Trang chủ    Thực tiễn    Thu hút FDI và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay
Thứ ba, 22 Tháng 8 2017 10:21
2902 Lượt xem

Thu hút FDI và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay

(LLCT)Hiện nay, xu hướng đầu tư ra nước ngoài ngày càng gia tăng và là yếu tố tích cực giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ cũng như học hỏi kinh nghiệm trong quản lý đầu tư,...

1. Thực trạng thu hút FDI vào Việt Nam

Sau 30 năm đổi mới, tính lũy kế đến hết năm 2014, Việt Nam đã thu hút được 17.520 dự án FDI với tổng số vốn 254,3 tỷ USD; năm 2015 thu hút thêm 22,757 tỷ USD vốn đăng ký mới (tăng 12,5% so với năm 2014) và 14,5 tỷ USD vốn thực hiện (tăng 17,4%).

Riêng 11 tháng đầu năm 2016, cả nước có 2.240 dự án FDI mới, 1.075 lượt dự án tăng thêm vốn với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 18,103 tỷ USD. Trong đó, số vốn thực hiện được là 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Đến nay, các dự án FDI ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ khai khoáng, nông - lâm nghiệp đến công nghiệp chế biến và các ngành dịch vụ như bất động sản, y tế, giáo dục, khách sạn... Trong đó, công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất (53,8%), tiếp theo là bất động sản (20,9%), các ngành còn lại có tỷ trọng dưới 5%. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, song tỷ trọng thu hút FDI vào ngành này chỉ đạt 1,4%. Các ngành y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm tỷ trọng dưới 1%.

Trong số 19 ngành, lĩnh vực có vốn FDI mới năm 2016, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu với 907 dự án đăng ký mới và 766 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 13,41 tỷ USD (chiếm 74,1%). Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 49 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 740,93 triệu USD (chiếm 4,1%). Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 684,84 triệu USD (chiếm 3,8%).

Đến nay, đã có 101quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc,với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm năm 2016 là 5,29 tỷ USD, chiếm 29,2% tổng vốn đầu tư. Xinhgapo đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,05 tỷ USD (chiếm 11,3%). Thứ ba là Nhật Bản với 1,95 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm (chiếm 10,8%).

Hiện nay, các dự án FDI đã có ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong số 54 tỉnh, thành phố có dự án FDI mới, Hải Phòng đứng đầu với 45 dự án cấp mới và 35 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,74 tỷ USD (chiếm 15,2%). Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,93 tỷ USD, chiếm 10,7%. Tiếp theo là Đồng Nai, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,87 tỷ USD; 1,84 tỷ USD và 1,32 tỷ USD.

Một trong những điểm mới tích cực của thu hút FDI năm 2016 là có nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, tiêu biểu là: dự án LG Display Hải Phòng với tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD thuộc lĩnh vực sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED; dự án nhà máy sản xuất mô đun camera LG Innotek Hải Phòng với tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD; dự án xây dựng trung tâm R&D mới tại quận Hoàng Mai của Tập đoàn Samsung Electronics với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD; dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại Quảng Yên, Quảng Ninh, do Công ty TNHH tập đoàn quốc tế CDC (Cayman Islands) đầu tư với tổng vốn đăng ký 315,46 triệu USD.

Trong những năm qua, khu vực FDI đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế. Hiện vốn FDI chiếm khoảng 25% tổng đầu tư xã hội, tạo ra 3,2 triệu việc làm (năm 2013) và khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm (riêng tập đoàn Samsung tại Việt Nam mỗi năm xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng xuất khẩu cả nước). Với sự đóng góp của khu vực FDI, Việt Nam đã trở thành “cứ điểm sản xuất” một số hàng công nghiệp như điện thoại di động, máy tính bảng, điện tử gia dụng và hiện đang được nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới lựa chọn để thực hiện chiến lược toàn cầu về đầu tư và thương mại.

Thành công của Việt Nam trong thu hút FDI đến từ sự ổn định chính trị, chi phí lao động thấp và môi trường đầu tư được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn, ưu đãi hơn đối với nhà đầu tư.

Bên cạnh những thành công kể trên, thu hút FDI trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập, như: Việt Nam vẫn chưa đạt mục tiêu nâng cao đáng kể trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ thông qua các doanh nghiệp FDI. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần lớn các doanh nghiệp FDI Việt Nam có công nghệ trung bình so với thế giới (80%), một phần đáng kể có công nghệ lạc hậu (14%) và chỉ có 6% có công nghệ cao. Các công nghệ được chuyển giao theo dự án FDI thường là công nghệ được đưa vào theo lợi ích của nhà đầu tư, chứ không dựa theo nhu cầu đổi mới công nghệ quốc gia. Hiện nay, Việt Nam mới thu hút được sự tham gia đầu tư của khoảng 100/500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Đối với một số tập đoàn công nghệ cao như Nokia, Samsung..., công đoạn sản xuất tại Việt Nam là công đoạn cuối, tức là chỉ lắp ráp, không đòi hỏi lao động chất lượng cao và công nghệ tiên tiến.

Ngoài ra, một số dự án FDI chưa tự giác tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, còn sử dụng dây chuyền công nghệ lạc hậu, gây tác động tiêu cực đến môi trường, như: công ty Vedan tại Đồng Nai, công ty Tung Kuang (Hải Dương), công ty Long Tech (Bắc Ninh) và mới đây là Công ty Fomosa Đài Loan tại Hà Tĩnh... Ngoài ra, việc các doanh nghiệp FDI khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch các tài nguyên khoáng sản như dầu khí, than đá, quặng...đã và đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên không tái tạo được của Việt Nam.

Mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu, do đó không hỗ trợ được nhiều cho khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển. Tỷ lệ nguyên liệu đầu vào mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước của các doanh nghiệp FDI còn tương đối thấp. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu nhập khẩu thành phần đầu vào thông qua công ty mẹ hay nhập trực tiếp, chỉ một số ít sử dụng đầu vào từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Sự mất cân đối giữa đóng góp của vốn FDI vào tổng vốn đầu tư xã hội (khoảng 25%) và đóng góp vào ngân sách nhà nước (chỉ khoảng 10%) cho thấy hiện tượng thất thu thuế và chuyển giá trên thực tế khá nghiêm trọng.

Sự bất cập trong chính sách phân cấp quản lý đầu tư FDI cho địa phương trong điều kiện thiếu thể chế liên kết vùng và các địa phương thiếu năng lực, trách nhiệm trong thẩm định, quy hoạch đầu tư dẫn đến tình trạng cấp phép tràn lan, phá vỡ quy hoạch ngành và lãnh thổ, làm giảm hiệu quả thu hút và sử dụng các dự án FDI.

Trong thời gian tới, quá trình hội nhập trong các khuôn khổ FTA thế hệ mới sẽ tạo ra xung lực thu hút FDI do sự kỳ vọng vào môi trường và cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam, cũng như do tác động của việc tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định quốc tế (nhất là về quy tắc xuất xứ, về sở hữu trí tuệ và môi trường…). Thị trường thương mại tự do rộng lớn hơn nhờ không gian FTA mở rộng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng phù hợp với tổng thể lợi ích quốc gia, Việt Nam cần định hướng lại các ưu tiên chính sách, chuyển đổi từ thu hút FDI theo số lượng sang chọn lọc các dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, và các dự án quy mô lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Trên cơ sở đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia.

Cần quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, lĩnh vực; lựa chọn đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng; sử dụng nguồn lực chất lượng cao; khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước... Đồng thời, kiên quyết hạn chế các dự án đầu tư làm gia tăng tình trạng nhập siêu; không cấp phép cho các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu; xử lý nghiêm các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường và chuyển giá, trốn thuế, vi phạm Luật Lao động. Cần chủ động ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “đầu tư chui”. Thí dụ, tình trạng các chủ đầu tư nước ngoài thông qua người Việt Nam đứng tên dự án đầu tư để mua các dự án ven biển theo kiểu thâu tóm, tập trung ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà, sân bay Nước Mặn,... (Đà Nẵng).

2. Thực trạng đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài

Những năm gần đây, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam có xu hướng gia tăng. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, cá nhân đa dạng, tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chiến lược đầu tư tập trung vào các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư thấp, khả năng quay vòng vốn ngắn, nhanh chóng đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 1999-2015, cả nước có 873 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đăng ký mới, với tổng số vốn khoảng 14,653 tỷ USD, 165 lượt dự án đăng ký bổ sung vốn tăng thêm là 5,093 tỷ USD. Sự bùng bổ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được ghi nhận từ năm 2006-2015 với tốc độ tăng vốn trung bình 52%/năm, lượng vốn chiếm tới 96,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam đến hết năm 2015.

Theo thống kê của NHNN, các doanh nghiệp, cư dân người Việt đã đem hơn 3,5 tỷ USD ra nước ngoài dưới dạng tiền và tiền gửi trong 6 tháng đầu năm 2016, (năm 2015 là 9,5 tỷ USD). Lượng vốn chảy ra nước ngoài của các ngân hàng trong nước năm 2015 là 14,2 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2016 là gần 2,6 tỷ USD.

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam thường tập trung vào các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, thông tin, truyền thông, sản xuất điện, bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; bán buôn và bán lẻ; công nghệ chế biến, chế tạo, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác... Vốn thực hiện lũy kế đạt gần 30% và chủ yếu triển khai trong lĩnh vực khai khoáng dầu khí; trồng cao su; thủy điện; viễn thông... Trong tổng vốn thực hiện của các dự án đầu tư ra nước ngoài, có một phần đáng kể được dùng để mua sắm, sử dụng hàng hóa, máy móc, thiết bị, dịch vụ từ chính Việt Nam, góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ra nước ngoài.

Bên cạnh các dự án tập trung vào lĩnh vực khai khoáng, nông - lâm - nghiệp, thủy sản, còn có các dự án thuộc khu vực dịch vụ viễn thông, công nghệ. Đáng chú ý, bên cạnh dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước lớn như: Viettel, Vinamilk, các công ty của Tập đoàn FPT, Tập đoàn cao su Việt Nam, các ngân hàng có vốn nhà nước... đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt đầu tư của cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra nước ngoài ngày càng tăng.

Tính đến năm 2016, Việt Nam đã đầu tư trực tiếp vào 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 891 dự án và tổng vốn đăng ký đạt gần 20 tỷ USD. Trong đó Lào là quốc gia có nhiều dự án đầu tư của Việt Nam nhất, với 249 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 7,4 tỷ USD; Campuchia đứng thứ 2, với 161 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 3,4 tỷ USD; Xinhgapo đứng thứ ba, với 55 dự án; tiếp đến là Myanmar 22 dự án và Liên bang Nga với 19 dự án.

Các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt chú trọng đầu tư sang các nước lân cận, như Lào, Campuchia và Myanmar, nhằm thúc đẩy kết nối kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế trong khu vực. Nhiều dự án của Việt Nam đầu tư tại Lào đang được triển khai có hiệu quả như: dự án trồng cây cao su, dự án sản xuất mía đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty cao su Đắk Lắk; dự án đầu tư của Viettel; dự án của Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt và một số chi nhánh ngân hàng Việt Nam tại Lào. Chính phủ hai nước cũng đang tiếp tục triển khai một số dự án lớn, như dự án xây dựng đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam đến tỉnh Khămmuộn của Lào, dự án xây dựng đường điện từ Xekaman 1 của Lào đến Plâycu của Việt Nam, dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư tại tỉnh Khămmuộn, Lào...

Tại Campuchia, các dự án đầu tư của Việt Nam chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Các dự án này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước, nhất là các tỉnh biên giới; tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động; nhiều hàng nông sản Campuchia xuất sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...là do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư.

Với Myanmar, Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào quốc gia này với tổng vốn đầu tư 513 triệu USDCác dự án đầu tư của Việt Nam vào Myanmar tập trung vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông... Điển hình, VNPT và Viettel đã tham gia đấu thầu vào thị trường viễn thông Myanmar, Tập đoàn FPT cũng thành lập Công ty FPT Myanmar từ năm 2013.

Việt Nam đã đầu tư sang Liên bang Nga 19 dự án với tổng vốn là 2,47 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại..., gồm các dự án liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet  và dự án Trung tâm thương mại Hà Nội tại Moscow. Việt Nam cũng có 2 dự án đầu tư sang Venezuela với tổng vốn đầu tư 1,8 tỷ USD và dự án sang Peru có tổng vốn 1,3 tỷ USD chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí, viễn thông.

Hiện nay, xu hướng đầu tư ra nước ngoài ngày càng gia tăng và là yếu tố tích cực giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ cũng như học hỏi kinh nghiệm trong quản lý đầu tư,...

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

 

TS Nguyễn Minh Phong

Báo Nhân dân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền