Trang chủ    Thực tiễn    Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với sản xuất, kinh doanh và người lao động
Thứ hai, 19 Tháng 9 2016 15:57
2446 Lượt xem

Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với sản xuất, kinh doanh và người lao động

(LLCT) - Thực hiện lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu (LTT) phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp để thảo luận việc đề nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2015.

Trên cơ sở các phương án đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Tiền lương quốc gia đã lựa chọn phương án do VCCI đề xuất có điều chỉnh (Bảng 1), làm cơ sở tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Như vậy, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã hoàn thành một bước quan trọng là lựa chọn được phương án “sàn” mức LTT theo vùng để trình Chính phủ quyết định. Về phía người lao động, mặc dù chưa biết việc đề nghị điều chỉnh này sẽ tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm của họ như thế nào, nhưng khi nghe tin được điều chỉnh tăng tiền lương chắc phần lớn đều phấn khởi đón chờ. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ kinh tế - xã hội trong bối cảnh cụ thể của nước ta hiện nay; với những tính toán trong nghiệp vụ chuyên sâu về chính sách tiền lương, thì phương án tăng “sàn” mức LTT theo vùng mà Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chọn còn nhiều vấn đề băn khoăn như khả năng thanh toán, ổn định sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của người sử dụng lao động và tổng thể là phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong tình hình cụ thể của đất nước, trong đó nổi lên một số vấn đề quan trọng cần được làm rõ:

Thứ nhất, các mức lương được điều chỉnh là “sàn” mức LTT chứ không phải mức LTT, như vậy sẽ phải có các mức cao hơn “sàn” phù hợp với từng doanh nghiệp đối với mỗi vùng. Nhưng các mức đó cao hơn bao nhiêu, thế nào là hợp lý và cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm soát để ngăn chặn các quy định có tính chất đối phó của không ít doanh nghiệp từ nhiều năm nay nếu không phải là vai trò của tổ chức Công đoàn. Nếu chỉ công bố rồi buông xuôi thì các hạn chế, bất cập cơ bản trong quản lý nhà nước về tiền lương và đời sống của người lao động khó được khắc phục, thậm chí có thể gây tác động xấu về giá cả hàng hóa tiêu dùng. Do đó cần phân định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội về tiền lương của người lao động.

Thứ hai, để đề xuất được “sàn” mức LTT cụ thể, các cơ quan phải thống nhất được đối tượng điều tra, nghiên cứu. Vậy, trong thực tế đó là đối tượng nào, có các tiêu chí gì, chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong cơ cấu lao động, mẫu điều tra gồm bao nhiêu đối tượng. Các doanh nghiệp trong cùng một vùng có rất nhiều ngành, nghề với công nghệ, quy trình sản xuất, kinh doanh, năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động hoàn toàn khác nhau, mức lương thấp nhất trong từng doanh nghiệp không thể giống nhau, vậy chọn đối tượng lao động giản đơn ở doanh nghiệp nào để làm “sàn” điều tra, nghiên cứu, xác định mức LTT.

Thứ ba, với “sàn” mức LTT vùng theo đề nghị thì mức “sàn” giá trị lao động vùng tương ứng đòi hỏi ở người lao động là gì, bằng bao nhiêu là hợp lý. Trong quan hệ giữa làm và ăn, giữa tích lũy và tiêu dùng, “sàn” mức LTT vùng theo đề nghị quan hệ với tổng sản phẩm thu nhập bình quân theo vùng (GDP vùng) như thế nào, đã hợp lý chưa. Tương quan giữa tốc độ điều chỉnh tăng “sàn” mức LTT với tăng năng suất lao động thế nào.

Thứ tư,với “sàn” mức LTT vùng chưa điều chỉnh, hiện nay trong cả nước có bao nhiêu doanh nghiệp không thể thực hiện được mà chỉ có thể áp dụng mức LTT thấp hơn hoặc chỉ áp dụng mức LTT của khu vực chi từ ngân sách. Sau khi thực hiện việc điều chỉnh và nếu tính đủ các khoản đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), công đoàn phí, thì tình hình và khả năng thanh toán của các doanh nghiệp ra sao, nhất là các doanh nghiệp có chi phí tiền lương chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành, phí lưu thông hoặc doanh thu. Liệu các doanh nghiệp có phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, không tuyển thêm lao động, cắt giảm lao động, hoặc ngừng hoạt động nếu phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.

Thứ năm, so sánh quan hệ “sàn” mức LTT vùng theo đề nghị với mức LTT của khu vực chi từ ngân sách hiện nay (1,15 triệu đồng/tháng) chưa thực sự hợp lý. Mức LTT khu vực ngân sách và người nghỉ hưu chỉ bằng khoảng 1/3 “sàn” mức LTT khu vực doanh nghiệp, và cùng là ở vùng thành thị nhưng “sàn” mức LTT theo vùng của doanh nghiệp lại cao nhất trong khi mức LTT của khu vực chi từ ngân sách lại thấp nhất.

Thứ sáu, trong lực lượng lao động xã hội, lao động trong khu vực không có quan hệ lao động, tự tạo việc làm, thu nhập, không hưởng lương (khu vực không chính thức) như nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và lao động cá thể khác, chiếm tỷ lệ đa số. Nhìn từ khía cạnh  nào đó họ đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập của họ đang bảo đảm đời sống cho gần 2/3 dân số, trong khi họ chưa nhận được gì nhiều từ chính sách lao động, tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN,... của Nhà nước. Trong từng vùng, mức thu nhập bình quân của họ so với doanh nghiệp chỉ bằng hoặc thậm chí thấp hơn “sàn” mức LTT vùng theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương nhà nước, và nếu tính đủ cả các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN, phí công đoàn thì mức thu nhập của họ còn thấp hơn nữa, vậy mà họ vẫn sống, lao động và sinh hoạt bình thường. Vậy mối quan hệ tiền lương, thu nhập công - nông, tương quan giữa tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp với thu nhập của người lao động ngoài xã hội là gì, đã hợp lý và công bằng chưa. Nếu mở rộng việc so sánh với chuẩn nghèo theo vùng (400.000đ-500.000đ/tháng) mức chênh lệch từ 5,4-6,2 lần thì vấn đề gì cần được quan tâm. Đâu là chính sách không tạo thêm khoảng cách giàu - nghèo.

Mức LTT hay “sàn” mức LTT là vấn đề khó trong chính sách tiền lương vốn rất đa dạng và phức tạp. Trong thực tế thực hiện từ nhiều năm nay ở Việt Nam, kết cấu hình thành chính sách tiền lương (theo trình tự) gồm ba phần cơ bản:

Hệ thống chế độ tiền lương:là nội dung cơ bản, quan trọng nhất của chính sách tiền lương, thể hiện quan điểm, mục tiêu, yêu cầu phát triển của quốc gia về chính sách này. Hệ thống chế độ tiền lương gồm: Mức lương tối thiểu; Mức lương ngạch, bậc, cấp bậc, chức vụ (hoặc lương cơ bản, lương chính quy định trong các thang lương, bảng lương); Các khoản phụ cấp lương; Chế độ nâng bậc, ngạch lương; Chế độ tiền lương làm thêm giờ; Chế độ tiền lương làm việc vào ban đêm; Chế độ tiền lương ngừng việc; Chế độ tiền lương ngày nghỉ hằng năm (nghỉ phép), nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ được hưởng lương (nghỉ việc riêng: cưới, tang lễ cha, mẹ, vợ, con); Chế độ tiền lương được cử đi học tập, bồi dưỡng tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, điều động, biệt phái; Chế độ tiền lương bị tạm giam, tạm giữ; Chế độ tiền thưởng từ quỹ tiền lương; v.v. Ngoài các chế độ tiền lương, Nhà nước còn khuyến khích doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, người lao động có thể được hưởng một số chế độ khác như: bữa ăn giữa ca, bữa ăn ca đêm, chế độ ăn định lượng, chế độ bồi dưỡng độc hại, tiền hỗ trợ đi - về từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại; hỗ trợ tiền nhà ở, tiền gửi trẻ, tiền thưởng từ lợi nhuận.

Các hình thức trả lương:nhằm gắn tiền lương theo chế độ với kết quả thực hiện công việc, chức vụ của người lao động, gồm có: trả lương theo sản phẩm, lương khoán, trả lương theo thời gian.

Phương thức trả lương:số lượng tiền lương theo thời gian hoặc kết quả thực hiện, người lao động được cơ quan, đơn vị hoặc người sử dụng lao động trả lương bằng tiền hoặc bằng hiện vật, trả trực tiếp hoặc qua tài khoản; trả gián tiếp qua trung gian; trả theo ngày (ca), tuần, kỳ, tháng, năm.

Với kết cấu tiền lương nêu trên thì mức LTT hay “sàn” mức LTT chỉ là một chế độ trong hệ thống chế độ tiền lương. Nếu có sự thay đổi trong mức lương tối thiểu mà không thay đổi quy định các chế độ khác trong hệ thống chế độ tiền lương thì những hạn chế, bất cập của việc quản lý tiền lương hiện nay trong doanh nghiệp không thể khắc phục được. Và đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cuộc đình công, trong đó thang lương, bảng lương, mức lương, phụ cấp, hình thức và cách trả lương trong doanh nghiệp mới thực sự ảnh hưởng đến phần lớn đội ngũ người lao động làm công, hưởng lương, nhất là bộ phận lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ bậc trung trở xuống. Mặc dù các nguyên tắc về tiền lương trong Luật Lao động và Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 - 5 - 2013 của Chính phủ quy định là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng chế độ tiền lương, nhưng nếu như tổ chức Công đoàn không đủ mạnh, không đủ năng lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thì toàn bộ quyền quyết định chi tiết về chế độ tiền lương trong doanh nghiệp vẫn thuộc quyền của người sử dụng lao động, họ hoàn toàn có thể quy định tiền lương không thỏa đáng đối với giá trị lao động của người lao động có kỹ thuật, chuyên môn mà không hề trái với quy định của pháp luật. Giải pháp của nhiều nước trên thế giới đối với vấn đề này là thể chế hóa mức LTT vùng, ngành trên cơ sở tập hợp mức LTT theo vùng, ngành từ doanh nghiệp có sự thỏa thuận với Công đoàn và đang áp dụng trong thực tế.

  Theo quy định của nhiều quốc gia trên thế giới về mức LTT thì mức LTT được nhà nước công bố là mức tối thiểu chung của xã hội, phản ánh mức sống và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, mức độ phát triển toàn diện con người; làm lưới an toàn chống bóc lột và đói nghèo; làm chuẩn để xác định mức thu nhập chịu thuế cá nhân; là cơ sở để điều chỉnh tiền lương người nghỉ hưu, để tổ chức nghiệp đoàn các cấp thương lượng, thỏa thuận mức LTT vùng, ngành, mức lương tối thiểu cụ thể và hệ thống chế độ tiền lương trong doanh nghiệp; làm cơ sở để xác định chất lượng việc làm, các chế độ trợ cấp xã hội và một số chế độ khác. Đi liền với cơ chế này đòi hỏi phải có tổ chức Công đoàn đủ mạnh, thành lập theo đúng nghĩa tự nguyện, độc lập, có năng lực thực sự đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thương lượng, thỏa thuận quy định chế độ tiền lương trong doanh nghiệp theo đúng cơ chế thị trường, tiền lương là giá cả sức lao động. Nhà nước không cần phải quy định áp đặt, can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.

 Văn kiện Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động. Tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Tuân thủ nguyên lý cơ bản của nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì tiền lương cũng phải bảo đảm các nguyên tắc tương ứng, không thể định ra bằng ý chí chủ quan. Quản lý của Nhà nước về chế độ tiền lương cần phải có sự xem xét toàn diện trên cơ sở khoa học, thực tiễn các vấn đề quan trọng có liên quan để sao cho mỗi quyết định, quy định của Nhà nước phù hợp với hiện thực khách quan, bảo đảm mối quan hệ lợi ích từ nhiều phía, tạo cơ chế, động lực, thế chủ động cho người lao động và doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2015

Đặng Như Lợi

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban

về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền