Trang chủ    Thực tiễn    Những khâu dễ bị làm sai trong quy trình công tác cán bộ
Thứ ba, 22 Tháng 8 2017 10:16
2262 Lượt xem

Những khâu dễ bị làm sai trong quy trình công tác cán bộ

(LLCT) - Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu: (1) đánh giá; (2)quy hoạch; (3) đào tạo, bồi dưỡng; (4) luân chuyển, điều động; (5) bố trí, sử dụng (bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bầu cử, giới thiệu ứng cử, chỉ định, phân công phụ trách, miễn nhiệm...); (6)quản lý; (7) khen thưởng, kỷ luật cán bộ; (8) thực hiện chính sách đãi ngộ;(9) kiểm tra, giám sát;(10) bảo vệ chính trị nội bộ;(11) giải quyết khiếu nại, tố cáo về cán bộ; (12) kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác cán bộ. Các khâu của công tác cán bộ là một thể thống nhất, có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau, tác động, thúc đẩy lẫn nhau; khi thực hiện tốt khâu này sẽ là tiền đề và cơ sở để thực hiện tốt các khâu khác và ngược lại, nếu một khâu nào đó thực hiện chưa tốt, không đúng quy trình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các khâu khác và kết quả chung của công tác cán bộ.

Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, việc lợi dụng để chạy chức, chạy quyền có thể xảy ra ở:

- Các khâu, các quy trình cán bộ chưa được quy định chặt chẽ, đồng bộ, do đó dễ bị lợi dụng, diễn giải theo mục đích cá nhân, vụ lợi.

- Các khâu, các quy trình có tính chất quyết định đến kết quả chạy chức.

- Các khâu, các quy trình chỉ có liên quan đến quyết định của một số ít người (thường là thường trực, ban thường vụ cấp ủy hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cấp trưởng tham mưu trực tiếp về công tác cán bộ) để dễ cho người chạy và cũng dễ cho người lợi dụng chức vụ tiến hành các “thương vụ” được thuận lợi.

Cụ thể, trong số các khâu của công tác cán bộ, các khâu sau dễ bị lợi dụng nhất:

1. Khâu đánh giá cán bộ

Đánh giá cán bộ là khâu quan trọng đầu tiên của công tác cán bộ, đó là việc làm khó, có ảnh hưởng đến tất cả các khâu sau này của công tác cán bộ, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ cũng như giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, tiến bộ không ngừng.

Cái khó của khâu đánh giá là đòi hỏi cái nhìn toàn diện, lâu dài, song người đánh giá không có điền kiện đó. Hơn nữa, nhiều người được đánh giá thường cố tạo hình ảnh tốt hơn thực tế, nên dễ gây hiểu lầm. Đánh giá cán bộ đúng sẽ tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được sở trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đánh giá cán bộ không đúng thì không những bố trí, sử dụng cán bộ không đúng, dẫn đến hỏng việc, hỏng người, gây tổn thất cho tổ chức, cho địa phương, đơn vị và ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân.

Mặc dù Đảng đã có nhiều văn bản hướng dẫn về đánh giá cán bộ, song trong thực thế, việc đánh giá cán bộ vẫn chưa khắc phục được hiện tượng cả nể, cảm tính, chung chung, không thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng người, vẫn còn tình trạng “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Có trường hợp cố tình đánh giá sai, báo cáo không trung thực về khuyết điểm, yếu kém của cán bộ để đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm. Thông báo về nội dung Kỳ họp thứ VII Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 24-10-2016 về kiểm tra dấu hiệu vi phạm và xem xét, xử lý kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 và một số cá nhân chỉ rõ: “Đánh giá, quy hoạch cán bộ một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình”. Trong đó, cá nhân đồng chí Vũ Huy Hoàng “mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh Hậu Giang để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016... Báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh...”(1). Liên quan đến việc thẩm định, đánh giá thành thích của cá nhân, tập thể để đề nghị khen thưởng liên quan đến Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam và Trịnh Xuân Thanh, Thông báo Kỳ họp thứ 8 ngày 1-12-2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận khuyết điểm trong đánh giá, thẩm định của đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương: “có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc thẩm định quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn để trình cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương và danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương cho Trịnh Xuân Thanh”(2).

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, thẳng thắn thừa nhận những yếu kém, khuyết điểm trong đánh giá cán bộ: “Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực”. Đánh giá sai cán bộ, không đúng nguyên tắc, thẩm quyền dẫn đến việc bố trí, sử dụng cán bộ sai sót, có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng: “Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đồng chí Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công Thương..., gây bức xúc trong xã hội”(3). Từ đó, Đảng chủ trương: “khẩn trương rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách đã lạc hậu, xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Trọng tâm là đánh giá cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ”. Đại hội XII của Đảng thẳng thắn chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”. Tình trạng phổ biến là đánh giá mang tính hình thức, nặng về cảm tính, nể nang, xuê xoa, né tránh, chưa thật công tâm, khách quan, chưa căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo đánh giá... dẫn đến kết quả đánh giá không phản ánh thực chất, vì vậy công tác bố trí, sử dụng cán bộ sau đánh giá còn nhiều hạn chế, bất cập.

Nhận thức tầm quan trọng của khâu đánh giá cán bộ đối với toàn bộ công tác cán bộ, Đảng ta đã có nhiều chủ trương đổi mới. Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đề ra phương hướng: “Có quan điểm và phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ một cách khách quan, khoa học, công tâm”; “Việc đánh giá cán bộ phải làm hàng năm, trước khi kết thúc nhiệm kỳ, hoặc chuyển công tác, căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, hiệu quả công việc thực tế, có tính đến môi trường, điều kiện công tác, mức độ tín nhiệm của nhân dân”; Giao cho các cấp ủy, tổ chức đảng “Trên cơ sở tiêu chuẩn chung, xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh cán bộ trong thời kỳ mới làm cơ sở cho việc đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ... cán bộ”. Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009 của Hội nghị Trung ương 9 khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục có kết quả những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ, trong đó, trước hết phải: “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, xây dựng mới tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện, công tâm; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chính; coi trọng và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ”. Đại hội XII nhấn mạnh: “Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp,...”(4).

2. Khâu quy hoạch cán bộ

Quy hoạch cán bộ là cơ sở, căn cứ cho việc đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ. Quy hoạch cán bộ là một trong những khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Làm quy hoạch cán bộ là tạo điều kiện để kiện toàn tổ chức và đổi mới cán bộ một cách thường xuyên. Có quy hoạch cán bộ mới bảo đảm được tính kế thừa và liên tục trong đội ngũ cán bộ, không để bị thiếu, bị hẫng hụt như lâu nay. Có quy hoạch cán bộ mới có thể xây dựng được kế hoạch cán bộ. Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII của Đảng về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước khẳng định: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”. Quy hoạch cán bộ được thực hiện đồng bộ từ chủ trương, biện pháp tạo nguồn cán bộ đến việc dự kiến bố trí, sắp xếp tổng thể đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Mục tiêu của quy hoạch là lựa chọn được những cán bộ thực sự có đức, có tài để đưa vào nguồn kế cận, dự bị; từng bước giao nhiệm vụ, thử thách, rèn luyện, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thông qua trường lớp và qua thực tiễn nhằm tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đây cũng là khâu được tiến hành khá dễ dãi ở nhiều nơi bởi tâm lý “tất cả cùng thắng”, với lý do là: quy hoạch là cho dài hạn, quy hoạch phải “mở”, quy hoạch còn có sự rà soát hằng năm... Do đó, có thể là kẽ hở cho việc chạy chức, mà trước hết là chạy vào quy hoạch cho chức vụ tương lai có khả năng đảm nhiệm. Đây là bước đà cho việc “mua chức” tiếp theo. Kiểm tra dấu hiệu vi phạm và xem xét, xử lý kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 và một số cá nhân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ khuyết điểm của đồng chí Vũ Huy Hoàng: “Chỉ đạo đánh giá, quy hoạch, đề nghị phê duyệt quy hoạch thứ trưởng đối với Trịnh Xuân Thanh và một số cá nhân không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn”; “đồng chí Đào Văn Hải có vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu, đề xuất với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp nhận, bổ nhiệm, quy hoạch, đánh giá, điều động nhiều cán bộ không đúng các quy định của Đảng, Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng”(5).

3. Khâu luân chuyển, điều động cán bộ

Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý được cho là khâu đột phá. Luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo Nghị quyết11 của Bộ Chính trị không phải là vấn đề mới mà là sự kế thừa, phát triển những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về công tác cán bộ. Sở dĩ luân chuyển cán bộ là khâu đột phá bởi vì nếu làm tốt công tác luân chuyển cán bộ sẽ thúc đẩy việc đánh giá cán bộ, quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tuy nhiên, luân chuyển cán bộ chỉ có thể trở thành khâu đột phá và phát huy tác dụng tốt khi nó được kết hợp chặt chẽ đồng bộ với các khâu khác của công tác cán bộ. Cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị cần được luân chuyển để đảm bảo cơ cấu, số lượng hợp lý, phù hợp với sở trường cán bộ. Tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng đi vào rèn luyện trong thực tiễn, sát cơ sở, bộc lộ tài năng, khắc phục tình trạng khép kín trong từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức, tạo nên sự đồng đều về chất lượng cán bộ từng cấp.

Cán bộ được điều động, luân chuyển sẽ rất thuận lợi cho việc bố trí, bổ nhiệm và sử dụng ở vị trí cao hơn, mặt khác, cán bộ được điều động, luân chuyển sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cán bộ khác trong việc xem xét bổ nhiệm vào cùng một ví trí quy hoạch... Những lợi thế đó chính là cái đích nhắm đến của các đối tượng có nhu cầu chạy chức. Biểu hiện của chạy trong luân chuyển, điều động cán bộ là: chạy để được luân chuyển, điều động đến nơi có điều kiện thuận lợi hơn người khác trong việc “thu hồi” vốn, những nơi có thể là bàn đạp hay đòn bẩy để vươn tới các vị trí quan trọng hơn trong hệ thống chính trị hoặc chạy để vào những nơi có vị trí quan trọng trong công tác tổ chức, cán bộ hoặc có thể là cầu nối để tiếp xúc với các nhân vật có tầm ảnh hưởng trong cơ quan, tổ chức... Trong vụ việc của Trịnh Xuân Thanh, đồng chí Vũ Huy Hoàng có khuyết điểm: Thực hiện không đúng các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc cho chủ trương tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng; Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp... thực hiện không đúng thẩm quyền khi đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Vừa qua, tại kỳ họp thứ VIII, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận về những vi phạm của một số cán bộ ở một số cơ quan Trung ương và ở tỉnh Hậu Giang. Trong đó, đồng chí Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015 đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình, quy định về công tác cán bộ và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh trong việc đề nghị, tiếp nhậnTrịnh Xuân Thanh từ Bộ Công Thương về tỉnh Hậu Giang để giữ chức Phó Chủ tịch UBND Tỉnh và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh”(6).

4. Khâu bố trí, sử dụng cán bộ

Đây là khâu có tính chất quyết định nhất của việc chạy chức, vì đây là  đích đến của nạn chạy chức, đối với “mua chức” thì quyết định được bố trí ở vị trí nào đó (thường là có lợi hơn những người khác) là mục tiêu của họ, đối với người “bán chức” thì đây là khâu có thể đem lại cho họ nguồn lợi bất chính lớn nhất. Do đó, khâu bố trí, và sử dụng cán bộ thường là khâu có tính phức tạp, đan xen lợi ích và nhạy cảm trong công tác cán bộ.

Đại hội XIcủaĐảng nhận định: “Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện và sử dụng người tài; chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu... Việc xử lý, sử dụng và quản lý cán bộ, đảng viên có vấn đề lịch sử chính trị còn phiến diện, thiếu chặt chẽ”(8). Những yếu kém trên,một mặt phản ánh năng lực, trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo và cấp ủy các cấp chưa ngang tầm nhiệm vụ; mặt khác thể hiệntính phức tạp, khó khăn và quyết liệt trên mặt trận chính trị tư tưởng trong thực hiện công tác cán bộ nói chung và khâu đánh giá, sử dụng cán bộ nói riêng.

Có thể nói, bốn khâu của công tác cán bộ như đã trình bày trên đây là những khâu có thể tạo ra hiệu quả quan trọng (thậm chí là quyết định) đối với người chạy chức, vì vậy họ tìm cách tác động vào các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền để đạt được mục đích, mặt khác đây còn là những khâu chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí, thậm chí là nặng về cảm tính (như khâu đánh giá cán bộ). Thêm nữa,đối với người “bán chức” thì đây cũng là khâu có khả năng sinh lợi nhiều nhất so với những khâu khác của công tác cán bộ. Do vậy, đây là những khâu dễ bị lợi dụng, dễ xảy ra tiêu cực dẫn đến chạy chức. Dĩ nhiên, chạy chức có thể diễn ra ở tất cả các khâu của công tác cán bộ theo những mức độ, hành vi và tính chất khác nhau. Nếu Đảng không có chế tài quy định, quy chế, quy trình đồng bộ, chặt chẽ,khôngcó chế tài răn đe, xử lý cán bộ đủ mạnh và hơn hết là những người có thẩm quyền trong công tác cán bộ không đủ tài, đủ đức trong xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khó lường đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

(1), (3), (5) Thông báo về nội dung Kỳ họp thứ VII ngày 24-10 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

(2), (6) Thông báo Kỳ họp thứ VIII ngày 1-12-2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.206.

(7) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011, tr.173-174.

PGS, TS Đinh Ngọc Giang

ThS Bùi Văn Hải

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền