Trang chủ    Thực tiễn    Để thực hiện tốt pháp luật về đạo đức công vụ hiện nay (qua thực tế tỉnh Bắc Giang)
Thứ tư, 24 Tháng 5 2017 16:57
2815 Lượt xem

Để thực hiện tốt pháp luật về đạo đức công vụ hiện nay (qua thực tế tỉnh Bắc Giang)

(LLCT) - Pháp luật về đạo đức công vụ có vai trò quan trọng trong quá trình thực thi hoạt động công vụ của của cán bộ, công chức. Đây là bộ phận quan trọng cấu thành pháp luật công chức vì nó là thước đo những chuẩn mực giá trị trong thực thi công vụ của những người làm công cho Nhà nước theo từng vị trí việc làm, chức danh cụ thể.

Pháp luật về đạo đức công vụlà hệ thống các quy tắc ứng xử mang tính bắt buộc do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong hoạt động công vụ và được Nhà nước bảo hộ thực hiện, nhằm xây dựng đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Pháp luật về đạo đức công vụ tạo dựng khung pháp lý điều chỉnh hoạt động công vụ của cán bộ, công chức; là cơ sở cho các nhà quản lý, sử dụng cán bộ, công chức tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, phân loại, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái…

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì một trong những nguyên tắc cơ bản là bảo đảm tuân thủ pháp luật. Việc thực hiện pháp luật về đạo đức công vụ là một trong những nội dung quan trọng, đòi hỏi cán bộ, công chức các cấp phải thực hiện đúng, đầy đủ những gì mà pháp luật cho phép trong chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Điều 8 Hiến pháp 2013 quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.

Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định, những chuẩn mực đạo đức - pháp lý được thể hiện một cách tập trung và cụ thể ở các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức; văn hóa giao tiếp với nhân dân, ứng xử, những điều cán bộ, công chức không được làm…

Luật Phòng, chống tham nhũng quy định tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn này để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí định rõ các điều khoản về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực. Đây là vấn đề cốt lõi trong việc đổi mới cơ chế tổ chức điều hành để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh những quy định về quản lý, sử dụng hiệu quả tiết kiệm, Luật cũng có quy định rất mới liên quan đến chế tài xử phạt đối tượng có hành vi lãng phí nhằm tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước và xã hội theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát hiện cũng như cung cấp kịp thời thông tin về lãng phí; quy định trách nhiệm của người phát hiện lãng phí về tính trung thực của các thông tin; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có lãng phí trong việc xem xét xử lý, khắc phục kịp thời và thực hiện việc giải trình về việc để xảy ra lãng phí.

Cụ thể hóa những những quy định về đạo đức công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước, ngày 2-8-2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg về ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, quy định hành vi trong giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức; ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt... Đặc biệt, trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, cán bộ, công chức phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 6-2-2007 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương, quy định trong giao tiếp hành chính (Điều 8): “Cán bộ, công chứckhi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ phải mặc trang phục đúng quy định chung và quy định của từng ngành, lĩnh vực; phải đeo thẻ công chức theo quy định; phải đeo phù hiệu của các lĩnh vực đã được pháp luật quy định; phải giữ uy tín, danh dự cho cơ quan, đơn vị, lãnh đạo và đồng nghiệp…”. Bên cạnh đó, căn cứ đặc trưng của từng ngành, từng lĩnh vực, cấp có thẩm quyền sẽ ban hành những quy định cụ thể về đạo đức công vụ áp dụng riêng đối với đội ngũ cán bộ, công chức của ngành, lĩnh vực mình quản lý.

Căn cứ văn bản của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nội vụ,ngày 30-8-2007 UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 75/2007/QĐ-UBND ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bắc Giang, với mục đích: “Bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước...”. Xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Bên cạnh đó, quy định hành vi bị cấm là: “Hút thuốc lá trong phòng làm việc; Sử dụng đồ uống có cồn tại công sở, trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách ngoại giao; Quảng cáo thương mại tại công sở”. Đồng thời, Quy chế cũng quy định cụ thể trang phục, lễ phục của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, bảo đảm sự trang trọng, lịch sự, phù hợp với đạo đức công vụ…

Thực hiện Quy chế văn hóa công sở, đa số đội ngũ cán bộ, công chức các cấp tỉnh Bắc Giang đều chấp hành tốt pháp luật nói chung, pháp luật về đạo đức công vụ nói riêng. Tuy vậy, một số cán bộ, công chức vẫn có hành vi vi phạm trong hoạt động công vụ, như vi phạm pháp luật phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vi phạm những điều cán bộ, công chức không được làm; chưa chuẩn mực trong giao tiếp với nhân dân…,

Theo Báo cáo số 04/BC-UBND ngày 28-1-2016 của UBND tỉnh Bắc Giang về tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, thì từ năm 2006 đến 1-2016, toàn tỉnh tổ chức triển khai  1.513 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã phát hiện nhiều sai phạm của tổ chức, cá nhân, kiến nghị xử lý các sai phạm trị giá 411,9 tỷ đồng và 1,71 triệu m2 đất các loại, trong đó: kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 123,3 tỷ đồng và 627 nghìn m2 đất; xử lý bằng biện pháp tài chính khác 288,6 tỷ đồng, yêu cầu xử lý 1,08 triệu m2 đất các loại theo đúng quy định của pháp luật. Kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của 481 tập thể, 1.292 cá nhân có sai phạm trong công tác quản lý; tiếp nhận, giải quyết 90 đơn tố cáo tham nhũng thuộc thẩm quyền (đã giải quyết xong 88 đơn). Chuyển 14 vụ việc (8 vụ việc phát hiện qua thanh tra, 6 vụ việc phát hiện qua giải quyết tố cáo) sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý về hình sự.

Về Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng:Đối với hoạt động điều tra của cơ quan công an (cấp tỉnh và cấp huyện) thụ lý điều tra 113 vụ/ 216 bị can có hành vi tham nhũng, gây thiệt hại 62,13 tỷ đồng(trong đó: án cũ 6 vụ/ 14 bị can; án mới 107 vụ/ 202 bị can); chuyển xử lý hành chính 37 vụ/84 đối tượng.Đề nghị truy tố 97 vụ/ 194 bị can;thu hồi tài sản 6,4 tỷ đồng trong quá trình điều tra; đình chỉ 7 vụ/ 7 bị can; tạm đình chỉ 1 bị can; còn tồn 9 vụ/ 14 bị can.

Đối với hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát, tổng số án phải xử lý là 97 vụ/194 bị can; đã truy tố 84 vụ/ 157 bị can; đình chỉ 6 vụ/ 18 bị can (theo khoản 1 Điều 25 BLHS); còn lại 7 vụ/ 19 bị can.

Hoạt động xét xử của Tòa án,  tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý 87 vụ/161 bị cáo phạm các tội về tham nhũng (trong đó: Án cũ: 0; án mới 84 vụ/ 157 bị can, nhận uỷ quyền xét xử: 3 vụ/ 4 bị cáo); đã giải quyết 76 vụ/144 bị cáo; đình chỉ 0 vụ/ 1 bị cáo (BC chết); tạm đình chỉ 1 vụ/ 2 bị cáo;còntồn10 vụ/ 14 bị cáo.Số tiền thiệt hại do tham nhũng gây ra (làm rõ qua hoạt động xét xử) là 71,37 tỷ đồng, các bị cáo đã khắc phục thiệt hại được 1,16 tỷ đồng.

Trước thực trạng đó và kinh nghiệm thực tế, để ngăn ngừa, khắc phục những sai phạm trên của một bộ phận cán bộ, công chức các cấp trong việc thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về đạo đức công vụ, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị các cấp về đạo đức công vụ và xác định đúng ý nghĩa, vai trò của pháp luật đạo đức công vụ trong thực hiện thi cộng vụ. Trong tuyên truyền, giáo dục, cần tránh khẩu hiệu chung chung, tổ chức kiểu “phong trào” mà phải có chương trình, mục tiêu cụ thể. Theo đó, công chức đảm nhiệm và giải quyết công việc phải đề cao trách nhiệm, đề cao kỷ luật, tôn trọng tập thể, tổ chức, tự trọng, tự tôn trọng danh dự, nhân phẩm của mình và của người khác; tự rèn luyện đức cần – kiệm – liêm – chính; thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Hai là, xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về đạo đức công vụ.Hệ thống thể chế về đạo đức công vụ đang dần được hoàn thiện. Những quy định pháp luật về đạo đức công vụ đã được quy định trong Hiến pháp 2013, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Tuy vậy, những quy định trong các văn bản còn thiên về tính định hướng và chưa phản ánh được đầy đủ các khía cạnh về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Đặc biệt, tính chế tài và mức độ pháp điển hóa chưa cao. Do đó, cần phải xây dựng luật về đạo đức công vụ. Cụ thể hóa quy định của pháp luật, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cần căn cứ đặc thù chức năng, nhiệm của mình phải xây dựng những chuẩn mực đạo đức công vụ riêng và thực hiện có nghiêm, hiệu quả đối với đội ngũ cán bộ, công chức của mình.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức thực hiện pháp luật về đạo đức công vụ.Hằng năm, mỗi cấp ủy trong các cơ quan của hệ thống chính trị phải có nghị quyết chuyên đề về tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên thực hiện những quy định của pháp luật về đạo đức công vụ. Đồng thời, có biện pháp tiến hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát cụ thể đối với từng tổ chức đảng trực thuộc và mỗi đảng viên nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi, những biểu hiện vi phạm đạo đức công vụ.

Trách nhiệm của “các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin- cho”, “duyệt- cấp”; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công…”(1).

Trên cơ sở nghị quyết của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan cụ thể hóa bằng quy chế, quy định áp dụng trong nội bộ và tổ chức thực hiện bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức tiến hành giám sát cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ thông qua nhiều kênh khác nhau như thư góp ý, phản ánh của công dân; qua Ban Thanh tra nhân dân và các tổ chức đoàn thể nhằm bảo đảm mỗi cán bộ, công chức luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bốn là, xây dựng, ban hành bộ tài liệu bồi dưỡng về đạo đức công vụ và thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức về đạo đức công vụ.

Để thực hiện tốt điều này, cần phải xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Trong đó, cụ thể hóa quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đạo đức công vụ phù hợp với từng đối tượng (chức vụ, quyền hạn), từng cấp bậc (địa phương, cơ sở), từng ngành, lĩnh vực cụ thể và phù hợp với thời gian bồi dưỡng, tập huấn, với mục tiêu trang bị cho cán bộ, công chức những quy định cơ bản, quan trọng về đạo đức công vụ khi thực hiện nhiệm vụ công. Trên cơ sở đó, mỗi người hiểu, thực hiện đúng, đầy đủ (tròn) trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân khi thực hiện công vụ.

Năm là, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về đạo đức công vụ.Cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Thanh tra, Ủy ban kiểm tra các cấp trong giải quyết nghiêm minh, khách quan, kịp thời các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ nhằm góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Sáu là, nêu cao tinh thần tự tu dưỡng đạo đức cá nhân gắn với cơ chế kiểm tra giám sát của cơ quan, đoàn thể và nhân dân.

Mỗi cán bộ, công chức cần nêu cao tính “tự luật” (tự giác tuân theo kỷ luật) của đạo đức, bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “tự phê bình và phê bình”, hướng sự giáo dục thành quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện, tự tu dưỡng của công chức. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của mọi người. Mỗi cán bộ, công chức phải biến việc học tập đó thành hành động cụ thể trong hoạt động công vụ nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung.

Để có một nền đạo đức công vụ cách mạng, bền vững, đòi hỏi phải thực hiện pháp luật đạo đức công vụ hiệu quả và gắn với việc triển khai thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp việc tổ chức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm phục vụ Nhân dân tốt nhất, hiệu quả nhất.

________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.41.

                                                                  ThS Đỗ Văn Lanh

                                                    Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền