Trang chủ    Thực tiễn    Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh Sơn La hiện nay: thực trạng và giải pháp
Thứ năm, 25 Tháng 8 2016 10:53
4745 Lượt xem

Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh Sơn La hiện nay: thực trạng và giải pháp

(LLCT) - Dân chủ là bản chất và là mục tiêu và động lực để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng XHCN. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị định, chỉ thị quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân để ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện sự quyết tâm xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ XHCN của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng là phương thức giải quyết các nhiệm vụ, mục tiêu chung của đất nước trong công cuộc đổi mới.

1. Để phát huy quyền làm chủ thật sự của nhân dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong sự nghiệp CNH, HĐH, Đảng và Nhà nước thực hiệnphương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

“Dân biết” ở đây là quyền được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và trung thực. Qua nắm bắt thông tin, dân biết được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó mới hiểu, mới có cơ sở để “bàn”, để “làm” và  để “kiểm tra”. Do vậy, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và hệ thống chính trị là phải thông báo thường xuyên, đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những vấn đề kinh tế, xã hội của địa phương một cách sâu rộng trong nhân dân.

“Dân bàn” là chỉ quyền tham gia ý kiến của nhân dân, bàn bạc dân chủ để đi đến những quyết định trực tiếp; để thực hiện quyết định, tham gia ý kiến; để từ đó cơ quan đại diện quyết định.

“Dân làm” - dân là chủ thể trực tiếp của quá trình thực hiện. Trên cơ sở được biết, được bàn, được tham gia ý kiến, thì dân là chủ thể trực tiếp thực hiện công việc. Tư tưởng là cái gốc của hành động; tư tưởng thông, hành động cách mạng của nhân dân sẽ được đẩy lên mức cao; dân hồ hởi, phấn khởi thì đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ trở thành phong trào thi đua sâu rộng và có hiệu quả.

“Dân kiểm tra” - dân là chủ, nhân dân có quyền kiểm tra, thanh tra hoạt động của các tổ chức, cơ quan Nhà nước trong khuôn khổ pháp luật; từ công tác kiểm tra để có kiến nghị chấn chỉnh, bổ sung… với mục đích là làm cho hoạt động của các cơ quan này lành mạnh hơn, dân chủ và hiệu quả hơn. Đây chính là bản chất của nền dân chủ XHCN.

Cả bốn khâu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là một quy trình “kín”, có mối liên hệ chặt chẽ, thúc đẩy, tác động lẫn nhau nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện dưới hai hình thức: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Trong đó, để phát huy chế độ dân chủ đại diện, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp. Đồng thời thực hiện từng bước vững chắc chế độ dân chủ trực tiếp.

2. Sơn La là tỉnh thuộc vùng Tây Bắc với hơn 1,2 triệu dân, 12 dân tộc, là một trong 7 tỉnh nghèo nhất cả nước. Trong những năm qua, khắc phục khó khăn về mọi mặt, Sơn La đã vươn lên nhanh chóng để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đã tăng đáng kể (đạt 9%/năm). Nhưng do xuất phát điểm thấp nên tăng trưởng tuy có mạnh song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của đời sống nhân dân. Mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Sơn La mới đạt một nửa so với cả nước.

 Để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội, Sơn La luôn chú trọng tập trung làm tốt công tác tư tưởng chính trị, phát huy dân chủ cơ sở… Tuy nhiên, việc thực thi quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La còn có những khó khăn, trở ngại nhất định, đó là:

Sơn La là tỉnh nghèo, kinh tế phát triển chậm, cơ sở vật chất - kỹ thuật còn nhiều mặt hạn chế, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Điều kiện tiếp cận các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa.

Ý thức học tập, nghiên cứu và triển khai nghị quyết của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn yếu. Tình trạng mất đoàn kết ở một số đơn vị chậm khắc phục và xử lý chưa dứt điểm; chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt còn nhiều bất cập. Một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất chưa được xử lý nghiêm minh.

Ý thức chính trị của người dân còn thấp, sức ỳ, tâm lý an phận còn khá phổ biến trong dân cư. Bản thân người dân chưa nhận thức được việc thực hiện QCDC ở cơ sở vừa là quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm, do đó việc thực hiện QCDC còn bị vi phạm ở nhiều nơi…

Trước thực trang đó, để phát huy dân chủ ở cơ sở, xã, phường, thị trấn và ở các chi bộ tiểu khu, thôn, bản… cần chú trọng những giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền các ban, ngành, các cơ quan thông tin truyền thông tiếp tục tuyên truyền các nội dung của QCDC, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và những điển hình thực hiện tốt QCDC ở xã, phường, thị trấn, đặc biệt là các tiểu khu, thôn, bản, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hai là, đưa công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ vào nền nếp, gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ với việc thực hiện chức trách của từng tổ chức, trước hết là người đứng đầu. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải xây dựng chương trình thực hiện Quy chế dân chủ từng năm, đề ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong việc thực hiện ở địa phương mình.

Ba là, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện Quy chế dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện lấy ý kiến của nhân dân trước khi ban hành các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có liên quan đến đời sống nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, từ cấp tỉnh đến cấp thôn, bản, tiểu khu để việc chỉ đạo, triển khai thực hiện Quy chế dân chủ có sự thống nhất, đồng bộ. Thường xuyên củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp, giúp cấp ủy kiểm tra, đôn đốc định kỳ, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền, sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xác định đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân.Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về Quy chế dân chủ cho đội ngũ cán bộ: bí thư chi bộ, trưởng tiểu khu, trưởng thôn, trưởng bản, cán bộ đảng viên. Cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, thực sự là công bộc của dân, gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới. Luôn gần dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, tiếp tục bổ sung quy ước nếp sống văn hóa mới cho phù hợp với tình hình thực tế, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”. Tiếp tục cải cách hành chính, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể để thu hút quần chúng nhân dân tham gia đông đảo. Thường xuyên, định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế dân chủ.

Xây dựng và thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn là thành tố quan trọng nhằm không ngừng phát huy nền dân chủ XHCN, góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu và động lực cơ bản, trực tiếp của quá trình đổi mới ở nước ta hiện nay.

 

ThS  Đinh Thế Thanh Tú

Trường Đại học Tây Bắc                                                                                 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền