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng xâm phạm ANQG, mở rộng công tác trinh sát lâu dài, góp phần bảo vệ vững chắc ANQG trong tình hình mới.

Thứ ba, điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải góp phần phục vụ có hiệu quả quan điểm của Đảng, Nhà nước về tự do, dân chủ, nhân quyền.

Trong tình hình hiện nay, nhiều đối tượng có hành vi phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thường lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do lập hội…để tiến hành các hoạt động phạm tội. Thực tế cho thấy, khi cơ quan ANĐT tiến hành khởi tố, điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thường bị các thế lực thù địch lợi dụng kính động, vu cáo Nhà nước ta bóp nghẹt tự do, dân chủ, đàn áp những người “bất đồng chính kiến”.

Do đó, trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, cơ quan ANĐT phải hết sức thận trọng, tôn trọng sự thật khách quan. Quá trình điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội phải làm rõ âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền xâm phạm ANQG; tuyệt đối không để xảy ra những sai sót để các thế lựcthù địch có thể lợi dụng chống phá, vu cáo. Đồng thời, trong quá trình điều tra, xử lý, phải góp phần làm cho các nước có sự khác biệt về thể chế chính trị thêm hiểu và ủng hộ Đảng, Nhà nước ta, không có các hoạt động gây khó khăn cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam trên trường quốc tế.

                                                         

ThS Trương Thanh Hà

Phó trưởng Công an quận Hải An, TP Hải Phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền