Trang chủ    Thực tiễn    Thành phố Hải Phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường
Thứ ba, 22 Tháng 8 2017 10:14
1937 Lượt xem

Thành phố Hải Phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường

(LLCT) - Những năm qua, thành phố Hải Phòng đã quan tâm đến công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường (BVMT) và thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Thành ủy Hải Phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền BVMT, kịp thời ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TU ngày 23-4-2005 của Ban Thường vụ Thành uỷ về công tác BVMT thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; tiếp đó là Chỉ thị số 32/CT-TU ngày 7-11-2012 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn thành phố trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, UBND thành phố đã ra Quyết định số 571/2006/QĐ-UBND ngày 22-3-2006 ban hành Chương trình hành động của thành phố thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TU với 46 chương trình; giao các sở, ngành, địa phương thực hiện. Thành lập Ban Chỉ đạo thành phố về BVMT và phát triển bền vững theo Quyết định số 701/2006/QĐ-UBND ngày 5-4-2006; Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 28-5-2008 của Ban Thường vụ Thành ủy (khóa XIII) về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Trên cơ sở chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, HĐND, UBND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định liên quan đến công tác BVMTnhư: Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐND ngày 21-7-2005 về đổi mới công tác quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị; Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn ở nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 2-4-2010 với 15 chương trình, đề án, dự án trong 5 chủ đề “Tăng cường bảo vệ môi trường và an sinh xã hội”, trong đó có 4 đề án về BVMT; xây dựng kế hoạch BVMTcủa thành phố giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020, lập đề án xã hội hóa hoạt động BVMTgiai đoạn  2010 - 2015 và định hướng đến 2020. Tổ chức chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ-BCSĐ  TNMT ngày 2-12-2009 của Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường; ban hành kế hoạch kiểm soát môi trường hằng năm...

Các quận, huyện, ban, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về BVMTtrên địa bàn quận, huyện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố có Chương trình hành động số 64/CT-MT ngày 16-5-2006 chỉ đạo tới 99,8% thôn, tổ dân phố tham gia phong trào “Toàn dân tham gia BVMT”. Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố tổ chức ký cam kết về BVMTđối với lực lượng vũ trang tại 15 quận, huyện, trung đoàn, trường quân sự, các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố.

Thực tế công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường ở Hải Phòng thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng:

Một là, đã góp phần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyên truyền BVMT

Các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kế hoạch hành động của HĐND, UBND thành phố, UBND các quận, huyện, các tổ chức đoàn thể, các địa phương, đơn vị về BVMT đã được triển khai, quán triệtsâu rộng trong các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân thành phố. Trong đó, tập trung tuyên truyền về bảo vệ, cải thiện môi trường đô thị, nông thôn, xử lý ô nhiễm công nghiệp, giải quyết các vấn đề bức xúc, trọng điểm về môi trường, sinh thái. Vận động, huy động mọi tầng lớp trong xã hội thực hiện chính sách xã hội hóa về đầu tư cho BVMT. Công tác tuyên truyền đã hỗ trợ tích cực cho việc nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần cải tạo, nâng cao chất lượng môi trường sống cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là khu vực nội thành.

Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức các đợt tuyên truyền định kỳ, đột xuất, chuyên đề thông qua các hội nghị báo cáo viên, tập huấn nghiệp vụ, giao ban báo chí. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòngđã tổ chức các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền BVMT, xuất bản các tài liệu về BVMT, tài nguyên, bảo tồn đa đạng sinh học.

Hai là, phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân vào các chủ trương chính sách liên quan đến BVMT

Các cấp chính quyền thành phố đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhân dân; việc công khai, minh bạch về những nhiệm vụ quy hoạch, về mục tiêu của các dự án, công trình, xác định khu vực tiến hành giải tỏa, tiến độ của các dự án, phương án bồi thường, mức giá đền bù, hỗ trợ tái định cư được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, coi trọng.

Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách được các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến quận, huyện và các xã, phường thực hiện có nền nếp nên những bức xúc trong bộ phận nhân dân đã cơ bản được giải quyết. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên tổ chức giao ban, phản ánh, nắm bắt tình hình công tác tuyên truyền BVMT, qua đó tháo gỡ kịp thời các vụ việc vướng mắc, khó khăn.

Phần lớn các cơ chế, chính sách mới ban hành được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Qua đó, nhân dân thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng thời nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của tuyên truyền BVMT. Nhờ phát huy dân chủ, tinh thần đoàn kết trong cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương; tuyên truyền, phổ biến, vận động để dân hiểu, dân tin nên việc tuyên truyền BVMTđã được triển khai thuận lợi ở thành phố Hải Phòng.

Để thực hiện có hiệu quả tuyên truyền BVMT, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tạo điều kiện cho nhân dân nắm vững và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; thường xuyên tăng cường công tác quản lý, BVMT; xử lý nhanh chóng, kịp thời các vi phạm, không để phát sinh vụ việc phức tạp, kéo dài gây mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong xã hội, trong quần chúng nhân dân.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”,nhờ đó các tầng lớp nhân dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ba là, công tác tuyên truyền BVMT có sự phối hợp nghiêm túc, chặt chẽ giữa các lực lượng; đa dạng các hình thức, phương thức tuyên truyền

Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đã có văn bản hướng dẫn thực hiện thông tin tuyên truyền và xây dựng đề cương tuyên truyền BVMT. Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo các cấp tham mưu tích cực cho cấp ủy Đảng xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt việc học tập, quán triệt trong Đảng; thực hiện thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương, chính sách có liên quan đến BVMT.

Các chi bộ Đảng đã phát huy vai trò cấp ủy, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả lãnh đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, đảng viên. Các đảng viên gương mẫu, đi đầu trong chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước; đồng thời, tuyên truyền vận động trong gia đình, người thân tham gia BVMT.

Các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò trong triển khai thực hiện các kế hoạch tuyên truyền BVMT. Các đoàn thể quần chúng đã tích cực thông tin, tuyên truyền, vận động; phát động các phong trào thi đua tuyên truyền BVMT, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, phòng tránh các tình huống phức tạp có thể xảy ra.

Để việc đổi mới nội dung tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức, cách thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền BVMT,các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan tiến hành triển khai, phối hợp đồng bộ các lực lượng và phương tiện. Trong đó, đội ngũ cán bộ ngành văn hóa thông tin, truyền thanh đóng vai trò quan trọng thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các đợt tuyên truyền được thực hiện xuyên suốt, sâu rộng trong quần chúng nhân dân dưới các hình thức tổ chức sinh hoạt Đảng, sinh hoạt của các đoàn thể quần chúng nhân dân, đa dạng các loại hình câu lạc bộ trong sinh hoạt khu phố, tổ dân phố... nhằm quán triệt,
phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng,
Nhà nước.

Hệ thống thông tin truyền thanh của các xã, phường thường xuyên duy trì chuyên mục, tăng cường thời lượng phát sóng, viết tin bài nhằm biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong thực hiện tốt tuyên truyền BVMT. Tổ chức phát thanh vào các thời điểm thích hợp để người dân nghe, tiếp thu và hiểu đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về BVMT. Các phường tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền BVMT bằng xe thông tin lưu động, nhất là trên các tuyến đường huyết mạch. Ngoài ra, các phương án như thông báo, niêm yết công khai tại trụ sở UBND các phường, xã, họp dân cư tại địa bàn và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng báo chí, phát thanh, truyền hình cũng mang lại tác dụng cao.

Việc huy động hệ thống chính trị vào cuộc, qua tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tuyên truyền BVMTđã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Bốn là, đã mang lại những kết quả thiết thực trong BVMT ở thành phố Hải Phòng

Trong lĩnh vực giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường:Thực hiện Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND ngày 15-7-2010 của HĐND thành phố về nhiệm vụ, giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn ở nông thôn giai đoạn 2010 - 2020, các địa phương đã tổ chức 11 lớp tập huấn về rác thải nông thôn với hơn 1.300 lượt người tham dự (chủ yếu là những người trực tiếp làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của các xã). Tổ chức 276 hội nghị tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho khoảng 27 nghìn người dân nông thôn tham dự.

Thành phố đã xây dựng 3 mô hình xã hội hóa thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nông thôn, trong đó có sử dụng lò đốt rác không sử dụng nhiên liệu. Đến nay, 64% lượng rác thải nông thôn và 100% rác thải đô thị được thu gom và xử lý.

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả;tổ chức các đợt thi đua sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn thành phố, đã tiết kiệm 20-30% lượng nước sử dụng, 20-25% lượng điện sử dụng (năm 2012 thành phố tiết kiệm được 38,4 triệu kWh điện); 30% giảm tải lượng ô nhiễm BOD5, COD; tiết kiệm 10,822 tỷ đồng, giảm 6.164 tấn CO2phát thải...

Công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận để thành phố triển khai thu phí BVMT, triển khai các giải pháp đồng bộ phòng ngừa ô nhiễm, quản lý chất thải, chất thải nguy hại. Số lượng doanh nghiệp tham gia xử lý chất thải môi trường trên địa bàn thành phố ngày càng tăng (năm 2005 mới có 1 doanh nghiệp tham gia xử lý chất thải nguy hại (Công ty TNHH Tân Thuận Phong), đến nay đã có hơn 10 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.

Thực hiện có hiệu quả thu phí BVMTđối với hoạt động khai thác khoáng sản theo Nghị định số 63/2008/NĐ-CP. Từ năm 2006 đến 30-6-2013 toàn thành phố đã thu được 104,2 tỷ đồng thuế tài nguyên, 88 tỷ đồng phí BVMTđối với khai thác khoáng sản, 266 tỷ đồng phí BVMTđối với nước thải sinh hoạt; thu phí BVMT đối với chất thải rắn; Việc thu phí BVMTđối với nước thải đã buộc nhiều doanh nghiệp phải cải tiến, thay đổi công nghệ, đầu tư hệ thống xử lý nước thải để giảm số phí phải nộp, qua đó giảm thiểu nước thải ô nhiễm ra môi trường.

Tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ môi trường để hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động BVMT. Ngày 17-4-2013, UBND thành phố ra Quyết định số 695/QĐ-UBND thành lập Quỹ môi trường với số vồn điều lệ là 30 tỷ đồng để hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động BVMT, hỗ trợ cho các chương trình, dự án và các hoạt động phòng chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trên địa bàn thành phố. Từ cuối năm 2013, quỹ BVMTcủa thành phố đã  đi vào hoạt động chính thức.

Thời gian qua, thành phố chủ động và có nhiều giải pháp tuyên truyền trong cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hướng dẫn, thẩm định đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC, ĐTM) và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện những nội dung này. Qua đó, thành phố đã không chấp thuận một số dự án đầu tư của nước ngoài vì lý do môi trường; đã hạn chế và dần kiểm soát được ô nhiễm môi trường tại các vùng nhạy cảm.

Khắc phục môi trường tại các khu vực đã và đang bị ô nhiễm suy thoái: Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay thành phố đã tiến hành kiểm tra 12 đơn vị. Theo đó, cùng các biện pháp quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền đã góp phần giúp 4/12 đơn vị hoàn thành xong thủ tục ra khỏi danh mục, các doanh nghiệp còn lại đang hoàn thiện thủ tục về hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm. Thành phố cũng đang di dời 12 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành. Về cơ bản, trong khu vực 5 quận nội thành đã không còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm công nghiệp nghiêm trọng.

Đã cơ bản hoàn thành dự án cải tạo vệ sinh thùng thành bán tự hoại trên địa bàn thành phố. Cải tạo, thau rửa, nạo vét bùn hệ thống cống thoát nước, các hồ điều hòa theo dự án vệ sinh 1B Hải Phòng, cải thiện môi trường dọc theo tuyến kênh mương, xung quanh các hồ điều hòa. Thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy, thay đảo nước trong hệ thống thủy lợi.

Đặc biệt công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công giải tỏa các điểm lấn chiếm trái phép lòng sông, bờ sông (sông Đa Độ đã xử lý được gần 70% số vụ lấn chiếm); phối hợp với các cấp, các ngành kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, kiến nghị giải pháp xử lý.

Hiện nay, toàn thành phố có 49 ha công viên và vườn hoa trong đô thị. Cây xanh, cây bóng mát trên các tuyến đường phố và công sở, trường học đạt 36.606 cây, tỷ lệ diện tích cây xanh của đô thị so với diện tích đô thị đạt 0,9%, diện tích đất cây xanh trên đầu người đạt 3,6 m3/người. Chú trọng công tác bảo vệ và trồng mới rừng, đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng và thực hiện các hình thức khoán thích hợp cho cá nhân, hộ gia đình. Từ năm 2005 đến năm 2013 đã trồng mới 3.254,8 ha rừng, đưa diện tích rừng hiện có của thành phố lên 17.989 ha. Xây dựng, bảo vệ tốt Vườn quốc gia Cát Bà tiêu biểu với 3.860 loài thực vật và động vật trên cạn và dưới biển.

Trong thời gian tới, Đảng bộ thành phố Hải Phòng tiếp tụcquan tâm lãnh đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền BVMT,coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; nỗ lực phấn đấu tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tácBVMT.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

 

TS Lê Văn Cường

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền