Trang chủ    Thực tiễn    Thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên
Thứ hai, 26 Tháng 6 2017 09:57
1579 Lượt xem

Thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên

(LLCT) - Quá trình xây dựng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất (KCN) là tạo động lực quan trọng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH), thu hút đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã gặt hái được những thành công trong phát triển kinh tế nhờ phát triển các KCN. Ở Việt Nam, thu hút đầu tư phát triển các KCN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước theo tinh thần Đại hội VIII của Đảng. Thực hiện chủ trương này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiều chương trình kế hoạch cụ thể về xây dựng phát triển các KCN, tạo nền tảng thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Là một tỉnh trung du, miền núi tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển các KCN để thu hút đầu tư như: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các KCN đang được đầu tư hoàn thiện, đặc biệt là giao thông đối ngoại của các KCN rất thuận tiện; hệ thống các trường đại học, cao đẳng và các trường đào tạo nghề với 9 trường đại học, 23 trường cao đẳng và 52 trường dạy nghề hằng năm đào tạo hàng trăm nghìn lao động cung cấp cho Thái Nguyên và các tỉnh,... Nhằm phát huy thế mạnh này, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập một số KCN để thu hút đầu tư nói chung, đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng, coi đó là nguồn lực tốt để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

Để biến những quy hoạch thành hiện thực, được sự ủng hộ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đã tham mưu với tỉnh, phối hợp với các cơ quan thuộc bộ, ban, ngành Trung ương, các sở, ngành, địa phương và trực tiếp thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KCN. Kết hợp với sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã tổ chức thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về thu hút đầu tư phát triển các KCN.

Năm 2013 trở lại đây được đánh giá là những năm thành công trong thu hút vốn đầu tư vào các KCN, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài, điển hình là dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên tại KCN Yên Bình và hàng loạt các dự án có vốn đầu tư nước ngoài khác đầu tư vào KCN Điềm Thụy đã tạo động lực để Thái Nguyên tiếp tục có những bước tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ, bền vững tiếp theo.

Thái Nguyên có 6 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung với quy mô 1.420 ha, đến nay đã có 4 KCN đang hoạt động, đến cuối năm 2016 đã thu hút được 163 dự án, trong đó có 77 dự án trong nước với số vốn đăng ký trên 11.000 tỷ đồng, 86 dự án nước ngoài với số vốn đăng ký 7 tỷ USD chiếm 97,2% vốn FDI đăng ký trên toàn tỉnh; hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất luyện kim và các lĩnh vực đầu tư khác có lợi thế.

Đến hết năm 2016, trong số 163 dự án đăng ký đầu tư, đã có trên 100 dự án đi vào hoạt động, bước đầu tạo ra một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng cho tỉnh như:  Giải ngân vốn FDI đạt trên 6 tỷ USD, đạt 83,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, vốn trong nước giải ngân 7.100 tỷ đồng, đạt 64,5% vốn đăng ký; tạo kim ngạch xuất khẩu đạt 19,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 98,4% kim ngạch xuất khẩu trên toàn tỉnh, nhập khẩu 11,4 tỷ USD; nộp ngân sách 3.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43,5% nguồn thu ngân sách trên toàn tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng cơ cấu kinh tế dịch vụ, thương mại, giảm dần cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp; giải quyết việc làm cho 9,2 vạn lao động, chiếm tỷ trọng 56,09% lực lượng lao động làm việc trong khu vực công nghiệp - xây dựng. Nhất là giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội khác...

Trong số các dự án đã hoạt động, điển hình là Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên, có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như cả nước. Theo kế hoạch, khi 163 dự án này sản xuất ổn định trong năm 2018 và giải ngân 100% vốn đầu tư đăng ký, kết hợp với các dự án đầu tư mới vào các KCN sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa gắn với phát triển đô thị văn minh, hiện đại,… thay đổi cán cân thanh toán thương mại quốc tế;  tạo kim ngạch xuất khẩu khoảng 35 tỷ USD; nhập khẩu dự kiến 33 tỷ USD; giải quyết việc làm khoảng 150.000 lao động, nộp ngân sách ước trên 7.000 tỷ đồng.

Với kết quả nêu trên, có thể khẳng định việc thu hút đầu tư, phát triển các KCN vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Thái Nguyên, mục tiêu này đang mở hướng cho Thái Nguyên vững bước cùng cả nước phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hút đầu tư, phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng còn những hạn chế nhất định như:

Một là, cơ chế chính sách vĩ mô về phát triển KCN đã đạt được những bước tiến dài trong quá trình phát triển như: mở rộng hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước của các ban quản lý KCN cấp tỉnh, cắt giảm danh mục đầu tư có điều kiện, bổ sung ưu đãi đầu tư cho các KCN,… Tuy nhiên, hệ thống pháp luật và quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển các KCN vẫn còn nhiều chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn cho các ban khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như: cơ chế ủy quyền thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án trong KCN (nghị định quy định ủy quyền, nhưng thông tư hướng dẫn phải có ý kiến trình của sở tài nguyên về ủy quyền trước khi UBND tỉnh ủy quyền); cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính không được quy định trong Luật Thanh tra, Luật Xử phạt vi phạm hành chính (các ban quản lý xếp hạng 1 có phòng Thanh tra, nhưng không được xử phạt),…

Hai là, về thu hút đầu tư: chất lượng nhiều dự án đầu tư ở giai đoạn 2000-2012 còn thấp, hiệu quả kinh tế - xã hội tạo ra chưa cao, chưa tương xứng với mức độ khai thác và sử dụng nguồn lực.

Ba là, một số doanh nghiệp KCN có năng lực quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh yếu, khả năng tài chính khó khăn, công nghệ lạc hậu, chi phí giá thành sản phẩm cao nên khả năng cạnh tranh thấp, dẫn đến thua lỗ kéo dài, thậm chí dẫn đến giải thể, ngừng sản xuất - kinh doanh.

Bốn là, một số doanh nghiệp KCN, ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện đạo đức kinh doanh cũng như trách nhiệm xã hội còn hạn chế như: không thực hiện đầu tư các công trình bảo vệ môi trường hoặc có thực hiện đầu tư xây dựng nhưng không đúng báo đánh giá tác động môi trường được duyệt, tiết giảm chi phí nên xả thải trực tiếp ra môi trường, gây nên những bức xúc trong nhân dân; lợi dụng vào hợp đồng thử việc, hợp đồng đào tạo để trốn bảo hiểm hoặc cắt giảm tiền lương chính đáng của người lao động trong thời gian thử việc,…

Để các KCN Thái Nguyên tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, trong thời gian tới Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên tiếp tục kế thừa những thành công trong thời gian qua gắn với khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền để tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, về kinh tế

Về nguồn lực, trong bối cảnh cân đối ngân sách còn khó khăn, cần phát huy, nhân rộng “cơ chế” cho phép các chủ đầu tư hạ tầng KCN sử dụng vốn ngân sách nhà nước, được vận động và sử dụng toàn bộ tiền ứng trước thuê đất có hạ tầng nộp một lần 50 năm của nhà đầu tư thứ cấp để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư nhất là KCN Sông Công 2, quy mô 250ha..

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển các KCN gắn với liên hệ vùng và khả năng liên kết kinh tế, rà soát đưa ra khỏi danh mục những KCN có lợi thế so sánh kém, đề xuất bổ sung những KCN mới có lợi thế so sánh tốt và thuận lợi trong triển khai để trình cấp có thẩm quyền bổ sung vào Danh mục các KCN Việt Nam; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư từ khâu vận động, xúc tiến đầu tư, chuẩn bị đầu tư và đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xây dựng, củng cố và tạo lập niềm tin cho các nhà đầu tư; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững các KCN, tạo tác động lan tỏa tích cực từ KCN đến các địa phương trong tỉnh và ngoài vùng; xây dựng và ban hành cơ chế của địa phương để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đầu tư đổi mới công nghệ, tạo sức cạnh tranh sản phẩm từ KCN; xây dựng và ban hành cơ chế theo đặc thù của địa phương để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu.

Thứ hai, về lao động - xã hội

Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng lao động tại các địa phương trong tỉnh; tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng và phát triển mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng và nguồn lao động; hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đào tạo người lao động. Rà soát, điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung cơ chế hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho nhân dân vùng dự án, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và nhà ở cho công nhân.

Thứ ba, về môi trường

Tập trung rà soát, đánh giá hoàn thiện các quy định về bảo vệ môi trường; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư hạ tầng KCN và doanh nghiệp thứ cấp đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá thường xuyên việc chấp hành pháp luật, môi trường của các chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp. Rà soát, kiến nghị, điều chỉnh các chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm luật môi trường; tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tích cực tham gia vào đầu tư sản xuất sạch, thân thiện với môi trường; nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất thành lập quỹ bảo vệ môi trường các KCN, các khu tái định cư, khu đô thị và khu nhà ở công nhân liền kề các KCN; rà soát, đánh giá, kiến nghị và đề xuất các khu quy hoạch mới hoặc điều chỉnh các khu quy hoạch xử lý chất thải tập trung, các khu đô thị, khu tái định cư và nhà ở công nhân liền kề KCN cho phù hợp với đặc tính và chức năng của KCN.

Vận hành và thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu trên, các KCN tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020”.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2016

TS Phan Mạnh Cường

Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền