Trang chủ    Thực tiễn    Vấn đề môi trường biển, đảo ở nước ta hiện nay
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 15:30
12060 Lượt xem

Vấn đề môi trường biển, đảo ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Việt Nam cóđường bờ biển dài khoảng 3.260km, có diện tích biển gấp hơn 3 lần đất liền, với 28 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm trên 31% dân số cả nước. Biển,đảo Việt Nam có vai trò đặc biệtquan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng.

Vùng biển, đảo Việt Nam có khoảng 11 nghìn loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Trữ lượng hải sản khoảng 3,1 -4,2 triệu tấn/năm, với khả năng khai thác 1,4 -1,6 triệu tấn/năm. Dọc ven biển Việt Nam có 370 nghìn ha có khả năng nuôi trồng thủy sản...

Biển Việt Nam chứa đựng một khối lượng lớn về khoáng sản quý hiếm như: titan, nhôm, sắt, muối, mangan, cát thủy tinh và đất hiếm. Ven bờ biển có nhiều vịnh và đảo đẹp, nổi tiếng thế giới như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, đảo Cát Hải, Cát Bà, Bạch Long Vĩ… thuận lợi cho phát triển ngành du lịch biển và du lịch sinh thái.

Đặc biệt, đáy biển Việt Nam có khoảng 500 nghìn km2 có triển vọng dầu khí (trong đó 3 khu vực lớn là: Vịnh Bắc Bộ, thềm lục địa khu vực Quảng Trị -Thừa ThiênHuếvà vùng thềm lục địa phía Nam). Theo ước tính ban đầu, trữ lượng dầu mỏ có thể đạt tới 3 -4 tỷ thùng và khí là khoảng 50 -70 tỷ m3

Với đường bờ biển dài, nhiều vũng vịnh, đường biển từ lâu đã trở thành con đường vận tải quan trọng của Việt Nam giao thương hàng hóa trong nước và trên thế giới, trongtổng số 10 tuyến đường biển lớn nhất trên thế giới hiện nay, có 5 tuyến đi qua Biển Đông hoặc có liên quan đến Biển Đông. Dọc bờ biển nước ta có khoảng 100 địa điểm có thể xây dựng được các cảng biển. Thêm vào đó với hệ thống sông ngòi dày đặc như hệ thống sông vùng Quảng Ninh, hệ thống sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai -Vàm Cỏ và hệ thống sông Cửu Long...,các tuyến đường sông, đường bộ ven biển được xây dựng trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương nội địa Việt Nam với các nước khác trong khu vực.

Thời gian gần đây, trước sức ép của tốc độ gia tăng dân số ngày càng nhanh, nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt, càng đẩy mạnh khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển. Tuy nhiên,các hoạt động khai thác chủ yếu chỉ tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, làm cho nhiều nguồn tài nguyên biển bị khai thác cạn kiệt, hệ sinh thái biển bị đe dọa nghiêm trọng. Hoạt động du lịch biển đang gia tăng mạnh nhưng thiếu quy hoạch và quản lý không khoa học nên cũng gây ô nhiễm môi trường vùng ven biển. Sản lượng khai thác cá biển đã vượt mức cho phép, 80% là từ vùng nước ven bờ. Năm 2002, Viện Tài nguyên quốc tế đã thống kê có tới 80% rạn san hô của Việt Nam đang trong tình trạng bị đe dọa (nguy hiểm), trong đó 50% nguy cấp. Từ đó đến nay, chất lượng môi trường biển và vùng ven biển Việt Nam đang tiếp tục suy giảm. Đã có 70 loài hải sản được đưa vào danh sách đỏ để bảo vệ, 85 loài ở tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt là hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện năm 2002, 2003 ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi trồng thủy hải sản. Sựô nhiễm môi trường biển,đảo Việt Nam là do các nguyên nhân sau:

Một là, ô nhiễm từ lục địa mang ra. Các hoạt động phát triển trên đất liền, đặc biệt trên các lưu vực sông như đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản nước lợ, phát triển công nghiệp khai khoáng, dân số gia tăng đã phát thải một lượng lớn các chất thải, chủ yếu chưa xử lý. Các chất thải không qua xử lý này đổ ra sông suối vàrabiển,gây ô nhiễm môi trường vùng ven biển. Ước tính lượng thải từ đất liền ra biển ở nước ta hiện nay chiếm khoảng 50 - 60% ô nhiễm môi trường biển.

Hai là, ô nhiễm từ trên biển.Các hoạt động trên biển như nuôi trồng và đánh bắt hải sản, chất thải của các tàu cá, phát triển cảng và nạo vét đáy biển, du lịch biển, thăm dò và khai thác dầu, khí, các vụ chìm tàu và các sự cố môi trường biển khác (tràn dầu, thải dầu, đổ dầu cặn bất hợp pháp, đổ thải phóng xạ, hóa chất độc hại,...) đã làm ô nhiễm môi trường biển,đảo Việt Nam. Bên cạnh đó, các phương tiện giao thông thủy ngày càng nhiều, sản lượng khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển không ngừng tăng, gây nên tình trạng ô nhiễm biển, đảo trên diện rộng.

Ba là, ô nhiễm do sự tác động từ nước ngoài.Hiện nay,tài nguyên thiên nhiên ở những nơi dễ khai thác như trên các lục địa đang dần cạn kiệt, môi trường suy thoáinặng nề. Các nước phát triểntìm mọi cách chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên của các nước chậm phát triển. Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng nước lớn muốn lợi dụng thế mạnh về kinh tế của mìnhđể chiếmđoạt tài nguyên, môi trường, nhất là môi trường biển,đảo như: khai thác bừa bãi theo hướng hủy diệt làm cạn kiệt tài nguyên thủy, hải sản; bồi đắpcác bãi đá ngầm làm biến dạng môi trường tự nhiên biển,đảo; thử vũ khí hạt nhân trên vùng biển Việt Nam làm ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy, hải sản...

Nhận thức sâu sắc về vấn đề bảo vệmôi trường biển,đảo, Ðảng và Nhà nước ta sớmquan tâm tới việc bảo vệ môi trường biển,đảo,đãký kết, ban hành các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật:

Việt Nam đã ký kết các văn bản pháp lý quốc tế về bảo vệ môi trường biển như: Công ước đa dạng sinh học; Công ước di sản; Công ước Ramsar; các Công ước MARPOL, SOLAS, COLREG... Đặc biệt ngày 23-6-1994, Việt Nam đã tham gia ký Công ước Luật biển 1982. Quốc hội Việt Namđã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Điểm 1 trong Nghị quyết nêu rõ: “Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.

Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam (năm 2005)đã dành bốn điều quy định về Bảo vệ môi trường biển (từđiều 55 đến 58). Cụ thể hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, ngày 6-3-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NÐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Hội nghị Trung ương 4 khóa X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020:Một là, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng CNH, HĐH.Ba là, khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP, ngày 30-5-2007 và Chương trình hành động của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg, ngày 21-8-2007, phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển;  Quyết định số 373/QĐ-TTG, ngày 23-3-2010, phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam... Các cơ quan ở Trung ương và địa phương, cùng với các lực lượng vũ trang đã chủ động xây dựng kế hoạch, trực tiếp triển khai chương trình hành động của Chính phủ và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Ðặc biệt, Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013), trong đóÐiều 35quy định cụ thể về gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Ngày 25-6-2015, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo(có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), trong đó quy địnhrõ:cấm những hành vi hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ...

Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường biển bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quản lý nhà nước về biển và hải đảo nói chung, môi trường biển nói riêng; tạo điều kiện cho việc phát triển các ngành kinh tế biển hiệu quả và bền vững; thúc đẩy bảo vệ môi trường và sinh thái biển.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường biển,đảo đang bộc lộ một số bất cập: công tác quản lý nhà nước về kinh tế biển và hải đảo hiện nay được giao cho nhiều bộ,ngành, dẫn đến mỗi ngành thường chú trọng tới lợi ích ngành mình mà ít chú ý đến lợi ích của ngành khác, ít quan  tâm tới bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững; thiếu sự phối, kết hợp giữa các ngành khác nhau trong khai thác sử dụng tài nguyên biển, làm cho không gian biển bị chia cắt, các hệ thống vùng bờ biển bị phá vỡ, gây ra các sự cố môi trường, sinh thái, thiệt hại cho nền kinh tế. 

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 25 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo nhưng chưa thể chế hóa được đầy đủ nội hàm của công tác quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo.Luật Biển Việt Nam mới chỉ đề cập đến một số nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo, nhiều nội dung quy định còn thiếu, chưa đầy đủ và đồng bộ. Bên cạnh đó, cònthiếu các quy định để quản lý thống nhất các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo; định hướng, điều phối, lồng ghép các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên biển và hải đảo. Việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam còn thiếu các quy định cụ thể để thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo, đặc biệt là hoạt động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường và hải đảo nhằm bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái biển và hải đảo, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển, phục hồi môi trường biển và hải đảo cũng còn nhiều bất cập. Hoạt động quan trắc, giám sát tổng hợp, hệ thống thông tin về tài nguyên môi trường biển và hải đảo phục vụ tích hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu chưa được thể chế hóa và tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, vận hành, quản lý đồng bộ. Các dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là số liệu, thông tin về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo bị phân tán, chưa được tích hợp thành cơ sở dữ liệu chung thống nhất, hiện đại để phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển,đảo. Chưa chú trọng đúng mức công tác tuyên truyền vềbảo vệ môi trường....

Trong thời gian tới, để bảo vệ tốt môi trường biển,đảo, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững,cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, thực hiện lồng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường biển, đảo vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt tới các ngành, các lĩnh vực liên quan tớibiển cần áp dụng phương pháp khai thác tài nguyên biển, hệ sinh thái biển theo hướng tiếp cận hệ sinh thái như  áp dụng các công nghệ nuôi trồng, khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản thân thiện môi trường... Tăng cường quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển và từ các hoạt động kinh tế biển. Tăng cường kiểm soát và sẵn sàng ứng phó các sự cố môi trường biển, nhưtràn dầu... Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các nơi cư trú đã bị mất, các hệ sinh thái quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) đã bị suy thoái. Phát triển và đa dạng hóa các ngành nghề để tăng khả năng tạo việc làm, xóa đói,giảm nghèo và nâng cao mức sống cho các cộng đồng ngư dân ven biển. Triển khai thường xuyên hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân địa phương về quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên,bảo vệ môi trường biểnvà hải đảo.

Hai là, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về biển và bảo vệ môi trường biển,đảo. Quản lý tổng hợp về biển là vấn đề mới, phức tạp và mang tính đa ngành. Vì vậy, việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về biển và bảo vệ môi trường biển,đảo có vai trò quyết định. Các hoạt động kinh tế và quản lý bảo vệ môi trường biển,đảo cần có một cơ quan nhà nước quản lý thống nhất, tránh tình trạng phân tán ở nhiều bộ, ngành và các cơ quan khác nhau như hiện nay. Hướng tới quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển,đảo thông qua áp dụng và thực thi các giải pháp và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên cơ quan, liên vùng, liên kết với cộng đồng với các bên liên quan và quản lý không gian biển dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái. Mục đích của quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là: đảm bảo phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu (tối ưu hoá) và bảo đảm đa lợi ích (các bên cùng có lợi) giữa Nhà nước, tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương, cũng như giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành trong quá trình khai thác, sử dụng các hệ thống tài nguyên - môi trường biển, ven biển và hải đảo.

Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển,đảo, đặc biệt là các quốc gia có biển đảo giáp với biển,đảo Việt Nam. Với xu hướng các nước đều tiến ra biển nên cần hình thành một nhận thức chung, biển cả là một môi trường đồng nhất, là tài sản chung của nhân loại, đòi hỏi có sự hợp tác cao giữa các quốc gia nhằm giữ gìn biển trong lành. Trong một thế giới ngày càng phức tạp hơn với nhiều vấn đề về tài nguyên và môi trường biển vượt qua khỏi phạm vi quốc gia, hợp tác quốc tế không chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn mà là một sự cần thiết của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Bốn là, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đàm phán, phân định biển với các nước láng giềng; tăng cường hợp tác trên biển theo tinh thần Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển, cố gắng thu hẹp bất đồng, tìm kiếm giải pháp ổn định lâu dài mà các bên chấp nhận được.

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

TS Lê Thị Thanh Hà

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền