Trang chủ    Thực tiễn    Quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ: những rào cản và triển vọng
Thứ ba, 11 Tháng 4 2017 17:59
3162 Lượt xem

Quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ: những rào cản và triển vọng

(LLCT) - Việt Nam - Ấn Độ là đối tác kinh tế quan trọng của nhau, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh và bền vững trong những năm vừa qua, đặc biệt là kể từ sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG) được ký kết vào năm 2009. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ cũng cònkhông ít những rào cản, cần có giải pháp khắc phục, để không ngừngnâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7-1-1972; Quan hệ đối tác chiến lược năm 2007. Hiện nay, Ấn Độ là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đã tăng từ 1,01 tỷ USD (2006)lên khoảng 5,5 tỷ USD (2016). Trong 11 tháng năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ đạt 4,81 tỷ USD (tăng 2,3% sovớinăm 2015); trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Ấn Độ đạt gần 2,44 tỷ USD (tăng 7,4% so với cùng kỳ), nhập khẩu từ Ấn Độ trị giá 2,37 tỷ USD (giảm 2,4%). Đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu sang Ấn Độ, với kim ngạch 67,5 triệu USD. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công trong quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ thì cũng còn tồn tại không ít những rào cản, cản trở mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

1. Những rào cản

Về tínhchủ động của các doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam còn chưa quan tâm nhiều đến thị trường Ấn Độ, ít chủ động khảo sát thị trường và tham gia các triển lãm ngành hàng để tiếp cận thị trường. Việc xuất khẩu chủ yếuqua khâu trung gian. Trong khi đó, doanh nghiệp Ấn Độ khá năng động và chủ động thâm nhập thị trường Việt Nam. Hiện đã có hơn 100 văn phòng đại diện của doanh nghiệp Ấn Độ tại thị trường Việt Nam để xúc tiến xuất khẩu hàng hoá, đầu tư.

Vềsức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cònmột số hạn chế về sức cạnh tranh:thiếu bảo đảm về tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn chế về mẫu mã, chất lượng sản phẩm thấp,… Đối với các hàng hóa nông sản, thị trường xuất khẩu cũng thiếu bền vững. Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vẫn là gia công và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Quacác vụ kiện chống bán phá giá diễn ra trong thời gian qua cho thấy, đây là rào cản lớn đối với các nhà sản xuất Việt Nam khi cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh củasản phẩm.

Về hoạt động xúc tiến thương mại, công tác tuyên truyền, quảng bá

Các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai bên, nhất là từ phía Việt Nam còn ít. Cơ chế hợp tác giữa hai bên chưa phù hợp, chưa tạođiều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế. Do đó,tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ là rấtcần thiết. Điều này sẽ giúp tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Về những biện pháp rào cản thương mại

Có thể thấy, nguyên nhân chủ yếudẫn đến kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường Ấn Độ còn rất hạn chế là việc Ấn Độ thường áp dụng các biện pháp rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu,trong đó có hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Ấn Độ còn là nước sử dụng nhiều nhất các biện pháp chống bán phá giá. Hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ đang đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Năm 2013, mặt hàng hạt điều của Việt Nam đã bị cảnh báo tại Ấn Độ. Đầu tháng 11-2014, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã phát đi cảnh báo nguy cơ Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng cao su thiên nhiên nhập khẩu từ một số nước,trong đó có Việt Nam…

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầngkinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; bất đồng ngôn ngữ; năng lực thương mại quốc tế của doanh nhân… cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến đầu tư.

2. Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Về phía Việt Nam

Sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, thế và lực ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đã tác động đến mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Việt Nam luôn mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Ấn Độ. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ luôn đạt được mức tăng trưởng khả quan với tốc độ tăng ấn tượng. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 15 và là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam. Tính tổng thể trong 7 tháng đầu năm 2016, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Việt Nam. Hai bên đang nỗ lựcmở rộng quy mô thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Nông sản là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu rất lớn vào thị trường Ấn Độ, vì đó là những sản phẩm có chất lượng cao, giá phù hợp. Bên cạnh đó, các mặt hàng tiềm năng là: điện tử và phụ kiện máy tính.

Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận thức rõ thúc đẩyquan hệ kinh tế Việt Nam- Ấn Độ là một trong những giải pháp góp phần đưa nền kinh tế của Việt Nam phát triển bền vững.Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng(2013) đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Tuyên bố chung 32 điểm giữa hai quốc gia được ký kết, tập trung vào các cam kết chiến lược, hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa và an ninh quốc phòng. Hai nước đã ký 8thỏa thuận song phương, trong đó bao gồm thỏa thuận chia sẻ và bảo vệ thông tin mật nhằm hỗ trợ việc hiện thực hóa Biên bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng và Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ (India’s ONGC Videsh Ltd)(1).

Về phía Ấn Độ

Các công ty Ấn Độ ngày càng hướng đến Việt Nam như một thị trường tiềm năng với nhiều lợi thế to lớn.Doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm đến việcmở rộng hơn nữa các cơ sở tín dụng, hàng không, du lịch…để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thương, đầu tư giữa hai nước. Với nguồn nguyên phụ liệu dồi dào, chất lượng khá tốt, có sức cạnh tranh về giá, Ấn Độ hiện là một trong những thị trường cung cấp nguyên phụ liệu hàng đầu cho ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là kể từ sau năm 2010 khi AITIG có hiệu lực.

Sự nổi lên nhanh chóng của Ấn Độ và việc xây dựng tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây nối cảng Mawlamyine bên bờ Ấn Độ Dương của Mianma với Đà Nẵng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong tương lai. Việc Ấn Độ và Việt Nam mở đường bay thẳng là tiền đề quan trọng thúc đẩy trao đổi hợp tác thương mại cũng như giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Hiện nay, Ấn Độ đang chuyển từ “chính sách hướng Đông” sang “hành động phía Đông” với mục tiêu thiết lập mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc và toàn diện với các nước láng giềng phía Đông. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong những trụ cột quan trọng bậc nhất. Chỉ riêng trong năm 2015, phía Ấn Độ đã tổ chức 25 đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư.

Với quan điểm ủng hộ tự do hàng hải, Ấn Độ đã nhiều lần thể hiện sự ủng hộ lập trường của Việt Nam: tự do hàng hải ở Biển Đông không thể bị cản trở; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế (Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS, 1982), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)); sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và kêu gọi hợp tác đảm bảo an ninh các tuyến đường biển…

Thủ tướng N. Mô-đi tuyên bố,Ấn Độ sẵn sàng cho Việt Nam vay khoản tín dụng 300 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu cho một số ngành kinh tế, giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào, tránh bị lệ thuộc vào một thị trường; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi xem xét mở cửa thị trường đầu tư, hàng hóa của Việt Nam. Năm 2014 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt được thể hiện qua chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. Phát biểu tại cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Tổng thống Pranab Mukherjee khẳng định: “Việt Nam là một trụ cột rất quan trọng trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ. Việt Nam là một đối tác chiến lược của Ấn Độ trong ASEAN cũng như trong khu vực rộng lớn hơn”(2). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Hai bên nhất trí tăng cường và làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược với trọng tâm là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật và nhiều vấn đề trọng tâm khác(3).  

Việc Ấn Độ chính thức công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp hai bên, góp phần đưa hàng hóa xuất khẩu của nước ta vào thị trường Ấn Độ, nơi có nhiều hàng rào bảo hộ và thường xuyên sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư trên các lĩnh vực: dầu khí, thép, khoáng sản, chè, đường, đào tạo công nghệ thông tin… và là điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á.

Hiện Ấn Độ có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và các sản phẩm khác từ ASEAN rất lớn. Do vậy, hàng hóa của ASEAN trong đó có Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Ấn Độ dễ dàng hơn.

Về nền tảng lâu bền của mối quan hệ hai nước

Mối quan hệ truyền thống lâu đời Việt Nam - Ấn Độ, chính sách hướng Đông của Ấn Độ cũng như công cuộc đổi mới của Việt Nam là động lực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Quan hệ truyền thống, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển mạnh mẽ, toàn diện với nhiều thành tựu quan trọngtrong những năm qua, là cơ sở nền tảng để hai nước tăng cường quan hệ hợp tác trong thời gian tới. Việt Nam không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo...; đưa quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước và nâng cao vị thế của hai nước trên trường quốc tế.        

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng nồng ấm hơnthể hiện ở việccó ngày càng nhiều các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai nước. Quan hệ hai nướcngày càngphong phú hơn, trên tất cả các phương diện:chính trị, ngoại giao, kinh tế.

Với AITIG, hai nước có thêm nhiều động lực hợp tác, cảtrong thương mại vàcác lĩnh vực công nghiệp, khai thác dầu khí, khoáng sản, đầu tư, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, chế biến nông sản, công nghệ thông tin, du lịch, hàng không, y tế, giáo dục... Thông qua đó sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Nền kinh tế giữa hai nước cũng có nhiều điểm bổ sung cho nhau. Điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và Ấn Độ tương đối tương đồng có thể bổ sung và hỗ trợ cho nhau phát triển xuất khẩu và nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu qua đó tạo ra những cơ hội lớn đối với doanh nghiệp hai nước.

Trên cơ sở hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề về cung cấp thông tin, tiếp cận thị trường, hạn chế và xóa bỏ các rào cản sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, hợp tác trong lĩnh dầu khí, năng lượng, dệt may. Bên cạnh đó, các vấn đề về công nghệ, giáo dục, các mặt hàng nông, thủy sản, hàng may mặc là các sản phẩm, mặt hàng tiềm năng trong chiến lược hợp tác của Việt Nam và Ấn Độ.

Như vậy, quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện với nhiều thành tựu quan trọng; là hai nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ, triển vọng tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời gian tới rất lớn.

Để quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ phát triển thực chất và hiệu quả hơn, trong đó trụ cột then chốt là quan hệ kinh tế thương mại, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường nghiên cứu thị trường Ấn Độ; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại,chú trọng giới thiệu hàng hoá Việt Nam trên thị trường Ấn Độ; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế;đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

­­­­­­­­­­­­­­______________

(1) Limaye, S. : “India-East Asia Relations: Rebalancing Indian Style.” Comparative Connections May 2014: 161.

(2) Tổng thống Ấn Độ đến Việt Nam, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược,  http://dantri.com.vn

(3)Chủ tịch nước đón và hội đàm với Tổng thống Ấn Độ, http://vov.vn

 

PGS,TS Hoàng Thị Bích Loan

                                                                 Viện Kinh tế chính trị học

                                                                   Học viện CTQG Hồ Chí Minh

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền