Trang chủ    Thực tiễn    Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của đảng bộ tỉnh Bến Tre - kết quả và kinh nghiệm
Thứ ba, 17 Tháng 1 2017 11:54
3292 Lượt xem

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của đảng bộ tỉnh Bến Tre - kết quả và kinh nghiệm

(LLCT) - Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc” và công tác cán bộ là công tác gốc của Đảng, trong quá trình xây dựng và lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn, Đảng bộ tỉnh Bến Tre luôn quan tâm công tác cán bộ.

1. Nhận thức rõtầm quan trọng của công tác cán bộ, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trươngcủa Đảng , chính sách củaNhà nước, ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác cán bộ.

Ngày 22-9-2006, Tỉnh uỷ Bến Tre ra Nghị quyết số 06-NQ/TU “Vềnâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015”, xác định: “Công tác cán bộ phải thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, khách quan, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ”(1)và đề ra mục tiêu: “Nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, lấy chất lượng chính trị làm nền tảng, nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn gắn với năng lực thực tiễn, đảm bảo cán bộ phát huy năng lực toàn diện”(2).

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, trong Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20-10-2011, “Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”, Tỉnh ủy Bến Tre tiếp tục chỉ rõ:“đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được đào tạo theo hướng chuyên nghiệp hoá” và “đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới”.

Tiếp đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X (10-2015), tiếp tục khẳng định: “xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, đảm bảo tính kế thừa liên tục, quan tâm công tác cán bộ trẻ, nữ”(3).

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hànhcác nghị quyết, đề án, kế hoạch vềxây dựng đội ngũ cán bộ.

 Đề án số4704/ĐA-UBND ngày 5-11-2009 “Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị tỉnh Bến Tre giai đoạn từ năm 2010-2015”được triển khai với mục tiêu: trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, lãnh đạo quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức thông qua đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để đảm bảo sự tính kế thừa trong đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý là cán bộ nữ và cán bộ trẻ, Tỉnh uỷ Bến Tre đã xây dựng Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 12-6-2012 “Về xây dựng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Mục tiêu là: “tạo sự chuyển biến về công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, qua phong trào cách mạng ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị sẽ chủ động tuyển chọn những cán bộ nữ, cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, triển vọng phát triển, bổ sung nguồn để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ sớm đạt chuẩn chức danh để bố trí, sử dụng”(4).

Đồng thời,Tỉnh uỷ đã triển khai các kế hoạch, đề án thực hiện luân chuyển đào tạo cán bộ:Kế hoạch số 45-KH/TU ngày 17-7-2012 “Về thực hiện thí điểm việc biệt phái cán bộ, công chức trẻ về giữ chức danh phó chủ tịch uỷ ban nhân dân xã”, nhằm “tạo điều kiện cho cán bộ, công chức trẻ được rèn luyện thực tiễn, giúp cán bộ trưởng thành, có kinh nghiệm, nâng cao năng lực công tác, đảm bảo tính kế thừa và phát triển”(5).

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn, Tỉnh uỷ đã triển khai Kế hoạch số 37-KH/TU ngày 20-4-2012, đào tạo cán bộ nguồn chức danh bí thư đảng uỷ, chủ tịch uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch trên với mục tiêu là đào tạo đội ngũcán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn và năng lực công tác, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo tính kế thừa.Tuy nhiên, đến năm 2015, qua khảo sát cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở chưa qua đào tạo, hụt chuẩn còn cao (cán bộ: 34,91%, công chức 6,44%).

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựngĐề án số 3532-ĐA/UBNDngày 14-7-2015 “Về kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn từ nay đến năm 2020”nhằm “đánh giá đúng thực trạng cán bộ, công chức cấp cơ sở và đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở từ 2015 đến 2020. Trong đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hụt chuẩn nhưng có năng lực tốt, có khả năng đào tạo và giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức hụt chuẩn, không có năng lực, không thể đào tạo được và tuyển dụng người có trình độ, năng lực vào công chức cấp xã”.Đây làchủ trương quan trọng nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương trong tình hình mới.

2. Một số kết quả:

Về công tác tuyển chọn:Đảng bộ tỉnh từng bước được đổi mới. Năm 2012, lần đầu tiên tỉnh đã tổ chức thi tuyển công chức cấp tỉnh, huyện theo chuyên ngành nhưng chưa thực hiện cạnh tranh do số lượng người đăng ký dự thi ít (kết quả có 200/230 thí sinh trúng tuyển). Từ năm 2013, tỉnh thực hiện tuyển dụng công chức cấp tỉnh, huyện theo nguyên tắc cạnh tranh và theo vị trí việc làm cần tuyển, đồng thời thực hiện thí điểm thi tuyển công chức cấp xã.

Về đánh giá cán bộ:Quy trình đánh giá cán bộ được tiến hành dân chủ, khách quan và toàn diện hơn trước. Các cấp ủy đã đưa công tác nhận xét, đánh giá cán bộ gắn với thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình định kỳ theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ đi vào nền nếp. Phương pháp đánh giá từng bước đượcđổi mới trên cơ sởđề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó, tạo cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ tốt hơn.

Về quy hoạch cán bộ: Nhìn chung, các phương án quy hoạch đều đảm bảo mỗi chức danh chủ chốt có từ 2 đến 3 cán bộ; thực hiện đúng phương châm quy hoạch “động” và “mở” theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Về luân chuyển, biệt phái cán bộ:Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy gắn quy hoạch với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ năm 2006 đến năm 2015 đã luân chuyển 136 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Số cán bộ được luân chuyển đều trong quy hoạch. Việc biệt phái cán bộ, công chức trẻ được đào tạo đạt chuẩn, đang công tác tại các cơ quan, đơn vị ở huyện, tỉnh về công tác ở cấp xã. Kết quả,đến năm 2015,có 32 cán bộ, công chức trẻ thực hiện biệt phái.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Trong đào tạo,chú trọng cả về chuyên môn và lý luận chính trị theo hướng vừa chuẩn hoá đội ngũ cán bộ đương chức, vừa tạo nguồn quy hoạch cho các nhiệm kỳ sau. Vì vậy, trình độ của đội ngũ cán bộ được nâng lên khá rõ. Trong giai đoạn (2006-2010),tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng 21.868 lượt cán bộ, tăng 3.959 cán bộ so với nhiệm kỳ trước. Trong 5 năm 2011-2015, tỉnhcử đi đào tạo chuyên môn cho 3.599 cán bộ, lý luận chính trị là 2.330 cán bộ, bồi dưỡng 50.240 lượt cán bộ nhằm nâng cao trình độ lý luận và năng lực thực tiễn. Riêng “Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị”(đến tháng 8-2014),đạt kết quả là:

Cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện: về cơ bản đã đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học tăng (10% trình độ thạc sĩ trở lên, 95% trình độ cao cấp, cử nhân chính trị; 90% trưởng, phó phòng cấp sở, ban ngành và cấp huyện có trình độ đại học chuyên môn và 45% trung cấp chính trị).

Cấp xã, có 30,6% trình độ trung cấp chính trị trở lên, 93,51% trình độ trung cấp chuyên môn, trong đó 31,55% đại học chuyên môn và 7,86% qua bồi dưỡng quản lý nhà nước(6).

 Đào tạo nguồn Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã,tổ chức 3 lớp với 208 học viên. Học viên sau khi tốt nghiệp đã bố trí công tác ở các xã, phường. Đây cũng là bước đột phá của tỉnh góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở.

Công tác điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình. Trong 5 năm2011-2015,đã điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử 148 chức danh thuộc Tỉnh uỷ quản lý và 362 cán bộ thuộc thẩm quyền huyện uỷ, thành uỷ quản lý.

Về xây dựng, bố trí, sử dụng cán bộ,đã chú ý kết hợp giữa các độ tuổi, lấy mục tiêu là bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị. Kết quả thực hiệntheo Đề án 01-ĐA/TU từ năm 2012 đến 2015 đã bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 91 cán bộ nữ, 93 cán bộ trẻ, 51 cán bộ nữ và trẻ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh kết quả đạt được, đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, yếu kém chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ:năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tương xứng với trình độ đào tạo. Công tác đánh giá và quản lý cán bộ vẫn còn là khâu yếu; việc đánh giá còn chung chung, thiếu cụ thể, thiếu khoa học, không sát thực chất. Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ còn hạn chế;việc đánh giá cán bộ trong quá trình quy hoạch chưa rà soát kỹ lưỡng để tạonguồn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với quy hoạch cán bộ và chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đào tạo cán bộ ở cơ sở; xuất hiệntình trạng quá coi trọng bằng cấp và đào tạo chưa đúng chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu thực tiễn.

3. Một số kinh nghiệm:

Từ thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng bộ tỉnh Bến Tre trong thời gian qua, để tiếp tục nâng cao hiệu quả nhiệm vụ quan trọng, lâu dài này, cần quán triệt tốt những kinh nghiệm thực tiễn, có tính phương hướng là:

Thứ nhất là, đổi mới, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ

Thực hiện tốt công tác nhận xét, đánh giá cán bộ: Đây là khâu đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng và là cơ sở để thực hiện tốt công tác cán bộ, có ảnh hưởng chi phối đến toàn bộ các khâu, quy trình của công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ đúng là điều kiện tiên quyết để quy hoạch đúng và tạo điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cầnxây dựng mới tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện, công tâm; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo. Coi trọng và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, đồng thời chú trọng việc mở rộng dân chủ rộng rãi trong Đảng và quần chúng nhân dân để đánh giá cán bộ.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Dân chủ, công khai trong công tác quy hoạch cán bộ, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.Hằng năm,rà soát bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới có triển vọng và đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ kém về phẩm chất, năng lực và tín nhiệm thấp.Đổi mới quy trình giới thiệu cán bộ vào nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Mở rộng việc thi tuyển công chức cấp tỉnh, huyện.

Coi trọng nghiên cứu, đổi mới công tác tuyển chọn, luân chuyển, bố trí và sử dụng cán bộ: hoàn thiện chế độ bầu cử, cải tiến cách thức tuyển chọn, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm cán bộ để chọn đúng người. Mở rộng quyền đề cử, tự ứng cử và giới thiệu nhiều phương án nhân sự để lựa chọn.

Tiếp tục thực hiện luân chuyển cán bộ, đưa công tác này trở thành nền nếp thường xuyên trong công tác cán bộ. Cấp ủy xây dựng phương án luân chuyển cán bộ cụ thể theo hướng gắn với củng cố tổ chức và rèn luyện, thử thách cán bộ qua thực tiễn. Xem đây là tiêu chuẩn, khâu đào tạo bắt buộc, luân chuyển là để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thực tiễn, giúp cán bộ trưởng thành nhanh, toàn diện, vững vàng.

Bố trí cán bộ bảo đảm đúng người, đúng việc, phát huy được sở trường và phù hợp ngành đào tạo. Không bố trí cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất và năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ để phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” được thực hiện bình thường trong bố trí, sử dụng cán bộ.

Thứ  hai là, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cán bộ

Thường xuyên theo dõi,nắm bắt ý kiến phản ánh của nhân dân đối với cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn. Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đưa việc lấy ý kiến nhân dân nơi cư trú và nơi công tác vào quy trình nhận xét, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Coi trọng tự phê bình và phê bình, gắn với tiếp tục thực hiện Học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cáchHồ Chí Minh, nhằm nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân và tác phong làm việc sâu sát, cụ thể của đội ngũ cán bộ. Hằng năm, phải thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do hội đồng nhân dân bầu ra.

Thứ ba là, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượngđào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Củng cố, nâng cao chất lượng mọi mặt của hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, Trường Cao đẳng và các trung tâm đào tạo của tỉnh cần nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo.Xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giỏi về lý luận và có kinh nghiệm thực tiễn. Củng cố đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên viên cao cấp của các sở, ngành, những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, sát với cơ sở.

Chủ động nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Từng bước xây dựng, hiện đại hóa cơ sở đào tạo, trang thiết bị giảng dạy để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ, công chức và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

 Đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng theo chức danh; khuyến khích cán bộ, công chức tự học, tự đào tạo để nâng cao trình độ.

Thứ tư là, quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan và đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ

Phát huy vai trò cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ, nắm chắc yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác tham mưu, tăng cường trách nhiệm cá nhân, chủ động, sáng tạo trong giải quyết công việc được phân công, tạo bước đột phá về công tác cán bộ.

Bổ sung những cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt làm công tác tổ chức, cán bộ. Đặc biệt nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự vô tư, trong sáng, liêm chính, công tâm, khách quan trong công việc, không cục bộ địa phương của đội ngũ làm tham mưu về tổ chức cán bộ.

Thứ năm là, tiếp tục rà soát, đề xuất về điều chỉnh, bổ sung các chính sách cán bộ

Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung chính sách trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở,theo quy định và dựa vào nguồn kinh phí của tỉnh. Triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn từ năm 2015 đến 2020, trên cơ sở vừa nâng cao trình độ, đảm bảo việc chuẩn hóa đi đôi với nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động thực tiễn, nhất là các chức danh chủ chốt ở cấp xã.

Huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư ngân sách tỉnh cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm thu hút được nhiều người có tâm, có tài vào các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã lựa chọn công tác cán bộ là khâu đột phá đã tạo những tiền đề, những điều kiện và môi trường thuận lợi để giải phóng mọi tiềm năng và khai thác có hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Mặc dù vậy, Đảng bộ cần áp dụng các giải pháp đầu tư hơn nữa về nguồn lực, chính sách để tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ, căn bản trong công tác cán bộ, tạo động lực to lớn và cú hích quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc thúc đẩy phát triển.

 


[1] Tỉnh uỷ Bến Tre, Nghị quyết số 06-NQ/TU, Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, lạnh đạo, quản lý giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015, 2006, tr.3.

[2] Tỉnh uỷ Bến Tre, Nghị quyết số 06-NQ/TU, Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, lạnh đạo, quản lý giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015, 2006, tr.2.

[3] Đảng bộ tỉnh Bến Tre: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X, 2015, tr.58.

[4] Tỉnh uỷ Bến Tre, Đề án số 01-ĐA/TU, “Về xây dựng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”, 2012, tr.8.

[5] Tỉnh uỷ Bến Tre, Kế hoạch số 45-KH/TU, “Thực hiện thí điểm việc biệt phái cán bộ, công chức trẻ về giữ chức danh phó chủ tịch uỷ ban nhân dân xã”, 2012, tr.1.

[6] Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán,bộ công chức trong hệ thống chính trị tỉnh Bến Tre, 2014, tr.2.

 

                             Đoàn Thị Mao

                                     Trường Chính trị tỉnh Bến Tre

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền