Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình - thực trạng và giải pháp
Thứ sáu, 05 Tháng 8 2016 15:37
6542 Lượt xem

Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình - thực trạng và giải pháp

(LLCT) - Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả quan trọng, trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân. Là tiền đề để đạt mục tiêu đến năm 2020, 75% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hànhQuyết định số 1004/QĐ-UBND ngày 3 - 6 -2011 Phê duyệt “Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, như: Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND ngày 16-8-2011, Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày 7-2-2013, Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 7-11-2013...Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ởtất cả các cấp (tỉnh, huyện, xã).

Qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 164 xã (62,36%) đạt chuẩn nông thôn mới, 18 xã đạt 15- 18 tiêu chí, chiếm 6, 84%; 75 xã đạt 10- 14 tiêu chí, chiếm 28,52%; 6 xã đạt 9 tiêu chí, chiếm 2, 28%; bình quân toàn tỉnh năm 2015 đạt 16,53 tiêu chí, tăng trên 11 tiêu chí so với năm 2010(1). 100% các xã đã hoàn thành lập quy hoạch chung, đề án xây dựng nông thôn mới, quy hoạch chi tiết giao thông thuỷ lợi nội đồng, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; 99,6% số xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa.

Tháng 2-2016, huyện Hưng Hà đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng, các công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục…được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Bình quân thu nhập đầu người đạt 26,1 triệu đồng/người; số hộ nghèo giảm nhanh từ 8,5% (năm 2010) xuống còn 2,9% (năm 2015).

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình cũng còn nhiều khó khăn, thách thức và những hạn chế:

Nhận thức của lãnh đạo một số địa phương chưa đầy đủ, chưa đúng mứcvềChương trình; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thểtrong tổ chức chỉ đạo thực hiện chưa chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao;bệnhthành tíchdẫn đến những sai sót trong khâu kiểm tra,xét duyệt.

Nguồn lực đầu tư cho Chương trình nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu; có nơi còn ỷlại ngân sách trung ương. Một số xãlại đặt ra những quy định về mức đóng góp vượt quá khả năng của người dân.

Năng lực và sự nhiệt huyết của một bộ phận cán bộ trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, thiếu sâu sát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời. Vai trò chủ thể của nhân dân trong quyết định các nội dung xây dựng, quản lý và tổ chức xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy tốt.

Một số xã chủ yếu tập trung nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; chất lượng quy hoạch, công tác quản lý và thực hiện quy hoạch còn tùy tiện, thiếu chặt chẽ…

Sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững; dồn điền đổi thửa diễn ra chậm. Việc đầu tư máy móc thiết bị, cơ giới hóa sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn nhiều khókhăn.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề còn mang tính tự phát, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, thu nhập của người lao động thấp; vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Nguồn ngân sách hỗ trợ còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu xây dựng hạ tầng cao, khả năng đóng góp của người dân nông thôn có hạn đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Mô hình liên kết giữa bốn nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) chưa thực sự hiệu quả. Nhiều hợp đồng được ký giữa nông dân với doanh nghiệp bị phá vỡ khi có sự biến động lớn của thị trường. Lòng tin giữa các bên chưa được củng cố.

Đời sống của dân cư nông thôn tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị còn cao, nhất là bộ phận nông dân có đất bị thu hồi để phát triển công nghiệp, đô thị.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập, tạo đà thực hiện thành công Chương trình, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:

- Đối với các xã chưa về đích nông thôn mới, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, bảo đảm đạt tiêu chí một cách vững chắc, không áp đặt, không chạy theo thành tích. Tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã; chi bộ, ban phát triển thôn; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện.

- Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thực hiện có hiệu quả liên kết bốn nhà, qua đó tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh của hàng hoá.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; chú trọng nghiên cứu sử dụng giống cây, con, áp dụng biện pháp tưới tiêu mới, giảm tổn thất sau thu hoạch,...

Tăng cường rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế. Quy hoạch nông thôn mới cần chú trọng tính liên kết, bảo đảm thống nhất với quy hoạch xây dựng liên vùng và các quy hoạch chuyên ngành khác để có thể phát triển và khai thác đồng bộ kết cấu hạ tầng, đáp ứng sản xuất nông nghiệp hàng hoá.

Có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.

Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách và các thành phần kinh tế trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; nâng cấp các công trình hiện có, sớm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, nhà văn hoá, chợ nông thôn,...); huy động đóng góp của nhân dân, không bắt buộc người dân đóng góp.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người lao động, chú trọng đào tạo ngành nghề mới phù hợp với thực tế địa phương. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động làm việc cho doanh nghiệp.

Tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân phát triển y tế, văn hoá, xã hội, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn ở nông thôn; cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống.

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để các tầng lớp nhân nhân hiểu rõ, ý thức được trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức định kỳ sơ kết, tổng kết để đánh giá, khen thưởng, phát hiện những cách làm hay, mô hình tốt để nhân rộng.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đãthực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tìnhủng hộ, coi đây là phong trào của chính mình, mang lại lợi ích thiết thựccho người dân, trở thành phong trào sâu rộng với nhiều mô hình tốt, cách làm hay.Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn dân, nhất định Thái Bình sẽ khắc phục được những khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra.

___________________

(1) - Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình: Đánh giá kết quả triển khai xây dựng nông thôn mới đến tháng 6- 2016 và phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng nông thôn mới thời gian tới, ngày 6- 6- 2016

 

ThS Bùi Thọ Quang

Khoa Lý luận Chính trị, Học viện Ngân hàng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền