Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015
Thứ năm, 25 Tháng 8 2016 11:23
2516 Lượt xem

Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015

(LLCT) - Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước tanhằm xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế hợp lý; gắn nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; bảo vệ môi trường sinh thái; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Sau 5 năm triển khai thực hiệnChương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả, đời sống của người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn chuyển biến theo hướng tích cực.

Công tác lập quy hoạch, lập đề án được coi trọng. Đến năm 2013, Bắc Giang đã hoàn thành công tác Quy hoạch NTM cho 202/202 xã, tổng kinh phí khoảng 28 tỷ đồng. Công tác quy hoạch ở các xã cơ bản đảm bảo đúng trình tự, nội dung theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT về quy định việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM.UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các xã tiến hành rà soát, điều chỉnh đồ án quy hoạch trên cơ sở hướng dẫn của Sở Xây dựng, đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đến nay, hầu hết các xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 đã cơ bản tiến hành xong việc lập quy hoạch, bước đầu thực hiện cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch, được duyệt, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.

Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU năm 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục vận động nông dân thực hiện “dồn điền, đổi thửa”. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh thực hiện dồn điền đổi thửa được 9.429,7 ha. Các địa phương đã quy hoạch lại đồng ruộng, giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo thuận lợi cho việc xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng thu nhập cao, cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Kết quả đạt được trong các năm qua, Toàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm cánh đồng mẫu lớn, tạo cơ sở cho tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, giảm chi phí đầu vào, hiệu quả kinh tế tăng từ 20-50% so với sản xuất đại trà. Điển hình: Cánh đồng sản xuất giống lúa lai xã Phúc Sơn (Tân Yên), sản xuất lúa nếp xã Thái Sơn (Hiệp Hoà), cánh đồng lúa nếp Phì Điền xã Tân Quang (Lục Ngạn), cánh đồng sản xuất lúa giống ở xã Đức Thắng (Hiệp Hoà)…

Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật được cải thiện. Tính đến hết năm 2015, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cứng hóa được gần 2.500 km đường giao thông nông thôn. Một số huyện có cơ chế chính sách hỗ trợ phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, như: Lạng Giang, Yên Dũng hỗ trợ từ 10-20% kinh phí; Hiệp Hòa hằng năm dành 1 tỷ đồng hỗ trợ phát triển đường GTNT; Việt Yên có cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông...

Hàng trămcông trình thủy lợi (bờ bao, cống, trạm bơm) đã được sửa chữa;nâng cấp,kiên cố hóa 2.527 km kênh mương các loại, đạt 37% (tăng 17% so với năm 2011), đảm bảo thực hiện tưới tiêu chủ động lên 75%; 158 km kênh mương nội đồngđã được cứng hóa....

Ngành điện lực tiếp tục đầu tư thay mới hệ thống đường dây, trạm biến áp. Đã có 192 xã đạt tiêu chí Điện nông thôn.

Trường học được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 85%. Đã có 125 xã đạt chuẩn tiêu chí trường học.

Năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 149 nhà văn hóa cấp xã, 6 hội trường đa năng; 2.149 nhà văn hóa thôn, bản; 570 sân bóng đá; 338 sân bóng chuyền; 248 nhà tập luyện có mái che…đáp ứng hoạt động văn hóa thể dục thể thao của nhân dân.

Đã có 107 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn. Một số xã thiếu các hạng mục xây dựng cơ bản như: Nhà cầu chợ chính, nhà Ban quản lý, nội quy chợ, bể nước phòng cháy...

Hạ tầng thông tin - truyền thông được quan tâm đầu tư và phát triển mạnh, 100% các xã được phủ sóng điện thoại di động và kết nối internet. Đã có 199 xã đạt tiêu chí bưu điện, tăng 42 xã so với năm 2011.

Các địa phương đã tập trung xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo cần được hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở còn khoảng 1%; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng là khoảng 75%. Đã có 148 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư, tăng 96 xã so với năm 2011.

Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Phổ cập THCS tiếp tục được giữ vững; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT, học nghề hàng năm đạt 87,6%, vượt so với mục tiêu đến năm 2015 là 2,6%. Hết năm 2015, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản chiếm 56,1%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50,5%, tăng 17% so với năm 2011.

Y tế, văn hóa, môi trường có nhiều tiến bộ.

Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; cơ sở vật chất y tế tiếp tục được quan tâm, từng bước hiện đại hóa. Năm 2015, tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 là 77,4%; số người tham gia bảo hiểm y tế ngày một tăng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân ước đạt 73%, vượt 13% so với mục tiêu đến năm 2015. Hết năm 2015, có 171 xã đạt tiêu chí, tăng 11 xã so với năm 2011.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả;các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được quan tâm, bảo tồn vàphát huy; tỷ lệ hộ được công nhận gia đình văn hóa trên toàn tỉnh đạt 82%; tỷ lệ làng bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa là 62%; nhiều mô hình mới trong chỉ đạo triển khai như: Mô hình “Làng văn hóa xanh - sạch - đẹp”, “Làng văn hóa không có ô nhiễm môi trường”, “Làng văn hóa thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, không có tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình”...

UBND tỉnh đã hỗ trợ 14 lò đốt rác thải và xe vận chuyển rác theo quy mô cụm xã tại 8 huyện trên địa bàn tỉnh. Các địa phương đã quan tâm đến công tác thu gom, xử lý rác thải, hình thành HTX, tổ thu gom rác thải và hoạt động hiệu quả, góp phần xử lý rác trong nông thôn; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,5%.

Hệ thống tổ chức chính trị xã hội, an ninh, trật tự được củng cố

Các xã đã tập trung, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong HTCT ở cơ sở. Cán bộ xã, thôn được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ; luân chuyển, tăng cường cán bộ về xã; một số cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại các xã, nhất là xã miền núi, vùng cao, các xã khó khăn; năng lực, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng vận động quần chúng được nâng lên rõ rệt. Hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 162 xã đạt tiêu chí, tăng 41 xã so với năm 2011.

Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân được thực hiện thường xuyên, một số mô hình  tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở như: Mô hình liên kết, mô hình tự quản, mô hình câu lạc bộ, đã có tác dụng tốt, góp phần quan trọng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động nội lực cho xây dựng NTM. Hết năm 2015, có khoảng 197 xã đạt tiêu chí an ninh trật tự, tăng 20 xã so với năm 2011.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng còn một số hạn chế:

Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát huy dân chủ cơ sở, trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng dân cư ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức đoàn thể, người dân về vị trí, vai trò trong xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, do đó chưa phát huy được vai trò của mình trong giám sát, phản biện, tổ chức thực hiện; việc thực hiện lồng ghép các phong trào thi đua với Chương trình NTM còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Chất lượng đồ án Quy hoạch và đề án xây dựng NTM nhìn chung còn hạn chế; chưa coi trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân; việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thực hiện cắm mốc chỉ giới, ban hành quy chế quản lý còn chậm.

Kết quả đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội chưa cao; mức độ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng đạt thấp so với kế hoạch, như: giao thông (đạt 24%), cơ sở vật chất văn hóa (đạt 19%),  môi trường (đạt 16%)...; một số địa phương chưa phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, chưa giao cho cộng đồng dân cư thực hiện các hạng mục công trình đơn giản, công tác giám sát ở một số địa phương còn hạn chế...

Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa xã hội chuyển biến chậmcông tác đào tạo nghề chưa sát với nhu cầu; đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phần lớn cán bộ làm công tác xây dựng NTM đều kiêm nhiệm, hoạt động hiệu quả chưa cao.

Kết quả xây dựng NTM không đồng đều giữa các huyện và giữa các xã có điều kiện tương đồng; chất lượng đạt chuẩn tiêu chí ở một số địa phương còn thiếu bền vững, mức độ đạt chuẩn các tiêu chí tại các xã đặc biệt khó khăn thấp so với bình quân toàn tỉnh, nhất là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo, hạ tầng kinh tế- xã hội; chưa hoàn thành mục tiêu có số xã đạt chuẩn NTM đến năm 2015 (có khoảng 34/40 xã).

Để nâng cao chất lượng trong xây dựng NTM ở tỉnh Bắc Giang, cần:

-      Tiếp tụctuyên truyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội; xác định xây dựng NTMlà nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó người dân là chủ thể trực tiếp.

-      Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuậtvào sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh của nông sản gắn với xây dựng thương hiệu; tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, giao thông thủy lợi và xây dựng cánh đồng lớn; khuyến khích hỗ trợ hộ nông dân liên kết với doanh nghiệp, có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

-      Thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng NTM; dành tỷ lệ ngân sách thỏa đáng cho xây dựng NTM; đẩy mạnh huy động nguồn vốn tín dụng và doanh nghiệp; phát huy vai trò chủ thể, huy động nguồn lực của dân để thực hiện chương trình theo nguyên tắc tự nguyện; khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất qua hình thức hỗ trợ vật tư cho xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện phát huy tính chủ động của cộng đồng dân cư.

-      Tập trung nguồn lực, bố trí ngân sách hỗ trợ các xã có khả năng đạt chuẩn đến năm 2020; phấn đấu hết năm 2020, 35-40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có từ 1-2 huyện NTM, hoàn thành xã NTM mang đặc trưng khu vực miền núi, không còn xã dưới 8 tiêu chí. Kết hợp ưu tiên giữa chỉ đạo điểm và đẩy mạnh triển khai trên diện rộng nhằm đảm bảo tăng số xã đạt chuẩn NTM hàng năm, đồng thời tăng số tiêu chí đạt chuẩn của các xã.

-      Tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từng bước chuyển lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người dân nhất là vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc. Quy hoạch và đầu tư xây dựng các điểm tập kết, khu xử lý rác thải khu vực nông thôn, từng bước hoàn thiện mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải ở khu vực nông thôn. Xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự ở khu dân cư.

-      Củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM theo hướng chuyên nghiệp. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp chủ động tuyên truyền, vận động hội viên tiếp tục có hoạt động thiết thực, hiệu quả gắn với xây dựng NTM, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội.

-      Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp.

 

Hà Thị Thúy

Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền