Trang chủ    Thực tiễn    Thành phố Đà Nẵng phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững
Thứ tư, 26 Tháng 4 2017 11:42
6495 Lượt xem

Thành phố Đà Nẵng phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững

(LLCT) - Phát triển thủy sản theo hướng bền vững phải đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa nâng cao giá trị gia tăng với bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi và an sinh xã hội; chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng vùng biển.

Thành phố Đà Nẵng thuộc vùng duyên hải miền Trung, là trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả vùng, có bờ biển dài trên 70km  với diện tích ngư trường đặc quyền khoảng 15.000km. Biển Đà Nẵng có trữ lượng nguồn lợi thủy sản khoảng 1.140.000 tấn, chiếm 43% tổng trữ lượng của cả nước; có trên 670 loài động thực vật sinh sống có giá trị kinh tế cao. Vùng biển Nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà có hệ sinh thái phong phú, đa dạng như: rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển và nhiều loại sinh vật quý. Hiện nay, thành phố có hơn 1 nghìn ha mặt nước với nhiều ao hồ, vịnh biển, thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt và lợ. Đây là lợi thế cho việc khai thác và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của thành phố.

1. Thực trạng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản

* Khai thác hải sản

Khai thác hải sản của thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh chủ yếu ở các quận: Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn. Năm 2015, toàn thành phố có 1.658 tàu cá, với tổng công suất là 161.569cv, bình quân 135,2cv/1 tàu. Tính riêng từ năm 2012 đến nay, thành phố đã đóng mới 32 tàu có công suất trên 600cv theo chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ thành phố Đà Nẵng.

Quá trình khai thác được tổ chức theo mô hình tổ, đội, có sự liên kết, hỗ trợ nhau bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển. Đến nay, thành phố đã hỗ trợ thành lập 89 tổ khai thác hải sản, 572 tàu cá; trong đó có 46 tổ khai thác vùng khơi, với 199 tàu xa bờ, 19 tổ khai thác vùng lộng có 112 tàu và 24 tổ khai thác vùng bờ có 261 tàu. Bước đầu cho thấy, đây là mô hình có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, được ngư dân đồng tình hưởng ứng.

Sản lượng khai thác thủy sản 5 năm (2011-2015) đạt 214.464 tấn, bình quân 42.892 tấn/năm, sản lượng nuôi trồng 5.580 tấn, bình quân đạt 1.116 tấn/năm. Giá trị kinh tế tổng sản lượng khai thác tăng theo từng năm (Bảng 1),  năm 2011 bình quân 1 tấn sản phẩm có giá là 20.662.000đ; đến năm 2015 đã tăng lên 36.432.000đ/tấn, tăng 76,32%, bình quân giá trị sản phẩm khai thác tăng từ 4 - 5%.  Sản lượng khai thác cá chọn (chủ yếu là cá ngừ, dũa, chuồn, cờ, nục) chiếm tỷ trọng cao, từ 66% - 75% và có xu hướng tăng dần qua các năm; cơ cấu nghề khai thác tại thành phố Đà Nẵng có sự chuyển biến đáng kể theo hướng tích cực, giảm mạnh các nghề khai thác cấm, hủy diệt nguồn lợi thuỷ sản (lưới kéo đôi, kéo đơn), nghề khai thác có tính rủi ro cao (câu mực), chuyển đổi sang các nghề khai thác có hiệu quả kinh tế, như chụp mực, rê 3 lớp, câu cá, lồng bẫy; khai thác vùng lộng và vùng khơi (lưới vây, lưới cản, rê hỗn hợp, lưới chuồn), tăng thu nhập cho người lao động.

* Nuôi trồng thủy sản

Nuôi trồng thủy sản phát triển nhưng ở quy mô nhỏ và có xu hướng thu hẹp dần do đô thị hóa. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố năm 2014 là 418,7ha (trong đó nuôi nước ngọt 386,5ha, nuôi nước lợ 32,2ha). Sản lượng nuôi trồng (2014) đạt được 757 tấn, trong đó sản lượng cá nước ngọt đạt 615 tấn.

* Chế biến thủy sản

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 17 cơ sở chế biến thủy sản. Tổng năng lực cấp đông là 30.000 tấn/năm, có 6 kho mát với tổng dung lượng 250 tấn, 48 kho lạnh. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm đạt trên 150 triệu USD, năm 2015 đạt 190 triệu USD và phấn đấu đến năm 2020 đạt 320 triệu USD. Nhìn chung, sản lượng khai thác hải sản của thành phố không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp trên địa bàn, đa số các doanh nghiệp đều thu mua nguyên liệu từ các tỉnh khác.

* Dịch vụ hậu cần nghề cá

Đà Nẵng không chỉ tập trung đầu tư hạ tầng dịch vụ nghề cá phục vụ cho thành phố mà còn phục vụ các tỉnh khu vực miền Trung. Hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu công nghiệp dịch vụ hậu cần, chợ đầu mối thủy sản,... đã phục vụ tốt công tác dịch vụ hậu cần nghề cá. Sản lượng hàng hải sản qua cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2011 - 2015 đạt 570 nghìn tấn, bình quân  114 nghìn tấn/năm, trong đó sản lượng hải sản qua cảng chiếm trên 60%. Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang có quy mô 60ha, 12 doanh nghiệp hoạt động; Âu thuyền trú bão với quy mô 64 ha, sức chứa khoảng 1.500 tàu. Chợ Thủy sản đầu mối Thọ Quang được xây dựng, sản lượng hải sản vào chợ 124.700 tấn (2015);  có 9 cơ sở đóng sửa tàu thuyền, mỗi năm đóng mới 20 - 30 tàu cá, sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ 800 - 1.200 tàu, đáp ứng nhu cầu đóng, sửa tàu cá trên địa bàn thành phố.  Ngoài ra còn có các cơ sở sản xuất nước đá, cung cấp dầu, nước ngọt, lương thực thực phẩm, ngư lưới cụ... cho nghề cá tương đối tốt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu phát triển nghề cá ở địa phương.

2. Những vấn đề đặt ra

Hiện nay, cơ cấu tàu thuyền khai thác của thành phố chủ yếu là tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ dễ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, mất cân bằng hệ sinh thái thủy sinh trong khi ngư trường lại chưa được khai thác hiệu quả; cơ cấu nghề khai thác chưa bảo đảm tính hợp lý giữa các vùng biển, các nghề khai thác (nghề lưới kéo, nghề mành, nghề đáy, nghề cá có quy mô nhỏ, đa nghề và sử dụng các các ngư cụ truyền thống), gây khó khăn trong việc kiểm soát khai thác trên các vùng biển. Đà Nẵng chưa áp dụng phương pháp quản lý cộng đồng trách nhiệm đối với hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ nên tình trạng vi phạm pháp luật về thủy sản vẫn xảy ra.

Hệ thống bến, cảng cá, cơ sở hạ tầng nghề cá, dịch vụ hậu cần còn khiêm tốn. Dịch vụ hậu cần trực tiếp trên biển mới triển khai bước đầu, chưa xây dựng được đội tàu hậu cần chuyên phục vụ cho các tàu khai thác ở vùng biển xa. Trong khi đó, chi phí đầu vào cho khai thác hải sản không ngừng tăng cao do những bất ổn của thịtrường, trong khi giá sản phẩm không tăng hoặc tăng không tương xứng, vì vậy không kích thích được tàu thuyền của ngư dân ra khơi khai thác hải sản.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong đánh bắt hải sản còn hạn chế; máy móc, thiết bị phục vụ khai thác, bảo quản sản phẩm còn lạc hậu nên chất lượng sản phẩm không ổn định và không đồng đều.

Thị trường xuất khẩu chưa có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa ngư dân với doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn do cạnh tranh của các nước xuất khẩu và rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, giá thủy sản trong nước không ổn định; sản lượng khai thác có giá thấp còn chiếm tỷ trọng khá cao. Đầu năm 2015, do ô nhiễm môi trường biển ở 3 tỉnh miền Trung dẫn đến tâm lý người tiêu dùng e ngại sử dụng hải sản làm cho quá trình khai thác bấp bênh.

Phần lớn ngư dân là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề nên thiếu các kiến thức về khai thác xa bờ, không ít tàu cá khi hoạt động đánh bắt trên biển không tuân thủ các quy định của pháp luật. Thu nhập của lao động nghề biển thấp, bấp bênh do phụ thuộc rất lớn vào mùa vụ và thời tiết, môi trường lao động biển khắc nghiệt, thường xuyên phải xa gia đình dẫn đến xu hướng lao động biển chuyển sang làm các nghề phổ thông trên bờ.

Việc chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các nhà máy, các cơ sở nuôi trồng xây dựng không đúng tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng trầm trọng, lâu dài tới nguồn nước, môi trường và sức khỏe cộng đồng.

3. Một số giải pháp phát triển thủy sản Đà Nẵng theo hướng bền vững

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lực thủy sản

Cấp ủy, chính quyền các địa phương các  cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế biển, xây dựng chương trình tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, thiết thực. Trong đó, tập trung tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các quy định pháp luật thủy sản; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về biển để cộng đồng ngư dân tham gia tích cực hơn.

Quản lý tốt đội tàu khai thác ven bờ, xây dựng hệ thống cộng tác viên cơ sở làm công việc theo dõi, cầu nối giữa ngư dân với các cơ quan chức năng trong việc quản lý tàu cá. Rà soát bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khai thác, hoạt động nghề cá tạo ra chuỗi giá trị ngày càng cao.

Hai là, áp dụng khoa học - công nghệ vào khai thác thủy, hải sản

Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác thủy sản, đầu tư trang thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác hải sản; nghiên cứu, ứng dụng các ngư cụ, thiết bị khai thác hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế tác động xấu đến môi trường.Thường xuyên cung cấp kiến thức mới và tổ chức học tập về kỹ thuật, kinh nghiệm nghề nghiệp, công nghệ bảo quản, lưu giữ và vận chuyển tươi sống tôm, cá biển và các sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Ba là, bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản

Mục tiêu đến năm 2020 hình thành một số điểm giải trí câu cá phục vụ du lịch thành phố. Quy hoạch các vùng cấm khai thác, công bố danh mục các loại nghề cấm, đối tượng cấm khai thác. Tiếp tục xây dựng mô hình thí điểm quản lý dựa vào cộng đồng, xem xét việc giao quyền quản lý các vùng nước gần bờ cho cộng đồng ngư dân ven biển nhằm hạn chế tình trạng khai thác cạn kiệt, từng bước phát triển những nghề có chọn lọc, kết hợp làm dịch vụ, du lịch...

Đẩy nhanh xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng hợp lý tiềm năng nguồn lợi và tài nguyên thủy sản, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Làm tốtcông tác kiểm tra, kiểm soát và tổ chức quản lý, giám sát cộng đồng để quản lý môi trường và áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm khắc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng xả thải tùy tiện tại Cảng cá và các cơ sở nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường.

Bốn là, tăng cường liên kết giữa khai thác, sản xuất và tiêu thụ

Đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất; khuyến khích liên kết, liên doanh sản xuất và giữa các lĩnh vực sản xuất, sản xuất nguyên liệu chế biến, tiêu thụ tín dụng... theo chuỗi giá trị ngành hàng với sự tham gia quản lý, tổ chức của cộng đồng, các hội, hiệp hội. Tổ chức các mô hình gắn chế biến với sản xuất nguyên liệu, gắn sản xuất với thị trường. Thực hiện đồng bộ quản lý trong tổ chức hoạt động các trung tâm nghề cá lớn, tạo sức hút, tạo động lực phát triển cho ngành thủy sản phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả hơn.

Năm là, giải pháp về đầu tư tài chính

Xây dựng và thực hiện chính sách đồng bộ về đầu tư tài chính, tín dụng  nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản xuất, tạo sức mạnh đột phá ngành thủy sản.

Về đầu tư, tổ chức các hoạt động kết nối, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản, thực hiện các mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong đầu tư, chú trọng hình thành trung tâm nghề cá tại thành phố Đà Nẵng, nâng cấp trại cá giống Hòa Khương, tạo động lực cho ngành thủy sản phát triển hiệu quả, bền vững. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các lĩnh vực thủy sản.

Về tài chính, tăng cường kinh phí nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ về bảo quản trên tàu khai thác xa bờ, ngư cụ, thiết bị khai thác, nuôi trồng giống thủy sản sạch.

Hỗ trợ kinh phí để đào tạo, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề cho ngư dân (theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009). Tiếp tục hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển xa (theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg) và hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro trên biển; giúp các tổ chức, ngư dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để đầu tư hạ tầng nuôi trồng, chế biến, đóng mới, hiện đại hóa tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP và nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch (Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013); tín dụng ưu đãi phát triển khai thác, chế biến dịch vụ hậu cần nghề cá.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2016

Tài liệu tham khảo:

1. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

2. UBND thành phố Đà Nẵng - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Báo cáo kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn và lập kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 - 2020”, 2015.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Đà Nẵng - Chi cục Thủy sản: “Báo cáo tình hình triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản  năm 2014 - 2015 và định hướng giai đoạn 2016 - 2020”, 2015.

4. UBND thành phố Đà Nẵng - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đề án: “ Tái cơ cấu của ngành thủy sản theo hướng giá trị gia tăng, ổn định và bền vững, bảo đảm an ninh quốc gia, an sinh xã hội giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, 2015.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng - Chi cục Thủy sản: “Báo cáo Tổng kết hàng năm của ngành thủy sản từ năm 2011 - 2015”.

 

ThS Lê Thị Thanh Huyền

Học viện Chính trị Khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền