Trang chủ    Thực tiễn    Thách thức đối với Đồng bằng sông Cửu Long trong giảm nghèo theo cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều
Thứ hai, 08 Tháng 8 2016 15:32
4015 Lượt xem

Thách thức đối với Đồng bằng sông Cửu Long trong giảm nghèo theo cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều

(LLCT) - Xây dựng chủ nghĩa xã hội từ xuất phát điểm là quốc gia nông nghiệp, nghèo, chậm phát triển lại trải qua chiến tranh ác liệt trong thời gian dài, Đảng, Nhà nước ta nhất quán chủ trương giải quyết các vấn đề xã hội trong từng bước phát triển, đặc biệt chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo.

1.Trên cơ sở thành tựu xóa đói giảm nghèo đã đạt được, Đảng ta chủ trương tiếp tục thực hiện giảm nghèo bền vững, thể hiện rõ tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 được Hội nghị Trung ương 5 khoá XI. Trong đó, Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, chú trọng giải quyết việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc ít người, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập và một số dịch vụ xã hội cơ bản như khám chữa bệnh, học hành, nhà ở, nước sạch, thông tin, truyền thông.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 76/2014/QH13 về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, nêu rõ: xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản. Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội, xác định rõ nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều.

Ngày 15/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020”. Chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 được xây dựng theo hướng: sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, tiêu chí đo lường nghèo được xây dựng dựa trên cơ sở: (1) Các tiêu chí về thu nhập, bao gồm: chuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập, chuẩn nghèo về thu nhập, chuẩn mức sống trung bình về thu nhập. (2) Mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Như vậy, hiện nay nước ta đang từng bước chuyển đổi tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Điều này đặt ra những yêu cầu rất cao cũng những yếu tố tác động rất lớn đến công tác giảm nghèo nói chung và ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.

2. Trong thời gian qua, các tỉnh ĐBSCL đã thể hiện quyết tâm rất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền cùng sự nỗ lực vượt bậc triển khai thực hiện của toàn xã hội trong công tác giảm nghèo.

Kết quả  là, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn vùnggiảm từ 20,1% năm 2004 xuống còn 8,9%năm 2010(1).Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng(2) giảm xuống còn 5,48% (giảm 1,93% so với năm 2013).

Tổng hợp số liệu của các địa phương, cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm còn khoảng 3,54% (cả nước còn dưới 4,5%). Trong đó, có 8/13 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp (dưới 5%); một số tỉnh có mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt cao như Sóc Trăng (khoảng 4,5%), Bạc Liêu (khoảng 4,5%), Trà Vinh (khoảng 3,3%)(3).

Bên cạnh những thành tựu giảm nghèo như nêu trên,quá trình giảm nghèo bền vững hiệncòn nhiều khó khăn và thách thức, khi mà đối tượng nghèo dần vào “lõi”, đó là những hộ nghèo khó tự vươn lên do cản trở bởi thiếu lao động, bệnh tật,... Đặc biệt,theo cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều đang đặt ra cho các tỉnh ĐBSCLnhiều yêu cầu, thách thức mới:

Thứ nhất, các tỉnh đã tiến hành xong đại hội Đảng ở cả ba cấp, chỉ tiêu giảm nghèo cho 5 năm tới đã được đưa vào nghị quyết đại hội. Khi xác định hộ nghèo đa chiều theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg  thì chắc chắn một điều rằng,số lượng hộ nghèo ở các địa phươngsẽ tăng; năm 2015 cóhơn 2 triệu người nghèo trong 17 triệu dân sinh sống ở khu vực này. Khi xác định hộ nghèo theo quy định mới thì sẽ không phải là2 triệu người nghèo mà sẽ cao hơn rất nhiều.

Vấn đề là,các chỉ tiêu giảm nghèo mà các cấp đã quyết nghị thông qua, nhìn chung đều chưa cập nhật tiêu chígiảm nghèo đa chiều. Do đó, trong lãnh đạo thực hiện công tác giảm nghèo, các đảng bộsẽ gặp không ít khó khăn, phải điều chỉnh lại.

Thứ hai, thu nhập bình quân đầu người ĐBSCL hiện thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước. Năm 2013,thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt 34,6 triệu đồng/năm (giá hiện hành). Mặc dù tỷ lệ nghèo ở ĐBSCL đứng thứ batrongcả nước nhưng vẫn còn cao, năm 2010 nếu tính theo chuẩn nghèo mới thì hộnghèo là 12,6%, cả nước là 14,2%. Một sốtỉnh có tỷ lệ nghèo khá cao như Trà Vinh 23,2%, Sóc Trăng 22,1%, Hậu Giang 17,3%(4).

Theo tiêu chí thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều thì rất nhiều hộ cận nghèo ở ĐBSCLsẽ rơi vào vũng nghèo của vùng. Điều này đặt ra cho các tỉnhtrên địa bàn nhữngthách thức không nhỏ.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc điều tra theo chuẩn nghèo đa chiều. Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở hiện naythiếu ổn định; tổ chức điều hành chương trình ở cơ sở đôi lúc còn lúng túng, chậm đổi mới; sự phối hợp giữa các thành viên trong ban chỉ đạo chưa được thường xuyên, chế độ thông tin, báo cáo thường liệt kê số liệu, chưa có sự phân tích đánh giá, còn chậm, không đầy đủ. Lực lượng đại diện ở khóm, ấp còn nhiều hạn chế, nhất là việc nắm bắt chủ trương, chính sách; kỹ năng tổ chức thực hiện. Thậm chí, một số cơ sở không nắm được quy trình rà soát hộ nghèo hàng năm, dẫn đến việc rà soát đối tượng hộ nghèo, hay hộ thoát nghèo thiếu dân chủ, do vậy thiếu chính xác.

Theo Dự án phân tích hiện trạng nghèo đói ở ĐBSCL, “Nhiều cán bộ xã chưa đủ trình độ để biết cách cải thiện phương thức sao cho đạt hiệu quả hơn trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo... Quyền lực của cán bộ Chương trình Xóa đói Giảm nghèo còn được sử dụng tùy tiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình quyết định. Những yếu tố như quan hệ họ hàng, chức tước và địa vị chính trị đều tác động đến quá trình thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo”. Như vậy, việc chuẩn hóa cán bộ làm công tác giảm nghèo, bảo đảm chất lượng giải quyết công việc là một thách thức không nhỏ đối với các tỉnh hiện nay.

Thứ tư, khó kăhn trong cân đốingân sách chogiảm nghèovà đầu tư phát triển.Nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo ở các tỉnh hiện còn hạn hẹp. Một số tỉnh chưa chủ động huy động hoặc huy động chưa tương xứng với tiềm năng nguồn lực tại chỗ; chưa lồng ghép hài hòa các nguồn lực, chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, các tổ chức, cộng đồng và các cá nhân có điều kiện vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nghèo bền vững. Do đó, mục tiêu thoát nghèo khó thực hiện được.

Thứ năm, một số cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ giảm nghèo chưa thật phù hợp, việc tổ chức thực hiện còn bất cập, mang tính bao cấp, nên không tạo được động lực để người nghèo chủ động vượt nghèo. Biện pháp hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo chưa thật phù hợp với nhu cầu và tập quán của từng dân tộc, từng địa phương; có địa phương chưa chú ý đầy đủ đến quy hoạch sản xuất lâu dài và môi trường sống của nhân dân trong khi xây dựng các khu dân cư vượt lũ; mức chi phí cho khám, chữa bệnh còn thấp; chính sách trợ cước, trợ giá cũng còn bất hợp lý; mức vốn vay tín dụng ưu đãi còn thấp và chưa thật phù hợp với chu kỳ sản xuất; cơ chế phân bổ vốn còn mang tính bình quân,v.v.. Ở một số nơi, nhất là vùng sâu, thông tin đến với người dân chưa đầy đủ nên nhận thức về các chính sách của Nhà nước đối với người nghèo còn hạn chế.

Thứ sáu, đội ngũ cán bộ vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực. Phần lớn cán bộ thực thi chương trình ở cấp xã đều kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Việc theo dõi, giám sát chương trình chưa có hệ thống và đồng bộ. Công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá chương trình chủ yếu dựa trên các báo cáo với lượng thông tin chưa đầy đủ.

Thứ bảykết cấuhạ tầng thiếutrầm trọng, đặc biệt là trường học, nước sạch nông thôn và các công trình vệ sinh. Hầu hết người nghèo và cả người không nghèo còn sử dụng nhà vệ sinh đơn sơ.Giao thông đường bộcòn dễ bị ách tắc, gâycách biệt nhiều vùng nông thôn trong mùa mưa và làm cản trở phát triển thị trường và cơ hội tiếp cận cơ hội phát triểnkinh tế-xã hội.

Trên 42% dân số sống ĐBSCLsử dụng nước sông hoặc kênh trong sinh hoạt hàng ngày(5). Người nghèo chiếm phần lớn trong số này. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vậtvà diệt cỏ làm tăng ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến sức khỏe. Tỉ lệ người dân sống trong các nhà tạm hoặc tranh tre nứa lá cao nhất nướcvà có tỉ lệ thấp nhất số người có nơi  ở cố định (các số liệu tương ứng là 54% và 7%)(6),đòi hỏi một nguồn lựcđầu tưxã hội rất lớn.Các điều kiện sinh hoạt và thói quen trong cuộc sống đang tác động lớn đến sức khỏe và có quan hệ mật thiết với nghèo đói. Các tiện ích vệ sinh môi trường phù hợp rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh tật, dịch tả và cả suy dinh dưỡng. Bệnh tật dài ngày được mô tả là đặc trưng của đa số gia đình nghèo.

Các tỉnh đã đầu tư nhiều vào phát triển hạ tầng giao thông,giáo dục, y tế.  Hệ thống thủy lộ là kênh giao thông quan trọng. Một quan ngại đưa ra trong các cuộc khảo sát là hạ tầng kinh tế - xã hội quy mô nhỏ (như trường học,trung tâm y tế)phân bố không đều và có ít cơ sở còn hoạt động ở các vùng xa vì thiếu giáo viên, bác sĩ và y tá.

Nhu cầu phát triển hạ tầngđang đặt ra. Lưu lượng xe tăng quá nhanh dẫn đến nhiều tuyến đường quá tải, cần sớm mở rộng. Giao thông tại ĐBSCLlà một hỗn hợp giữa vận tải đường biển cho các tuyến ngắn, đường thủy; vận tải hàng không và đường bộ. Cần cải thiện các đường kết nối với các loại hình giao thông khác nhằm tạo thuận lợi cho việc kết hợp lưu thông các loại phương tiện.

Thứ tám, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp của vùng như dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán, nạn xâm nhập mặn… Đặc biệt là nạn xâm nhập mặn hiện nay gây ra nững hậu quả rất nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Theo nhận định của các chuyên gia,nếu tốc độ xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn như năm 2015 thì trong 3 năm tới, nền nông nghiệp ở ĐBSCL có thể sẽ bị kiệt quệ; đất nông nghiệp, lương thực trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn. Nguyên nhân chính dẫn đến nghèo ở ĐBSCL là thiếu đất sản xuất, nếu trong thời gian tới diện tích đất nông nghiệp giảmdo xâm nhập mặn thì giải pháp đất sản xuất cho người nghèo sẽ rất khó thực hiện, nó đã và đang đặt ra cho các tỉnh phải có những giải pháp thay thế hiệu quả hơn và sẵn sàng ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trong thời gian tới.

Những thách thức trên đặt ra cho các tỉnh ĐBSCLphải có những giải pháp quan trọng trong quá trình lãnh đạo công tác giảm nghèo. Để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững,cáccấp ủy đảng cầnnhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, từ đó mới có những quyết định chỉ đạo mang tính đột phá để giảm tỷ lệ hộ nghèo đến mức thấp nhất nhằm đóng góp vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh mà cả dân tộc Việt Nam hướng đến.

___________________

(1) Quyết định số 1294/QĐ-LĐTBXH ngày 10-9-2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

(2) Miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo 22,76%; miền núi Đông Bắc 11,96%; Tây Nguyên 10,22%; Bắc Trung Bộ 9,26%; Duyên hải miền Trung 8%; đồng bằng sông Hồng 2,57%; Đông Nam Bộ 0,66%.

(3) Bộ LĐ – TB & XH, Báo cáo kết quả thực hiện năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

(4) Báo điện tử Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, Tổng quan chung về ĐBSCL.

(5), (6) Theo GSO, 2003.Theo GSO, 2003.

 

                                                                                                          ThS Bùi Văn De

                                                                                               Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền