Trang chủ    Thực tiễn    Phân tầng xã hội về chính trị và văn hóa ở Việt Nam hiện nay
Thứ hai, 19 Tháng 9 2016 16:10
4484 Lượt xem

Phân tầng xã hội về chính trị và văn hóa ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Phân tầng xã hội là sự phân chia, sự sắp xếp và hình thành cấu trúc các tầng xã hội (bao gồm cả sự phân loại, xếp hạng). Đó là sự khác nhau về địa vị kinh tế hay tài sản, về địa vị chính trị hay quyền lực, địa vị xã hội hay uy tín cũng như sự khác nhau về trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp, phương thức sinh hoạt và hưởng thụ trên các mặt.

Trong những năm qua đã có nhiều nghiên cứu về phân tầng xã hội ở Việt Nam nhưng chú trọng nhiều về mặt kinh tế, còn phân tầng xã hội về chính trị và về văn hóa còn ít được nghiên cứu.

Đề tài: “Nghiên cứu vận dụng tổng tích hợp các lý thuyết về Phân tầng xã hội nhằm thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay”đã tiến hành khảo sát ở 5 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Thọ và Bình Phước, mỗi tỉnh lấy ý kiến của 200 người (riêng thành phố Hà Nội lấy ý kiến khoảng 400 người) trong đó bao gồm cả người dân và cán bộ lãnh đạo, quản lý. Về giới tính, tỷ lệ nam giới tham gia vào cuộc khảo sát nhiều hơn nữ giới tỷ lệ lần lượt là 57% so với 43%. Về trình độ học vấn của người tham gia khảo sát: trên 90% có trình độ từ THCS trở lên, trong đó trình độ từ cao đẳng/đại học là 41,2%.

1. Phân tầng xã hội về chính trị

Kết quả cho thấy, có 685 trên tổng số 1121 người được khảo sát đang giữ một chức vụ nhất định trong chính quyền và ở các cơ quan, đoàn thể, đơn vị tư nhân. Trong đó tỷ lệ khá cao những người đang giữ chức vụ trong cơ quan chính quyền, có cả phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, nhiều chủ tịch và phó chủ tịch cấp huyện, xã và các giám đốc trung tâm, giám đốc doanh nghiệp, còn lại là các trưởng, phó phòng ban tại các cơ quan khác nhau.

Đối với chức vụ đảm nhiệm thì có sự chuyển đổi nghề nghiệp và chức vụ khác nhau của từng cá nhân; nhiều người trước đó từng giữ chức vụ trong cơ quan quản lý hành chính nhà nước, sau chuyển sang cơ quan đoàn thể; cũng có nhiều người chưa từng đảm nhiệm chức vụ gì rồi được chuyển lên làm công tác quản lý khi được luân chuyển, bổ nhiệm vào các vị trí khi có khả năng.

Khi được hỏi về việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của địa phương có ưu tiên “con ông cháu cha” hay không? Thì hầu đại đa số đều trả lời rằng: con ông cháu cha luôn được ưu tiên, tuy nhiên hiện nay việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các vị trí chủ chốt vẫn ưu tiên có các mối quan hệ nhưng người được đưa ra bổ nhiệm đều là người có năng lực nên rất ủng hộ.

Khi hỏi về việc tham gia đi họp tại địa phương khi được triệu tập, có tới 92,5% người trả lời là có đi họp khi được triệu tập và chỉ có 7,5% là không tham gia họp. Điều này chứng tỏ rằng việc đi họp để biết thông tin chính trị của người dân đã được họ quan tâm và thể hiện bằng hành vi của mình. Và cũng chính vì lý do này nên phân tầng về chính trị vốn không rõ ràng ở Việt Nam thì nay được các hộ dân để ý từ việc nhỏ là tham gia họp ở địa phương. Có sự khác biệt về việc tham gia họp của người dân ở các địa phương (xem bảng 1).

Số liệu trên cho thấy, mức độ tham gia đi họp của người dân khá cao. Ở Đà Nẵng tỷ lệ người dân tham gia đi họp cao nhất (98,8%), thấp nhất là ở Hà Nội (85,7%), Bình Phước (86,1%), Cần Thơ (95,4%) và Phú Thọ (97,1%). Có thể do ở Hà Nội người dân nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, và họ cũng bận rộn nên có cuộc họp không tham gia được đầy đủ. Còn ở Bình Phước thì có thể do địa hình khó khăn, dân cư phân tán, các hộ gia đình tới nơi họp xa nên người dân không bố trí đi họp được tất cả các buổi hoặc nhiều người dân cũng ít quan tâm đến các vấn đề xã hội, không tham gia họp khi được triệu tập.

Khi tham gia họp, kết quả khảo sát cho thấy, nhiều người dân đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến, phát biểu tại cuộc họp (68,4%), Đà Nẵng có tỷ lệ người dân phát biểu ý kiến khi tham gia các cuộc họp cao nhất (87,9%) và thấp nhất là Cần Thơ (48,9%).

Trung bình số lần phát biểu ý kiến của người dân khi tham gia họp tại địa phương là 3,1 lần. Trong đó, Đà Nẵng có số lần phát biểu ý kiến cao nhất với 5,2 lần. Tiếp đến là Bình Phước với trung bình là 4 lần; thấp nhất là Phú Thọ với 1,6 lần phát biểu.

Như vậy, có thể thấy được, việc đi họp và phát biểu ý kiến của người dân là tín hiệu tốt trong việc hỗ trợ, khuyến khích tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đây cũng là thể hiện sự phân tầng xã hội về địa vị chính trị, quyền lực.

Trong xã hội hiện đại, người dân tôn trọng nhiều đối tượng người khác nhau, người dân tôn trọng những người “có tài năng, có đóng góp với địa phương” (70,4%) người ủng hộ; “những người sống trong sạch, giản dị, lành mạnh” (69,5%); “những người giàu lên, thành đạt với nỗ lực bản thân” (51,7%). Sự tôn trọng của người dân đối với “những người có chức, có quyền” thấp với 20%, nguyên nhân do nhiều người mất lòng tin đối với những người có chức, có quyền, do tình trạng tham ô, tham nhũng diễn ra tại nhiều cơ quan chính quyền hiện nay.

Qua khảo sát cho thấy, giữa các địa phương có sự khác nhau về sự tôn trọng của người dân đối với các đối tượng trong xã hội như: “những người có tài năng, có đóng góp cho xã hội”; “những người giàu lên, thành đạt nhờ nỗ lực bản thân”; “những người sống trong sạch, giản dị, lành mạnh”; “những người có chức có quyền” trong đó, Hà Nội có tỷ lệ người dân ủng hộ lớn nhất và thấp nhất là Cần Thơ. Cụ thể: Đối với “những người có tài năng, có đóng góp cho xã hội” tại Hà Nội tỷ lệ người thể hiện sự tôn trọng chiếm 82,4%, tỷ lệ này ở Cần Thơ là 55,1%. Hay đối với “những người giàu lên, thành đạt nhờ nỗ lực bản thân” trong khi ở Hà Nội tỷ lệ người ủng hộ 65,1% thì tại Đà Nẵng thấp hơn nhiều với 33,3% và Bình Phước là 44,1%.

Điều tra về sự tôn trọng của xã hội đối với các nhóm đối tượng cho thấy: (1) những người có tài năng, đóng góp với địa phương: 70,4%; (2) những người sống trong sạch, giản dị, lành mạnh: 69,5%; (3) những người giàu do nỗ lực của bản thân: 51,7%; (4) người có học vấn cao: 40,1%; (5) những người có trình độ nghề nghiệp cao: 38,7%; (6) những người có chức quyền: 20,7%.Theo thứ bậc này, người dân trọng tài năng, lối sống trong sạch, giản dị, lành mạnh và có đóng góp với địa phương, không thật đề cao chức quyền.

Kết quả điều tra cho thấy, những người tài năng, có học vấn và tay nghề cao, lối sống trong sạch, giản dị, lành mạnh và có đóng góp với địa phương được mọi người tôn trọng, đó là những người có “vị thế xã hội cao” ở nước ta hiện nay. Sự tôn trọng của xã hội đối với những người như vậy là sự tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc: trọng người có công, có đức, hiền tài. Những người có chức quyền nhưng không có nhiều đóng góp với dân, với nước, sống không trong sạch, lành mạnh thì xã hội sẽ không tôn vinh, tôn trọng.

Bảng 2 cho thấy thái độ của người dân với các nhóm xã hội trong làm giàu. Xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp mức độ ủng hộ cách thức làm giàu như sau: (1) người vượt khó làm giàu; (2) người nỗ lực, siêng năng, sáng tạo; (3) người thành đạt nhờ uy tín, tài năng, đức độ, đóng góp thực tế cho xã hội; (4) người biết nắm cơ hội thuận lợi trong cuộc sống; (5) Người thành đạt nhờ quan hệ xã hội rộng; (6) người làm ăn trái phép, buôn lậu, trốn thuế; (7) người lợi dụng chức vụ, quyền lực.

Như vậy, người dân ủng hộ rất cao đối với những người vượt khó làm giàu, nỗ lực, siêng năng, sáng tạo, tài năng, đức độ, đóng góp thực tế cho cộng đồng, cho xã hội; không ủng hộ đối với những người làm ăn trái phép, buôn lậu, trốn thuế, lợi dụng chức vụ, quyền lực để làm giàu cho bản thân và gia đình. Người dân không ganh tị với những làm giàu hợp pháp, chính đáng bằng chính sức lực, trí tuệ của mình.

Từ kết quả điều tra có thể nhận định:

Thứ nhất,trong thang giá trị xã hội, người dân coi trọng, đề cao những người làm ăn hợp pháp, hợp thức, chính đáng, những người bằng chính sức lực, trí tuệ, vốn tài sản của mình để làm ra của cải và thực hiện đúng nghĩa vụ công dân.

Thứ hai,thái độ của người dân đối với làm giàu chính đáng, hợp pháp, hợp thức phản ánh nhận thức của họ về công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường. Nghĩa là, mọi người dân có quyền phát huy khả năng để làm giàu và xứng đáng được hưởng thụ thành quả lao động của mình, cả trên giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Giá trị vật chất là của cải, mức sống của họ, giá trị tinh thần là sự tôn trọng, ủng hộ của xã hội.

Như vậy, phân tầng xã hội về chính trị ở Việt Nam dù chưa thể hiện rõ nét nhưng cũng đã phần nào có những thái độ, hành vi về sự phân chia quyền lực, vị trí xã hội.

2. Phân tầng về văn hóa

Trong các hoạt động mà người dân tham gia nhiều, tham gia lễ hội truyền thống, văn hóa, thể thao ở địa phương; tham gia lễ hội truyền thống cấp nhà nước và đi lễ chùa, nhà thờ được người dân thường xuyên tham gia tỷ lệ lần lượt là (28,5%, 57,8% và 24,9%). Ngoài ra, các hoạt động tham quan bảo tàng, khu di tích người dân tham gia không thường xuyên, thậm chí chỉ tham gia 1 lần và thường chỉ tham gia vào những dịp quan trọng trong năm.

Qua khảo sát thấy, giữa các địa phương có sự khác nhau trong việc người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Sự khác biệt biểu hiện trong từng hoạt động mà người dân tham gia.

Ở hoạt động “lễ hội truyền thống cấp nhà nước” Đà Nẵng có tỷ lệ người dân tham gia thường xuyên nhiều nhất (47,4%), tiếp đến là Phú Thọ (33,5%); thấp nhất là Hà Nội với 14,9% tỷ lệ người dân tham gia ở mức độ thường xuyên. Về tham gia “đi lễ chùa, nhà thờ”, Phú Thọ là địa phương có tỷ lệ người dân tham gia thường xuyên lớn nhất (38,3%); thấp nhất là Đà Nẵng (17,9%) và Bình Phước(18,5%). Nguyên nhân có thể do tại Phú Thọ có nhiều lễ hội chùa lớn như lễ hội Đền Hùng, nhiều lễ hội khác nữa. Hơn nữa, tỷ lệ người dân theo đạo Thiên Chúa cũng khá lớn, chính vì vậy việc đi lễ chùa, nhà thờ thường xuyên của người dân chiếm tỷ lệ cao.

Đối với “lễ hội truyền thống tại địa phương” tỷ lệ người dân tại 5 tỉnh tham gia thường xuyên rất cao, trong đó Phú Thọ có tỷ lệ người dân tham gia lớn nhất với 78,9% và thấp nhất là Hà Nội với 39,3%. Nguyên nhân Hà Nội có tỷ lệ người dân tham gia thường xuyên lễ hội truyền thống thấp như vậy là do sự phát triển về kinh tế, cộng thêm sự nhập cư của bộ phận dân cư lớn dẫn tới các lễ hội ngày càng bị mai một, người dân bị cuốn vào hoạt động kinh tế nhiều nên hoạt động lễ hội tại địa phương thường không được người dân quan tâm nhiều.

Có thể thấy, người dân chủ yếu tham gia các hoạt động mang tính truyền thống, tiện lợi như tham gia các lễ hội, đi lễ chùa và tham quan di tích lịch sử, đi du lịch trong nước. Còn các hoạt động đòi hỏi người dân phải bỏ chi phí lớn để tham gia thì ít tiếp cận được tới đa số người dân. Chủ yếu là nhóm người khá giả tiếp cận với những hoạt động như xem phim tại rạp, xem thể thao ở các sân vận động, nhà thi đấu và du lịch nước ngoài.

Số liệu này cũng cho thấy sự phân hóa các hoạt động, chính những hoạt động này phân chia các tầng bậc văn hoá. Cũng đã có nhóm người coi việc xem phim ở rạp, nghe hoà nhạc là một phần không thể thiếu. Những người có nhu cầu hưởng thụ cao hơn này thường là ở Hà Nội và các thành phố lớn. Như vậy, ở các nơi có trình độ dân trí cao, có điều kiện phát triển các dịch vụ thì ở đó sẽ có sự phân tầng xã hội về văn hóa rõ ràng.

Hiện nay, truy cập internet được coi là việc cần thiết đối với cuộc sống của mỗi người dân, giúp cập nhật được thông tin hữu ích phục vụ cuộc sống. Khảo sát cho thấy số người dân thường xuyên truy cập internet khá lớn với 63,2%. Điều này cho thấy người dân hiện nay ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của thông tin đối với đời sống. Việc truy cập internet thường xuyên giữa các địa phương có sự khác biệt. Cụ thể, Bình Phước là tỉnh có tỷ lệ người dân sử dụng internet thường xuyên lớn nhất với 78%, tiếp đến là Đà Nẵng với 67,8%; và thấp nhất là Cần Thơ với 49,5%.

Địa điểm truy cập chủ yếu vẫn là tại nhà (79,1%) và tại những cơ quan (46,9%), điều này phản ảnh mức sống của người dân ngày càng tăng lên, việc mua sắm thiết bị kết nối internet khá cao, đa số người tham gia khảo sát có thiết bị kết nối internet như điện thoại và máy tính. Giữa các tỉnh có sự khác biệt trong việc sử dụng internet tại các địa điểm ở nhà hoặc ở cơ quan.

Thời lượng truy cập internet giữa các địa phương có sự khác nhau. Phú Thọ là địa phương có trung bình truy cập số phút 1 lần cao nhất với 46,7 phút. Tiếp đến là Đà Nẵng với 41,6 phút/1 lần; thấp nhất là Bình Phước với 35 phút/1 lần. Như vậy có thể thấy rằng, hiện nay người dân ngày càng có xu hướng tiếp cận nhiều hơn với internet.

Phân tầng xã hội về văn hóa ở Việt Nam hiện nay cũng chưa được phản ánh rõ nét, nhưng cũng phần nào được thể hiện qua việc tham gia hoạt động văn hóa cộng đồng, đi xem phim tại rạp chiếu phim, truy cập internet ngày càng nhiều nhất là ở các đô thị.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2015

 

TS Nguyễn Thị Thùy Linh

Viện Xã hội học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền