Trang chủ    Thực tiễn    Chính sách ưu đãi tín dụng một giải pháp quan trọng giảm nghèo bền vững (qua kinh nghiệm thực tế tỉnh Đồng Tháp)
Thứ năm, 04 Tháng 8 2016 14:59
2571 Lượt xem

Chính sách ưu đãi tín dụng một giải pháp quan trọng giảm nghèo bền vững (qua kinh nghiệm thực tế tỉnh Đồng Tháp)

(LLCT) - Đồng Tháp là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp đã nỗ lực phát huy tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa đói, giảm nghèo và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận không nhỏ dân cư sống ở mức thấp, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn hết sức khó khăn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và đô thị lớn, nhiều vấn đề xã hội phát sinh gây bức xúc.Công tác giảm nghèo hiện vẫn là một nhiệm vụ chính trị cấp thiết đối với Đồng Tháp. Kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian qua cho thấy, một trong những giải pháp quan trọng là thực hiện tốt chính sách ưu đãi tín dụng cho vay hộ nghèo, tạo nguồn vốn ban đầucho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thực tiễn sự phát triển đa dạng của các thị trường ở nông thôn đã dẫn đến những thay đổi tích cực, khơi dậy mạnh mẽ những tiềm năng, mang lại lợi ích cho các tầng lớp nhân dân, tạo ra nhiều cơ hội để cải thiện đời sống với nhiều sự lựa chọn hơn cho việc sản xuất và bán sản phẩm, cũng như tiêu dùng, hưởng thụ. Tuy nhiên, người nghèo thường không tiếp cận được với những cơ hội trên do thiếu thông tin, kiến thứcvà điều quan trọng hơn hết đó là họ thiếu vốn để sản xuất.

Để giải quyết bài toán về vốn cho người nghèo, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn giải pháp tăng cường lãnh đạo phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở làm bước đột phá hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, đưa người nghèo từng bước nâng cao thu nhập và tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ, đảm bảo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI định hướng đến năm 2020 “cơ bản bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin”.

1. Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãiphục vụ xóa đói giảm nghèo

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền ở Đồng Tháp đã xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ thường xuyên; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng, đặc biệt là tín dụng nhân dân gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững... Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng nhân dân ở cơ sở. 

Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng nhân dân đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng cao hiệu quả giám sát của nhân dân đối với công tác này. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng nhân dân và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng nhân dân; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội. Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Kết quả là, số tiền cho hộ nghèo vay năm 2015 tăng nhiềuso với những năm trước đó.Năm 2013 cho vay hơn 82 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, trong toàn tỉnhĐồng Thápcó 17 tổ chức Quỹ tín dụng hoạt động khá hiệu quả. Trong năm 2015, các Quỹ tín dụng nhân dân đã hỗ trợ tín dụngvay vốn cho 8.721 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với số tiềnhơn180tỷ đồng(1).

Ở Đồng Tháp, người nghèo không chỉ được tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mà họ còn được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi từ các Hợp tác xã tín dụng ở xã, phường, thị trấn, và các tổ hợp tác, tổ hùn vốn, góp vốn xoay vòng. Những mô hình và cách hỗ trợ vốn mới này được cấp ủy cơ sở quan tâm và khuyến khích phát triển nhằm mục đích tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Cùng với hỗ trợtín dụng, các cấp ủy và chính quyền đã định hướng cho người nghèo cách làm ăn hiệu quả, vận động người nghèo tham gia vào các lớp dạy nghề,… tiến hành mở rộng quy mô dạy nghề cho người nghèo vớinhiều hình thức,như dạy nghề cho lao động trẻ mới gia nhập lực lượng lao động tại các trường nghề, trung tâm dạy nghề, dạy nghề lưu động, dạy nghề tại chỗ (trên đồng ruộng, trang trại, tại vườn), dạy nghề theo hình thức kèm cặp.

Bên cạnh đó, Đồng Thápđổi mới chương trình dạy nghề theo yêu cầu của thị trường lao động, gắn dạy nghề với các chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, khuyến nông-khuyến ngư, phát triển kinh tế hộ gia đình, trang trại, phát triển sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động là người nghèo.

Gắn với nhận ủy thức vay,Hội Nông dân các cấp phối hợp với Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác, nuôi trồng cho nông dân, đồng thời vận động các hộ nông dân khá, giàu giúp các hộ nghèo mua lúa giống phục vụ sản xuất; vận động bà con tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất lúa, rau màu, nuôi tôm cá.

Kết quả thực hiện các chính sách đã góp phần giảm nhanh hộ nghèo ở ĐỒng Tháp trong 5 năm 2011-2015. Năm 2011, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh là 15,73%. Đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 3,67%; bình quân mỗi năm tỉ lệ hộ nghèo giảm 2,41%. Trong 5 năm (2011-2015),  đã có trên 60.000 hộ thoát nghèo. Ngoài ra, mô hình giảm nghèo bền vững cũng được triển khai đồng bộ và đem lại kết quả khả quan như: Xây dựng 7 dự án với 15 mô hình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ cho 159 hộ nghèo từ nguồn vốn mục tiêu giảm nghèo với kinh phí hơn 3 tỉ đồng. Trong 5 năm, có 152 hộ tham gia dự án có thu nhập ổn định thoát nghèo(2). Kết quả đó góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, an sinh xã hội được đảm bảo. Tổng sản lượng lúa lên trên 3,07 triệu tấn/năm, đứng thứ ba cả nước, sản lượng lúa hàng hóa trên 2 triệu tấn. Thủy sản là thế mạnh thứ hai sau lúa. Đồng Tháp hiện là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng cá tra xuất khẩu.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2016, Đồng Tháp dành 400 tỷ đồng cho vay xóa đói giảm nghèo. Các chỉ tiêu cụ thể được đặt ra, gồm: tạo việc làm cho 30.000 lao động, trong đó có 850 lao động đi làm việc nước ngoài; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 3%, tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn lên 90%; giảm 1,5% tỷ lệ hộ nghèo; hỗ trợ nhà ở cho 2.200 hộ nghèo, cho vay 400 tỷ đồng xóa đói giảm nghèo(2).

2. Những khó khăn, rào cản cần tháo gỡ

Một là, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, một số hộ nghèo nảy sinh tâm lý mong muốn nhận được ngày càng nhiều hỗ trợ từ Nhà nước và xem “của vay là của được”, nên có thể sử dụng vốn sai mục đích và thiếu trách nhiệm trả nợ.

Hai là, hầu hết các hộ nghèo không đủ năng lực lập dự án, phương án sản xuất và trả nợ theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng, bởi không chủ động được đầu vào cho sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, hộ nghèo thiếu hệ thống sổ sách ghi chép các khoản chi phí và thu nhập phát sinh nên các tổ chức tín dụng và các đơn vị ủy thác không thể theo dõi kết quả sản xuất - kinh doanh của hộ nghèo, do đó gây nên tâm lý ngại cho vay (đặc biệt là tín chấp) của các tổ chức tín dụng nhân dân.

Mặt khác, phần lớn các hộ nghèo sở hữu diện tích đất nhỏ và tài sản rất ít, nên khi họ muốn làm ăn thì cần vay một khoảng vốn tương đối lớn, nhưng hầu hết các tổ chức tín dụng đều yêu cầu thế chấp tài sản nên những hộ nghèo này sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng chính thức. Để có được vốn, các hộ nghèo thường phải tìm đến những nguồn tín dụng không chính thức như vay nóng, chơi hụi, hoặc mua vật tư nông nghiệp, nguyên nhiên liệu đến cuối mua vụ trả vốn lẫn lãi… Nhìn chung, những cách vay này người nghèo phải chịu lãi suất rất cao, vì vậy họ rất khó tăng thu nhập để thoát nghèo, thậm chí mức rủi ro cao dẫn đến cảnh người nghèo rơi vào túng quẫn và nợ nần kéo dài.

Ba là, hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi phụ thuộc vào tính minh bạch và sự công tâm trong việc xem xét hồ sơ xin vay cũng như bảo lãnh đối với các hộ nghèo. Do không tuân theo nguyên tắc thị trường nên việc xem xét chấp nhận bảo lãnh và cho vay ưu đãi có thể sai lệch (thậm chí tiêu cực), khiến cho các chính sách tín dụng ưu đãi xoa đói giảm nghèo rất đúng đắn nhưng dễ bị bóp méo, tạo cơ hội cho (nhóm) người có quyền nhưng biến chất thực hiện hành vi nhũng nhiễu (thậm chí đòi hối lộ). Trên thực tế, có nơiđang phổ biến một mâu thuẫn, danh sách số hộ nghèo do chính quyền xã báo cáo lên huyện thì ít, nhưng danh sách số hộ nghèo, người nghèo gửi lên Ngân hàng chính sách để xét được vay vốn ưu đãi lại nhiều hơn, có nơi tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Thực trạng đó làm cho hộ nghèo, những người thực sự cần vốn để phát triển sản xuất, khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

Bốn là, nguồn vốn tín dụng chưa đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp thiếu ổn định,công tác quy hoạch, kế hoạch về nuôi trồng, chế biến xuất khẩu lúa gạo và thủy sản còn bất cập; việc dự báo thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản còn gặp khó khăn,… Vì vậy,chưa quản lý được cung –cầu của thị trường; hiện tượng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”vẫn thường xuyên xảy ra...Những khó khăn này làm ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu xóa nghèo, vì đối tượng nghèo dễ bị ảnh hưởng và chịu bất lợi nhiều nhất trong cơ chế thị trường. Cũng chính những bất cập này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư vốn tín dụng trên địa bàn, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, kéo theo tín dụng ưu đãi cho người nghèo cũng khó triển khai thực hiện.

3. Một số giải pháp và kiến nghị

- Trong thời gian tới, Trung ương cần tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ trực tiếp tài chính, tín dụng trong những trường hợp đặc biệt, như khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển vùng sâu, vùng xa,vùng biên giới.

- Nguồn tài chính cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới là rất lớn, trong khi nguồn lực trong nước còn hạnchế. Vìvậy,  các cấp, cac ngànhcần nghiên cứu, có chính sách thu hút và mở rộng quymô hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô trong nước và quốc tế để mở rộng cho vay hộ sản xuất, hộ nghèo; tạo cầu nối giữa tín dụng chính thức và không chính thức.Cùng với nguồn vốn và vốn vay của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các địa phươngcần sáng tạo, tìm tòi cơ chế trợ giúp người nghèo bằng cách tăng cường huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân vào các hợp tác xã tín dụng để giải quyết vốn cho người nghèo.

- Các cấp ủy, chính quyền,cùng vớiviệc phát triển kết cấuhạ tầng kinh tế - xã hội, cầnthực hiện đa dạng cácbiện pháp hỗ trợ giảm nghèo như huy động vốn từ nhiều nguồn nhằm tăng mức vay cho các hộ nghèo vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh;  gắn với đào tạo cán bộ chuyên môn; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với lao động nghèo; giải quyết việc làm cho số lao động chưa có và thiếu việc làm ở cả nông thôn và thành thị, trước hết là những hộ nghèo không có đất sản xuất.

- Tăng cường công tác kiểm tra đối với việc bình xét hộ nghèo và xét hỗ trợ tín dụng cho các hộ nghèo. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng trong việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ và của Ngân hàng nhà nước dành cho các hộ nghèo,sâu sát thực tế để nắm bắt nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo.

- Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cácthành phần kinh tế yên tâm đầu tư  phát triển sản xuất - kinh doanh. Trong đó, cần có chính sách ưu đãi để thúc đẩy công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hội nhập sâu rộng và bền vững. Tăng cườngliên kết hợp tác trong tỉnh cũng như với các tỉnh bạn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khác trong cả nước, trong việc đẩy mạnh phát triển những sản phẩm sử dụng công nghệ cao. Có như vậy, tỉnh Đồng Tháp mới giải quyết được việc làm,nâng cao thu nhập cho người dân hướng đến giảm nghèo bền vững.

_________________

(1)Sở LĐ – TB & XH, Báo cáo tổng kết công tác giảm nghèo 2015 và phương hướng 2016.

(2)http://tinmientay.net

(2)https://dongthap.gov.vn

 

ThS BÙI VĂN DE

Trường Chính trị Đồng Tháp

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền