Trang chủ    Thực tiễn    Văn hóa mạng ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp quản lý
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 13:15
26410 Lượt xem

Văn hóa mạng ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp quản lý

(LLCT) - Sự ra đời và phát triển của mạngthông tin toàn cầu Internet và các công nghệ truyền dẫn không dây đã và đang làm nên một cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực thông tin - truyền thông. Cùng với sự đi lên của đời sống kinh tế - xã hội và sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ, sự tác động mạnh của Internet là tất yếu và nhanh chóng tạo ra những biến đổi về văn hóa - xã hội sâu sắc ở mọi nơi, mọi ngõ ngách của cuộc sống loài người.

Cũng như văn hóa sinh ra từ trong lòng đời sống xã hội, văn hóa mạng cũng sinh ra từ trong lòng những chuyển biến của mạng Internet - một phát sinh tinh thần từ mạng vật chất.

Văn hóa mạng là một khái niệm có nội hàm rộng, khái quát lại là tất cả những biểu hiện của con người tham gia vào cộng đồng mạng Internet và văn hóa được thể hiện trên mạng Internet. Cụ thể, văn hóa mạng là thái độ, hành vi ứng xử đúng mực đối với Internet, biết khai thác, sử dụng mạng trên cơ sở có kiến thức, hiểu biết, tận dụng và khai thác tối đa những yếu tố tích cực, lành mạnh trên mạng để góp phần nâng cao tri thức và xây dựng, hoàn thiện nhân cách bản thân, đồng thời biết tự phòng ngừa, tiết chế, đề kháng với những mặt trái, tiêu cực từ Internet. Văn hóa mạng là hệ thống những sự thể hiện, tương tác và cách thức ứng xử của con người trong không gian của Internet, mà biểu hiện cụ thể nhất là ở mạng xã hội.

1. Thực trạng văn hóa mạng ở Việt Nam hiện nay

Mạng xã hội xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2005 - 2006 với sự thâm nhập và phát triển của các mạng xã hội nước ngoài và sự hình thành, phát triển của mạng xã hội do người Việt tạo ra.

Cùng với sự xuất hiện của hàng loạt các mạng xã hội lớn trên thế giới như Linkedin (ra đời năm 2002), Facebook (2004), Youtube (2005), Twitter (năm 2006), Google+ (2011), có sự xuất hiện và phát triển của hàng loạt mạng xã hội thuần Việt như ZoomBan, Yobanbe, FaceViet.com, VietSpace, Clip.vn. Yume, Tamtay.vn, Truongxua.vn, ZingMe, Go.vn,... Tuy nhiên, trong số đó, một số trang mạng xã hội dần bị lãng quên do không đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tham gia.

Do sự tiện lợi, nhanh hơn động đất, rộng trùm trái đất, sâu tới mọi người, mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống của hàng trăm triệu thành viên khắp thế giới sử dụng nó như một tiện ích được ưa chuộng nhất. Hiện nay đã có 96% dân số Mỹ, khoảng hơn 296 triệu người tham gia mạng xã hội.

Các hoạt động phổ biến trên các trang mạng xã hội thường là các hoạt động thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, quan điểm cá nhân; giao tiếp, liên lạc, trao đổi thông tin với bạn bè, người thân; kết bạn làm quen những người mới; chia sẻ, tìm kiếm các thông tin... Tuy nhiên, cũng có một xu hướng hiện nay đó là các bạn trẻ dùng mạng xã hội, nhất là Facebook của mình để kinh doanh online.

Thực tế cho thấy, sau gần 20 năm kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam (đối với Internet), 10 năm (đối với mạng xã hội), Internet và mạng xã hội đã và đang phát triển mạnh mẽ, luôn theo kịp sự phát triển và các mô hình Internet và mạng xã hội trên thế giới, đồng thời ngày càng đi sâu vào cuộc sống của người dùng Việt Nam, tạo ra một giá trị văn hóa mới - văn hóa mạng, góp phần cấu thành văn hóa Việt Nam đương đại, với một số biểu hiện khẳng định sự tồn tại của lĩnh vực này trong xã hội Việt Nam.

* Đối tượng sử dụng Internet và tham gia mạng xã hội

Đối tượng sử dụng mạng Internet thường xuyên nhất là nhóm lứa tuổi 15 tuổi đến 40 tuổi. Nhóm đối tượng này lại gồm 2 thành phần chủ yếu là học sinh, sinh viên và người đang đi làm. Nhìn chung họ là những người trẻ, có điều kiện tiếp cận với máy tính và mạng Internet ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhanh nhạy trong việc tiếp thu được những tiến bộ khoa học công nghệ cũng như những trào lưu mới trên thế giới.

- Nhóm người đang đi làm sử dụng mạng vào mục đích khác nhau do tính chất của công việc khác nhau.

- Những người lao động chân tay có tiếp cận Internet và tham gia mạng xã hội nhưng hạn chế về mặt thời gian cũng như mục đích sử dụng.

- Nhóm những người lao động trí óc tiếp cận và sử dụng Internet với mức độ nhiều hơn do tính chất công việc đòi hỏi thông tin, tài liệu với số lượng lớn.

- Nhóm đối tượng không sử dụng mạng thường xuyên.Nhóm này chủ yếu là người già và người có hoàn cảnh khó khăn nên nhu cầu tiếp cận và điều kiện tiếp cận thông tin hạn chế.

- Nhóm đối tượng người có hoàn cảnh khó khăn như đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi khó khăn, hay biên giới hải đảo... ít có điều kiện tiếp cận và sử dụng

* Động cơ và mục đích truy cập Internet và sử dụng mạng xã hội

Có nhiều mục đích khác nhau đối với mỗi người sử dụng Internet, nhưng khái quát lại có thể kể đến những mục đích cơ bản nhất là:

Thông tin.

Liên lạc, giao tiếp.

Giải trí.

Thương mại/trao đổi.

Ở những người dùng Internet, tuy mục đích truy cập có thể giống nhau nhưng cách thức lại có thể khác nhau và vô cùng đa dạng. Chẳng hạn cùng mục đích là thông tin nhưng có người đọc, nắm bắt thông tin trên các cổng thông tin hay trang web tin tức, báo mạng điện tử; có người lại truy cập, chủ động sử dụng các công cụ tìm kiếm để tiếp cận các chủ đề thông tin mà bản thân có nhu cầu. Hay với mục đích là giải trí, có người chơi game online, xem phim, xem truyền hình hay nghe nhạc, đọc truyện...

* Phương tiện, thời gian truy cập và các trang mạng phổ biến

Khoa học công nghệ là một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ. Giá thành truyền dẫn ngày càng có xu hướng giảm. Các thiết bị thông tin, truyền thông ngày càng được đổi mới và có nhiều ứng dụng tiện lợi cho người sử dụng hơn. Để truy cập Internet, người ta có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau như máy tính bàn, laptop, tivi có kết nối Internet hay điện thoại thông minh. Với các loại phương tiện truy cập phong phú cũng như địa điểm truy cập ở hầu khắp mọi nơi như vậy thì vấn đề thời lượng truy cập của các nhóm đối tượng có xu hướng tăng là điều dễ hiểu. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu báo chí, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam thì thời gian truy cập mạng trung bình của các nhóm đối tượng trong một ngày là khoảng 3,7 giờ. Đây là một con số khá cao. Tuy nhiên, thời gian truy cập mạng của các đối tượng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như không gian, tính chất công việc, mục đích truy cập...

Facebook là trang mạng xã hội có số người sử dụng nhiều nhất. Giải thích cho điều này nhiều người cho rằng đây là mạng toàn cầu và có độ phủ sóng rộng khắp nên hấp dẫn phần đông các bạn trẻ. Tiếp theo Facebook, Zingme vốn là một mạng xã hội kèm theo nhiều dịch vụ tiện ích như nghe nhạc, đọc tin tức, chia sẻ video... Yahoo với rất nhiều tiện ích, đặc biệt là email, Chat, viết blog... cũng được rất đông các bạn trẻ lựa chọn. Một số trang mạng khác như Twitter, My space, Hi5... chưa quen thuộc và còn ít được các bạn trẻ Việt Nam sử dụng.

* Ngôn ngữ sử dụng trên mạng xã hội

Biểu hiện rõ ràng nhất của văn hóa mạng chính là “ngôn ngữ mạng xã hội([1]1).Ngôn ngữ mạng có khởi đầu giống như “tiếng lóng” hay “từ chuyên môn”, chỉ phục vụ một nhóm nhỏ người dùng, nhưng sau đó, do sự kết nối không giới hạn của các mạng xã hội mà nó nhanh chóng trở thành một “tài sản chung” của một cộng đồng rộng lớn người dùng thông qua sự tương tác vượt trội của mạng xã hội. Cao hơn nữa, ngôn ngữ mạng xã hội là của những người cùnggiaotiếpthôngquamạngxãhội. Tức là toàn bộ quá trình giao tiếp được bộc lộ bằng ngôn ngữ trên mạng xã hội. Chính vì thế ngôn ngữ trên mạng xã hội vừa phản ánh những đặc thù giao tiếp trên mạng xã hội, vừa phản ánh một hiện tượng của đời sống. Hay nói cách khác, ngôn ngữ mạng xã hội phản ánh văn hóa của người dùng trên mạng xã hội.

Một vấn đề đáng lo ngại là việc sử dụng ngôn ngữ mạng xã hội là một sự hỗn tạp, lai căng làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, đặc biệt là giới trẻ. Việc dùng tiếng Việt kết hợp với ngôn ngữ khác (phổ biến nhất là kết hợp với tiếng Anh) có xu hướng tăng lên đáng báo động. Tiếng Việt được dùng theo cách riêng với sự kết hợp “lạ hóa” và khó hiểu. Các biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, văn hóa trên mạng xã hội hiện nay đã đến mức đáng báo động. Nếu không có các thiết chế hoặc chế tài phù hợp để ngăn chặn thì rất có thể những hiện tượng đó sẽ tiếp tục lan rộng và phát triển thành những hành vi nguy hiểm cho xã hội.

2. Xu hướng vận động của văn hóa mạng ở nước ta trong thời gian tới

Thế giới đang chuyển dịch sang kỷ nguyên thông minh của “Công nghiệp kỹ thuật số” với những cơ hội lớn khi mọi kế hoạch ngân sách đều là ngân sách công nghệ thông tin, mọi công ty là công ty công nghệ, mọi doanh nhân đang trở thành người “lãnh đạo số” và mỗi người đang trở thành một công ty công nghệ. Năm 2014, chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu là 3.800 tỷ USD, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 767 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2013 và ước tính đạt 933 tỷ USD vào năm 2017. Cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ là tốc độ ảnh hưởng nhanh và trực tiếp của thế giới mạng đối với người dùng và các cơ quan, tổ chức.

Trong tương lai số hóa sẽ thay đổi mạnh mẽ thị trường CNTT nhờ “Internet trong mọi sự vật” (IoT). Theo thống kê, năm 2009, trên thế giới đã có 2,5 tỷ thiết bị được kết nối Internet với địa chỉ IP duy nhất, đa phần là điện thoại di động và máy tính. Đến năm 2020, dự báo con số này sẽ tăng lên 30 tỷ thiết bị mà hầu hết trong số đó là sản phẩm tiêu dùng. Với xu hướng phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, Internet chiếm giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển của mỗi cá nhân, tổ chức và rộng hơn là quốc gia, khu vực.

Trong lĩnh vực Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng, Facebook đã, đang và sẽ ngự trị vị trí số 1 trong thời gian tới. Vào Facebook, người dùng có thể đọc hầu hết các thông tin “nóng” nhất. Từ chuyện một ca sỹ nổi tiếng đến tình hình chính trị, xã hội hay sự kiện nào sắp diễn ra,... Tất cả được gói gọn trong mục New Feeds của mỗi cá nhân. Theo Statista, tính đến thời điểm này, đã có 1,79 tỷ người sử dụng mạng xã hội, và con số này dự đoán tiếp tục tăng lên 2,44 tỷ người năm 2018(2[1]).

Xác định vị trí, tầm quan trọng của Internet đối với đời sống xã hội, trong Quy hoạch phát triển Viễn thông quốc gia đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tháng 7-2012), nước ta đã đề ra chỉ tiêu phát triển Internet đến năm 2020 là: tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 15-20 thuê bao/100 dân; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động 35-40 thuê bao/100 dân; tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet 35-40%; tỷ lệ người sử dụng Internet 55-60% dân số; 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng(3[1]).

Như vậy, với xu hướng chung của thế giới cùng với mục tiêu phát triển nêu trên, trong tương lai, Internet ở Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh với số lượng người sử dụng tăng lên, thời gian truy cập ngày một nhiều. Và theo chiều hướng đó, văn hóa mạng ở nước ta cũng có sự phát triển tương ứng.

3. Phát huy tính tích cực, kiềm chế tiêu cực của văn hóa mạng

Thứ nhất, tăng cường quản lý thông tin trên Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng

Cần đẩy mạnh việc quản lý thông tin nhằm phát huy tính tích cực, ngăn chặn và đẩy lùi những hệ lụy tiêu cực từ sự tương tác giữa các cá nhân, tổ chức thông qua Internet tạo ra. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan cần nghiên cứu, đánh giá và đưa ra một cơ chế, chính sách phù hợp trong việc quản lý thông tin trên Internet.

Tham mưu, đề xuất và ban hành các cơ chế chính sách đặc thù nhằm khuyến khích phát triển một số dịch vụ Internet quan trọng để thu hút người dùng Việt Nam; tập trung phát triển các dịch vụ quan trọng nhất, như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm và các dịch vụ giải trí trực tuyến.

Song trùng với việc quản lý thông tin bằng pháp lý, Nhà nước cần có những biện pháp trong xây dựng và quản lý văn hóa mạng nói riêng, Internet nói chung từ Trung ương đến địa phương, trong đó nhân tố quan trọng là các tổ chức, các nhân cụ thể, tránh tình trạng chung chung, vô trách nhiệm.

Thứ hai, tạo dựng nhân cách tốt cho các chủ thể tham gia văn hóa mạng

Đối với Nhóm đối tượng là người dùng trên các trang mạng xã hội, cần tăng cường trang bị tri thức về việc phát triển năng lực cá nhân để mỗi người tự ý thức về trách nhiệm, quyền hạn của chính mình khi tham gia mạng xã hội. Nâng cao năng lực cá nhân cần được áp dụng trong cả môi trường gia đình, nhà trường. Để tăng cường phát triển năng lực cá nhân, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người sử dụng mạng xã hội cũng cần được chú trọng hơn nữa. Đặc biệt cần phải nâng cao giá trị thông tin của báo chí, để báo chí trở thành công cụ định hướng tốt cho công chúng, tránh bỏ mất độc giả.

Cần nâng cao năng lực xã hội cho các cá nhân, đặc biệt là cho nhóm học sinh, sinh viên. Đây là nhóm đối tượng chiếm phần lớn và là nhóm công chúng chính trên các trang mạng Internet. Năng lực xã hội giúp cho các cá nhân biết được mình là ai, mình có mối quan hệ như thế nào với cộng đồng, xã hội, với các tổ chức hay cá nhân khác trong xã hội. Nâng cao năng lực xã hội cho các cá nhân nên trở thành các chương trình cụ thể áp dụng trong các trường học, đồng thời thực hiện các chiến dịch truyền thông xã hội lớn để hỗ trợ thông tin cho các hoạt động trong nhà trường.

Đối với Nhóm đối tượng là các công ty công nghệ, các nhà mạng. Đối với nhóm đối tượng này, nhà nước cần đưa ra các tiêu chuẩn kinh doanh tại Việt Nam và khuyến cáo các công ty công nghệ áp dụng, trong đó có những cảnh báo về các chuẩn mực đạo đức mà nhà mạng đòi hỏi. Việc ngăn chặn tác động xấu và yêu cầu các sản phẩm nước ngoài tuân thủ nghiêm ngặt quy định luật pháp Việt Nam trên môi trường Internet cần được tiến hành bằng cả giải pháp quản lý và giải pháp kỹ thuật một cách nghiêm túc.

Nhóm đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước. Đây là nhóm đối tượng đặc biệt, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này: Cần sớm rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm môi trường pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch và bình đẳng cho mọi đơn vị, cá nhân cung cấp và sử dụng thông tin Internet trên lãnh thổ Việt Nam. Rà soát và sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả các văn bản hiện có phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Xây dựng các văn bản mới phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu công tác quản lý nhà nước. Nghiên cứu đề xuất, đàm phán các cơ chế phối hợp giữa các quốc gia trong việc quản lý các dịch vụ thông tin xuyên biên giới, phù hợp với các cam kết quốc tế và yêu cầu hội nhập.

Thứ ba, xây dựng chế tài xử phạt người ứng xử vô văn hóa trên mạng, tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trên mạng Internet

Cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trên mạng Internet theo các nguyên tắc sau:

Bố trí thời gian, địa điểm, mức độ truy cập Internet một cách phù hợp đối với mỗi cá nhân, tổ chức.

Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng, mạch lạc khi tương tác với các chủ thể khác thông qua Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng.

Cần nghiên cứu, thẩm định thông tin kỹ lưỡng trước khi bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng Internet.

Tích cực chia sẻ những thông tin có hiệu ứng tích cực trên cộng đồng mạng.

Tuyệt đối không tham gia các Website có nội dung xấu, lệch chuẩn, thông tin không có độ tin cậy.

Tuyệt đối không cổ xúy cho những hành động xấu, không có văn hóa được đăng tải trên các trang mạng Internet.

Ý thức sâu sắc về trách nhiệm cá nhân, tổ chức với những hành động thông qua văn hóa mạng (Internet).

Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng

Để mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên có ý thức tự bảo vệ mình và trở thành bộ lọc thông tin, hướng dẫn những người chung quanh nhận biết, sàng lọc các thông tin xấu, thông tin độc hại, đòi hỏi phải xây dựng một đề án thông tin riêng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, đời sống, trình độ nhận thức và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức, đoàn thể, giữa gia đình và nhà trường, giữa ý thức cá nhân với các phong trào mang tính cộng đồng hướng tới một văn hóa Internet lành mạnh, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của toàn xã hội.

Thứ năm, tăng cường các biện pháp kỹ thuật

Trong bối cảnh nước ta vẫn chưa xây dựng được một hệ thống văn bản pháp luật đủ mạnh để điều chỉnh những vấn đề đã và đang phát sinh, chưa xây dựng được văn hóa và đạo đức trong hoạt động trao đổi thông tin trên các trang mạng xã hội thì việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế, ngăn chặn những thông tin độc hại, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Việt Nam vẫn rất cần thiết.

 Về mặt kỹ thuật công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước về thông tin trên mạng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và trung tâm an ninh mạng, với các nhà cung cấp dịch vụ như Google, Yahoo, các công ty, tổ chức trong nước... để xây dựng nên những phần mềm nhằm lọc các thông tin xấu, nhạy cảm, ví dụ như văn hóa đồi trụy, ngăn chặn tin tặc đột nhập vào hệ thống thông tin ăn cắp dữ liệu bí mật quốc gia.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2016

(1)Nguyễn Minh:“Ngôn ngữ mạng xã hội: Chính thống hay không chính thống”, Bài tham luận tại Hội thảo Truyền thông xã hội do Khoa Báo chí tuyên truyền, Đại học KHXH&NV Hà Nội tổ chức tháng 10-2013.

(2) Vũ Duy Thông:Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập, Báo chí - truyền bá và sáng tạo văn hóa, tr.28 -294.

(3) http://vanban.chinhphu.vn.

 

TS Nguyễn Duy Hạnh

ThS Đinh Thị Thu Nga

Học viện Chính trị Khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền