Trang chủ    Thực tiễn    Đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hướng tới một nhà nước kiến tạo
Thứ ba, 22 Tháng 8 2017 10:19
1987 Lượt xem

Đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hướng tới một nhà nước kiến tạo

(LLCT) - Đổi mới bộ máy nhà nước là một biện pháp quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là quá trình chủ động, tự giác đổi mới bộ máy nhà nước từ cơ chế hành chính, tập trung quan liêu sang bộ máy quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật nhằm mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh; là quá trình đổi mới, hoàn thiện đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị với đổi mới thể chế kinh tế, phù hợp với đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

1. Nhu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hướng tới nhà nước kiến tạo

Hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho đất nước ta trên mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ... Thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong những năm qua đã và đang làm thay đổi bộ máy nhà nước từ cơ chế hành chính, tập trung quan liêu sang một bộ máy quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật. Quá trình đó đặt ra yêu cầu bảo tồn, phát huy các giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp truyền thống - hiện đại, chủ quyền - hội nhập quốc tế trong quản lý, bao hàm cả xây dựng và cải tạo, gạn lọc, kế thừa và phát huy trên tinh thần đổi mới.

Thực tiễn tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của quản trị đất nước trong thời đại công nghệ số.Trong các năm qua, kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến nhờ khai thác các cơ hội có được từ hội nhập sâu vào kinh tế thế giới qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác. Việt Nam đã chủ động ứng dụng các hiệp định thương mại, bao gồm cả việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như một cách định hướng và ràng buộc quá trình cải cách chính sách thương mại trong nước. Tuy nhiên, cũng đã có những tụt hậu nhất định trong các lĩnh vực: dịch vụ, đầu tư, hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân... trong quá trình hội nhập(1).

Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) hằng năm đánh giá chỉ số minh bạch đối với từng quốc gia qua phân tích các quy định của pháp luật, thực thi pháp luật và mức độ cảm nhận của người dân. Trong quá trình khảo sát tại Đông Nam Á, mức độ thực hiện cũng có khác nhau: Singapore dẫn đầu và cũng thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, tiếp theo là Brunei (hạng khoảng 38), Malaysia (hạng khoảng 53) và nhóm gồm: Thái Lan, Philippines, Indonesia, Việt Nam (hạng khoảng từ 80 tới 120); nhóm sau cùng là: Myanmar, Lào, Campuchia (hạng hoảng từ 150 tới 160) trên tổng số 170-180 nước tham gia. Có những quốc gia tiến bộ vượt bậc như Philippines, xếp hạng 134 năm 2010 đã được nâng dần hạng qua từng năm để năm 2014 đạt hạng 85-120 ngang mức với Thái Lan. Trong khoảng thời gian từ 2010-2014, Việt Nam vẫn ở mức từ hạng 112 tới 123. Cụ thể là: năm 2010 Việt Nam xếp ở vị trí 116/178; 2011 là 112/183; năm 2013 là 116/177; năm 2014 là 119/177(2).

Theo Báo cáo kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2015, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của công chức đối với 6 thủ tục là từ 74,3% - 87,2%. Trong đó thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp nhất là 74,3% và thủ tục cấp Giấy đăng ký kết hôn có tỷ lệ cao nhất là 87,2%.

Chỉ số hài lòng về toàn bộ quá trình giải quyết 6 thủ tục hành chính: 83,4% đối với thủ tục cấp Giấy chứng minh thư nhân dân, 74,4% đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 78,4% đối với thủ tục cấp Giấy phép xây dựng nhà ở, 86% đối với thủ tục Chứng thực, 87,5% đối với thủ tục cấp Giấy khai sinh và cao nhất là 89,5% đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

2. Các yêu cầu và phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hướng đến một nhà nước kiến tạo

Đại hội XII của Đảng đưa quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cũng như phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm trong lịch sử lãnh đạo của Đảng, nhất là những thành tựu và bài học kinh nghiệm 30 năm đổi mới, Đảng ta nhấn mạnh nhiệm vụ: phải xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa(3). Trong đó, bộ máy nhà nước giữ được vai trò trụ cột của hệ thống chính trị, công cụ đắc lực thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, chỗ dựa cho kinh tế xã hội phát triển, là một nhà nước kiến tạo phát triển đất nước. Như vậy cần:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả trong các hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước

Trong thời gian gần đây, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phát triển không ổn định, thị trường tài chính, tiền tệ biến động khó lường; tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp... đang đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề bảo vệ và phát triển của đất nước ta trong tình hình mới. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ những chuyển biến tích cực của kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, an toàn xã hội, thì diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Bối cảnh quốc tế và đất nước đặt ra những nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu bức thiết, đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, mỗi đại biểu Quốc hội nhận thức rõ trách nhiệm trước đồng bào, cử tri cả nước để học tập, rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn và bản lĩnh để tích cực, chủ động và sáng tạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật(4). Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật liên quan, những chủ trương, phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đã được chú ý thể chế hóa. Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia nhằm hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã có nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, trong đó có việc chính thức ghi nhận hình thức giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội v.v..

Hoạt động của Quốc hội phải thể hiện theo đúng nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013 đó là: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt thể hiện quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng.Theo nguyên tắc này, Quốc hội là cơ quan lập pháp, có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan thực hiện quyền hành pháp và tư pháp. Do vậy, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tập trung làm rõ phạm vi quyền lập pháp của Quốc hội trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khác. Quyền lập pháp của Quốc hội phải chuyển sang theo hướng trọng tâm quy định quyền của bộ máy nhà nước sang xác định nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, từ quyền cho phép quyền sang việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền của công dân trong mối quan hệ với nhà nước(5).

Đồng thời, cần có cơ chế mạnh mẽ hơn trong việc phát huy dân chủ của Quốc hội trong thực hiện việc tổ chức và hoạt động Quốc hội đối với việc tranh luận, phản biện, giám sát, đưa ra các quyết định dưới hình thức luật. Bên cạnh đó, việc kiểm soát của nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội cũng cần được tăng cường.

Tại các kỳ họp Quốc hội, kỳ họp Hội đồng nhân dân (HÐND), không khí thảo luận của các đại biểu đã thực sự sôi nổi, thu hút được sự chú ý của dư luận trong nhân dân. Những vấn đề được đưa ra thảo luận, xem xét và quyết định tại kỳ họp đã được lựa chọn trong chương trình nghị sự. Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã thực sự trở thành hình thức giám sát cơ bản của Quốc hội và HÐND đối với các cơ quan nhà nước hữu quan. Chính những đổi mới đó đã từng bước xác lập nên lề lối, tác phong làm việc dân chủ trong Quốc hội và HÐND, tạo nên sự tin cậy trong nhân dân, được nhân dân đồng tình và hoan nghênh(6).

Thông qua việc lựa chọn các đại biểu Quốc hội trong các kỳ bầu cử; tham gia góp ý, kiến nghị vào các quyết định của Quốc hội; giám sát hoạt động của các đại biểu Quốc hội ..., người dân sẽ góp phần bảo đảm các quyết định của Quốc hội phù hợp với các quy định của Hiến pháp, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh đó, đổi mới chất lượng công tác lập pháp theo hướng thực chất, bảo đảm tính khả thi của các chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Để đạt được mục tiêu này, cần xác định rõ vai trò của các chủ thể trong các công đoạn của quy trình lập pháp; tăng cường trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc xây dựng hệ thống chính sách của dự án luật và đánh giá sự tác động của các chính sách. Từ đó, nâng cao trách nhiệm, minh bạch hóa các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động lập pháp. Nghiên cứu xây dựng cơ chế bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật để hiện thực hóa vai trò của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc bãi bỏ, đình chỉ thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trái với quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội(7).

Thứ hai, cần nghiên cứu hoàn thiện rõ hơn trách nhiệm pháp lý của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng nguyên thủ quốc gia theo yêu cầu hội nhập quốc tế

Việc hoàn thiện trách nhiệm pháp lý của Chủ tịch nước nên theo hướng xây dựng hình ảnh Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước chăm lo việc thực hiện chính sách an dân là sự động viên, quy tụ, phát huy truyền thống đoàn kết, hào khí Việt Nam(8). Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước đóng góp rất lớn vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; vai trò của Việt Nam tại Liên Hợp quốc và các tổ chức phát triển. Các chuyến đi của Chủ tịch nước rõ ràng tăng thêm sức mạnh kinh tế cũng như quốc phòng an ninh(9).

Với vai trò “là người đứng đầu Nhà nước”, Chủ tịch nước thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong mối quan hệ với nhân dân, với các nước và các tổ chức khác. Với vai trò “thay mặt Nhà nước”, Chủ tịch nước thể hiện tính thống nhất về quyền lực nhà nước trong mối quan hệ với bên ngoài để làm rõ vai trò của Chủ tịch nước, vị trí, tính chất pháp lý của Chủ tịch nước đã thể hiện tính hệ thống và sự thống nhất trong nội tại bộ máy nhà nước cũng như trong mối quan hệ với các chủ thể khác(10).

Thứ ba, tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động Chính phủ theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại chuyển từ Chính phủ cai trị sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ

Phân định rõ ràng hơn nữa giữa quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ với bộ trưởng, tập thể chính phủ với cá nhân các bộ trưởng theo hướng xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, tinh gọn, hợp lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan nhà nước, khắc phục tình trạng buông lỏng trên một số lĩnh vực(11).

Phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể Chính phủ, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, tập trung vào quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, khắc phục những chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Hoàn thiện cơ chế phân cấp theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đồng thời bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương. Chuyển những nhiệm vụ mà các cơ quan nhà nước không cần thiết phải thực hiện cho các tổ chức xã hội đảm nhận.

Chính phủ chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ và chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chính phủ kiện toàn, chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho. Chính phủ tập trung xây dựng thể chế, cơ chế chính sách cho đầu tư, phát triển. Thực hiện phân cấp, giao quyền “cái gì bộ, ngành, địa phương làm tốt, tự chủ được thì để bộ, ngành, địa phương tự làm; không để các bộ, ngành, địa phương đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”(12).

Thứ tư, tiếp tục kiện toàn tổ chức của Tòa án nhân dân

Đối với Tòa án nhân dân, vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân được đề cao; hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có hoạt động xét xử của Tòa án, phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc tố tụng được quy định theo hướng chặt chẽ hơn. Ngành Tòa án nhân dân thực hiện tốt việc giải quyết, xét xử các loại vụ án trong thời hạn quy định của pháp luật, khắc phục triệt để tình trạng các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án. Tích cực tổng kết thực tiễn và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Tiếp tục kiện toàn tổ chức cán bộ Tòa án theo mô hình Tòa án bốn cấp theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án nhân dân để thực hiện đơn giản hóa thủ tục tố tụng tư pháp. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch và văn minh, bảo đảm nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Việc xét xử của Tòa án được minh bạch hơn, Tòa án ra phán quyết dựa trên xem xét chứng cứ và kết quả tranh tụng giữa các bên tại phiên tòa(13).

Thứ năm, tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động của Chính quyền địa phương theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trên từng ngành, lĩnh vực nhằm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách nền hành chính nhà nước và hội nhập quốc tế, thực hiện phân cấp, phân quyền ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn tiến đến tự quản địa phương là yêu cầu có tính quy luật, không thể trì hoãn. Đó là quá trình chuyển đổi phương thức thực thi quyền lực nhà nước từ tập trung quan liêu sang dân chủ; chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn từ chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương các cấp nhằm mục tiêu hiệu lực, hiệu quả. Phân cấp, phân quyền không có nghĩa là làm giảm vai trò của Trung ương mà là để Trung ương làm đúng việc phải làm: xây dựng chính sách, pháp luật và giải quyết các vấn đề có tính chiến lược, đồng thời thúc đẩy tính độc lập, chịu trách nhiệm trong quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương các cấp(14).

Thực hiện phân cấp, phân quyền, tự quản địa phương phải bảo đảm: 1) Thẩm quyền quyết định của Hội đồng dân cử; 2) Trách nhiệm giải trình; 3) Sự tuân thủ các quy định của pháp luật; 4) Công khai, minh bạch, sự giám sát của người dân; 5) Trình độ, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; 6) Cơ chế tài phán của Tòa án(15).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

(1) VCCI: “Hội nhập nhanh, cải cách chậm”, http://www.vccith.com.vn

(2) Tổ chức Minh bạch Quốc tế: Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2014, công bố ngày 3-12-2014.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.217.

(4) Nguyễn Thị Kim Ngân: “Bài phát biểu tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, trước đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước”, http://baophutho.vn

(5), (11) Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hiến pháp năm 2013 và thành tựu lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.92, 92.

(6) Đinh Xuân Thảo: “Tăng cường thực hành dân chủ trong hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 167, 3-2010.

(7) Lê Mai Linh: “Tăng cường vai trò của Nghị viện trong tiến trình cải cách bộ máy nhà nước”, Tạp chí khoa học, Đại học Thái Nguyên, số 11-2015, tr.11.

(8), (9) Ủy ban thường vụ Quốc hội: “Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chủ tịch nước thể hiện được vai trò nguyên thủ quốc gia”, http://vov.vn.

(10) Đỗ Minh Khôi: “Vai trò hiến định của Nguyên thủ quốc gia”,Đặc san Khoa học pháp lý(Về quyền con người, về sửa đổi Hiến pháp 1992), Số 3-2013, tr.23.

(12) Nguyễn Xuân Phúc: “Phát biểu của Thủ tướng tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, ngày 4-5-2016”, http://vneconomy.vn.

(13) Nguyễn Thế Anh: “Vai trò bảo vệ công lý của Tòa án trong Hiến pháp 2013”, http://tcnn.vn.

(14) Nguyễn Minh Phương: “Thực trạng phân cấp, phân quyền và vấn đề tự quản địa phương tại Việt Nam”, Văn phòng Quốc hội, Oxfam, Unicef, Hội thảo Tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Ninh Thuận, ngày 6-4-2013, tr.23.

(15) Bộ Nội vụ: Đề án phân cấp quản lý nhà nước trung ương - địa phương, Hà Nội, 8-2013, tr.11.

 

TS Trần Văn Duy

 Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền