Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 15:32
8622 Lượt xem

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế

(LLCT) - Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ không phải là vấn đề mới. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã rất chú trọng đến “thực túc, binh cường” để yên dân và bảo đảm cho non sông bền vững. Đảng ta trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và quan điểm về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đã được đề cập trong nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng.

Ngay sau khi giành được độc lập (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những tư tưởng, chủ trương về mở cửa, đa dạng hóa quan hệ hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài mấy chục năm, chúng ta đã không có điều kiện thực hiện một cách đầy đủ tư tưởng về mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) của Người.

Từ thực tiễn của đất nước và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Đảng ta có ý thức sâu sắc rằng, đối với một quốc gia dù lớn hay nhỏ, độc lập tự chủ về kinh tế luôn là nền tảng vật chất cơ bản để giữ vững độc lập tự chủ về chính trị và tăng cường độc lập tự chủ của quốc gia. Không thể có độc lập tự chủ về chính trị trong khi lệ thuộc về kinh tế. Vì vậy, trong đường lối phát triển đất nước sau chiến tranh, Đại hội IV của Đảng (1976) đã chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của việc kết hợp giữa nội lực với ngoại lực trong phát triển kinh tế đất nước, Đại hội xác định: “Trong khi dựa vào sức mình là chính để phát huy tới mức cao nhất năng lực sản xuất hiện có, chúng ta ra sức tăng cường quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và với các nước khác”(1).

Nếu như những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong tình thế đối đầu của hai hệ thống, Đảng ta chủ trương phát triển kinh tế tự chủ, tự lực cánh sinh là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các nước XHCN, thì trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, Đảng ta nhận thức ngày càng rõ mối quan hệ giữa tăng cường sức mạnh kinh tế trên cơ sở nội lực, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác, phá thế bị bao vây, cấm vận, tham gia tích cực vào phân công lao động quốc tế. Kinh nghiệm rút ra từ những năm tháng đó thực sự là những bài học lớn đối với việc hình thành và từng bước hoàn thiện quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Đảng ta.

Trong Đại hội VIII (6-1996),  Đảng ta khẳng định: Giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Dựa vào nguồn lực trong nước là chính đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả... Lấy hiệu quả kinh tế - xã hội là tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư và công nghệ. Đầu tư chiều sâu để khai thác tối đa năng lực tổ chức hiện có... Tạo ra những mũi nhọn trong từng bước phát triển. Tập trung thích đáng nguồn lực cho các lĩnh vực và các địa bàn trọng điểm, đồng thời quan tâm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của mọi vùng trong nước,... Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh(2).

Tiếp theo, tại Đại hội IX, Đảng ta đã xác định đường lối phát triển kinh tế đất nước là: Đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng XHCN, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội HNKTQT để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường an ninh quốc phòng(3).

Cùng với HNKTQT, các chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, về HNKTQT ngày càng rõ hơn. Mối quan hệ giữa hai nội dung này trong đường lối phát triển kinh tế đất nước ngày càng cụ thể hơn. Đại hội IX nhấn mạnh: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải đảm bảo xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trước hết là độc lập tự chủ về đường lối, chính sách”, “xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước”([1]4). Nội dung cụ thể của việc xây dựng nền kinh tế độc lập,tự chủlần đầu tiên được Đảng ta nêu ra: “Trước hết là độc lập tự chủ về đường lối phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất - kỹ thuật đủ mạnh; có cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả và sức cạnh tranh; có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm nền kinh tế đủ sức đứng vững và ứng phó được với các tình huống phức tạp, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế”(5).

Triển khai thực hiện đường lối chủ động HNKTQT, ngày 27-11-2001, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 07-NQ/TW Về hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là văn kiện toàn diện nhất và là sự kế thừa, cụ thể hóa và triển khai các đường lối của Đảng, đồng thời đáp ứng kịp thời những đòi hỏi khách quan của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết này mang tính đột phá, đóng vai trò quan trọng, là “kim chỉ nam” hướng dẫn, thống nhất về mặt nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân về tiến trình HNKTQTcủa đất nước. Nghị quyết đã xác định mục tiêu của hội nhập kinh tế; nêu ra những quan điểm chỉ đạo trong quá trình hội nhập; đồng thời đề ra những nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện trong quá trình HNKTQT. Trong đó nêu rõ: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, kiến thức quản lý để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và “hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức; phải có kế hoạch và lộ trình hợp lý, phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, đáp ứng các quy định cửa các tổ chức kinh tế quốc tế mà nước ta tham gia; kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh, quốc phòng, thông qua hội nhập để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia nhằm củng cố chủ quyền và an ninh đất nước”(6).

Hiệu quả hội nhập phải được xem xét một cách toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa,... Vì vậy, Đảng ta xác định rõ nguyên tắc cơ bản và bao trùm trong HNKTQT là “bảo đảm giữ vững độc lập tự chủ và định hướng XHCN, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. Giữ gìn độc lập tự chủ thể hiện trước hết trong quyết sách hội nhập nhằm khai thác tối đa các lợi thế, đối phó thắng lợi với các thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập; chủ động lựa chọn các tổ chức tham gia, các đối tác và hình thức quan hệ, thời điểm tham gia hội nhập, xây dựng lộ trình hội nhập hợp lý trong khuôn khổ quy định chung; chủ động điều chỉnh chính sách cho phù hợp, chủ động tổ chức sản xuất và điều hành kinh tế trong nước nhằm không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, v.v.. Những yêu cầu trên cũng là nhằm mục đích xây dựng nền kinh tế ngày càng độc lập tự chủ.

Đại hội X của Đảng đã đặt cao nhiệm vụ “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”, “hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương”; nhấn mạnh yêu cầu “đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định, bền vững”([1]7), “các hoạt động đối ngoại phải hướng mạnh vào các nhiệm vụ kinh tế - xã hội thiết thực như mở rộng thị trường, có thêm đối tác, tranh thủ tối đa vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý”. Có thể nói, những quan điểm chỉ đạo về HNKTQT tiếp tục hướng vào mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với những nội dung ngày càng cụ thể hơn.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được thông qua tại Đại hội XI của Đảng đều nhấn mạnh, đường lối xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đi đôi với tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện xuyên suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.Ba trong tám phương hướng cơ bản, một trong tám mối quan hệ lớn cần phải giải quyết trong thời kỳ quá độ là mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế. Cương lĩnh 2011nhấn mạnh, “Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”(8) không được phiến diện, cực đoan, duy ý chí trong giải quyết mối quan hệ này và phải được giải quyết linh hoạt, mềm dẻo theo nguyên tắc: độc lập tự chủ là nền tảng, hội nhập quốc tế vừa bổ sung, vừa làm cho nội dung độc lập tự chủ phát triển lên một trình độ mới. Chiến lược 2011-2020 cũng nêu rõ: “Phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng đế phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”(9). Đại hội XI cũng chỉ rõ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 phương hướng giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập nhằm tạo dựng được sức mạnh dân tộc với tính chất yếu tố quyết định; tranh thủ được yếu tố ngoại lực và thời đại với vai trò yếu tố quan trọng.

Trong 30 năm đổi mới, nhờ ra sức xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã được Liên Hợp quốc đưa ra khỏi nhóm nước kém phát triển, đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Việt Nam là một trong số ít nước chuyển đổi thành công từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước mà vẫn giữ được sự ổn định chính trị - xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Từ chỗ thiếu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Từ chỗ khan hiếm hàng hóa, hiện nay trên thị trường mọi thứ hàng hóa được mua bán, đáp ứng nhu cầu có khả năng thanh toán của nhân dân và các doanh nghiệp. Từ chỗ siêu lạm phát, hiện nay chỉ còn 1 chữ số. Một trong những thắng lợi lớn của nền kinh tế nữa, đó là bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phát huy tính tự chủ của các hộ nông dân, nhờ vậy mà giải phóng được sức sản xuất, tăng nhanh sản lượng hàng hoá, nhất là lương thực - thực phẩm để xoá đói, giảm nghèo và đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ mặt nông thôn Việt Nam đã thay đổi rõ rệt về nhiều mặt, tuy chưa đều giữa các vùng.

Chúng ta đã tranh thủ được môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường không ngừng được mở rộng, nguồn vốn tài trợ và đầu tư vào nước ta không ngừng gia tăng. Nếu đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng ta mới có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có quan hệ kinh tế - thương mại với trên 220 nước và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch ngoại thương đã lớn hơn rất nhiều so với tổng sản phẩm trong nước. Đã thu hút được hơn 200 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 13 nghìn dự án đã được cấp phép và đã giải ngân được trên 80 tỷ USD. Năm 2013, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng lên với nhiều dự án lớn, đưa Việt Nam vào nhóm 15 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh nguồn vốn tài trợ chính thức cho phát triển (ODA) của thế giới giảm, ta vẫn nhận được hơn 33 tỷ USD viện trợ từ các nước và các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế như IMF, WB, ADB. Trong năm 2011, khi nền kinh tế thế giới phải đối mặt với những khó khăn gay gắt, kim ngạch xuất khẩu của nước ta vẫn tăng trên 30%; các nhà tài trợ vẫn cam kết dành cho Việt Nam khoản tài trợ 7,4 tỷ USD. Hiện Việt Nam có 51 nhà tài trợ lớn, trong đó có 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương. Kết quả này chứng tỏ đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đạt được thành công đáng ghi nhận.

Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang trong quá trình đàm phán 6 FTA với những đối tác quan trọng hàng đầu của thương mại thế giới gồm TPP, FTA với EU, Hàn Quốc và các nước trong liên minh thuế quan Nga - Belaruts - Kazakhstan và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực... Trên phương diện đa phương, các cam kết trong WTO gần như đã được thực hiện đầy đủ và đã có thể có đánh giá tương đối toàn diện, chi tiết tác động của các cam kết gia nhập. Trên bình diện khu vực, Việt Nam cũng hội nhập ngày càng sâu với ASEAN, hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015.

Cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động tăng lên rõ rệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Dự kiến trong giai đoạn 2011 - 2020, việc làm mới tạo ra tiếp tục tăng bình quân 2,4 - 2,8%/năm (tương đương 1,1 - 1,3 triệu việc làm). Tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm còn 4,78% vào năm 2015 và 4,23% vào năm 2020.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái, tốc độ tăng trưởng GDP của nhiều quốc gia suy giảm, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tỷ lệ tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 tăng 5,42%, cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và năm 2014 tăng 5,98%. Sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo tiền đề để nước ta phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới”(10). “Sức mạnh về mọi mặt” của đất nước đã tạo tiền đề vật chất - tinh thần quyết định cho việc giữ vững, bảo đảm độc lập, tự chủ của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Tuy nhiên, những hạn chế nổi lên là thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, đôi khi lúng túng. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả nhiều nước trong khu vực. HNKTQT đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế, nhất là cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản... Nhìn chung Việt Nam vẫn là nước nhập siêu “trường kỳ”, đặc biệt từ Trung Quốc, Việt Nam vẫn chưa chủ động trong xuất khẩu khiến Việt Nam bị “thua” ngay cả ở những mặt hàng có thế mạnh như gạo, cà phê. Trên thực tế, Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng đẳng cấp không cải thiện. Năng suất, năng lực cạnh tranh chưa có sự cải thiện rõ rệt, nguồn nhân lực vừa thừa (lao động chưa qua đào tạo, thiếu kỹ năng) vừa thiếu (lao động chất lượng cao), chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Thực tế này là một trở lực đối với mục tiêu độc lập, tự chủ về kinh tế. Nguyên nhân chính dẫn đến các hạn chế nêu trên trước hết do các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng, đủ, kịp thời các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, còn tồn tại tư duy của người sản xuất nhỏ, manh mún. Quá trình chuẩn bị các điều kiện cho hội nhập chưa kịp thời, phù hợp.

Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện các dấu hiệu bất ổn về kinh tế vĩ mô: các khoản nợ công, nợ của Chính phủ có xu hướng gia tăng, đe dọa trực tiếp an ninh tài chính quốc gia; tỷ lệ lạm phát cao hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP, cơ cấu kinh tế dịch chuyển chậm; hiệu quả đầu tư thấp; sức cạnh tranh của nền kinh tế không được cải thiện... Những điểm đó nói lên rằng, nền kinh tế đã có những bước phát triển nhanh, nhưng nội lực nền kinh tế quốc gia vẫn còn yếu kém và dễ bị tổn thương trước những biến động bất lợi từ bên ngoài. Một nền kinh tế tăng trưởng nhanh không luôn đồng nghĩa với nền kinh tế mạnh, nhất là khi Việt Nam đang ở trong một thế giới hội nhập và cạnh tranh khốc liệt(11).

Từ thành tựu và hạn chế trên, đề xuất một số định hướng, phương hướng và giải pháp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ như sau:

Về quan điểm định hướng

Bảo vệ độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia phải đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh CNH, HĐH, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.Để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển trên con đường CNH, HĐH cần phải quyết tâm và mở cửa hội nhập, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xem đây là tiền đề, là điều kiện cơ bản để bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc một cách thực tế.

Về giải pháp 

Thứ nhất, hoàn thiện, bổ sung đường lối chung và đường lối kinh tế, xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ hai, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH, giúp chúng ta đi tắt, đón đầu, tránh được nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khác. Trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào một số biện pháp sau: (1) Đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển sang tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu. Chủ trương đã có nhưng có thể thấy quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong những năm qua còn chậm. Việc tái cấu trúc qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế sẽ gia tăng sức cạnh tranh, tạo lợi thế trong hội nhập; (2) Mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường, nguồn vốn đầu tư và đối tác, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, tạo nền tảng cho phát triển ổn định, bền vững. Chiến lược thị trường cần gắn kết chặt chẽ với chiến lược sản phẩm và xúc tiến quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao vị thế và uy tín của sản phẩm hàng hóa trong nước; (3) Quy định chặt chẽ và mạnh dạn trong đổi mới công nghệ. Đi liền với quá trình du nhập công nghệ, cần tăng nguồn tài chính đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, nhằm từng bước nghiên cứu phát triển, tiến tới tự chủ dần về công nghệ.

Thứ ba, đẩy mạnh quan hệ kinh tế đối ngoại và chủ động HNKTQT đáp ứng yêu cầu và lợi ích của đất nước trong quá trình phát triển đồng thời qua đó phát huy vai trò của nước ta trong quá trình hợp tác với các nước, các tổ chức khu vực và thế giới. Để chủ động HNKTQT một cách có hiệu quả, trong thời gian tới cần chú ý thực hiện những giải pháp cụ thể sau: (1) Tiếp tục nghiên cứu, đàm phán, ký kết, chuẩn bị kỹ các điều kiện thực hiện các FTA yêu cầu ở cấp độ cao hơn trong hội nhập kinh tế toàn cầu, tham gia các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư...; có đại diện làm việc tại các tổ chức thương mại, đầu tư, giải quyết tranh chấp quốc tế; (2) Huy động mọi nguồn lực để thực hiện thành công ba đột phá chiến lược: cải cách thể chế; phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; ( 3) Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước tham gia sản xuất hàng hóa và dịch vụ cung cấp cho thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới (4) Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ tư, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế bằng đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế, hành chính, đặc biệt là tăng cường áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế, nhất là những ngành có vị thế của Việt Nam.

Thứ năm, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong hội nhập quốc tế. Mở rộng quan hệ quốc tế phải quán triệt và thực hiện nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hòa bình. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các quan hệ hợp tác quốc tế về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại để tạo sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới, thực hiện “thêm bạn, bớt thù”, tạo môi trường, điều kiện bảo vệ Tổ quốc “từ xa”.

____________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

(1) Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam (http://www.cpv.org.vn): Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV do đồng chí Phạm Văn Đồng trình bày (ngày 16-12-1976).

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.86.

(3), (4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.89, 92, 166.

(6) Nghị quyết của Bộ Chính trị số 07/NQ-TW về hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

(7) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.112.

(8), (9), (10) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.102.

(11) Chu Văn Cấp : “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế’’, Tạp chí Cộng sảnsố 836 (6-2012).

 

ThS Nguyễn Mạnh Trường

Vụ Hợp tác quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền