Trang chủ    Thực tiễn    Thành phố Hồ Chí Minh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
Thứ sáu, 26 Tháng 8 2016 14:32
4256 Lượt xem

Thành phố Hồ Chí Minh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

(LLCT) - Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng, là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới. Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là đầu mối về giao lưu và hội nhập quốc tế, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, có vai trò và vị trí đi đầu trong chủ động hội nhập quốc tế, tạo tiền đề để các địa phương khác cùng hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong 30 năm đổi mới, các chủ trương cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế được nêu tại các kỳ Đại hội Đảng; Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại hội VI mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước đã đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác". Tiếp đó, Đại hội VII định hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế quốc tế"; Đại hội VIII, mở ra chủ trương “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”; Đại hội IX nhấn mạnh “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”; ngày 27-11-2001, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW “Về hội nhập kinh tế quốc tế”; Đại hội X nhấn mạnh chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”; ngày 5-2- 2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”.

Đại hội XI đã đề ra đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới, trong đó có chủ trương rất quan trọng là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Từ “hội nhập kinh tế quốc tế” của các kỳ đại hội trước, chuyển sang “hội nhập quốc tế” một cách toàn diện là một phát triển quan trọng về tư duy đối ngoại của Đảng ta.

Ngày 10-4- 2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, làm rõ và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nghị quyết đã xác định rõ hội nhập quốc tế sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, hội nhập kinh tế phải gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.

Đại hội XII đã đặt công tác đối ngoại là một nội dung lớn và tiếp tục hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới với những quan điểm mới, trong đó nhấn mạnh hội nhập quốc tế toàn diện.

Như vậy, “hội nhập kinh tế quốc tế” đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là tư tưởng chỉ đạo mang tính toàn diện, nhất quán và xuyên suốt qua các kỳ Đại hội Đảng.

Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế

“Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay”(1).

Với vai trò và vị trí đặc biệt này, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu trong chủ động hội nhập quốc tế, tạo tiền đề để các địa phương khác cùng hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước định hình được mô hình phát triển trong giai đoạn mới hiện nay, từng bước đổi mới và nâng cao về nhận thức, phát triển nhanh các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao, tiếp tục tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu; phát triển kinh tế tri thức, tập trung xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; đẩy mạnh liên kết Vùng, phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm công nghệ cao, trung tâm tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực với các vệ tinh cung cấp sản phẩm từ các tỉnh, thành phố trong Vùng.

Trên cơ sở những ưu thế, tiềm năng hiện có và thuận lợi trong việc liên kết các vùng để phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cả nước. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu 5 năm 2011- 2015 bảo đảm mức tăng trưởng khá, đạt 154,4 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm, cao hơn mức tăng của giai đoạn 2006 – 2010 (tăng 8,1%/năm). Hiện nay, hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố đã có mặt trên thị trường của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó đã xuất khẩu vào các thị trường lớn, là đối tác chiến lược của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, EU…với các mặt hàng chủ yếu: thủy sản, may mặc, gạo, cà phê…Kim ngạch nhập khẩu của Thành phố giai đoạn 2011 – 2015 ước đạt 145,3 tỷ USD, tăng bình quân 8,86%/năm, thấp hơn mức tăng 12,1% của giai đoạn 2006 – 2010 chủ yếu là các mặt hàng về nhiên liệu, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, các sản phẩm hóa chất, sắt thép, sản phẩm điện tử và linh kiện…Bên cạnh đó, ngoài việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư với nước ngoài, chuyển giao công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực; Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số ít địa phương được tham gia ký kết các Nghị định thư hợp tác với các vùng, lãnh thổ với nhiều nước trên thế giới. Qua đó, cho thấy hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại kết quả hoạt động giao thương mạnh mẽ giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các quốc gia trên thế giới, giúp Thành phố tiếp cận với thị trường nước ngoài, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam đến các nước.

Bên cạnh đó, qua hội nhập kinh tế quốc tế, bộ máy hành chính của Thành phố đã có nhiều thay đổi tích cực; cải cách hành chính ngày càng được chú trọng và được xem là một giải pháp quan trọng, hàng đầu, là khâu đột phá để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Có thể thấy rõ qua việc Thành phố triển khai thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ theo hướng đơn giản, tinh gọn các thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa doanh nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố ngày càng được nâng cao cả về lượng và chất, đáp ứng yêu cầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Xác định đối tượng hội nhập kinh tế quốc tế chủ yếu là doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, đón nhận các cơ hội cũng như thách thức từ việc hội nhập. Điều này đặt ra vấn đề về sự chuẩn bị của doanh nghiệp trong quá trình tham gia hội nhập, nhất là sắp tới đây khi các Hiệp định Thương mại được ký kết bắt đầu có hiệu lực; có nghĩa đòi hỏi doanh nghiệp phải chấp nhận cạnh tranh, phải chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh liên kết hợp tác, mạnh dạn đổi mới nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ với tư duy không chỉ trong nước mà phải hướng ra toàn cầu.

Để tiếp tục vững bước trên đường hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động hội nhập, trong đó tập trung vào một số nội dung cơ bản:

- Khẩn trương cụ thể hóa các tiêu chí xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, thu hút đầu tư.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính phủ điện tử; trong đó, tập trung cải tiến về thủ tục, hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý và phục vụ tốt cho doanh nghiệp.

- Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố; đào tạo đội ngũ chuyên gia về luật, tư vấn pháp lý, có trình độ cao giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, luật pháp quốc tế và tham mưu Thành phố cơ chế, chính sách trong việc hợp tác với nước ngoài.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

________________

1.Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020

                                                                         Phạm Thành Kiên

                                                      Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền