Trang chủ    Thực tiễn    Rào cản và giải pháp nhằm tăng cường vai trò, vị thế của nữ trí thức trong phát triển bền vững
Thứ ba, 23 Tháng 5 2017 13:24
1642 Lượt xem

Rào cản và giải pháp nhằm tăng cường vai trò, vị thế của nữ trí thức trong phát triển bền vững

(LLCT) - Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ nữ trí thức Việt Nam ngày càng trưởng thành, trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Mặc dù là bộ phận tinh hoa nhất của phụ nữ Việt Nam, nhưng họ vẫn bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng và hành động mang tính định kiến giới, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nữ trí thức.

Thứ nhất, đa số người trong xã hội vẫn có quan niệm nữ trí thức, dù ở cương vị nào vẫn phải đảm nhận tốt công việc gia đình, chăm sóc con cái, bởi họ là phụ nữ. Theo kết quả khảo sát gần đây, phụ nữ, nữ trí thức vẫn là người chịu trách nhiệm chính trong công việc gia đình. Đối với các công việc nội trợ trong các gia đình trí thức, trên một nửa số người được hỏi khẳng định rằng, các công việc này là do người vợ trực tiếp làm. Việc đi chợ, thì có đến 84,1% là do các bà vợ thực hiện, số người chồng thực hiện chỉ là 2,5%. Còn số trí thức nói rằng, chồng là người thực hiện các công việc nội trợ, chiếm tỷ lệ rất thấp (3% - 5%)...(1) . Trong các gia đình trí thức, người phụ nữ vẫn đảm nhiệm chính công việc chăm sóc sức khoẻ cho các thành viên: số gia đình có người vợ quyết định việc chăm lo sức khỏe cho các thành viên và chăm sóc người ốm nhiều gấp đôi số gia đình do người chồng quyết định (21% so với 10,5%). Số gia đình chỉ có người chồng thực hiện công việc này chiếm tỷ lệ rất thấp (3%) so với số gia đình chỉ có người vợ thực hiện (22,7%). Số gia đình mà người chồng tự quyết định và trực tiếp thực hiện còn ít hơn nữa(2).

Như vậy, không ít người cho rằng, công việc nội trợ, chăm sóc sức khoẻ các thành viên gia đình... là trách nhiệm chính của phụ nữ, thậm chí họ cho rằng đây là vai trò “được ưu tiên hơn sự nghiệp”. Vì vậy, người nam giới thường không chia sẻ một cách tương xứng trách nhiệm này với phụ nữ(3).

Bên cạnh đó, không ít người thiếu tin tưởng vào năng lực của phụ nữ, họ cho rằng phụ nữ không nên và không thể làm những việc “to tát”, như nghiên cứu khoa học hay lãnh đạo, quản lý, “đấy là công việc của nam giới”. Họ phê phán phụ nữ thiếu tính mạnh mẽ, quyết đoán để làm lãnh đạo; nhưng nếu phụ nữ mạnh mẽ, cứng rắn thì họ lại phê phán là thiếu nữ tính. Đây là áp lực rất lớn đối với nữ trí thức.

Quan niệm cho rằng người nam giới phù hợp với vai trò lãnh đạo, người phụ nữ hợp với công việc nội trợ vẫn hiện hữu ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý. Không ít cán bộ lãnh đạo, người có chức vụ cao vẫn có xu hướng đồng nhất các phẩm chất, năng lực của nữ trí thức với các khuôn mẫu của một người phụ nữ truyền thống, như tính nhẹ nhàng, cả tin, lệ thuộc...

Sự bất bình đẳng giới trong nhận thức của cán bộ lãnh đạo không chỉ thể hiện đối với nữ trí thức đang phấn đấu vươn lên, mà còn được định hình ngay cả trong tầng lớp sinh viên. Nữ sinh viên khi tốt nghiệp đại học cũng bị hạn chế trong việc đảm nhận công việc để thử thách, tôi luyện, chứng minh năng lực. Phần nhiều trong số họ chỉ được nhận làm những công việc được xác định là của phụ nữ, như làm giáo viên phổ thông, thư ký giám đốc, kế toán... Trong quá trình lao động, các công việc mà nữ trí thức được giao thường không có tính chất thử thách, kém tự do sáng tạo, bị hạn chế môi trường rèn luyện để trưởng thành(4).

Cũng do quan niệm cho rằng, người phụ nữ phải đảm nhiệm vai trò chính là nội trợ, chăm sóc gia đình, nên không ít người suy luận theo hướng tiêu cực, cho rằng người phụ nữ thành đạt về công việc xã hội thường thất bại về gia đình vì thật khó để cân bằng “việc nhà - việc nước”. Vì vậy, để chứng minh năng lực của mình, muốn được thăng tiến, nữ trí thức thường phải mất nhiều thời gian, công sức hơn nam giới để làm tốt cả công việc gia đình và xã hội.

Định kiến giới không chỉ là nhận thức của các nhóm xã hội, mà còn tác động đến nhận thức của chính nữ trí thức. Họ thiếu tự tin làm công tác lãnh đạo, quản lý, thiếu sự cố gắng để thăng tiến lên các vị trí công việc quan trọng. Bà Lê Thị Dung, nghiên cứu viên của EOWP, cho biết: Chính bản thân phụ nữ còn tự ti, cho rằng công việc lãnh đạo, quản lý chủ yếu của nam giới, và người “phụ nữ thường an phận và không dám đảm nhận công việc lãnh đạo, quản lý”. Đến cả trong nhóm phụ nữ có năng lực nhất, một số chị cũng không tránh khỏi định kiến đối với phụ nữ. Theo bà Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam: “nhiều chị em có năng lực tốt nhưng lại mang những quan niệm lạc hậu về vai trò phụ nữ và tâm lý an phận”.

Từ sự tự ti không chỉ đối với bản thân mình, không ít nữ trí thức còn định kiến cho rằng, phụ nữ không thể làm tốt công việc lãnh đạo hay khoa học và từ đó họ đố kỵ với chính đồng nghiệp nữ. Do vậy, sự phát triển, vươn lên của phụ nữ gặp nhiều khó khăn: “Không ít phụ nữ vẫn còn tư tưởng an phận, níu kéo lẫn nhau, chưa nỗ lực phấn đấu tham gia vào các cương vị lãnh đạo, quản lý”(5). Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất xuất phát từ chính những người phụ nữ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự thăng tiến của nữ trí thức.

Thứ hai,nữ trí thức cũng đang chịu áp lực từ các phong trào vận động phụ nữ ở nước ta hiện nay.

Khẩu hiệu phấn đấu hành động của phụ nữ Việt Nam hiện nay là: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng”. Tuy nhiên, khi thực hiện phong trào này lại là cản trở không nhỏ đối với phụ nữ nói chung, nhất là với nữ trí thức, bởi lao động của bộ phận này rất đặc thù - lao động trí óc là chủ yếu. Họ phải đảm nhiệm “vai trò kép” - vai trò làm tốt công việc gia đình và vai trò làm tốt công việc xã hội; nghĩa là đặt lên vai họ hai gánh nặng. Nữ trí thức cũng cần phải có thời gian để học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức..., cần có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.

Các phong trào này đã đặt lên vai người phụ nữ vai trò kép, vô hình chung đã trói buộc phụ nữ vào các công việc gia đình mà không khuyến khích người chồng gánh trách nhiệm công việc nội trợ cũng như các công việc không chính thức khác trong gia đình thay cho phụ nữ.

Thứ ba, chính sách tuổi về hưu, tuổi bổ nhiệm của nữ trí thức còn có những bất cập

Pháp luật hiện hành có những quy định về bảo vệ phụ nữ vì sức khoẻ và chức năng sinh sản của họ. Tuy nhiên, những quy định này nhiều khi lại làm nảy sinh những hạn chế cho sự phát triển của phụ nữ, nhất là những nữ trí thức có nguyện vọng và tiềm năng cho sự phát triển. Tại Điều 187 Khoản1, Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi”. Như vậy, có sự khác biệt tuổi về hưu của nam và nữ, nữ về hưu trước nam 5 năm. Sự khác biệt này gây bất lợi đối với nữ trí thức: nó rút ngắn thời gian làm việc và như vậy, rút ngắn khoảng thời gian tăng lương cho phụ nữ và rút ngắn thời gian để phụ nữ trí thức phấn đấu, thăng tiến. Người phụ nữ trí thức nói chung có giai đoạn thăng tiến ngắn do phải nghỉ hưu sớm hơn, ít cơ hội thăng tiến hơn, thu nhập tổng cộng ít hơn và hạn chế khả năng đóng góp cho xã hội do họ phải nghỉ hưu khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp(6).

Ngoài vấn đề tuổi hưu sớm làm cho thời gian công tác đối với nữ trí thức bị hạn chế; vai trò sinh đẻ, nuôi con cũng hạn chế phụ nữ thăng tiến. Thời gian phấn đấu của nữ hạn chế hơn nam do mất thời gian sinh đẻ và nuôi con, khi nữ tập trung lo cho sự nghiệp thì vấp phải quy định độ tuổi trong quy hoạch đào tạo, đề bạt và luân chuyển... Có nhà nghiên cứu đã chỉ khá cụ thể những khó khăn của nữ trí thức từ khi đi làm đến khi về hưu: Từ 25 - 40 tuổi phụ nữ lo sinh con và nuôi con, khi 50 tuổi thì không được quy hoạch nữa. Điều này tạo ra tâm lý không muốn phấn đấu nữa. Bất cập về chính sách đã tạo ra tâm lý phấn đấu “cầm chừng” khi bước vào độ tuổi 45 - 50. Đây là lý do phụ nữ không được cấp trên bổ nhiệm vì các quy định về tuổi quy hoạch(7).

Hiện nay có sự không đồng bộ giữa một bên là Luật Bình đẳng giới, Công ước CEDAW kêu gọi xóa bỏ phân biệt đối xử trên cơ sở giới có hiệu lực ở Việt Nam từ năm 1982, và một bên là Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội quy định chênh lệch tuổi hưu của nam và nữ lao động, tạo nên sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Chính sách cho phụ nữ về hưu sớm hơn nam giới 5 năm còn tạo nên một sự phân biệt đối xử kép là phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác và giới tính. Sự không đồng bộ này có nguy cơ vô hiệu hóa mục tiêu bình đẳng giới mà chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu tăng cường phụ nữ tham gia lãnh đạo.

Thế kỷ XXI đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của các quốc gia theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Tìm kiếm giải pháp phát huy các yếu tố tích cực, giảm thiểu yếu tố tiêu cực để phát triển bền vững đang đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia. Tuy nhiên, xu hướng chủ đạo được nhiều quốc gia áp dụng là phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện chiến lược “tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài”, thực hiện bình đẳng giữa các nhóm xã hội, nhất là bình đẳng giới.

Để tăng cường vai trò, vị trí của nữ trí thức Việt Nam trong phát triển bền vững hiện nay, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cá nhân, cộng đồng về vai trò, vị thế của nữ trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng gia đình

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức nói chung, nữ trí thức nói riêng. Cần quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 27- NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền các gương nữ trí thức điển hình, xuất sắc trong các lĩnh vực đời sống xã hội nhằm khẳng định vai trò của nữ trí thức trong phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo, hoạt động khoa học, lãnh đạo, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Nội dung tuyên truyền cần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của nam giới, nữ giới trong gia đình cũng như trong sự nghiệp, thực hiện bình đẳng giới đang trở thành mục tiêu Thiên niên kỷ và là động lực để phát triển xã hội theo hướng công băng, dân chủ, văn minh. Biện pháp tuyên truyền cần phải đa dạng, phong phú: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (nhất là truyền hình), qua các câu lạc bộ, các hội thảo, các khóa học, tập huấn...

Thứ hai, có chính sách sử dụng, đãi ngộ đội ngũ nữ trí thức, xây dựng nữ trí thức chuyên gia, đầu đàn

Trước hết, phải đánh giá đúng giá trị của lao động trí thức để trả thù lao xứng đáng với lao động của họ thông qua chính sách tiền lương và các khoản phụ cấp ưu đãi của Nhà nước, coi đây là một chính sách đầu tư đặc biệt. Theo đó, nữ trí thức phải được tin cậy, sử dụng đúng người, đúng việc; được tôn vinh và bảo đảm môi trường, điều kiện cho lao động sáng tạo; tránh tình trạng “hao mòn chất xám”, “nhạt chất xám” trong đội ngũ trí thức nói chung, đội ngũ nữ trí thức nói riêng. 

Đối với nữ trí thức trẻ có hoài bão khoa học, có năng lực thực sự, cần được tạo điều kiện (hỗ trợ về thời gian, vật chất) để phát huy tối đa năng lực, trí tuệ của họ trong tất cả các lĩnh vực.

Có chính sách cụ thể mang tính pháp lý về tuổi nghỉ hưu của nữ trí thức, vì đội ngũ nữ trí thức là một tầng lớp đặc biệt (Lênin); lao động và sản phẩm lao động của đội ngũ nữ trí thức tạo ra những giá trị đặc biệt mà các giai tầng khác không có được. Quy định tuổi nghỉ hưu hiện nay vẫn hiện hữu sự phân biệt đối xử giữa nam trí thức và nữ trí thức, giữa nữ trí thức với nữ viên chức, công chức, gây lãng phí rất lớn nguồn lực chất xám của đất nước. Do vậy, kéo dài thời gian đóng góp trí tuệ của chuyên gia đầu ngành - các nhà khoa học nữ, nữ trí thức trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo là rất hợp lý và cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay của đất nước. Chủ trương này cần được pháp lý hóa trên cơ sở nâng tuổi về hưu của nữ trí thức ngang bằng với nam trí thức để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực nữ trí thức.

Thứ ba, quan tâm, tạo điều kiện để nữ trí thức kết hợp tốt chức năng “kép” gia đình và xã hội

Với đặc thù văn hóa truyền thống Việt Nam, dù ở cương vị nào, trình độ nào, đối với phụ nữ, gia đình vẫn là yếu tố đặc biệt quan trọng trong cuộc đời của họ. Nữ trí thức phải dành nhiều thời gian chăm lo gia đình, nên ảnh hưởng tới khả năng sáng tạo và cống hiến trí tuệ của họ. Để nữ trí thức giảm được gánh nặng gia đình, “giảm việc nhà”, dành thời gian cho công việc chuyên môn, Nhà nước nên khuyến khích các tổ chức xã hội tập trung phát triển hệ thống dịch vụ gia đình (người giúp việc, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế thuận tiện...), mặt khác, cần thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới; phải tạo ra dư luận xã hội rộng rãi ủng hộ những tấm gương “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đối với cả nam giới và nữ giới nhằm khắc phục, tiến tới xóa bỏ định kiến giới cho rằng, công việc gia đình là của phụ nữ còn nghiên cứu khoa học, lãnh đạo... là lĩnh vực dành riêng cho nam giới.

Thứ tư, xây dựng tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhất là Hội Nữ trí thứcđại diện quyền lợi cho trí thức nữ

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là Hội Nữ trí thức có vai trò to lớn đối với sự phấn đấu, trưởng thành của trí thức nữ. Do vậy, trong nghiên cứu, tham mưu đề xuất các chính sách cho lao động nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần tính đến đặc điểm của lao động nữ trí thức, khắc phục những mặt trái của một số phong trào đang có tác động không tích cực tới nữ trí thức khi thực hiện vai trò, vị thế của mình. Hội Nữ trí thức Việt Nam cần tiếp tục tạo ra những hoạt động góp phần nâng cao kiến thức và năng lực sáng tạo cho nữ trí thức: Tham mưu xây dựng chính sách cho nữ trí thức (tuổi về hưu, tuổi đề bạt, chế độ đãi ngộ...); phối hợp tổ chức các giải thưởng cho các nữ trí thức xuất sắc trên các lĩnh vực: Kôvalepxkaia; Bông hồng vàng, giải thưởng và học bổng L’OREAL-UNESCO...; tổ chức các buổi tọa đàm, các lớp đào tạo bồi dưỡng về kỹ năng lãnh đạo, quản lý... cho đội ngũ nữ trí thức.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2016

(1), (2) Xem: http://www.tapchicongsan.org.vn: “Lưu Song Hà: Nữ trí thức với gia đình và sự nghiệp”.

(3), (4), (7) http://gas.hoasen.edu.vn: “Trần Thị Minh Đức: Định kiến và áp lực xã hội đối với nữ tri thức”.

(5) http://phunudanang.org.vn: “B.L. Phụ nữ tham chính - vẫn còn những khó khăn”.

(6) Jean Munro: Sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam, 2012, tr.14, 15.

 

PGS, TS Đỗ Thị Thạch

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền