Trang chủ    Thực tiễn    Một số giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các tỉnh Bắc Trung Bộ
Thứ hai, 19 Tháng 9 2016 16:06
2325 Lượt xem

Một số giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các tỉnh Bắc Trung Bộ

(LLCT) - Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của việc thu hút FDI đối với phát triển kinh tế -  xã hội, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thông thoáng và các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ đã có cơ chế cởi mở, sát hợp để thúc đẩy hoạt động thu hút FDI. Nhờ đó,đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ, phát triển nhân lực, cải thiện môi trường kinh doanh,nâng cao sứccạnh tranh,thúc đẩy xuất khẩu,tạo việc làmvà thu nhập cho người lao động,góp phần thúc đẩy hội nhập.

Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, có diện tích tự nhiên hơn 52,5 nghìn km2,dân số khoảng10,3 triệu người (năm 2013), trong đó có hơn 6 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 3% lực lượng lao động cả nước.Bắc Trung Bộ có điều kiện thuận lợiđể mở rộng giao lưu kinh tế giữa các tỉnh, các vùng và quốc tế, đặc biệt với Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanma;có bờ biển dài 670 km, thềm lục địa rộng, nhiều tài nguyên, có nhiều cửa sông lớn thuận lợi cho nghềđánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, nhiều bãi tắm đẹp,thuận lợi cho phát triển du lịch và kinh tế biển. Trong vùng đã hình thành 3 khu kinh tế cửa khẩu, 5 khu kinh tế ven biển. Đây là những lợi thế để thu hútđầu tư trực tiếp nước ngoài(FDI) trong sự nghiệp CNH, HĐH.

Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của việc thu hút FDI đối với phát triển kinh tế -  xã hội, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thông thoáng và các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ đã có cơ chế cởi mở, sát hợp để thúc đẩy hoạt động thu hút FDI. Nhờ đó,đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ, phát triển nhân lực, cải thiện môi trường kinh doanh,nâng cao sứccạnh tranh,thúc đẩy xuất khẩu,tạo việc làmvà thu nhập cho người lao động,góp phần thúc đẩy hội nhập.

Tính đến nay, đã có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào vùng Bắc Trung Bộ, trong đó dẫn đầu là Đài Loan với 41 dự án, tổng vốn đăng ký 10,5 tỷ USD, chiếm 46,5%tổng vốn đầu tư đăng ký; thứ 2 là Nhật Bản với 9 dự án, tổng vốn đăng ký gần 10 tỷ USD, chiếm 44,2%tổng vốn đầu tư đăng ký; Xinhgapo với 5 dự án, tổng vốn đăng ký gần 1,2 tỷ USD, chiếm 5,3 %; Trung Quốc với 6 dự án với 274,3 triệu USD; Hàn Quốc 8 dự án với 153 triệu USD...

Tính đến hết tháng 12-2014, toàn vùng đã có 272dự án FDIcòn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt gần 25 tỷ USD (Bảng 1).

Trong đó, số vốn đầu tưđã giải ngânvà đang hoạt động đạtgần 7,6tỷ USD, chiếm 30,4% vốn đăng ký.Khu vực FDIđã tạo ra 48,2% giá trị sản xuất công nghiệpcủa vùng.

Về lĩnh vực đầu tư, FDIđã đầu tư vào 14 ngành,lĩnh vực, trong đó,lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được 87dự án đầu tư đăng ký mới và 32lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm gần 4,2tỷ USD, chiếm 54,7% tổng vốn đầu tư đang hoạt động. Lĩnh vực kinh doanhbán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 49 dự án đã đi vào hoạt độngvới tổng vốn đầu tư 623,1 triệu USD, chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực bất động sảnvới 46dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đang hoạt độnglà 395,1 triệu USD. Số dự án đầu tư vào công nghiệp tuy không nhiều nhưng vốn đầu tư lớn, như dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn(Thanh Hóa) đăng ký vốn đầu tư9 tỷ USD; dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh) với tổng đầu tư giai đoạn 1 là10 tỷ USD; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 với vốn đầu tư 2,4 tỷ USD...

Tính đến hết tháng 12-2014, Hà Tĩnh,Thanh Hóa,Thừa Thiên - Huế là 3 tỉnh có nhiều dự án FDI. Tỉnh Hà Tĩnh có 59dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 16,5 tỷ USD, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành. Tỉnh Thanh Hóa có 56 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký 16 tỷ USD, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố.Tỉnh Thừa Thiên - Huếcó 83 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,3 tỷ USD, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành.

Với tác động của FDI, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh trong vùng được nâng lên. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh đạt 25,9%; tỉnh Thanh Hóađạt 11,7%; tỉnh Thừa Thiên-Huế đạt 8,23%, tỉnh Nghệ An 7,24%, tỉnh Quảng Bình 7,4% và tỉnh Quảng Trị đạt 6,7%.Khu vực FDItạo ra trên 300 nghìn lao động trực tiếp và khoảng 450-500 nghìnlao động gián tiếp, có tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng trước yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, tái cấu trúc kinh tế của vùng và thúc đẩy hội nhập quốc tế thì việc thu hút FDI đang tồn tại những hạn chế, bất cập, như:

Lượng FDI đã thu hút chưa tương xứng với tiềm năng của vùng,tiến độ giải ngân vốn và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI còn hạn chế.Chất lượng của dự án FDI nhìn chung chưa cao, giá trị gia tăng thấp, phần lớn là quy mô vừa và nhỏ, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế; một số doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Trên thực tế, nguồn vốn FDI chủ yếu tập trung vào hoạt động gia công, lắp ráp, nguyên vật liệu chủ yếu nhập khẩu nên giá trị gia tăng chưa cao (lắp ráp ô tô, xe máy, điện - điện tử, may mặc, da giày), chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông có chi phí nhân công thấp, dây chuyền công nghệ lạc hậu. Tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI đối với sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ, nhất là về chuyển giao công nghệ và tạo mạng lưới liên kết, còn hạn chế...

Trong những năm tới, để đẩy mạnh thu hút FDI vào vùng Bắc Trung Bộ, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài

Tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không phù hợp, thiếu nhất quán, bổ sung nội dung còn thiếu; sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014, tạo sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển tổng thể vùng Bắc Trung Bộ, xây dựng danh mục đầu tư vào vùng và kêu gọi vốn FDI cho từng giai đoạn, trước hết là đến năm 2020, trên cơ sở đó hoạch định chính sách, xây dựng văn bản pháp quy về xúc tiến đầu tư nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất trong công tác quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh trong vùng. Không cấp phép các dự án có công nghệ lạc hậu, tác động xấu tới môi trường; tiến hành rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên toàn vùng Bắc Trung Bộ để có hướng xử lý đối với từng loại dự án, đặc biệt với các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất đai, bao gồm cả việc rút giấy phép nếu cần thiết.

Bổ sung và hoàn thiện chính sách gắn kết thu hút FDI và hoạt động của doanh nghiệp FDI với sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái của vùng Bắc Trung Bộ và các vùng lân cận. Làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp FDI trong việc bảo vệ môi trường, bảo đảm tính bền vững trong phát triển.

Thứ hai, đổi mới chính sách ưu đãi, lựa chọn nhàđầu tư nước ngoài

Bảo đảm ưu đãi về thuếvàưu đãi đầu tư đối với dựa án FDI trên cơ sở mục tiêu, định hướng phát triển của vùngvà tuân thủ nghiêm các nguyên tắc màNhà nướcđã cam kết thực hiện với các tổ chức quốc tế. Việc thu hút FDI ở vùng Bắc Trung Bộ phải dựa trên cơ sở một chính sách ưu đãi đầu tư chung của cả nước để vận dụng vào địa bàn theo định hướng Chiến lược và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn vùng. Khắc phục tình trạng mỗi tỉnh có một chế độ ưu đãi về chính sách tài chính như hiện nay.

Cần hoàn thiện chính sách về thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia, có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và đối tác trọng điểm như các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản... Trên cơ sở các kết quả đàm phán các hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và các đối tác lớn, xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho đối tác chiến lược với sự cam kết cao nhất của Nhà nước cũng như dỡ bỏ các ưu đãi dành cho các nhà đầu tư thông thường.

Thứ ba, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng Bắc Trung Bộ

Các tỉnh trong vùng và Bộ Giao thông Vận tải cần có sự phối hợp để đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, nâng cấp các tuyến giao thông hành lang kinh tế Đông - Tây; xây dựng đường vành đai biên giới và hệ thống đường phía Tây của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Bắc Trung Bộ trên cơ sở quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.

Rà soát lại quy hoạch hệ thống cảng biển để tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ cả bến cảng, luồng vào cảng, hệ thống dịch vụ hỗ trợ cảng, giao thông liên kết cảng với hệ thống giao thông quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành hệ thống cảng và các hoạt động dịch vụ cảng.

Hoàn thành cơ bản việc nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các cảng hàng không Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới. 

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), cần xây dựng các dự án thủy điện ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên - Huế bảo đảm cấp điện cho toàn vùng. Xây dựng kết cấu hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, phát triển các dịch vụ viễn thông không chỉ phục vụ cho hoạt động của FDI mà còn phục vụ phát triển phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế biển, phục vụ an toàn hàng hải và quốc phòng, an ninh.Phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ, hạt nhân là các trường đại học, coi trọng ứng dụng công nghệ cao cho các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới,...

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tăng cường đầu tư cho giáo dục đào tạo. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đặc biệt là nâng cao tay nghề cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; hỗ trợ và giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức. Tạo lập môi trường làm việc ổn định, có cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút và sử dụng nguồn lực chất lượng cao.

Phát triển nguồn nhân lực phải trên cơ sở bảo đảm về quy mô, chất lượng và cơ cấu trình độ, ngành nghề cho việc đón bắt FDI và gắn kết với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng theo Quy hoạch tổng thể vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Nâng cao năng lực dự báo về thị trường lao động để lựa chọn đào tạo và phát triển nhân lực, tránh lãng phí. Đồng thời, việc đào tạo và phát triển nhân lực phải dựa trên các dự báo khoa học về xu hướng đưa người lao động vùng Bắc Trung Bộ ra nước ngoài làm việc dưới hình thức “xuất khẩu lao động” và mở rộng đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp trong vùng ra nước ngoài.

Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ trong đào tạo và phát triển nhân lực. Thường xuyên đúc rút kinh nghiệm, kịp thời ban hành những chính sách phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng và đáp ứng yêu cầu thu hút FDI trong từng thời kỳ. Khai thác và phát huy có hiệu quả vai trò của Đại học Vinh, Đại học Huế và các trường đại học khác trong vùng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu thu hút FDI ngày càng tăng.

Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý hành chính

Nâng cao năng lực quản lý hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhằm tạo môi trường thuận lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính để mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên cơ sở phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan nhằm khắc phục sự chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước đối với FDI.

Tiến hành cải cải mạnh mẽ hơn các thủ tục hành chính theo hướng giảm thiểu hình thức cấp giấy phép để chuyển sang chủ yếu hình thức ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để nhà đầu tư tự đăng ký thực hiện và cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm. Rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh cho nhà đầu tư. Coi trọng tính thống nhất về khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động thu hút FDI và phát triển doanh nghiệp FDI trên phạm vi toàn vùng.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các tỉnh trong vùng và với các vùng trong cả nước để tăng cường thu hút FDI. Phân công, phân nhiệm việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đến kêu gọi đầu tư đối với các dự án trọng điểm của vùng. Thành lập và đưa vào hoạt động Ban điều phối vùng Bắc Trung Bộ nhằm hỗ trợ lẫn nhau giữa các tỉnh trong phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc triển khai và giám sát thực hiện quy hoạch, giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm có quy mô, tính chất vùng theo thứ tự ưu tiên thuộc lĩnh vực quản lý nhằm thúc đẩy thu hút FDIvào các tỉnh trong vùng phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... mới được sửa đổi vàban hành.

_________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2015

 

Trần Nghĩa Hòa

Tổng Công ty khoáng sản xây dựng dầu khí Nghệ An

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền