Trang chủ    Thực tiễn     Nhận thức của nhân dân về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thứ năm, 29 Tháng 12 2016 09:41
2632 Lượt xem

Nhận thức của nhân dân về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(LLCT) - Tìm hiểu nhận thức và đánh giá của nhân dân về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam qua 600 phiếu điều tra nhận thức về Hiến pháp và pháp luật, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, dân chủ và quyền con người... đã phản ánh những thành tựu và phát hiện những tồn tại hiện nay. Kết quả cho thấy: phần lớn người dân nhận thức đúng đắn về vị trí của Hiến pháp, vai trò của pháp luật; hoạt động giám sát của  Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể,... Tuy nhiên, tỷ lệ khá lớn cho rằng pháp luật còn chưa phù hợp, thậm chí xa rời thực tiễn; tính cạnh tranh trong bầu cử ở mức trung bình và thấp; tính minh bạch của cơ quan nhà nước thấp; còn nhiều người không tham gia góp ý sửa đổi Hiến Pháp, chưa quan tâm kết quả bầu cử.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Sau 30 năm đổi mới, Nhà nước đã có tiến bộ trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được thì công cuộc này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập: phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trên một số nội dung chưa rõ, chậm đổi mới; nhìn chung, hệ thống pháp luật vẫn chưa thật sự đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống; hệ thống các cơ quan trong bộ máy nhà nước còn chưa thật sự tinh gọn... Đặc biệt, quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước còn chưa được bảo đảm...

Đại hội XII khẳng định những thành công của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN:  “Quan điểm và thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, hiệu lực và hiệu quả được nâng lên”, bên cạnh đó “Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chuyển biến chậm” .

Việc phân tích nhận thức và đánh giá của nhân dân về xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay, làm rõ những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng Nhà nước để “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh” là việc làm cấp thiết.

Để thực hiện việc thu thập những tư liệu thực tế về nhận thức, đánh giá, nguyện vọng của các tầng lớp, thành phần dân cư trong xã hội, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra xã hội học dựa trên bảng câu hỏi soạn sẵn. Tổng mẫu điều tra của đề tài là 600 phiếu, địa bàn thực hiện điều tra gồm 9 tỉnh thành: Cà Mau, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hà Nội, Cao Bằng, Hải Phòng. Tại mỗi tỉnh, thành phố, nhóm nghiên cứu chọn 2 huyện, mỗi huyện chọn 1-2 đơn vị cấp xã. Như vậy, nhóm nghiên cứu chọn 30 đơn vị cấp xã, phường thuộc 18 huyện của 9 tỉnh, thành phố vào diện khảo sát.

Đối tượng tập trung điều tra gồm 2 nhóm chính: nhóm cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước; nhóm những người lao động tự do. Bên cạnh đó, để có cái nhìn đa chiều hơn, nhóm nghiên cứu lựa chọn một số cán bộ làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể và doanh nghiệp để tiến hành điều tra.

1. Nhận thức của nhân dân về Hiến pháp và pháp luật

Nhận thức về vị trí của Hiến pháp và sự tham gia đóng góp ý kiến cho Hiếp pháp năm 2013

Khó khăn lớn nhất trong việc phát huy trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong mỗi lần sửa đổi Hiến pháp là nhận thức về loại văn bản đặc biệt quan trọng này vẫn còn nhiều khác biệt, trong đó, vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết được vai trò, vị trí của Hiến pháp nên vẫn chưa dành sự quan tâm để đóng góp trong mỗi lần sửa đổi.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong số người được hỏi về ý kiến với quan điểm “Hiến pháp thật sự có vị trí tối cao trong xã hội?”, thì chỉ có hơn 1/2 số người đồng ý hoàn toàn, số người không đồng ý và không có ý kiến chiếm tỷ lệ đáng kể (tương ứng 7% và 6%).

Kết quả điều tra cũng cho thấy, nhận thức của người dân có liên quan chặt chẽ đến hành vi của họ. Phần lớn số người được hỏi đồng ý với quan điểm Hiến pháp có vị trí cao, tuy nhiên trong lần sửa đổi mới nhất (Hiến pháp 2013), số người được hỏi có tham gia đóng góp ý kiến cho bản Hiến pháp này không thì chỉ có khoảng 50% trả lời có tham gia, còn 50% không tham gia. Trong số những người tham gia đóng góp, thì hình thức phổ biến nhất là đóng góp trực tiếp thông qua các hội thảo tại cơ quan, tổ chức, số người đóng góp tại gia đình rất ít. Trong số những người tham gia đóng góp, phần đông đều có mong muốn đóng góp một phần trí tuệ, tâm huyết của mình nhằm hoàn thiện loại văn bản này. Điều này đã phần nào phản ánh thông qua kết quả điều tra về nội dung “lý do đóng góp”. Trong số các lý do không tham gia đóng góp, đáng chú ý vẫn có tới hơn 10% số người trả lời rằng họ không biết và cũng không quan tâm.

Như vậy, kết quả nghiên cứu phản ánh rằng, phần lớn người dân đều nhận thức đúng về vị trí của Hiến pháp, nhưng số người tham gia đóng góp ý kiến vẫn chưa nhiều và chủ yếu tập trung ở đội ngũ cán bộ, công chức. Vẫn còn một bộ phận người dân không biết, không quan tâm với lý do cách lấy ý kiến không phù hợp và không thực chất.

Nhận thức về vai trò của pháp luật và tình hình thực thi pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Trong đời sống xã hội, pháp luật không chỉ là công cụ quản lý nhà nước mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp những giá trị mới. Tìm hiểu nhận thức của nhân dân về vai trò của pháp luật cho thấy, đa số đều nhận thức rằng, pháp luật có vị trí quan trọng trong việc bảo đảm trật tự xã hội nhưng số người nhận thức chưa đúng cũng không nhỏ. Có hơn 50% cho rằng pháp luật có vai trò quan trọng nhất. Có 30% cho rằng pháp luật có vai trò quan trọng nhưng phải kết hợp với các quy tắc khác, 7% cho rằng không quan trọng.

 Tuy vậy, khi đánh giá về mức độ phù hợp của pháp luật đối với đời sống xã hội hiện nay cho thấy, chỉ khoảng 50% số người được hỏi cho rằng “tương đối phù hợp”, chỉ gần 30% số người đánh giá hoàn toàn phù hợp. Điều đáng chú ý là có tới 20% số người cho rằng “pháp luật xa rời thực tiễn xã hội”. Những số liệu trên phần nào phản ánh thực trạng pháp luật ở Việt Nam hiện nay và cũng phù hợp với nhiều nhận xét về các văn bản luật của nước ta thời gian qua(1).

Chính sự thiếu phù hợp và xa rời thực tiễn của nhiều văn bản pháp luật hiện hành dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật ở Việt Nam. Tình trạng này cũng đã được phản ánh rõ khi đa số người dân được hỏi đều đánh giá mức độ vi phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay ở mức nghiêm trọng (41%) và rất nghiêm trọng (39,7%), chỉ có 2,8% số người “lạc quan” cho rằng không nghiêm trọng.

Về nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm pháp luật, đa số người được hỏi cho rằng, do sự thiếu phù hợp của các văn bản pháp luật, kế đến là do còn thiếu hiểu biết và thực thi pháp luật không nghiêm của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, được đánh giá ở mức ít quan trọng hơn. Như vậy, tình trạng hành xử không theo pháp luật vẫn còn phổ biến ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực được xem là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng lách luật, thu lợi bất chính của một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất làm việc trong các cơ quan công quyền, làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và cũng là thách thức trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay.

Bên cạnh những yếu tố trên, yếu tố kinh tế - văn hóa cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc vi phạm pháp luật ở Việt Nam. Về phương diện lý luận, ý thức pháp luật cũng như các ý thức xã hội khác thường lạc hậu hơn so với tồn tại xã hội. Ở phương diện thực tiễn, Việt Nam là nước nông nghiệp, phần lớn người dân là lao động nông nghiệp, đã quen với tác phong và cách hành xử của xã hội nông nghiệp. Khi đất nước CNH, HĐH, kinh tế phát triển nhanh, nhưng văn hóa chậm thay đổi, đặc biệt trong văn hóa ứng xử, người dân vẫn quen hành xử theo tập quán, theo “lệ làng” hơn là theo luật. Ý thức pháp luật của một bộ phận lớn người dân là không cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đa số người dân đều cho rằng, lối hành xử “phép vua thua lệ làng” vẫn còn phổ biến (hơn 70%). Trong đó, số người cho rằng có ảnh hưởng đáng kể chiếm tỷ lệ lớn nhất (gần 40%), chỉ có 20% số người cho rằng “không ảnh hưởng”.

2. Nhận thức về các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

Vai trò đại diện và giám sát của Quốc hội

Một trong những nội dung quan trọng nhất của đổi mới Quốc hội thời gian qua là hoạt động giám sát. Theo đó, nhân dân cũng đánh giá rất cao Quốc hội ở vai trò này. Đa số người dân được hỏi đánh giá hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua ở mức tốt và rất tốt với khoảng 60%, số người đánh giá mức độ bình thường là 24,5% và chưa tốt là 12%. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có sự khác biệt trong việc đánh giá về mức độ giám sát của Quốc hội đối với các cơ quan. Nhân dân đánh giá cao nhất về giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ, còn giám sát đối với Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân ở mức thấp hơn.

Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội trong việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội

Trên 50% số người được hỏi đánh giá mức độ thực hiện giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức này ở mức tốt và rất tốt. Tuy vậy, hiện nay, hoạt động giám sát và phản biện xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chúng ta còn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan trong việc giải quyết, trả lời phát hiện, kiến nghị của các tổ chức này, trách nhiệm trong việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho hoạt động giám sát nên chất lượng và hiệu quả giám sát vẫn còn thấp, chưa đáp ứng mong đợi và những đòi hỏi của nhân dân.

Hoạt động kiểm soát có chất lượng và hiệu quả khi có việc phân định rõ ràng, rành mạch chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan theo đúng tinh thần Hiến pháp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 số người được hỏi cho rằng, sự phân chia này đã rõ ràng, rành mạch, số còn lại đánh giá chưa rõ ràng, rành mạch. Điều đáng chú ý, có tới hơn 1/3 số người người cho rằng, trong mối quan hệ phân định này vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn.

Việc phân định cần được luật hóa, công khai, minh bạch là yêu cầu chính đáng của nhân dân. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trong số các phương pháp mà người dân muốn Đảng thực hiện việc chịu trách nhiệm trước nhân dân thì phương pháp “ràng buộc trách nhiệm pháp lý thông qua pháp luật” giữ vị trí ưu tiên số một, kế đến là các phương pháp “công khai, minh bạch, giải trình”, “lấy ý kiến của nhân dân”...

Muốn thực hiện được điều này thì phải luật hóa mọi mối quan hệ và xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện để sớm khắc phục được tình trạng “chưa thực sự đồng bộ, chất lượng các văn bản luật chưa cao, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, thiết chế thi hành pháp luật còn thiếu và yếu”(2).

3. Nhận thức về dân chủ và quyền con người

Sự tham gia bầu cử của người dân hiện nay

Hầu hết người được hỏi đánh giá việc thực hiện vấn đề này từ mức tương đối tốt trở lên, số ý kiến cho rằng việc thực hiện còn hạn chế chiếm tỷ lệ nhỏ (14,3%). Với bầu cử, đa số người dân đều ý thức được trách nhiệm công dân và mong muốn lựa chọn được người xứng đáng để đại diện cho mình nên việc “bầu thay”, “bầu giùm” đã dần được khắc phục. Hơn 80% cho rằng họ chưa bao giờ hoặc không bao giờ nhờ người khác đi bầu giùm, số người đã từng nhờ người bỏ phiếu chiếm tỷ lệ không nhỏ (17,2%).

Tuy vậy, hiện nay, đa số người dân chưa đánh giá cao về tính cạnh tranh trong các cuộc bầu cử ở Việt Nam. Trong số 600 người được hỏi, có tới gần 2/3 số người trả lời tính cạnh trong các cuộc bầu cử ở mức trung bình và thấp, chỉ có 1/3 số người đánh giá mức độ cạnh tranh cao. Đây cũng chính là lý do mà khi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, người dân cũng chỉ quan tâm kết quả bầu cử ở mức vừa phải. Chỉ có gần 1/4 số người được hỏi rất quan tâm, hơn 1/3 số người dân ít quan tâm hoặc không quan tâm đến kết quả bầu cử.

Như vậy, có thể thấy, người dân đã ngày càng quan tâm và tích cực hơn trong việc tham gia các cuộc bầu cử để lựa chọn những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình vào chính quyền các cấp. Họ đã quan tâm, tìm hiểu những ứng viên sẽ đại diện cho mình và mong muốn bầu được những người xứng đáng nhất. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đánh giá cao về tính cạnh tranh trong các cuộc bầu cử nên sau mỗi cuộc bầu cử, họ thường ít quan tâm về kết quả bầu cử.

Về thực hiện các quy định pháp luật của các cơ quan nhà nước và ảnh hưởng của nó đến việc thực hiện vấn đề dân chủ, quyền con người

Đa số người dân được hỏi đánh giá các cơ quan nhà nước đều thực hiện rất tốt ở nội dung này, trong đó, các cơ quan cấp Trung ương thực hiện tốt hơn các cơ quan cấp dưới. Không có ý kiến nào của nhân dân đánh giá các cơ quan Trung ương ở mức độ “chưa tốt” mà chủ yếu tập trung ở các cơ quan cấp dưới, và số người đánh giá cũng chiếm tỷ lệ không cao.

Trong lĩnh vực thực thi quyền con người và thực hành dân chủ, đa số người dân đều đánh giá ở mức độ “tốt” và “rất tốt”, số người dân đánh giá ở mức độ “chưa tốt” chiếm số lượng nhỏ. Tuy nhiên, số người đánh giá ở mức “bình thường” còn cao. Điều này phản ánh tình hình những năm gần đây, nước ta đã có sự cải thiện đáng kể về mức độ ghi nhận và bảo đảm các quyền trên. Nhưng sự cải thiện này vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

Thời gian qua, Nhà nước đã tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền của người dân. Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 60% số người được hỏi đều đánh giá ở mức tương đối tốt và tốt (tương ứng 43,7% và 19,7%), số người đánh giá chưa tốt chiếm tỷ lệ nhỏ (8%). Như vậy, có thể thấy, mức độ ghi nhận và bảo đảm các quyền con người trong pháp luật có ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ và thực thiện tốt các quyền của công dân.

Tính minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước và ảnh hưởng của nó đến việc giải quyết khiếu nại tố cáo và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam

Hiện nay, trên bình diện quốc tế, Việt Nam vẫn bị đánh giá thuộc nhóm các quốc gia có chỉ số minh bạch thấp và tình trạng tham nhũng vẫn bị coi là phổ biến. Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, trong năm 2013, Việt Nam đứng thứ 116 trên 177 trong bảng xếp hạng, với 31/100 điểm. Trên website của tổ chức này có phần nhận xét tổng quan về tình hình tham nhũng tại Việt Nam như sau: "Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cải tiến trong những năm qua, nhưng tham nhũng vẫn được coi là phổ biến và Việt Nam vẫn đứng sau nhiều quốc gia châu Á khác"(3).

Ở trong nước, chỉ số minh bạch vẫn chưa được người dân đánh giá cao, đặc biệt là tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hơn 1/2 số người được hỏi cho rằng, hoạt động của các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế trong minh bạch và chưa minh bạch; số người đánh giá là minh bạch chiếm tỷ lệ nhỏ (14,3%) và số người đánh giá tương đối minh bạch chỉ hơn 1/3.

Lý do để người dân trong nước chưa đánh giá cao chỉ số minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước là vì rất nhiều người chưa tin vào sự nghiêm minh của các cơ quan nhà nước. Có tới gần nửa số người được thăm dò đánh giá là chưa nghiêm minh, chỉ có 10% số người được hỏi đánh giá là rất nghiêm minh. Điều đáng lưu ý, vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân không quan tâm hoặc không biết đến vấn đề này.

Bên cạnh đó, mức độ hài lòng của người dân đối với việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương chưa cao. Trong số 600 người được hỏi, có tới 30,5% ý kiến “có lúc hài lòng lúc không”, 13,3% ý kiến không hài lòng. Số ý kiến hoàn toàn hài lòng chiếm tỷ lệ không cao (13,3%).

Sở dĩ người dân chưa thực sự hài lòng về vấn đề này vì họ cho rằng, khi xử lý công việc, các cơ quan này thường chậm trễ, thậm chí không quan tâm, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ chưa cao.

Trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, 40,2% ý kiến người dân đánh giá ở mức bình thường, chậm trễ là 24,8% và mức độ giải quyết không thỏa đáng vẫn còn cao (13,7%), thậm chí vẫn còn ý kiến cho rằng các cơ quan này không chịu giải quyết.

Chính những lý do trên đã làm cho người dân chưa hoàn toàn tin tưởng vào cách giải quyết và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước. Đây chính là nguyên nhân gây ra các vụ tụ tập đông người, biểu tình tập thể nhằm cản trở hoạt động của các cơ quan nhà nước và gây bất ổn xã hội ở Việt Nam thời gian qua.

Trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, đa số người dân đều đánh giá cao việc Nhà nước bảo đảm và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam trong những năm gần đây, tiêu biểu là sự ghi nhận trong các văn bản pháp luật. Kết quả khảo sát cho thấy, người dân đánh giá sự ghi nhận này ở mức rất đầy đủ (20,5%) và tương đối đầy đủ là 39,2%. Điều này đã phản ánh nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người. Tuy vậy, số người cho rằng hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền con người ở mức “chưa đầy đủ, cần hoàn thiện thêm” vẫn còn cao (35,5%). Đây cũng được xem là thách thức của Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN hội nhập với khu vực và quốc tế thời gian tới.

Kết quả nghiên cứu nhận thức và đánh giá của nhân dân đối với Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam trên 3 khía cạnh: Hiến pháp và pháp luật; các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; dân chủ và quyền con người đã phản ánh những thành tựu và phát hiện những vấn đề tồn tại hiện nay.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2016

(1) http://www.baokhanhhoa.com.vn.

(2) http://baodientu.chinhphu.vn: Nguyễn Hoàng: “Thủ tướng: Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật”.

(3) http://www.doimoi.org: Vũ Hoàng: “Tính minh bạch trong nền kinh tế Việt Nam”.

 

TS Phạm Minh Tuấn

Học viện Chính trị khu vực II

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền