Trang chủ    Thực tiễn    Công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo ở Quảng Bình - những kinh nghiệm bước đầu
Thứ ba, 23 Tháng 5 2017 13:23
3181 Lượt xem

Công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo ở Quảng Bình - những kinh nghiệm bước đầu

(LLCT) - Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Quan tâm và tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận theo quy định của pháp luật... Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”(1). Để quán triệt và triển khai có hiệu quả quan điểm của Đảng trong thực tiễn địa phương, các cấp ủy, chính quyền tổng kết thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, nhận thức rõ những yêu cầu thực tế và vận dụng những bài học kinh nghiệm từ thực tế thời gian qua.

Trên thế giới, ngoài những tôn giáo “truyền thống”, hiện có 20 nghìn hiện tượng tôn giáo mới trong đó có trên 200 loại là cực đoan. Ở Việt Nam, ngoài 13 tôn giáo với 37 tổ chức được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân (với trên 24 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, 80 nghìn chức sắc, nhà tu hành, sinh hoạt trong 25 nghìn cơ sở thờ tự) cũng xuất hiện hơn 80 hiện tượng tôn giáo mới với hàng vạn người theo, hoạt động đa dạng, phức tạp(2). Quảng Bình có 2 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân là: Công giáo và Phật giáo; Tin lành chưa có tổ chức chỉ có một số tín đồ theo hệ phái Liên Hữu Cơ đốc sinh hoạt tại gia. Công giáo ở Quảng Bình có trên 101 nghìn tín đồ, chiếm 12 % dân số toàn tỉnh, phân bố trên 7 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố, 69 xã, phường với 89 cơ sở thờ tự; toàn tỉnh có 2 hạt, 32 xứ, 94 họ, 34 chức sắc, trong đó có 33 linh mục và 1 Bề trên Cộng đoàn, 682 chức việc. Phật giáo có trên 3 nghìn tín đồ sống trên địa bàn 29 xã của 7 huyện, thị xã, thành phố, sinh hoạt trong 8 cơ sở thờ tự, với 21 chức sắc (trong đó có 1 nhà tu hành ), 40 chức việc. So với nhiều địa phương, tôn giáo ở Quảng Bình không nhiều, “thuần hậu” hơn. Trên địa bàn tỉnh có  2 tà đạo “Tam giáo Tuyên Dương” có khoảng 45 người tin theo và tà đạo “Chân Không” có 10 người tin theo(3) mới xuất hiện, nhưng hiện nay đã không còn hoạt động.

Trong những năm gần đây, hoạt động của Công giáo và Phật giáo ở Quảng Bình có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực; mọi sinh hoạt tôn giáo diễn ra bình thường; phần lớn các chức sắc, chức việc, bà con giáo dân, tín đồ tuân thủ pháp luật, pháp lệnh về tôn giáo, tín ngưỡng; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cùng với nhân dân trong tỉnh hăng hái tham gia vào các phong trào yêu nước, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, cũng như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu dân cư; phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Sống tốt đời - đẹp đạo”. Hầu hết các hoạt động tôn giáo như tổ chức các lễ chầu lược, lễ quan thầy, hoạt động mục vụ đều theo kế hoạch đã được đăng ký với chính quyền. Một số linh mục, nhà tu hành đồng thuận, hợp tác với các cấp, ngành ở địa phương trong việc giải quyết những vấn đề có liên quan đến tôn giáo(4).

Tuy vậy, do việc nhận thức chưa đầy đủ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất là Pháp lệnh Tôn giáo và Tín ngưỡng; sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự tiêu cực trong đời sống xã hội cũng như âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch... đã làm cho tình hình tôn giáo trở nên phức tạp. Một số chức sắc kỳ thị và phân biệt đối xử với người không theo tôn giáo, tín ngưỡng hoặc đã bỏ đạo, giáo dân là đảng viên, đoàn viên, cán bộ. Một số chống đối, không tuân thủ sự quản lý của chính quyền địa phương; tự tụ tập giáo dân, kích động gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bắt giữ người trái pháp luật, chống lại người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của chính quyền. Một số rao giảng công khai nói xấu Đảng, Nhà nước, chế độ; chiếu phim bịa đặt, bôi nhọ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vận động giáo dân không treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tổ chức cho giáo dân hiệp thương cầu nguyện cho những người vi phạm pháp luật khi bị chính quyền xử lý, lấn chiếm đất đai, nhận chuyển nhượng trái phép; cố tình vi phạm trong việc xây dựng cơ sở thờ tự và các công trình phụ trợ.

Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ-TW của Hội nghị Trung ương 7 khoá IX và Pháp lệnh Tôn giáo và tín ngưỡng, từ thực tiễn ở Quảng Bình, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu trong việc quản lý nhà nước về tôn giáo và hoạt động tôn giáo:

Một là, khắc phục những hạn chế, bất cập; bổ sung một số vấn đề mới nảy sinh trong quá trình Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo và sớm ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo

Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2004, có hiệu lực từ ngày 15-11-2004 trên cơ sở thể chế hóa Hiến pháp năm 1992. Để hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1-3-2005 và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 thay thế Nghị định số 22/NĐ-CP.

Tại Quảng Bình, Pháp lệnh, các Nghị định đã đi vào cuộc sống, được đón nhận tích cực trong các tín đồ tôn giáo và là công cụ tốt cho việc quản lý Nhà nước về tôn giáo. Tuy nhiên, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vẫn chưa được cụ thể hóa. Nhà nước chưa có chế tài cụ thể trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có quyền của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam; chưa có chính sách cụ thể khuyến khích và tạo điều kiện bảo đảm hoạt động tôn giáo vì lợi ích cộng đồng, quốc gia, như: bảo hộ tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo, giao quyền sử dụng đất nơi có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng được Nhà nước cho phép hoạt động, cũng như quy định rõ hoạt động từ thiện, nhân đạo (hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo...). Do đó, cần nâng tầm Pháp lệnh thành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và nhanh chóng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng ngưỡng, tôn giáo

Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt một cách sâu sắc Nghị quyết 25-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về Công tác tôn giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8-11-2012. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, biến nhận thức thành tự ý thức, tạo thành thói quen tích cực sống, làm việc và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động. Phương thức tuyên truyền cũng phải đa dạng thông qua nhiều hình thức như: tổ chức học tập, quán triệt: thông qua hệ thống thông tin đại chúng, các loại hình nghệ thuật, thông qua các phong trào cụ thể, thông qua gương người tốt, việc tốt. Tuyên truyền không chỉ chú trọng tính định hướng mà còn phải chú trọng tính khoa học, nghệ thuật để thuyết phục; tùy theo đối tượng cụ thể mà có nội dung, phương pháp thích hợp. Bên cạnh đó, phải biết gắn tự do tín ngưỡng, tôn giáo với giữ gìn, phát huy truyền thống tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, Thành hoàng, Thánh mẫu, anh hùng dân tộc, người có công... Đây cũng là cơ sở để kết hợp giữa tôn giáo và tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của dân tộc. Cần chú trọng hơn nữa việc đổi mới và đa dạng hóa các hình thức vận động quần chúng, phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, người có uy tín trong nhân dân và các tổ chức tôn giáo trong việc góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Ba là, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo

Trong nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tỉnh Quảng Bình đã vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó có các vùng đông đồng bào theo đạo; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, giải quyết việc làm, chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, điện nước, trường học và các công trình phúc lợi xã hội khác; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào theo đạo. Động viên đồng bào có đạo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời - đẹp đạo”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Xứ họ đạo tiên tiến”, “Làng giáo dân sản xuất giỏi”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Từ các phong trào thực tiễn xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình tiên tiến. Huyện Bố Trạch có 10/42 khu dân cư vùng giáo đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, 65% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, khu dân cư vùng giáo thôn 3 xã Xuân Trạch 7 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên; khu dân cư vùng giáo thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch là điểm sáng thực hiện mô hình “Khu dân cư đoàn kết xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình”; huyện Quảng Trạch có nhiều làng giáo  đạt danh hiệu  Làng văn hóa” nhiều năm liền như: khu dân cư vùng giáo Tân Mỹ, khu dân cư Hòa Ninh (thị xã Ba Đồn)... Thông qua những phong trào cụ thể chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Bốn là, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện Pháp lệnh

Tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong quản lý nhà nước về tôn giáo; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở “Nhà nước thống nhất quản lý và bảo đảm việc thực hiện quyền tự do tôn giáo của mọi người”; “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tôn giáo trong phạm vi cả nước”; “cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về tôn giáo”; “Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo”; “Các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về tôn giáo theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định”(5).

Kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề này ở Quảng Bình cho thấy, tuy đã có Nghị quyết của Đảng, Pháp lệnh của Nhà nước, Nghị định của Chính phủ về tín ngưỡng, tôn giáo; quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương, địa phương, các ngành, các cơ quan hữu quan, nhưng khi vận dụng vào thực tiễn thì sự phối hợp không đồng bộ. Hệ thống văn bản pháp lý về các hoạt động từ thiện xã hội chưa ban hành đầy đủ, kịp thời; vấn đề xử phạt hành chính đối với các hoạt động vi phạm pháp luật về tôn giáo; vấn đề các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội hóa về y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo chưa được cụ thể hóa và có hướng dẫn kịp thời, có những hiện tượng tôn giáo mới không vi phạm pháp luật có thừa nhận tính pháp nhân hay không...

Cần phân công rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương, lãnh đạo với quản lý, điều hành của chính quyền, ban tôn giáo, các ngành có liên quan và vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, định hướng hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội của tôn giáo; giải quyết các khiếu kiện liên quan đến tôn giáo cũng như các vấn đề hội đoàn. Trong những năm qua, ở Quảng Bình, việc phối hợp này đã có hiệu quả trong việc cho phép xây dựng các giáo xứ, giáo họ Gia Hưng, Đồng Thanh, Chày (huyện Bố Trạch); Diên Phúc (thị xã Ba Đồn); Thái Hòa, Vĩnh Thọ (huyện Quảng Trạch); Đò Vàng (huyện Tuyên Hóa) đúng pháp luật, đúng thẩm quyền. Hướng dẫn, định hướng, cho phép và kiểm tra các tổ chức các sinh hoạt, lễ hội nhân dịp Lễ Phục sinh; Lễ La Vang; Lễ Noel; Lễ hội Phật Đản - Phật lịch 2558; Đại lễ Vesak 2014, Lễ Vu Lan; Lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc; Đại hội hành lang La Vang lần thứ 30 tại Quảng Trị. Giải quyết các vụ tranh chấp, các khiếu kiện liên quan đến tôn giáo(6).

Năm là, củng cố, sắp xếp hợp lý tổ chức bộ máy và tổ chức quản lý công tác nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức về tôn giáo

Từ năm 2004, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình được thành lập, là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tôn giáo. Các huyện thành lập phòng chuyên trách làm công tác tôn giáo (huyện Quảng Trạch thành lập Phòng Tôn giáo; huyện Bố Trạch thành lập Phòng Dân tộc - Tôn giáo; huyện Tuyên Hóa thành lập Phòng Tôn giáo - Dân tộc). Từ năm 2008, Ban Tôn giáo tỉnh được sáp nhập vào Sở Nội vụ, giúp Giám đốc Sở Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bộ phận làm công tác tôn giáo ở cấp huyện được sáp nhập vào Phòng Nội vụ; cấp xã không có cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo. Hiện nay, 79 xã, phường, thị trấn chỉ có kiêm nhiệm chưa có cán bộ chuyên trách(7).

Trong 10 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo được quan tâm. Trình độ chuyên môn được nâng lên, đa số là cử nhân; đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được chú trọng, đa số có trình độ cử nhân, cao cấp, trung cấp. Các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo. Tuy nhiên, việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cấp làm công tác tôn giáo bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn nhất là ở cấp huyện, xã do không có cán bộ chuyên trách.

Do đó, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo cần bảo đảm sự ổn định bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo; ở phường, xã cần có cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo và cần có cơ chế, chính sách thích hợp cho cán bộ này. Đồng thời, cần lựa chọn cán bộ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ nhất là kỹ năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho cán bộ.

Tại Quảng Bình, trong nhiều năm qua, các cấp ủy đảng rất chú trọng xây dựng lực lượng cốt cán tôn giáo. Đã xây dựng được 315 cốt cán phong trào, 29 cốt cán đặc thù, 841 đảng viên gốc giáo; đảng viên có đạo tham gia cấp ủy cơ sở là 76 đồng chí, chi ủy trực thuộc cơ sở có 117 đồng chí; đảng ủy viên gốc giáo chiếm trên 11% trong số cấp ủy vùng giáo, chi ủy viên gốc giáo chiếm 8,4% trong số chi ủy vùng giáo. Các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã tập hợp rộng rãi hội viên là tín đồ tôn giáo: Đoàn Thanh niên tập hợp đạt trên 65% thanh niên; Hội Phụ nữ đạt hơn 75% hội viên; Hội Nông dân đạt hơn 95% hội viên; Hội Cựu chiến binh đạt hơn 97%(8).

Sáu là, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tôn giáo

Đây là nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về tôn giáo. Trong 10 năm qua, công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tôn giáo và liên quan ở tỉnh Quảng Bình đã có nhiều tiến bộ. Từ năm 2003 đến 2015, các cấp chính quyền trong tỉnh đã giải quyết tốt 12/13 hồ sơ khiếu nại, khiếu kiện. Năm 2014, 2015 không có trường hợp khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Quảng Bình cũng chú trọng xử lý vi phạm Pháp lệnh Tôn giáo, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền sai sự thật, lôi kéo giáo dân vào các hoạt động vi phạm pháp luật sau việc tháo dỡ tượng dựng trái phép tại Sen Bàng; vụ việc xây dựng trái phép tại khu chứng tích chiến tranh - tháp chuông nhà thờ Tam Tòa, đấu tranh với một số linh mục về hành vi kích động giáo dân xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kinh nghiệm Quảng Bình cho thấy, để thực hiện tốt vấn đề này phải phát huy được tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo, cô lập đối tượng chủ mưu; phải gần giáo dân, lắng nghe ý kiến giáo dân; việc xét xử phải rõ ràng, minh bạch, công tâm và khi được sự đồng thuận của đa số giáo dân thì phải giải quyết một cách triệt để, không khoan nhượng và không để kéo dài.

Bảy là, đổi mới quản lý nhà nước về công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tôn giáo

Trong những năm gần đây, giáo hội, các tổ chức tôn giáo, các tín đồ tôn giáo gia tăng nhu cầu giao lưu với nước ngoài, với Việt kiều ở các nước để xin kinh phí xây dựng các thể chế tôn giáo và các tổ chức tôn giáo; Việt kiều theo đạo ở nước ngoài theo chính sách rộng mở của Đảng và Nhà nước ta cũng có nhu cầu đến Quảng Bình tham quan và truyền đạo gia tăng. Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican đến hoạt động trên địa bàn huyện Bố Trạch, Quảng Trạch; các Tổ chức phi chính phủ cũng đến khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí tại một số giáo xứ, giáo họ (giáo xứ Đan Sa, giáo xứ Hướng Dương); đoàn chức sắc, nhà tu hành Ấn Độ đến thăm và tổ chức cầu siêu tại nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc (Bố Trạch); Việt kiều cũng có nhu cầu về tu hành và về thăm nhân dịp Tết Nguyên đán, Lễ Noel, Lễ Phật đản, Lễ La Vang, Lễ Quan thầy, Lễ Phục sinh, Lễ Vu Lan, Mùa An cư kiết hạ (đạo Phật)... Xu thế hoạt động đối ngoại của các tổ chức tôn giáo phổ biến hiện nay là: đa dạng hóa, thế tục hóa, dân tộc hóa, toàn cầu hóa.        

Bên cạnh nhu cầu chính đáng, hoạt động hợp pháp, một số thế lực thù địch lợi dụng hoạt động tôn giáo để thực hiện “diễn biến hòa bình” gây rối, biểu tình, bạo loạn, lật đổ; một số chức sắc, nhà tu hành truyền đạo trái phép, xuyên tạc trắng trợn chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo, vu khống chính quyền đã làm cho tình hình phức tạp. Trước thực tế hiện nay, việc quản lý nhà nước đối với tôn giáo vừa đúng với đường lối đối ngoại, chính sách tôn giáo của Đảng, Pháp lệnh Tôn giáo của Nhà nước, quy phạm của Chính phủ, vừa thoả mãn được nhu cầu văn hóa tâm linh chân chính của đồng bào theo đạo đòi hỏi phải có phương pháp thích hợp, biện pháp phù hợp với thực tiễn từng vùng, từng địa phương. Quảng Bình đã tổ chức trên 200 lần thăm viếng, tiếp xúc, đối thoại với đồng bào theo đạo, các đoàn khách tôn giáo quốc tế, các chức sắc tôn giáo ở địa phương. Để nâng cao chất lượng công tác này, cần phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên là những tín đồ tôn giáo, các linh mục, các nhà tu hành yêu nước, tiến bộ, có uy tín và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2016

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.165.

(2) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị..., t.8, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, tr.261-262.

(3), (4) Tỉnh ủy Quảng Bình: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 25/NQ-TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về công tác tôn giáo, năm 2014, tr.3, 9.

(5) Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.

(6), (7), (8) Ban Tôn giáo Quảng Bình: Báo cáo tổng kết công tác tôn giáo năm 2014, tr.3-5.

 

PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn

Học viện Chính trị Khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền