Trang chủ    Thực tiễn    An sinh xã hội đối với nông dân ở nước ta
Thứ hai, 24 Tháng 7 2017 18:04
2258 Lượt xem

An sinh xã hội đối với nông dân ở nước ta

(LLCT) - An sinh xã hội là sự bảo đảm của xã hội thông qua hệ thống các chính sách, chương trình, giải pháp của Nhà nước và xã hội nhằm hỗ trợ, bảo vệ cho các thành viên của xã hội, đặc biệt là những đối tượng gặp rủi ro hay khó khăn trong cuộc sống, bảo đảm mức sống tối thiểu và góp phần nâng cao đời sống của họ; từ đó thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội trên cơ sở đảm bảo thực hiện công bằng xã hội.

1. Chủ trương của Đảng về an sinh xã hội

An sinh xã hội được coi là một trong những vấn đề cốt lõi của sự phát triển xã hội và là một trong những quyền con người. Nội dung của an sinh xã hội được ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyềndo Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 10-12-1948 với nội dung: “Tất cả mọi người với tư cách là thành viên của xã hội có quyền hưởng an sinh xã hội. Quyền đó đặt cơ sở trên sự thỏa mãn các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa cần cho nhân cách và sự tự do phát triển con người...”. Hiến pháp Việt Nam năm 1946 xác định rõ: “Người lao động được đảm bảo quyền việc làm, nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội, cứu tế; phụ nữ được nghỉ trước khi đẻ...”. Tiếp đó, Hiến pháp năm 1992 cũng nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm xã hội cho mọi người, đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với công chức nhà nước và người làm công ăn lương, khuyến khích các hình thức bảo hiểm xã hội khác đối với người lao động.

Tại Đại hội IX, thuật ngữ an sinh xã hội lần đầu tiên được sử dụng khi bàn về giải quyết những vấn đề xã hội. Đại hội nêu rõ: “Khẩn trương mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội. Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm đối với người lao động thất nghiệp”(1). Tiếp đó Đại hội X chủ trương “Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng; phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động”(2), tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công, người hưởng chính sách xã hội. An sinh xã hội được Đại hội XI của Đảng xác định là một bộ phận của hệ thống chính sách xã hội, có vị trí trọng yếu, cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước: “Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển”(3). Đảng và Nhà nước thực hiện những cơ chế, chính sách, biện pháp trợ giúp, bảo vệ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương: “Bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương”(4).

Như vậy, an sinh xã hội là sự bảo đảm của xã hội thông qua hệ thống các chính sách, chương trình, giải pháp của Nhà nước và xã hội nhằm hỗ trợ, bảo vệ cho các thành viên của xã hội, đặc biệt là những đối tượng gặp rủi ro hay khó khăn trong cuộc sống, bảo đảm mức sống tối thiểu và góp phần nâng cao đời sống của họ; từ đó thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội trên cơ sở đảm bảo thực hiện công bằng xã hội.

2. Thực trạng anh sinh xã hội đối với nông dân

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, dân số cả nước ước tính 92,7 triệu người, trong đó dân số ở thành thị là 34,6 triệu người, dân số nông thôn là 65,4 triệu người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 53,3 triệu người, trong đó số lao động làm việc ở khu vực nông, lâm, thủy sản là  22,5 triệu người, chiếm 42,2% .

Nông nghiệp là ngành sản xuất phụ thuộc lớn vào điều kiện tự nhiên. Do ảnh hưởng của những biến đổi tiêu cực về khí hậu, tình trạng thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên làm cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp (chuyển sang phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp và đô thị), chưa được giải quyết kịp thời và thỏa đáng, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Tỷ lệ lao động thất nghiệp ở nông thôn có xu hướng tăng (từ 1,39% năm 2012 lên 1,49% năm 2014 và 1,83% năm 2015)(5). Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn có xu hướng gia tăng mạnh và cao hơn thành thị (2,28% so với 0,72%). Trước những khó khăn của nền sản xuất nông nghiệp và những biến động xã hội nhanh chóng trong giai đoạn phát triển và hội nhập của nước ta, người nông dân rất cần sự hỗ trợ của xã hội để ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. An sinh xã hội đối với nông dân là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết để bảo đảm đời sống cho họ, góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước.

Hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với nông dân gồm:

Bảo hiểm y tế tự nguyện:Những người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện chỉ phải đóng phí bình quân bằng 1/3 mức đóng bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng họ vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi như những người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là hình thức mà người nông dân có thể tham gia đóng phí bảo hiểm trong 20 năm và được hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp tử tuất tùy theo mức phí đóng góp mà họ lựa chọn.

Trợ giúp xã hội:gồm trợ giúp thường xuyên và trợ giúp, cứu trợ đột xuất đối với những người bị thiệt hại do thiên tai, những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn như già yếu, tàn tật, bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa...

Xóa đói giảm nghèolà mục tiêu quan trọng, cơ bản nhất góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Các dịch vụ xã hội cơ bản và các phúc lợi khác, gồm: giáo dục cơ bản; chăm sóc sức khỏe ban đầu; dân số và kế hoạch hóa gia đình; cứu trợ thiên tai, cấp nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường... phúc lợi xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội, dịch vụ việc làm và phổ cập nghề cho người lao động; cai nghiện và chữa trị cho đối tượng mại dâm,...

Ưu đãi xã hội đền ơn đáp nghĩa với những người có công với đất nước như các thân nhân liệt sỹ, thương, bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng, các lão thành cách mạng...

Trong 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chính sách an sinh xã hội ở nước ta đã góp phần giải phóng người lao động, tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là lao động ở nông thôn có việc làm, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo và có mức sống ngày càng khá hơn. Nhiều chương trình về an sinh xã hội cho nông dân được triển khai thực hiện như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 1 (1998-2005), giai đoạn 2 (2006-2010); Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn(2005-2010); Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo(2008-2010).

Đến nay, các chương trình, dự án trên đã có nhiều kết quả khả quan:

Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều thành công nổi bật. Năm 1993 tỷ lệ hộ nghèo là 58%, đến năm 2015 giảm còn dưới 5%, giảm trung bình mỗi năm từ 1,8 đến 2% năm(6). Tại 60 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo hơn 50% (2010) xuống còn 28% (2015). Nghèo đói từ diện rộng trên phạm vi cả nước, nay chỉ còn tập trung chủ yếu ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, miền núi. Vùng Tây Bắc có tỷ lệ nghèo cao nhất (34,52%), tiếp đến là Đông Bắc (20,74%), Tây Nguyên (17,14%), đồng bằng sông Hồng (4,76%), Đông Nam Bộ có tỷ lệ nghèo thấp nhất (1,23%)(7). Chính sách giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là nông dân của Đảng, Nhà nước đã thực sự đi vào đời sống nông thôn.

Việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm có chuyển biến rõ rệt. Số người được đào tạo nghề liên tục tăng qua các năm. Bình quân hàng năm, Nhà nước đã hỗ trợ cho trên 300 nghìn lao động nông thôn học nghề ngắn hạn, sơ cấp nghề (chiếm khoảng 2% số thanh niên nông thôn). Nhiều tỉnh, thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp nhận dạy nghề hoặc nhận người lao động ở địa phương vào làm việc. Ngoài các hình thức hỗ trợ việc làm tại chỗ, Nhà nước thực hiện các chính sách trợ giúp đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm. Từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm có khoảng 83 nghìn lao động ra nước ngoài làm việc, trong đó khoảng 80% là thanh niên nông thôn(8). Số người được giải quyết việc làm mới tăng, giai đoạn 2001-2005 là 6,5 triệu người, 2006-2010 là 7,2 triệu người, 2011-2015 là 7,8 triệu người(9).

Các chương trình, dự án về nước sạch, nhà ở, công trình vệ sinh, điện, đường, trường, trạm, thông tin đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và hỗ trợ có hiệu quả cho dân cư nông thôn, đặc biệt là các vùng nông thôn khó khăn. Hiện nay, người nghèo đã dễ dàng tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ y tế và giáo dục. Việc thực hiện quyền được giáo dục của nông dân được lồng ghép trong các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Qua đó, cơ sở hạ tầng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được cải thiện, các trường học được kiên cố hóa, tạo thuận lợi cho con em nông dân được tới trường, được tiếp cận tốt hơn các hình thức học tập khác nhau. Phổ cập giáo dục tiểu học đã được thực hiện trong toàn quốc. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đều đẩy mạnh việc hoàn thành tiêu chí về xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, bản, buôn, ấp và tập trung xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang... Điện, đường, trường, trạm, chợ, điện thoại, internet... đã được phát triển hầu khắp các vùng nông thôn, kể cả vùng núi, biên giới, hải đảo. Phát thanh và truyền hình đã phủ sóng hầu khắp cả nước. Nhờ kết cấu hạ tầng phát triển, việc hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của nông dân tại các vùng miền được cải thiện rõ rệt.

Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước được hoàn thiện, hướng đến những nhóm lao động không có quan hệ lao động. Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1-1-2008 đã mở ra cơ hội để người dân nông thôn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện cho hàng triệu nông dân có lương hưu để an hưởng tuổi già. Trước những khó khăn của người nông dân trong việc đóng phí bảo hiểm, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ 2016) đã đề cập đến việc hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 30% phí bảo hiểm, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%. Bên cạnh đó, việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế từ năm 2009 với việc  Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng bảo hiểm y tế đối với người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi... đã bảo đảm cho 60% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Công tác trợ giúp, cứu trợ xã hội từng bước được cải tiến. Đến nay đã có trên 10 Bộ luật, luật; 7 Pháp lệnh và hơn 30 Nghị định, Quyết định của Chính phủ; hơn 40 Thông tư, Thông tư liên tịch và nhiều văn bản có nội dung liên quan quy định khuôn khổ pháp luật, chính sách trợ giúp xã hội. Trong đó có Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, Nghị định số 13/2010/NĐ-CP, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội... Nhiều mô hình trợ giúp xã hội được xây dựng phù hợp với nhu cầu ngày càng phong phú của từng nhóm đối tượng. Số cơ sở bảo trợ xã hội tăng nhanh, trong đó hơn một nửa là các cơ sở ngoài Nhà nước. Ngoài ra, nông dân còn được hưởng trợ giúp xã hội đột xuất, trước những rủi ro bất thường xảy ra ngày càng nhiều và trên diện rộng với hình thức hỗ trợ phong phú, từ cấp tiền, gạo, nhu yếu phẩm đến khám chữa bệnh miễn phí, cho vay vốn ưu đãi. Nhiều mô hình trợ giúp không chính thức, mang tính xã hội hóa đang được triển khai rất hiệu quả như “quỹ phát triển thôn bản”, “quỹ quản lý rủi ro cộng đồng”, “quỹ bảo hiểm vi mô”, “quỹ đền ơn đáp nghĩa”...

Những năm qua, các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội đã thường xuyên được đổi mới cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhờ đó mức sống, điều kiện sống của nông thôn các vùng miền, các dân tộc được cải thiện.

Tuy vậy, trong thực tiễn, việc thực hiện an sinh xã hội đối với nông dân còn tồn tại một số khó khăn, bất cập cần phải tiếp tục tháo gỡ, khắc phục.

Tình trạng nghèo đói ở những huyện nghèo, xã nghèo tuy đã giảm đáng kể nhưng gần đây hiện tượng tái nghèo đã xuất hiện không ít.

Các công trình kết cấu hạ tầng được xây dựng tốn kém nhưng sử dụng thiếu hiệu quả và nhiều công trình đang xuống cấp. Người nghèo khó tiếp cận vốn vay ưu đãi, mức cho vay thấp. Đời sống của một bộ phận dân cư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn rất khó khăn.

 Diện bao phủ trợ giúp xã hội thường xuyên còn thấp, số đối tượng được trợ giúp chỉ chiếm hơn 2,5% dân số. Đây là mức rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Mức chuẩn để tính mức trợ cấp còn thấp, chỉ bằng 32,5% so với chuẩn nghèo nên mức sống nhiều đối tượng còn thấp. Chưa có những ưu tiên đủ mức để hỗ trợ cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cho phụ nữ nghèo mang thai hoặc nuôi con nhỏ.

Công tác quản lý hoạt động trợ giúp đột xuất còn bất cập. Mức trợ giúp còn thấp, mới chỉ bù đắp được khoảng 10% thiệt hại; khó thống kê được tổng nguồn lực cho trợ giúp đột xuất từ các nguồn đóng góp. Hoạt động điều phối các nguồn lực trợ giúp còn bất cập dẫn đến tình trạng cùng một hậu quả (ví dụ trường hợp người chết do thiên tai) nhưng mức được trợ cấp lại rất khác nhau. Những tiêu cực trong việc quản lý quỹ an sinh xã hội, trong bình xét các đối tượng được trợ giúp còn xảy ra ở nhiều nơi; hiện tượng trợ cấp nhầm đối tượng, hiện tượng chạy tiêu chuẩn để được là hộ nghèo, xã nghèo vẫn còn tồn tại... gây nên những bất bình trong xã hội.

Việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế tự nguyện chưa được nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Đến năm 2015, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ có 213.000 người, bằng 0,39% tổng số người trong diện bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ngoài số người trong diện được ưu tiên cấp bảo hiểm y tế, còn lại đa số người dân nông thôn không tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, hoặc chỉ khi bị bệnh nặng mới xin tham gia.

3. Một số giải pháp góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội đối với nông dân

Để an sinh xã hội làm tốt chức năng là tấm lưới an toàn nhiều tầng nhằm đề phòng, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, đặc biệt là người nông dân, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục rà soát và ban hành các văn bản luật pháp về an sinh xã hội, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới bộ máy những người làm công tác an sinh xã hội trong toàn hệ thống chính trị và người dân, nhằm nâng cao nhận thức về trợ giúp, cứu trợ xã hội là quyền của người dân được hưởng khi họ gặp khó khăn hay bị rủi ro, chứ không phải trợ giúp, cứu trợ nhân đạo. Có như vậy việc thực hiện trợ giúp xã hội mới không bị lạm dụng và không chậm trễ.

Hai là, tăng cường chất lượng và làm trong sạch bộ máy những người làm công tác an sinh xã hội các cấp, thực hiện tốt cơ chế quản lý các quỹ an sinh xã hội, có sự giám sát chặt chẽ của các cấp chính quyền và người dân, tránh những tiêu cực làm giảm nguồn lực cho việc thực hiện đúng chính sách an sinh xã hội; tránh tình trạng các nguồn lực bị phân tán, thiếu kiểm soát, điều phối.

Ba là,có cơ chế và chế tài gắn trách nhiệm của những cá nhân, doanh nghiệp được sử dụng, xây dựng và kinh doanh trên những diện tích đất đai của người nông dân; buộc những đối tượng này hàng năm phải tham gia đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ việc làm cho những người dân mất đất để gia đình họ có đủ điều kiện mưu sinh, học nghề, tìm việc làm mới, bảo đảm đời sống.

Bốn là,khuyến khích người nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng cách ưu đãi tối đa mức đóng phí bảo hiểm, đồng thời cho họ được hưởng đủ 5 chế độ như người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, như được cấp bảo hiểm y tế, được hưởng chế độ thai sản, bệnh nghề nghiệp, lương hưu, tử tuất, thay vì chỉ được hưởng lương hưu và tử tuất như quy định hiện nay.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.105.

(2)ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.33.

(3), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.227, 43.

(5) PGS,TS Nguyễn Hải Hữu: Giáo trình An sinh xã hội, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2008, tr.19.

(6) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Kỷ yếu hội thảo khoa học Đề tài KX 02.02/06-10, Hà Nội, 2008, tr.8.

(7) GS, TS Mai Ngọc Cường: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.21-22.

 (8)Tổng cục Thống kê, Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015,  xem tại trang www.gso.gov.vn.

(9) Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ngày 22-9-2016.

(10) Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Quyết định 1905/QD-LDTBXH ngày 22-8-2016 về việc phê duyệt kết quả tổng điều tra  hộ nghèo, cận nghèo 2015.

(11)Tổng cục Thống kê: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, xem tại trang www.gso.gov.vn.

(12) GS,TS  Phạm Xuân Nam: “An sinh xã hội và công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay”,  Tạp chí Cộng sản điện tử,ngày 30-9-2016.

 

ThS Phan Thị Hoàng Mai

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,

Đại học quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền