Trang chủ    Thực tiễn    Sự biến đổi nhân sinh quan của cư dân đồng bằng sông Hồng thể hiện qua các lễ hội truyền thống
Thứ hai, 24 Tháng 7 2017 18:05
3910 Lượt xem

Sự biến đổi nhân sinh quan của cư dân đồng bằng sông Hồng thể hiện qua các lễ hội truyền thống

(LLCT) - Việt Nam là quốc gia có một kho tàng văn hóa đặc sắc. Trong kho tàng văn hóa ấy, sinh hoạt lễ hội là vùng văn hóa đặc trưngnhất. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt tổng hợp bao gồm các mặt tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật, linh thiêng và đời thường... là một sinh hoạt có sức hút lớn trong đời sống xã hội. Lễ hội có mặt ở khắp mọi miền đất nướcvới nhiều loại hình khác nhau. Dưới góc độ lịch sử có thể phân chia thành hai loại cơ bản là lễ hội truyền thống (đã có lâu đời, gắn với sự hình thành và phát triển của các cộng đồng dân cư) và lễ hội mới (gắn với các sự kiện lịch sử hiện đại, cách mạng)... Trong tổng số 9 nghìn lễ hội ở nước ta hiện nay, lễ hội truyền thống có khoảng trên 7 nghìn với phạm vi phân bố rộng.

Với sự đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, đồng bằng sông Hồng(1) có hàng trăm lễ hội truyền thống. Bên cạnh những đặc trưng chung là sinh hoạt cộng đồng có tính phức hợp, có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng, các lễ hội ở đồng bằng sông Hồng cũng có những khác biệt nhất định về lễ thứcvà các trò diễn với mục đích và ý nghĩa biểu trưng riêng. Thông qua lễ hội, những quan niệm nhân sinh, triết lý về cuộc sống của cư dân đồng bằng sông Hồng được thể hiện rất sinh động qua cả phần lễ và phần hội. Những lễ nghi, trò diễn đã làm cho những quan niệm của con người về cuộc sống sinh động được mô tả dưới dạng vừa thực, vừa ảo, vừa đời thường, vừa nhân cách hóa. Đó là quan niệm về sự tôn thờ, sự tưởng nhớ đối với những anh hùng dân tộc, thành hoàng, đấng sinh thành; quan niệm về đời sống, tâm linh, tín ngưỡng; những ước mong của con người trong cuộc sống, lao động, sản xuất, khát vọng về sự sinh sôi nảy nở, sự cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống đầy đủ, sung túc. Dưới khía cạnh này có thể chia lễ hội truyền thống đồng bằng sông Hồng thành các loại hình cơ bản sau:

Một là, những lễ hội mang tính chất lịch sử, phản ánh cuộc đấu tranh giữ nước, giữ làng, tưởng nhớ đến các nhân vật anh hùng, các vị vua của các triều đại, các danh nhân, như: lễ hội làng Gióng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội), đền Trần (Nam Định), đền Cổ Loa (Hà Nội), lễ hội Hai Bà Trưng (đền Đồng Nhân - Hà Nội), hội đền vua Đinh (Hoa Lư - Ninh Bình)...

Hai là, những lễ hội phản ánh đời sống tinh thần, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh của nhân dân, như: lễ hội Phủ Giầy (Vụ Bản - Nam Định), lễ hội chùa Thầy...

Ba là, những lễ hội phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất(lễ hội săn bắt, trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán...), như lễ hội làng La Cả (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội).

Lễ hội cũng như bất cứ một hiện tượng văn hóa, xã hội khác, đều chịu sự tác động của bối cảnh kinh tế - xã hội đương thời và nó cũng biến đổi từ sự tác động đó. Sự biến đổi của lễ hội, dù là biến đổi những đặc trưng, giá trị hay những hình thức biểu hiện, cũng sẽ tác động rất lớn đến nhận thức, thái độ, tình cảm, lối sống của những cộng đồng dân cư. Bởi lễ hội là sinh hoạt tinh thần cơ bản, phức hợp của các cộng đồng dân cư trong một vùng miền, một quốc gia nhất định. Trong những năm qua, trước tác động của các yếu tố kinh tế - xã hội, sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự mở rộng và giao lưu văn hóa... nhân sinh quan của cư dân đồng bằng sông Hồng được thể hiện thông qua lễ hội đã có sự biến đổi theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.

1. Những biến đổi tích cực

Thứ nhất, những biến đổi tích cực trong quan niệm về sự tôn thờ, sự tưởng nhớ

Những lễ hội mang tính chất lịch sử, phản ánh cuộc đấu tranh giữ nước, giữ làng tưởng nhớ đến các anh hùng, danh nhân, người có công như lễ hội làng Gióng, lễ hội đền Trần, lễ hội đền Cổ Loa, lễ hội Hai Bà Trưng, hội đền vua Đinh... đã góp phần vào việc bảo tồn và xây dựng truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng và xã hội.

Đến với lễ hội, mọi người như được tăng thêm sức mạnh tinh thần, tình đoàn kết cộng đồng. Qua việc tưởng nhớ đến người có công, mọi người tự nhận thấy phải luôn sống hướng thiện, sống có đạo đức, cùng cầu cho quốc thái dân an, bản thân và gia đình gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, ai cũng phải có trách nhiệm với quê hương, đất nước nên nhiều người đã làm nhiều việc tốt hơn, con người trở nên hoàn thiện hơn.

Tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẹ) ở đồng bằng sông Hồng, như Phủ Tây Hồ, đền Bà Kiệu (Hà Nội), Phủ Dầy (Nam Định), phủ Châu Sơn, đền Cô Đôi Thượng Ngàn (ở Ninh Bình)... đã góp phần tôn thờ người Mẹ, đấng sinh thành, sáng tạo, bao bọc, che chở cho con người Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người vào thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần có sức khỏe, tiền tài, quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực, phù hợp với quan niệm hiện sinh của con người trong thế giới hiện đại. Lúc này, niềm tin vào siêu nhiên mà thánh Mẫu là đại diện trở thành thứ yếu, mang tính phương tiện, còn mục đích sống của con người mới là quan trọng. Đây cũng là cách tư duy thể hiện tính thực tế, thực dụng của con người Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng thể hiện một cách độc đáo tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn thông qua việc tôn vinh những người có công với đất nước. Tín ngưỡng thờ Mẫu nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, thể hiện rất rõ trong những giá hầu đồng tôn vinh nét văn hóa của các dân tộc. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng mang chủ nghĩa anh hùng dân tộc bởi rất nhiều nhân vật trong 36 giá hầu đồng chính là những vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, quan lớn Triệu Tường...

Lễ hội đã đóng góp vào làm phong phú đời sống tinh thần xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc xây dựng đất nước, tham gia tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; phát huy tính tích cực, tự giác của nhân dân tham gia vào các hoạt động văn hóa để văn hóa trở thành động lực phát huy sức mạnh, sức sáng tạo của con người Việt Nam vào quá trình phát triển đất nước.

Thứ hai, những biến đổi tích cực trong quan niệm về đời sống tâm linh, tín ngưỡng

Hầu hết những lễ hội ở đồng bằng sông Hồng đều thể hiện rất rõ quan niệm của cư dân về đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Qua lễ hội, quan niệm này được biểu đạt đa dạng và sâu sắc ở các lễ nghi, văn tế, trò diễn. Những năm gần đây, quy mô của nhiều lễ hội được mở rộng. Nhiều đình, đền, chùa, miếu được trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang, các vật thờ thể hiện tín ngưỡng, tâm linh cũng được mua sắm đầy đủ hơn. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, tạo sự gắn kết trong cộng đồng cư dân. Sự ổn định về nhu cầu tinh thần có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, quản lý và phát triển xã hội. Điều này đã tác động tích cực tới sự phát triển đời sống tinh thần của cư dân đồng bằng sông Hồng nói riêng và người Việt Nam nói chung. Đời sống tâm linh được coi trọng cũng đồng nghĩa với việc phát triển đạo đức xã hội, bảo lưu được các giá trị của văn hóa tinh thần.

Các lễ hội từ lễ hội có quy mô lớn đến các lễ hội có quy mô nhỏ trong phạm vi làng xã, có nhiều chuyển biến rõ nét. Điều này thể hiện ở nội dung lễ hội phù hợp truyền thống văn hóa, phần lễ được tổ chức trang trọng, thành kính, phần hội phong phú hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm. Gắn kết các hoạt động lễ hội, hình ảnh đất nước, con người, truyền thống văn hóa tốt đẹp, độc đáo của từng làng xã, từng vùng được củng cố và phát triển.

Bên cạnh đó, các hiện tượng mê tín, dị đoan, cuồng tín đã giảm đáng kể. Các hoạt động, trò diễn tại các lễ hội đã thể hiện nếp sống văn minh, văn hóa. Nhận thức của nhân dân về các hoạt động này có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Hiện tượng cuồng tín bị lên án mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng lối sống mới.

Ngoài ra, các hoạt động tổ chức lễ hội, trò diễn tại các lễ hội liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng đã thể hiện lối sống văn minh, phù hợp hơn với yêu cầu cầu hội nhập và phát triển.

Thứ ba, những biến đổi tích cực trong quan niệm về ước mong của con người trong cuộc sống, lao động, sản xuất

Thông qua lễ hội, cư dân ở vùng đồng bằng sông Hồng đã thể hiện rõ khát vọng, mong muốn, sự tin tưởng vào cuộc sống. Tinh thần lạc quan, tin tưởng trong lễ hội được truyền vào đời sống, lao động sản xuất, khát vọng vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương đất nước.

Những ước mong của con người trong cuộc sống, lao động sản xuất được thể hiện qua nhiều lễ hội, trò diễn lễ nghi đã mang tính thiết thực hơn, đã có những cải biến nhất định cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn, tín ngưỡng thờ Mẫu hướng con người tới một nhân sinh quan mang tính tích cực của cuộc sống hiện tại. Nó trở thành triết lý định hướng cho lý tưởng, mục đích, phương thức sống của con người hiện tại. Thậm chí nó hướng con người đến sự trải nghiệm, sự thực hành những triết lý ấy. Vì vậy, nó đã tác động tích cực tới suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm, thái độ, hành vi của con người thực tại và làm biến đổi đời sống thực tại theo hướng tiến bộ. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng là thờ biểu tượng của ước vọng phong đăng, phồn thực, đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái, là biểu tượng cho sự trường tồn của giống nòi, của vạn vật. Vì vậy, người Việt hướng vào thờ Mẫu cũng là thể hiện những khát vọng, những mong muốn ấy.

2. Những biến đổi tiêu cực

Thứ nhất, những biến đổi tiêu cực trong quan niệm về sự tôn thờ, sự tưởng nhớ

Mặc dù đã có nhiều thay đổi tích cực theo hướng văn minh, tiến bộ, nhưng vẫn còn xuất hiện những lễ hội mang tính chất thần bí, tạo cơ sở cho hiện tượng mê tín, dị đoan. Cùng với phong trào khôi phục, nâng cấp lễ hội, nhiều hiện tượng tiêu cực cũng xuất hiện làm thay đổi quan niệm, sự nhận thức của con người. Có nơi đã thần thành hóa công trạng của những người được thờ cúng để nâng cấp lễ hội; có nơi thay đổi vai trò lịch sử, cố tìm ra công trạng của các vị thành hoàng để thờ cúng. Điều này đã làm biến tướng trong quan niệm về sự tưởng nhớ người có công.

Ngoài ra, hiện tượng phô trương, lãng phí trong tổ chức lễ hội, xây dựng đền thờ, tượng đài, đúc tượng... nảy sinh từ nhân sinh quan tiêu cực, lệch lạc đã dẫn đến tâm lý kèn cựa, kích thích thói đố kỵ, ghen ghét, ích kỷ, háo danh của con người ngay trong cả lĩnh vực linh thiêng. Những hiện tượng nêu trên đã tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần xã hội.

Bên cạnh đó, do sự thay đổi nhanh chóng của cuộc sống và nhu cầu vật chất nên ở nhiều lễ hội người ta đã trần tục hóa lễ hội, làm lệch lạc trong sự tôn thờ, làm mất đi lòng thành kính. Lễ hội ở nhiều nơi không còn là nơi nuôi dưỡng những tư tưởng tốt đẹp, không còn là không gian thanh tịnh mà nó thể hiện sự xô bồ, bon chen của cuộc sống. Trong lễ hội đền Gióng, có tục cướp lộc Thánh, cướp giò hoa tre, cướp trầu cau. Đây là cướp có văn hóa, cướp trong tục lệ. Song, những năm gần đây tục lệ này dẫn tới ẩu đả, xô xát. Đó là sự lợi dụng truyền thống để thỏa mãn lòng tham và cuồng vọng cá nhân, chứ không có chút gì là văn hóa.

Tín ngưỡng thờ Mẫu như đã đề cập, là một nét đẹp độc đáo trong đời sống văn hóa người Việt. Tuy nhiên, vì là tín ngưỡng dân gian được truyền khẩu, không hoàn chỉnh hệ thống kinh sách, không có tổng kết thành giáo lý, giáo luận, nguồn thông tin phổ cập còn hạn chế nên nhiều thanh đồng, đạo quan chưa hiểu rõ tường tận về tín ngưỡng thờ mẫu, dẫn đến một số hành vi, ứng xử không đúng mực, gây phản cảm, thậm chí một số người còn lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi cá nhân, gây bức xúc trong xã hội và thay đổi nhận thức, tư tưởng của du khách hành hương.

Nhiều người đến lễ hội vì tâm lý đám đông. Họ không hề biết rõ ý nghĩa của lễ hội, thậm chí không biết đền, chùa thờ ai. Họ không biết đang khấn vái ai được thờ trong đó. Vì thế dẫn đến thái độ thiếu thành kính, có hành vi phản cảm trong lễ hội.

Ở nhiều nơi phục dựng nhiều nghi thức tế, lễ đã dẫn đến sự lãng phí, tốn kém rất lớn cho nhân dân. Nhiều lễ hội đã bị trần tục hóa với quan niệm “trần sao âm vậy”. Có nhiều nghi lễ rườm rà không còn phù hợp với đời sống của xã hội hiện đại, thậm chí còn có dấu hiệu mê tín, dị đoan cũng được phục dựng lại. Từ đó làm cho nhiều quan niệm, lễ nghi bị lệch chuẩn, mất đi giá trị và ý nghĩa của lễ hội.

Hiện nay, nhiều lễ hội chỉ chú ý đến phần lễ và ít phần hội (trò diễn), có những trò diễn lại không biểu đạt ý nghĩa của lễ hội. Nhiều hoạt động nghi lễ, trò diễn bị thương mại hóa. Có nơi cho thuê mướn dụng cụ, thậm chí cả người trình diễn với những trò diễn của các lễ hội na ná giống nhau, làm mất cảm xúc, tính thiêng và tạo ra tâm lý nhàm chán.

Mặc dù số người tham gia ngày càng đông nhưng ở nhiều làng, lễ hội không còn là hoạt động chung, không có sự tham gia của mọi người (với ý nghĩa trách nhiệm, quyền lợi). Thậm chí họ chỉ đến lễ hội để chứng kiến, xem mà không tham gia hoạt động nên tâm lý thờ ơ, hời hợt cũng xuất hiện.Tính thiêng, nghiêm trang của nơi thờ tự bị xem nhẹ, thay vào đó là những hành vi thiếu văn hóa, thiếu ý thức xuất hiện. Hiện tượng nhét tiền lẻ vào tay thánh, thần, xoa tay vào tượng... đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Ở nhiều nơi, lễ hội mang tính thương mại hóa. Không gian tổ chức lễ hội mở rộng tối đa không phải để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, mà để làm mặt bằng cho thuê dịch vụ (trông xe, viết sớ, tổ chức trò chơi thu tiền), để đặt thêm hòm công đức, giọt dầu thu lợi. Hiện tượng hòm công đức xuất hiện dày đặc ở di tích gây phản cảm và tạo ra tâm lý không lành mạnh. Xuất hiện xu hướng biến đổi cả về mục đích, chức năng và cấu trúc. Mục đích của các hội làng là cầu nhân khang vật thịnh, lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, vui chơi, giải trí của người dân trong thời điểm nông nhàn. Nhưng hiện nay, lễ hội lại có mục đích quảng cáo cho địa phương, hoặc là nơi cầu may, cầu lợi lộc cho cá nhân, cầu thăng quan tiến chức,... làm cho lễ hội trở nên nghèo nàn, đơn điệu.

Thứ hai, những biến đổi tiêu cực trong quan niệm về đời sống tâm linh, tín ngưỡng

Hiện nay, với danh nghĩa đổi mới lễ hội, ở nhiều nơi đã diễn ra xu hướng áp đặt một số mô hình định sẵn, mang nặng tính hình thức, phô trương, “giả tạo”. Hệ quả là làm cho tính chủ động, sáng tạo của người dân bị suy giảm, thậm chí họ còn bị gạt ra khỏi các hoạt động của lễ hội mà vốn là của họ, do họ và vì họ.

Nhiều lễ hội còn nặng về lễ nghi, hình thức “mâm cao, cỗ đầy”, phô trương làm lệch chuẩn giá trị về sự thờ cúng, tưởng nhớ. Nhiều lễ hội chạy đua kỷ lục, cố gắng làm thật to, hoành tráng. Lễ vật cúng tổ tiên được lợi dụng như một hình thức quảng cáo, phô trương sức mạnh. Điều này đã làm mất tính thiêng liêng của lễ hội.

Hiện tượng mê tín đã giảm nhiều nhưng do tâm lý đám đông nên nhiều người vẫn đến lễ hội để cầu xin. Chẳng hạn, ấn Đền Trần(Nam Định) ban đầu chỉ là ấn cầu an, trừ tà, nhưng nay trở thành ấn để cầu quan. Người ta mong có nó để thăng quan, tiến chức mặc dù họ chỉ là nông dân. Đền Bà Chúa Kho cũng được huyền thoại hóa thành Bà chúa giữ tiền, kim ngân để mọi người đến vay, mượn, cầu lộc. Rồi từ đó cũng hình thành những suy nghĩ, quan niệm lệch lạc khác nhau, làm mất đi ý nghĩa thực sự của việc thờ cúng, lễ hội.

Lễ hội, đền, chùa... không còn là nơi vãn cảnh, không gian sinh hoạt văn hóa nữa. Nó cũng không còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, tư tưởng tích cực của của con người nữa. Từ đây, những hiện tượng xuống cấp đạo đức, lối sống cũng xuất hiện. Thói háo danh, ganh đua, vơ vét, tham lam quyền chức, bổng lộc của đời sống xã hội đã “đổ bộ” vào chốn tâm linh. Ở ngay những nơi được coi là cõi linh thiêng đã bị vấy bẩn bởi sự u mê. Người ta mang ngay những tư tưởng về sự bon chen, xô bồ của cuộc sống vào việc hành lễ và tham gia lễ hội. Họ biến những nghi lễ mang tính tượng trưng như “cướp” lộc thánh, “cướp” ấn, “cướp” hoa tre... thành hành vi cướp thật.

Lối sống thực dụng, trần tục hóa yếu tố tâm linh; tâm lý cầu, xin thần thánh che giấu lỗi lầm, khuất tất trong cuộc sống cũng xuất hiện. Vì vậy, hành động của họ trở nên cuồng tín, tâm lý phó thác, gửi gắm, trông mong xuất hiện. Những tư tưởng trên đây đã dẫn đến lối sống phù phiếm, giả tạo, trông chờ vào may rủi. Những hiện tượng “buôn thần bán thánh”gia tăng với muôn màu, muôn vẻ. Hiện tượng “đặt lễ thuê”, “khấn vái thuê”, tạo dựng các di tích mới để thu tiền... Người đi cầu xin chỉ ngồi vái lạy theo họ, trong đầu họ trở nên trống rỗng. Thậm chí, nhiều người phó mặc tất cả cho những người khấn, vái thuê. Ngoài ra, những hiện tượng bói toán, lên đồng, cờ bạc trá hình, rút thẻ, bán sách tướng số, tử vi, lôi kéo khách hành hương, tranh giành thu tiền bán vé dịch vụ... ở một số lễ hội vẫn tồn tại. Hiện tượng đốt vàng mã trong tín ngưỡng dân gian đã bị đẩy lên mức thái quá, bị lạm dụng với quan niệm “trần sao, âm vậy”.

Ở một số lễ hội, việc lưu hành các ấn phẩm không được phép xuất bản vẫn tồn tại. Những tài liệu về tướng, số, tử vi, phong thủy... vẫn lan tràn với nhiều nội dung mê tín dị đoan, bùa chú gây ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, nhận thức của người đọc. Một số tài liệu giới thiệu về lễ hội, di tích lịch sử lại chưa được thẩm định nên sai về nội dung, ý nghĩa, thậm chí là thần thánh hóa các nhân vật lịch sử, gây ra tâm lý cuồng tín cho du khách vẫn xuất hiện.

Các hình thức công đức thể hiện sự thành tâm của người cung tiến đối với việc tôn tạo di tích cũng bị thương mại hóa, ghi tên phô trương tại những nơi linh thiêng, thậm chí đi kèm với những tấm biển quảng cáo về hàng hóa và dịch vụ của người cung tiến, gây phản cảm. Thậm chí, họ cạnh tranh nhau, người cung tiến sau phải nhiều hơn người trước, tấm biển ghi người công đức nhiều được ghi to hơn người công đức ít. Có người sẵn sàng cung tiến đền, chùa, lễ hội nhưng lại “quên” nghĩa vụ thuế. Những hành vi như trên tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần của xã hội, làm lệch chuẩn những quan niệm, giá trị truyền thống tích cực của lễ hội nói riêng và đời sống văn hóa tinh thần nói chung của xã hội.

Thứ ba, những biến đổi tiêu cực trong quan niệm về ước mong của con người trong cuộc sống, lao động, sản xuất

Cùng với những thay đổi từ đời sống kinh tế - xã hội, những nhu cầu, mong muốn, khát vọng của con người cũng trở nên thực tế hơn. Ngày nay, con người quan tâm nhiều đến những lợi ích vật chất, lợi ích trước mắt và họ mong muốn thực hiện được lợi ích đó một cách nhanh nhất. Đây là những mong muốn chính đáng, tích cực. Nó tạo động lực cho sự phát triển của xã hội nói chung. Tuy nhiên, khi con người muốn thực hiện những lợi ích vật chất để thỏa mãn nhu cầu, mong muốn, khát vọng bằng mọi giá thì nó lại tác động tiêu cực tới bản thân và đời sống xã hội.

Những khía cạnh tiêu cực trong việc thực hiện những mong ước, khát vọng của con người được thể hiện cả trong lĩnh vực lễ hội, tâm linh. Trước đây, những mong muốn, khát vọng của con người được thể hiện qua lễ nghi, trò diễn chỉ có ý nghĩa biểu trưng nhằm tạo sự động viên tinh thần, nhưng ngày nay nhiều người đến lễ hội để bon chen, thậm chí là cướp lộc, giằng xé nhau. Những hành động ấy đã làm hoen ố ý nghĩa tốt đẹp của nhiều lễ nghi trong lễ hội. Điều này phản ánh sự biến đổi tiêu cực trong nhân sinh quan của một bộ phận nhân dân, được thể hiện thông qua lễ hội. Từ những hoạt động cầu may thông qua lễ hội, một bộ phận nhân dân cũng xuất hiện những tư tưởng ỷ lại, trông chờ mà không chịu lao động, cố gắng vươn lên.

3. Một vài kiến nghị

Để phát huy những yếu tố tích cực, khắc phục những hạn chế nhằm góp phần xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh ở vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới, theo chúng tôi cần chú ý tới những giải pháp sau:

Một là, nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện về toàn bộ các lễ hội để tìm ra những nhân tố tích cực, tiêu cực để định hướng nhận thức, kế thừa, phát huy các quan niệm nhân sinh tốt đẹp từ lễ hội truyền thống.

Hai là, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức về những giá trị tích cực và nhận diện những yếu tố tiêu cực trong nhân sinh quan.

Ba là, nâng cao đời sống vật chất, góp phần xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, góp phần khắc phục nhân sinh quan tiêu cực trong nhân dân.

Bốn là, kết hợp việc phát huy nhân sinh quan truyền thống với xây dựng nhân sinh quan mới (tính định hướng) trong lễ hội để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1) Gồm các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc và hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng.

 

PGS, TS Đặng Quang Định

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền