Trang chủ    Thực tiễn    Đầu tư trực tiếp nước ngoài - những thành tựu và vấn đề đặt ra
Thứ hai, 26 Tháng 6 2017 09:55
3857 Lượt xem

Đầu tư trực tiếp nước ngoài - những thành tựu và vấn đề đặt ra

(LLCT) - Từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành (1988), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được khơi thông nhanh chóng và có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, bên cạnh những tác động tích cực, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tháo gỡ.

 

1. Những thành tựu

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có lực lượng lao động trẻ dồi dào, tài nguyên phong phú, lại ở vị trí chiến lược, nhưng lại thiếu nguồn vốn đầu tư. Do vậy, FDI là đặc biệt cần thiết cho sự nghiệp CNH, HĐH, nhất là ở giai đoạn đầu. Nhận thức rõ thực tế đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chính sách mở cửa, với chính sách ưu đãi FDI. Việc thu hút FDI đã đạt nhiều kết quả quan trọng và đã có những tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam như: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ, cải thiện năng suất lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế... Cụ thể là:

Thứ nhất, bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển

Khu vực FDI đã chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển của đất nước. Giai đoạn 2001-2006, đầu tư nước ngoài bao gồm FDI và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI) đóng góp khoảng 16% tổng vốn đầu tư phát triển. Năm 2013, FDI chiếm 22%, năm 2014 chiếm 21,7%, năm 2015 chiếm đến 23,3% tổng vốn đầu tư xã hội ở Việt Nam.

Thứ hai, tạo việc làm, tăng thu nhập

Số dự án FDI tăng lên không ngừng theo từng năm. Điều này tác động rất lớn đến thị trường việc làm. Hiện nay có 3,5 triệu lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp FDI. Về vai trò của FDI, có ý kiến cho rằng: “Nếu không có FDI, chúng ta không thể có tăng trưởng như hiện nay và thu nhập quốc dân cũng không thể đạt được mức gần 2.000 USD/người”(1).

Cùng với tạo việc làm cho người lao động, khu vực FDI còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Làm việc tại các doanh nghiệp FDI, với môi trường làm việc hiện đại, người lao động được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, được tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại,... qua đó, nâng cao trình độ tay nghề, hình thành tác phong công nghiệp.

Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ do đó FDI thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP và trong cơ cấu lao động. Lũy kế tính đến hết năm 2015, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu về số vốn đầu tư cũng như số dự án, đạt 156.739,9 triệu USD với 10.555 dự án, chiếm 56,89% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đầu tư vào khu vực bất động sản đứng thứ 2, với tổng số vốn đầu tư hơn 50.674,5 triệu USD, chiếm 18,39% tổng vốn đầu tư. Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ có 546 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đạt 3.989,3 triệu USD, chiếm 1,44% tổng vốn FDI tại Việt Nam.

Thứ tư, tác động đến xuất nhập khẩu

Khu vực FDI tác động tích cực đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Với điều kiện về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam hội tụ những điều kiện thuận lợi để các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư để sản xuất, gia công hàng hóa để xuất sang các thị trường khác, góp phần quan trọng gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI còn đáp ứng một phần nhu cầu hàng hóa trong nước, làm giảm nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Theo báo cáo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016 của Tổng cục Hải quan, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu 10,25 tỷ USD. Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt gần 104,45 tỷ USD, chiếm 64,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó xuất khẩu chiếm 71,28% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu chiếm 59% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Thứ năm, chuyển giao công nghệ

FDI là kênh quan trọng thu hút công nghệ từ các nền công nghiệp tiên tiến vào Việt Nam. Là quốc gia đang phát triển, công nghệ còn lạc hậu so với thế giới, do vậy FDI được coi là nguồn lực quan trọng để nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, rút ngắn con đường phát triển. FDI là con đường ngắn nhất để tiếp cận công nghệ hiện đại. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, FDI đã góp phần thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao năng lực sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao của nền kinh tế. Một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến của thế giới, như: bưu chính - viễn thông, dầu khí, xây dựng, cầu đường,...

Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút FDI để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

2. Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh những tác động tích cực từ FDI, việc thu hút FDI thiếu lựa chọn thận trọng, bỏ qua những tiêu chuẩn về công nghệ, bảo vệ môi trường, đã tác động xấu đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững...

Thứ nhất, vấn đề về môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, có khoảng 67% doanh nghiệp FDI thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, 80% có công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải cao. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm đầu tư vào Việt Nam. Báo cáo của Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại Hội thảo “Giảm thiểu các tác động môi trường của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” (3-2016) có 150 doanh nghiệp FDI năm 2011, trong đó 45% doanh nghiệp chưa áp dụng quy trình sản xuất ít phát thải, 69% doanh nghiệp cho rằng họ sẽ không thực hiện quy trình giảm phát thải nếu như đó không phải là yêu cầu bắt buộc, 57,7% không áp dụng với lý do chi phí cao... Trên thực tế, nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp; hiện chỉ có khoảng 66% trong số 289 khu công nghiệp trên cả nước có trạm xử lý nước thải tập trung. Tại đồng bằng sông Cửu Long có 75% khu và 85% cụm công nghiệp chưa có xử lý nước thải tập trung.

Có thể nhận định, FDI tại Việt Nam “chưa sạch”, các vấn đề về xử lý chất thải, lấn chiếm đất rừng, các khu sinh thái để mở rộng khu công nghiệp gây xáo trộn đến động - thực vật, phá hủy đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu... đã và đang gây ra rất nhiều thiệt hại nặng nề đối với môi trường cũng như bức xúc đối với người dân. Điển hình là Công ty Vedan đã gây ra 80-90% ô nhiễm sông Thị Vải. Nước sông tại các vùng này bị ô nhiễm nặng nề, nước có màu đen hôi, cá chết hàng loạt. Việc xả thải không qua xử lý, trốn nộp phí môi trường trong nhiều năm để tăng lợi nhuận đã khiến môi trường thiên nhiên phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân địa phương cũng như những vùng lân cận. Sự việc gần đây nhất, công ty Formosa Hà Tĩnh với công suất xả thải 12.000m3/1 ngày đêm chứa độc tố phê-non, xy-a-nua, kết hợp hyđrôxít sắt..., tạo thành một dạng phức hỗn hợp quá tiêu chuẩn cho phép đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm thiệt hại to lớn về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống, tư tưởng của nhân dân, gây bức xúc dư luận...

Thứ hai, vấn đề về công nghệ. Bên cạnh một số ít sử dụng công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp FDI còn sử dụng khá nhiều công nghệ có trình độ trung bình thậm chí là trình độ thấp, lạc hậu. Rất nhiều chuyên gia dự báo rằng, Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới nếu vẫn tiếp tục tiếp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, công nghệ “thanh lý” từ nước ngoài. Nhiều trang thiết bị được nhập về qua các chương trình chuyển giao công nghệ nhưng không đem lại hiệu quả, do đã quá lạc hậu. Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, từ năm 2010 - 2014, chỉ có hơn 5% công nghệ chuyển giao là công nghệ cao, 80% là công nghệ trung bình, còn lại 14% là lạc hậu và thấp.

Thứ ba, mất cân đối giữa các nhóm ngành kinh tế. Mặc dù là ngành có tiềm năng cũng như lợi thế để phát triển, nhưng tỷ trọng FDI vào ngành nông - lâm - ngư nghiệp lại thấp. Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ba tháng đầu năm 2016 cả nước có 530 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp với vốn đầu tư đạt 3,7 tỷ USD, chiếm 2,9% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn FDI. Tại đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, đến thời điểm tháng 7-2015, số dự án FDI nông nghiệp cũng chỉ rất ít, với số vốn 250 triệu USD trên tổng số gần 12 tỷ USD đăng ký của hơn 900 dự án. Chất lượng của các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, quy mô các dự án nhỏ lẻ. Quy mô vốn trung bình của dự án trong ngành nông nghiệp chỉ khoảng 7 triệu USD/dự án. Không những ít, phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều. Các dự án chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực thu hồi vốn nhanh như trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Vốn đầu tư cho các ngành chế biến nông sản, thủy sản còn rất ít. Trong khi xu thế FDI vào khu vực nông nghiệp của thế giới đang ngày một tăng, thì Việt Nam lại đang đi ngược lại với xu thế đó.

Thứ tư, vấn đề chuyển giá, trốn thuế. Một số doanh nghiệp FDI đã chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng tới cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Trong 9 tháng đầu năm 2015, ngành Thuế đã kiểm tra và phát hiện 1.600 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Hiện tượng chuyển giá hầu như đều xảy ra ở các công ty đa quốc gia. Tại Việt Nam, hiện tượng chuyển giá đã xuất hiện ngày càng nhiều. Một số doanh nghiệp FDI là chi nhánh, công ty con các công ty đa quốc gia đã lợi dụng kẽ hở trong quản lý nhà nước để thực hiện chuyển giá bằng cách “lỗ công ty con, lãi công ty mẹ”.Theo Bộ Tài chính, hiện có 20-30% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động kê khai có kết quả kinh doanh lỗ nhiều năm liên tiếp. Điển hình là Công ty Coca - Cola Việt Nam và Pepsico Việt Nam. Trong hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh vào thị trường Việt Nam, cả hai công ty liên tục báo lỗ để trốn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi doanh thu của 2 công ty vẫn tăng cao; cả hai công ty vẫn có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất.

Thứ năm, nảy sinh một số vấn đề xã hội phức tạp. Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp chưa gắn với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp. Sự gia tăng nhanh về số lượng lao động nhập cư đến làm việc tại các khu công nghiệp đã tạo sức ép về nhà ở cho người lao động có mức thu nhập thấp, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp tập trung, như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh...  Bình Dương mới chỉ bảo đảm nhà ở cho 15% số lao động, Đồng Nai: 6,5%, Thành phố Hồ Chí Minh: 4%. Những điều kiện sinh hoạt tối thiểu tại các phòng trọ không đảm bảo,ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Hầu hết người lao động tại các khu công nghiệp không có nơi sinh hoạt văn hóa, nên không ít người đã sa vào tệ nạn xã hội.

Hiện nay, có hơn 2,4 triệu lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó 60-70% là lao động nữ và phần lớn là lao động từ các địa phương khác đến. Thu nhập eo hẹp cùng với cuộc sống xa nhà, thiếu thốn, ít cơ hội kết bạn, an ninh tại nhiều khu nhà trọ không bảo đảm; đang trở thành những vấn đề xã hội cần quan tâm giải quyết.

3. Một số giải pháp

Đại hội XII của Đảng nêu rõ: để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần tập trung “Rà soát, sửa đổi pháp luật, chính sách để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địahóacao, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế”(2).Chính sách thu hút FDI của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng để trục lợi. Vì vậy, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách một cách đồng bộ, đặc biệt là Luật đầu tư nước ngoài và Luật chuyển giao công nghệ, phù hợp với nhu cầu hội nhập toàn diện.

Cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng và thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao... Hoàn thiện các luật để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động đầu tư.

Cần lựa chọn, sàng lọc những dự án phù hợp với điều kiện của nước ta cũng như phải bảo đảm tiêu chuẩn về công nghệ, môi trường.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Thực hiện công tác quản lý, giám sát phải có kế hoạch, chặt chẽ và đồng bộ, bảo đảm dự án đầu tư được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, đúng tiến độ, hạn chế được các tác hại về môi trường, chống các hoạt động chuyển giá trốn thuế nhưng không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thực hiện tốt hoạt động tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Cần tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ. Việc thu hút vốn FDI có hiệu quả hay không, nền kinh tế có hấp thu được các công nghệ, vốn nước ngoài hay không phụ thuộc lớn vào việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất trong nước, chủ yếu phải nhập khẩu. Theo ước tính của Bộ Công nghiệp, ngành công nghiệp lệ thuộc đến gần 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Như trong công nghiệp ô tô, hầu hết linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia...

Cần thúc đẩy, khuyến khích thành lập các trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ R&D của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Thí dụ kế hoạch xây dựng Trung tâm R&D của tập đoàn Samsung tại quận Hoàng Mai với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 300 triệu USD...

Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thực thi công vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức; bố trí sắp xếp bộ máy tổ chức khoa học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2016

(1) Đóng góp lớn nhất của FDI là tạo việc làm và vốn: http://www.baohaiquan.vn

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.292, 293.

 

ThS Ngô Hồng Nhung

Học viện Chính trị khu vực I

Nguyễn Thúy Ngân

Đại học Kinh tế quốc đân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền