Trang chủ    Thực tiễn    Chính sách phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân ở Tây Nguyên
Thứ hai, 26 Tháng 6 2017 09:49
1719 Lượt xem

Chính sách phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân ở Tây Nguyên

(LLCT) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù giúp Tây Nguyên huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc cùng với nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Chính phủ(4). Các bộ, ban, ngành đã kịp thời xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Đảng, tăng cường lực lượng, cán bộ cho Tây Nguyên, giải quyết những vấn đề xã hội cơ bản cho người dân.

1. Chính sách đầu tư của Trung ương cho phát triển dịch vụ xã hội cơ bản ở Tây Nguyên

Miền núi nước ta là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), điều kiện tự nhiên có nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội và có vị thế địa chính trị và an ninh, quốc phòng đặc biệt quan trọng nên luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Với nhiều chương trình, dự án lớn như Chương trình 135 (đặc biệt là giai đoạn 2). Theo Ủy ban Dân tộc thì trong thời gian qua đã có hơn 130 chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đang được triển khai thực hiện ở vùng dân tộc, miền núi; trong đó nhiều chính sách quan trọng tập trung vào lĩnh vực phát triển dịch vụ xã hội (DVXH) cơ bản.

Một số chương trình mà Tây Nguyên đã triển khai hiệu quả là Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững; Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135)(1)bao gồm đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, là dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Triển khai các Chương trình đã có hàng loạt các chính sách trên nhiều lĩnh vực như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo, được thực hiện như Quyết định 134(2). Qua đó, người dân tiếp cận các chính sáchnhằm tăng khả năng tiếp cận các DVXH như việc làm, y tế, điện và nước sạch...

Các chương trình, chính sách này đã mở rộng đối tượng và độ bao phủ, có tính kế thừa và liên tục, bổ sung các chính sách đặc thù(3),... Nhờ vậy, giúp cải thiện điều kiện sống cũng như tăng cơ hội để thoát nghèo, góp phần tăng khả năng tiếp cận các DVXH như việc làm, y tế, điện và nước sạch...

Đối tượng được hưởng hỗ trợ về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt theo Quyết định 134 là các hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn. Trong chính sách này, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ đồng bào DTTS nghèo để có điều kiện sản xuất, cải thiện đời sống, thoát nghèo. Đến Quyết định số 167 đã bổ sung, mở rộng đối tượng cần hỗ trợ cụ thể (thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010) là hỗ trợ hộ nghèo nhà ở để các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững.

Đến Quyết định 755, tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Không chỉ trong lĩnh vực đất ở, nhà ở, nước sạch, Nhà nước đã triển khai chương trình hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định 139;Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện một số dân tộc đặc biệt ít người ở Tây nguyên như dân tộc Rơ Măm, dân tộc Brâu (Kon Tum)...

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù giúp Tây Nguyên huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc cùng với nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Chính phủ(4). Các bộ, ban, ngành đã kịp thời xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Đảng, tăng cường lực lượng, cán bộ cho Tây Nguyên, giải quyết những vấn đề xã hội cơ bản cho người dân.

2. Thực trạng khả năng tiếp cận các chính sách phát triển các dịch vụ xã hội ở Tây Nguyên

DVXH cơ bản nhằm phục vụ trực tiếp những nhu cầu cần thiết của số đông dân cư ở Tây Nguyên trên một số loại hình dịch vụ chủ yếu nhất.

Chính sách về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và hạ tầng

Các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được triển khai chủ yếu ở Tây Nguyên được quy định trong các văn bản 134; 132; 167;30a; 755, 74... thuộc Chương trình 135, nằm trong dự án chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và quyết định 168, Nghị quyết số 10-NQ/TW...

Theo báo cáo của các địa phương về tình hình thực hiện cấp đất sản xuất theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ thì việc giao đất, giao rừng của các tỉnh Tây Nguyên  cho đối tượng 134 đã đạt được kết quả tích cực.

Tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn 2002- 2012, tổng nhu cầu về đất sản xuất là 18.514 hộ DTTS trong Chương trình 132, 134 là 8.063,49 ha. Tính đến năm 2012 tỉnh đã giải quyết được 4.965,92 ha (đạt 62%) cho 14.181 hộ (77%)(5). Riêng trong năm 2015, tỉnh đã bố trí 22,85 tỷ đồng (chưa kể vốn vay từ Ngân hàng CSXH hơn 40 tỷ đồng) để giải quyết dứt điểm cho 1.338 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích 813,34 ha, chuyển đổi chăn nuôi cho 1.343 hộ không còn quỹ đất và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.341 hộ.

Tại tỉnh Kon Tum đã có 1.309 hộ dân là đồng bào DTTS thuộc diện thiếu đất sản xuất trên địa bàn 5 xã, phường của TP. Pleiku, gồm: Chư Á, Biển Hồ, Tân Sơn, phường Hoa Lư và Thắng Lợi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 60 ha. Diện tích đất được cấp 300-900 m2/hộ.

Tại tỉnh Đắk Nông, đến hết năm 2015, toàn huyện Krông Nô đã có 1.197 hộ đồng bào DTTS được giải quyết đất ở và đất sản xuất với diện tích 414,54 ha. Trong đó, đất ở đã giải quyết 512 hộ với diện tích 16,56 ha, đất sản xuất đã giải quyết 685 hộ với diện tích 397,98 ha, còn lại 46 hộ thiếu đất ở và 40 hộ thiếu đất sản xuất. Đối với nhà ở, toàn huyện đã có 687 ngôi nhà được xây mới và sửa chữa lại. Trong đó, 348 ngôi nhà làm mới và 339 ngôi nhà được hỗ trợ sửa chữa lại.

Trong giai đoạn 2002 - 2015, các chương trình, chính sách đượcthực hiện đồng bộ nên các hộ ở Tây Nguyên ổn định đời sống, nâng cao khả năng hưởng thụ các dịch vụ xã hội.

Tỉnh Gia Lai, đến cuối năm 2015 có 95% thôn, buôn có điện, trong đó 96,8% số hộ được dùng điện sinh hoạt (cả nước tỉ lệ là 98,3%); cải tạo, nâng cấp nhựa hoặc bê tông hóa 95,54% các tuyến đường tỉnh, 81% các tuyến đường huyện, 42% các tuyến đường xã và liên xã.

Ở Lâm Đồng, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,8%.

Kon Tum đã tiến hành chi hỗ trợ tiền điện cho 100% hộ nghèo, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 85,5%.

Tại Đắk Nông,kết cấu hạ tầng giao thông có nhiều tiến bộ, tiếp tục được đầu tư, dần hoàn thiện và đồng bộ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường thôn, bon; hạ tầng điện tiếp tục được đầu tư, cải tạo, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân(6).

Tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên trong những năm 2011 - 2014 giảm từ 18,92% xuống còn 11,22%; góp phần tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới(7).

Việc triển khai các chính sách đã góp phần giải quyết được cơ bản những bức xúc về đất ở, đất sản xuất, điện, nước sinh hoạt và hạ tầng giao thông, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân.

Dịch vụ y tế

Việc triển khai hiệu quả Chương trình, chính sách đã từng bước đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc y tế cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và hộ DTTS ở Tây Nguyên(8).

Theo Quyết định 168 thì đồng bào DTTS, hộ nghèo và nhân dân các xã nghèo sẽ được miễn phí toàn bộ tiền khám, chữa bệnh tại các trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện. Bên cạnh đó, các đối tượng là người dân tộc còn được tiếp cận với việc tham gia đào tạo bác sĩ cử tuyển hệ chính quy.

Các chính sách trên đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao cơ sở vật chất kĩ thuật cho các cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân Tây Nguyên, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ DTTS.

So với năm 2005, cơ sở vật chất của ngành y tế của Tây Nguyên có những bước tiến dài. Năm 2015, Tây Nguyên có 860 cơ sở khám chữa bệnh; trong đó có 77 bệnh viện, 51 phòng khám khu vực, có 2 bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng và 726 trạm y tế xã, phường, cơ quan, xí nghiệp. Tổng số giường bệnh là 14.742 giường (trong đó ở các bệnh viện là 10.547 giường; ở phòng khám khu vực là 561 giường; ở điều dưỡng và phục hồi chức năng là 150 giường và ở trạm y tế xã phường, cơ quan là 3.399 giường(9).

Hệ thống mạng lưới y tế rộng khắp các tỉnh, 100% số xã có trạm y tế. Mạng lưới y tế cộng đồng mở rộng, số nhân viên y tế thôn, buôn, bon, làng không ngừng tăng lên, đội ngũ cán bộ y tế ngày càng được tăng cường, hiện có 14.260 cán bộ y tế đang làm việc ở các tuyến (gấp 1,75 lần so với năm 2005), trong đó có 3.626 bác sĩ; 3.265 y sĩ; 5.681 y tá và 2.048 hộ sinh, 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi làm việc, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc đạt trên 79%. Đặc biệt, 82,4% số trạm y tế xã ở các tỉnh Tây Nguyên đã có bác sĩ làm việc, trong đó tỉnh Đắk Lắk có gần 100% số trạm y tế xã có bác sĩ, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (cả nước đạt 78,5%) và cao hơn so với vùng trung du, miền núi phía bắc (67,4%).

Theo báo cáo của các tỉnh năm 2015, gần 30% số trạm y tế tuyến xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, riêng tỉnh Đắk Lắk  có 75,5% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến 2020. Tỉnh Gia Lai tiếp tục đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế, mua sắm trang thiết bị (10); công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân được tăng cường.

Năm 2015, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng của các tỉnh giảm, trên 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập theo quy định.Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số(11).  

Tây Nguyên còn là nơi được ưu tiên triển khai hàng loạt các dự án trong khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Trong giai đoạn 1 (2004 - 2009) với tổng vốn là 30.579.000 USD. Hiện đang tiếp tục triển khai ở giai đoạn 2, cải thiện cơ sở vật chất thông qua việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện huyện, cung cấp trang thiết bị y tế và hệ thống thông tin quản lý y tế cho các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, xã và y tế thôn, bản, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở và thúc đẩy hành vi chăm sóc sức khỏe chủ động và sử dụng các dịch vụ y tế ngày càng có hiệu quả(12)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì do tình trạng tăng dân số cơ học, nhiều đồng bào DTTS sống cách biệt tại vùng sâu, vùng xa hay do còn tồn tại những hủ tục... nên công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại các tỉnh Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, chất lượng thấp. Thống kê năm 2015 cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân Tây Nguyên mới đạt 69,9 tuổi (trung bình cả nước là 73,3 tuổi); tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 24,8 trẻ/1.000 trẻ, trong khi trung bình cả nước là 14,7 trẻ/1000 trẻ; tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 37,7/1.000, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng tại Lâm Đồng ởmức 14,1%, Đắk Lắk là 21,5%.

Năm 2015, bình quân cả nước 1 vạn dân có 27,1 giường bệnh, 8 bác sĩ; trong khi Gia Lai đạt 22,8 giường bệnh;Đắk Lắk có 22,79 giường/ 1 vạn dân. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của ngành y tế ở Tây Nguyên phân bổ chưa đều, nhiều huyện, trạm y tế xã còn thiếu bác sĩ. Ở Gia Lai mới có 83,3% số trạm y tế xã có bác sĩ, có 7,18 bác sĩ/1 vạn dân, thấp hơn trung bình cả nước; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chỉ  đạt 76,7%(13).

Mặt khác, mặc dù Chính phủ đã hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, nhiều địa phương đã chủ động cân đối ngân sách hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho các hộ cận nghèo, tuy nhiên năm 2015 vẫn còn gần 40% số người cận nghèo chưa tham gia BHYT. Nhiều tỉnh còn khó khăn chưa thể hỗ trợ cho người dân thì tỷ lệ người thuộc các gia đình cận nghèo chưa tham gia BHYT còn cao hơn (như Đắk Lắk còn khoảng 90%, Kon Tum còn 95%, Đắk Nông còn 97%).

Chính sách hỗ trợ dịch vụ giáo dục - đào tạo

Chính sách tác động mạnh đến giáo dục của dân cư Tây Nguyên nói chung và con em đồng bào DTTS nói riêng là Quyết định 168/2001/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mạng lưới trường được xây dựng phủ khắp các xã, buôn làng vùng sâu, vùng xa thuận lợi cho học sinh đến trường. Năm 2015, toàn vùng đã có 2.272 trường phổ thông, với nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú. Số lượng học sinh và giáo viên tăng lên. Đặc biệt, số học sinh là con em đồng bào DTTS liên tục tăng. Năm 2015, toàn vùng có 420.603 học sinh là đồng bào DTTS (chiếm 36,9% học sinh của vùng). Tuy vậy, số học sinh DTTS bậc THPT chỉ có 40.020 học sinh, tỉ lệ 9,51%, thấp hơn so với trung bình của vùng (15,59%)(14).

Giáo dục đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được coi trọng; mạng lưới cơ sở dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, số lượng ngành nghề đào tạo tăng dần.Năm 2015 Tây Nguyên đã có 1.609 giảng viên và 40.859 sinh viên.

Hiện nay, số lượng đồng bào DTTS công tác trong các ngành đều tăng. Năm 2015, số giáo viên là người DTTS của Tây Nguyên là 5.299 người (chiếm 8,03% tổng số giáo viên toàn vùng), chủ yếu là giáo viên tiểu học (54,29% trong tổng số giáo viên DTTS).

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục - đào tạo vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, vẫn còn 103 xã chưa có trường mầm non, 43 xã chưa có trường trung học cơ sở, hệ thống trường nội trú, bán trú phát triển chưa tương xứng. Do thiếu kinh phí đầu tư nên ở Đắk Lắk, vẫn còn 3 xã, phường chưa có trường THCS (chiếm 1,63%); nếu không tính học ghép vẫn còn 112/2.151 thôn, buôn chưa có phòng lớp mầm non (chiếm tỷ lệ 5,2%), còn 262 phòng học mượn cần được tiếp tục đầu tư xây dựng (chủ yếu ở bậc học mầm non); tỷ lệ trường chuẩn quốc gia không đạt kế hoạch đề ra.

Chất lượng giáo dục khu vực học sinh DTTS tại Đắk Nôngvẫn thấp, mà chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả, tỉ lệ các em có điều kiện khó khăn bỏ học còn cao. Cơ sở vật chất giáo dục khó khăn, tiến trình xây dựng các trường chuẩn quốc gia còn thiếu nguồn lực.

Dịch vụ về giải trí, thông tin, văn hóa, thể thao

Quyết định 168/2001/QĐ-TTg được triển khai thực hiện đã hỗ trợ kinh phí cho việc thực hiện chương trình văn hóa và đưa sách báo xuống tận buôn, xã, làng.  Hiện nay toàn Tây Nguyên đã có 59 thư viện và csố sách là 1.578,7 nghìn bản. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ và công tác thông tin phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được quan tâm. Các đoàn nghệ thuật, các đội thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động tăng cường đến phục vụ cho đồng bào dân tộc, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được tăng cường. Hạ tầng thể dục thể thao được phát triển theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì.Mạng lưới bưu chính viễn thông cơ bản được đầu tư hoàn thiện đến cơ sở; phát thanh, truyền hình ngày càng đa dạng về loại hình và phong phú nội dung, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân(15).

Tuy nhiên, việc bảo đảm không gian sinh sống cho các buôn, làng của đồng bào DTTS để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc còn những bất cập.

3. Những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân ở Tây Nguyên và hướng giải quyết

- Các chính sách giải quyết đất sản xuất theo Chương trình 132/134 có định mức giao đất tối thiểu/ hộ quá thấp so với nhu cầu,chưa phù hợp với sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (hầu hết áp dụng định mức tối thiểu vì thiếu quỹ đất). Với định mức này, chỉ có đồng bào người Kinh hoặc với số ít dân tộc ít người có trình độ thâm canh cao mới đủ khả năng tạo ra thu nhập để thoát nghèo. Do thiếu nguồn lực cơ bản để ổn định sinh kế là đất đai nên sự tiếp cận của người dân đến các DVXH cơ bản như y tế, giáo dục còn nhiều hạn chế.

- Quá trình thực hiện các chính sách phát triển KT-XH ở vùng Tây Nguyên đã nảy sinh những bất cập, có trường hợp làm sai, nóng vội, vì lợi ích cá nhân, nhóm... nên hiệu quả  xã hội không cao, thậm chí làm lãng phí nguồn lực. Chẳng hạn, dự án chuyển đổi hàng trăm hécta rừng nghèo sang trồng cao su và cây công nghiệp ở Tây Nguyên là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, có nơi lợi dụng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép. Quá trình thực hiện nảy sinh những thiếu sót, chưa thực sự công tâm trong quá trình thẩm định, phê duyệt, giao dự án dẫn đến diện tích rừng bị xâm hại. Có doanh nghiệp xin dự án rồi chuyển đổi, sang nhượng dự án (bằng cách lách luật dưới dạng góp vốn đầu tư) nhằm trục lợi cá nhân chứ không thực sự phát triển dự án bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người DTTS tại chỗ như mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Mặt khác, do phong tục tập quán, thói quen trong đời sống sản xuất, đại bộ phận đồng bào DTTS còn tâm lý thụ động, ỷ lại, thỏa mãn với cuộc sống hiện tại, do đó nhiều chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS được triển khai nhưng chỉ mang tính hỗ trợ ban đầu nên phần lớn trong việc tiếp cận với  các DVXH, việc tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giải quyết việc làm,việc mở rộng hoạt động khuyến nông, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xacòn nhiều hạn chế, thiếu bền vững.

Theo tổng hợp sơ bộ của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, năm 2015 các tỉnh Tây Nguyên đã giảm được 35 nghìn hộ nghèo, tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn 2011 - 2015) còn 8,5%, trong đó tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS còn 18%, giảm 4,5% so với năm 2014. Tuy nhiên, mức độ giảm nghèo cũng như tỉ lệ giảm nghèo chưa đạt kết quả như mong đợi, chưa đều giữa các tỉnh trong vùng và giảm nghèo chưa thật sự bền vững.

Việc thực hiện lồng ghép các chương trình, cơ chế, chính sách còn chồng chéo và hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa cao. Do trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật của phần lớn các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, các hộ đồng bào DTTS ở vùng sâu còn hạn chế nên dẫu có đất, được vay vốn nhưng các hộ không biết đầu tư vào đâu cho hiệu quả. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong khi đầu ra của hàng hóa nông nghiệp bấp bênh như hiện nay, thì thoát nghèo bền vững sẽ vẫn chỉ là mong muốn. Đây được coi là nút thắt cần tháo gỡ, không chỉ bằng vốn và công tác khuyến nông.

Trong thời gian tới, cần xây dựng chính sách cho Tây Nguyên theo hướng tổng thể, giải quyết nhiều mục tiêu với nguồn lực đủ mạnh cho từng địa phương để triển khai thực hiện, có những giải pháp thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng có nhiều cơ chế, chính sách chồng chéo, nhiều đầu mối quản lý như hiện nay gây khó khăn không chỉ cho việc triển khai các chương trình, chính sách mà còn khó khăn trong việc kiểm toán, giảm hiệu quả đầu tư, gây thất thoát vốn và các nguồn lực.

Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng, trình độ và đạo đức của đội ngũ cán bộ quản lý.

Liên tục bổ sung các nội dung chính sách để giải quyết những khó khăn, bất cập; có chính sách đặc thù cho từng địa phương, đặt ra các ưu tiên như giải quyết đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ phát triển sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ; hỗ trợ đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hồ chứa, công trình thủy lợi...

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2016

(1) Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành ngày 31-7-1998 Chương trình 135 gồm giai đoạn 1 (1998 - 2005) và giai đoạn 2 từ 2006 - 2015. Giai đoạn 2016 - 2020 chương trình sẽ bao phủ 2.275 xã của 48 tỉnh, thành phố  trên toàn quốc.

(2) Quyết định 134/2004/QĐ-TTg:Thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

 (3) Quyết định 755 của TTg: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013 - 2015.

(4)Như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa 9) về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020.

(5) Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Gia Lai năm 2015.

(6) Ban chỉ đạo Tây Nguyên - Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hộinăm 2015 của các tỉnh Tây Nguyên.

(7) Báo cáo sơ kết ba năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và hai năm phối hợp.

(8) Quyết định 139 của Thủ tướng: đối tượng được thụ hưởng bao gồm người nghèo, nhân dân các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, và nhân dân các DTTS vùng Tây Nguyên theo Quyết định số168/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30-10-2001.

(9) Tổng cục thống kê - số liệu thống kê 2015 - mục  y tế văn hóa, đời sống.

(10) Toàn tỉnh hiện có 3.530 giường bệnh, đạt 22,8 giường bệnh/vạn dân (trong đó: tuyến tỉnh 1.390 giường; tuyến huyện 1.100 giường; tuyến xã 1.040 giường), với 4.638 cán bộ y tế (có 294 bác sỹ sau đại học), đạt 7,18 bác sỹ/1 vạn dân; tỷ lệ bác sỹ công tác tại tuyến xã đạt 80%, 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; có 2.116 nhân viên y tế thôn bản.

(11) Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định: phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ tháng đầu sau sinh con. Đối tượng thụ hưởng sẽ được nhận trực tiếp 2 triệu đồng/người bằng tiền mặt từ tháng đầu sau khi sinh con.

(12)Hội nghị triển khai dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2; http://moh.gov.vn

(13) UBND tỉnh Gia Lai: Báo cáo tình hình KT-XH năm 2015.

(14) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2015; mục giáo dục.

(15) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2015 - mục y tế, văn hóa, giáo dục.

 

TS Trần Văn Thạch

Học viện Chính trị khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền