Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao hiệu quả văn hóa đối ngoại trong hội nhập quốc tế
Thứ hai, 19 Tháng 6 2017 11:57
2880 Lượt xem

Nâng cao hiệu quả văn hóa đối ngoại trong hội nhập quốc tế

(LLCT) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa trở thành “sức mạnh mềm” trong sức mạnh tổng hợp quốc gia. Văn hóa có sức thâm nhập mạnh mẽ, có thể đạt được mục tiêu mà các biện pháp chính trị và quân sự khó đạt được. Kênh văn hóa được sử dụng như một phương tiện hiệu quả hỗ trợ thúc đẩy quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế,...

Nhiều nghiên cứu cho rằng, sự đối thoại giữa các nền văn minh sẽ đưa đến “sự kết tụ tâm hồn phương Đông và lý tính của phương Tây”, sẽ đạt tới “sự hiểu biết lẫn nhau mang tính lịch sử” và “bằng cách đó, bảo đảm hòa bình và công lý trên toàn thế giới”. Tuyên bố của UNESCO về đa dạng văn hóa đã nhìn nhận đa dạng văn hóa như “di sản chung của nhân loại”, coi “việc bảo vệ tính đa dạng văn hóa là chỉ lệnh đạo đức”, có ý nghĩa quan trọng như Tuyên bố chung về các quyền con người.

Giao lưu, hội nhập văn hóa là một hiện tượng mang tính tất yếu khách quan, xuất phát từ chính nhu cầu phát triển của nhân loại, là một quy luật vận động và phát triển của văn hóa. Thông qua quá trình hội nhập văn hóa, các dân tộc có điều kiện học hỏi, tiếp nhận những giá trị văn hóa tiến bộ của nhau để phát triển. Trong xu thế mở cửa, hội nhập và môi trường công nghệ số hóa toàn cầu hiện nay, sự tác động qua lại, giao lưu, hợp tác và chia sẻ giữa các nền văn hóa khác nhau đang ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, “hội nhập quốc tế” được coi là một giá trị văn hóa mới, giá trị “văn hóa cốt lõi” của nhân loại và của mỗi quốc gia.

“Văn hóa đối ngoại được xác định là tổng thể các hoạt động ứng xử, giao lưu, hợp tác về văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác, khu vực cộng đồng này với khu vực cộng đồng khác nhằm giới thiệu những tinh hoa và giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú và lan tỏa giá trị văn hóa quốc gia trong cộng đồng quốc tế”(1).

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến phát triển văn hóa đối ngoại. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó xác định việc “Tăng cường, chủ động hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hóa” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ngày 13- 5- 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22 - NQ/TW ngày 10- 4 - 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đã xác định nhiệm vụ phải xây dựng Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết 33) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” và xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong việc chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.

Ngày 8 - 2- 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 210 QĐ - TTg phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh: “Văn hóa đối ngoại là một bộ phận quan trọng đặc biệt của nền văn hóa quốc gia, thể hiện sức mạnh nội sinh của dân tộc, có vai trò tích cực trong việc nâng cao vị thế của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước. Văn hóa đối ngoại Việt Nam là nền văn hóa đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng. Phát triển văn hóa đối ngoại Việt Nam là sự nghiệp toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, trong đó Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và xây dựng thông điệp hình ảnh quốc gia. Phát triển văn hóa đối ngoại phải đồng bộ, toàn diện, gắn liền với các nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, đồng thời phải dựa trên cơ sở phát triển văn hóa trong nước, gắn bó chặt chẽ với quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của tòn cầu hóa về văn hóa”(2).

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, hoạt động văn hóa đối ngoại của nước ta đã bám sát, phục vụ hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần phát huy sức mạnh đối ngoại toàn diện của Việt Nam. Hàng loạt hoạt động văn hóa đối ngoại với quy mô khác nhau đã được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới.

Nổi bật trong các hoạt động văn hóa ở nước ngoài là các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan và Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Nhiều chương trình đã có sức lan tỏa lớn, đi vào tâm trí của người dân nước sở tại, trở thành thương hiệu, tiêu biểu như các sự kiện: “Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản” lần thứ 9 được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, tháng 6-2016, với nhiều hoạt động sôi nổi, như: âm nhạc, thời trang, biểu diễn nghệ thuật dân tộc và hiện đại. Đặc biệt, có hơn 110 gian hàng, bao gồm quầy ẩm thực và các gian trưng bày hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, giới thiệu những điểm du lịch của Việt Nam như các di sản thế giới hay những khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam; Sự kiện “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Philippines 2016” được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Philippines (12-7-1976 – 12-7-2016), với rất nhiều chương trình phong phú, như: các buổi biểu diễn giao lưu nghệ thuật cùng các nghệ sĩ Philippines tại tỉnh Bulacan; triển lãm “Sơn mài và Thổ cẩm Việt Nam”, giới thiệu hơn 100 hiện vật gồm các sản phẩm sơn mài và thổ cẩm truyền thống, trang phục áo dài, trang phục một số dân tộc và đặc biệt là bộ sưu tập búp bê trong trang phục các dân tộc, cùng nhiều hiện vật thổ cẩm khác…Thành công của các sự kiện đã khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc triển khai những hoạt động tổng hợp văn hóa, chính trị, kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thúc đẩy một cách thực chất và hiệu quả quan hệ toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước.

Thông qua các hoạt động văn hóa đối ngoại, Việt Nam đã vận động thành công UNESCO công nhận một loạt các danh hiệu quốc tế; đã hỗ trợ các địa phương trên cả nước tham gia tích cực vào các hoạt động đối ngoại chung, đồng thời qua đó tiếp thu tốt hơn các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương một cách bền vững.

Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia; đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, từng bước xây dựng thị phần cho công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế; thành lập một số Trung tâm Văn hoá ở một số khu vực trọng điểm trên thế giới; thiết lập đội ngũ Tham tán văn hóa, Tùy viên Văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và hệ thống Trung tâm văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hoá từ trong nước; phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước…

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai thành công một số chương trình liên hoan nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam, tạo điều kiện cho công chúng Việt Nam được tiếp cận với các nền văn hóa, nghệ thuật đa dạng của thế giới, khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Tiêu biểu như “Festival pháo hoa quốc tế Đà Nẵng”…

Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, du lịch tại Việt Nam. Phối hợp triển khai các Tuần Văn hoá, những sự kiện văn hóa lớn của các nước tại Việt Nam. Tiêu biểu như: Tuần văn hóa Việt Nam- Ấn Độ, tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh (1- 2017) với các hoạt động phong phú, như: Triển lãm ảnh hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, triển lãm giới thiệu đất nước Ấn Độ, ngày Yoga, trình diễn thời trang Việt Nam - Ấn Độ, giới thiệu điện ảnh Ấn Độ, giao lưu ẩm thực... Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ (6-7-2007 - 6-7-2017); Sự kiện Tuần lễ Pháp ngữ 2017 tại Việt Nam (3- 2017) với nhiều hoạt động phong phú, như: Liên hoan phim Pháp ngữ, các chương trình biểu diễn ca nhạc, kịch, triển lãm, tọa đàm…

Nhờ đó, các hoạt động văn hóa đối ngoại đã góp phần quan trọng vào thành công chung của hoạt động đối ngoại, từng bước nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới, đồng thời tạo điều kiện để nhân dân thế giới, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài được tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa nghệ thuật tiêu biểu từ trong nước, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam.

Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế và coi đó như một cơ hội để quảng bá các giá trị văn hóa của mình đến với thế giới cũng như tiếp thu những tinh hoa của các nền văn hóa khác nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, phát triển kinh tế và nâng cao vị thế đất nước.

Qua quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, văn hóa Việt Nam nói chung, lối sống người Việt Nam nói riêng được phát triển và ngày càng phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Với bản sắc truyền thống của người Việt là nhẹ nhàng, tế nhị, kín đáo, chan hòa với thiên nhiên, qua quá trình tiếp biến với lối sống văn hoá phương Đông, phương Tây và văn hóa XHCN, những nét đặc sắc của lối sống dân tộc Việt Nam được nâng cao trên nền văn hoá tổng hợp có tính quốc tế và đầy trí tuệ của thời đại.

Qua hơn 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin hiện đại, các giá trị của toàn cầu hóa đã tác động mạnh mẽ tới lối sống Việt Nam, tạo ra những chuyển biến quan trọng trong lối sống. Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tư tưởng nhân văn, giá trị đạo đức, tri thức, khoa học tiên tiến trên thế giới để làm phong phú hơn, hiện đại hơn, giàu đẹp hơn nền văn hóa dân tộc. Đồng thời, văn hóa đối ngoại cũng góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiến tới định hướng phát triển cho một nền văn hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam còn không ít những hạn chế, bất cập, đó là: nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về văn hóa đối ngoại và việc triển khai công tác văn hóa đối ngoại còn hạn chế; sự liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đối ngoại nhân dân, các tổ chức nghệ thuật…còn thiếu đồng bộ. Do đó, chưa có các chương trình quảng bá văn hóa đối ngoại quy mô lớn tại nước ngoài; các chương trình có chất lượng cao, đặc sắc chưa nhiều; công tác tuyên truyền về văn hóa đối ngoại chưa được quan tâm thích đáng, chưa tạo được sự lan tỏa…

Bên cạnh đó, trong quá trìnhhội nhập quốc tế, sự tiếp xúc giữa các nền văn hóa, văn minh, có thể tạo ra sự xung đột giữa các nền văn minh(3). Huntington dự đoán, nguồn gốc xung đột trong thế giới mới không còn là hệ tư tưởng và kinh tế nữa, mà là văn hóa. Ông cho rằng văn hóa là cơ sở của các nền văn minh và khẳng định “sự xung đột giữa các nền văn minh sẽ là nhân tố chủ đạo của chính trị thế giới”(4). Những thách thức lớn đang diễn ra hiện nay, như khủng bố, xung đột sắc tộc, vấn đề di cư, tị nạn, chủ nghĩa Dân túy có chiều hướng phát triển ngày càng phức tạp trong bối cảnh đa dạng, đa phương hóa như hiện nay, đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển văn hóa của từng quốc gia, dân tộc; buộc họ “phải lựa chọn cho mình một thái độ ứng xử, một chính sách phát triển về văn hóa để đạt tới mục tiêu phát triển chung”(5).

Do vậy, trong giao lưu, hội nhập văn hóa, chúng ta cần tuân thủ những vấn đề có tính nguyên tắc, đó là:

Thứ nhất, hội nhập văn hóa phải có sự tiếp thu có chọn lọc những giá trị của các nền văn hóa khác.

Đối với nước ta, nhìn lại lịch sử phát triển văn hóa, có thể nói giao lưu, hội nhập văn hóa đã tồn tại lâu đời trong đời sống văn hóa Việt Nam. Nền văn hóa dân tộc đã có sự tiếp biến với các nền văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, ... Cùng với sự phát triển, sự hiện diện của các giá trị đó ngày càng được tăng cường do sự mở rộng hợp tác quốc tế cùng sự lan tỏa với cường độ cao của văn hóa, văn minh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trên pham vi toàn cầu.

Trong quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa với các nước phát triển, Việt Nam đã tiếp thu được nhiều giá trị và kinh nghiệm sáng tạo mới. Các tác phẩm văn hóa nghệ thuật nước ngoài chính là cầu nối trong việc truyền bá văn hóa thế giới đến với người Việt. Trong quá trình hội nhập với văn hóa toàn cầu, Việt Nam cần chọn lọc những chuẩn mực giá trị mới phù hợp với mục tiêu phát triển văn hóa và nhân cách Việt Nam. Đó là những giá trị gắn liền với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh; những giá trị gắn với sự phát triển đa dạng và toàn diện nhân cách; những giá trị gắn với chân - thiện - mỹ... Quá trình hội nhập, tiếp thu các giá trị nói chung và giá trị văn hóa nói riêng từ bên ngoài cần phải tránh tâm lý sính ngoại, tự ti dân tộc, coi của người khác là văn minh, là hiện đại còn của mình là lỗi thời, là lạc hậu.  Do vậy, việc tiếp thu những giá trị văn hóa của nhân loại phải có sự chọn lọc, phải dựa trên nền tảng của văn hóa dân tộc mình. Đối với Việt Nam thì nền tảng đó chính là những giá trị văn hóa truyền thống đã được hình thành và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước được lưu truyền đến ngày nay.

Thứ hai, ngăn ngừa và đấu tranh chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại.

Ngăn chặn sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại là nhiệm vụ nhằm bảo vệ các giá trị của văn hóa dân tộc. Nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc bảo vệ các giá trị văn hóa Việt Nam thật sự cần thiết để chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ chế độ XHCN mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại, cần sử dụng nhiều hình thức khác nhau đểgiới thiệu, quảng bá lịch sử, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Trong quá trình hội nhập văn hóa, chúng ta không chỉ tiếp nhận các giá trị từ thế giới mà đồng thời chúng ta cũng phải đóng góp những giá trị văn hóa của nước mình với cộng đồng quốc tế làm phong phú, đa dạng giá trị văn hóa của nhân loại.

 Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, đặc biệt là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lối sống nhân văn cao cả, đoàn kết cộng đồng không chỉ có ý nghĩa đối với riêng đất nước ta mà còn có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của nhân loại ngày nay. Đó là động lực to lớn để thúc đẩy các dân tộc không ngừng đấu tranh để bảo vệ mình trước sự xâm lăng của chủ nghĩa đế quốc dưới những hình thức khác nhau.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; tăng cường xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Xã hội hóa việc xây dựng, phát triển văn hóa; có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển.

Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa.

Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi quyền tác giả từ trung ương đến địa phương.

Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.

Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa.

Tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại theo hình thức xã hội hóa với sự tham gia của các tố chức, cá nhân trong và ngoài nước; tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu biên giới.

Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đối ngoại; hỗ trợ quảng bá nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài.

____________________

(1) Chính phủ: Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội, 2015

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.130-131

(3), (4), (5) GS, TS Tạ Ngọc Tấn: Phát triển văn  hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, tr.24.

ThS Dương Thị Thúy Hằng

                                               Học viện Chính trị Khu vực I

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền