Trang chủ    Thực tiễn    Gia Lai: Chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở
Thứ năm, 24 Tháng 8 2017 17:08
3035 Lượt xem

Gia Lai: Chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở

(LLCT) - Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh là một trong những nhiệm vụ được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Hệ thống chính trị (HTCT) cơ sở mạnh sẽ góp phần tích cực trong tổ chức và vận động quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh quyền làm chủ của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

(Cán bộ cơ sở trao đổi nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác, nguồn: internet)

Gia Lai là tỉnh miền núi có 90 km đường biên giới, tiếp giáp Campuchia, với tổng diện tích 15.536 km2, dân số hơn 1,4 triệu người, gồm 34 dân tộc anh em. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm hơn 44% (chủ yếu là người Jrai và Bahnar). Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính (gồm 14 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố) với 222 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 184 xã, 24 phường, 14 thị trấn) với 2.161 thôn, làng, tổ dân phố (gồm 1.776 thôn, làng và 385 tổ dân phố)(1).

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX “về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai (khóa XIII) đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009 - 2015 (gọi tắt là Đề án 02-ĐA/TU). Để thực hiện đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 57-KH/TU ngày 4-5-2009 “về phân công triển khai thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn trong năm 2009”, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. 

1. Kết quả đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động HTCTcơ sở ở Gia Lai

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự tham gia tích cực của nhân dân, HTCT cơ sở ở Gia Lai từng bước ổn định, có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Về đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên ở cơ sở

Đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã đổi mới nội dung, quy trình và phương thức lãnh đạo của cấp ủy, qua đó khắc phục được tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò của tổ chức đảng tại cấp cơ sở, đồng thời bám sát chức năng, nhiệm vụ theo quy định; chủ động rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy chế làm việc, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp ủy viên, khắc phục tình trạng chồng chéo trong công việc; tập trung lãnh đạo thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa đảng ủy với cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Công tác phát triển đảng viên, xóa thôn, làng, tổ dân phố trắng đảng viên và trắng tổ chức cơ sở đảng luôn được các cấp ủy quan tâm. Số lượng đảng viên kết nạp hằng năm không ngừng tăng. Trong 5 năm (2011-2015), các chi bộ thôn, làng, tổ dân phố kết nạp được 4.121 đảng viên. Tính đến tháng 10-2013, 100% số thôn, làng, tổ dân phố toàn tỉnh có đảng viên và tổ chức đảng (là tỉnh đầu tiên của khu vực Tây Nguyên hoàn thành chỉ tiêu này).

Việc tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng từng bước được đổi mới về nội dung và phương thức, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhu cầu của cán bộ, đảng viên. Công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn quan tâm thực hiện, nhờ đó đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên.

Về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã: Từng bước được củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng.

Tính đến cuối năm 2015, đội ngũ cán bộ cấp xã của tỉnh có 2.325 người. Nếu như năm 2009, số cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên chỉ chiếm 30,38%, thì đến năm 2015 đã tăng lên 61,33%; số chưa qua đào tạo năm 2009 chiếm 57,88%, đến năm 2015 còn 33,73%. Số công chức có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên năm 2009 chiếm 81,57%, đến năm 2015 là 98,4%; số chưa qua đào tạo năm 2009 chiếm 7,31%, đến năm 2015 chỉ còn 0,5%(2).

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở (nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số) Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU “về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác”. Qua 3 đợt đã tuyển chọn được 141 sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí công tác ở các xã vùng II và vùng III của 15 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh(3). Việc thực hiện quản lý, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã được tăng cường, đảm bảo đúng quy định và phù hợp với từng vị trí việc làm.

- Về đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền,Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại cơ sở

Hội đồng nhân dân cấp xã thời gian qua đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động. Số lượng đại biểu hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn đã tăng lên, đảm bảo hợp lý về cơ cấu độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, giới tính, ngoài đảng và đại biểu tái cử. Nguyên tắc tập trung dân chủ được chú trọng, chất lượng các kỳ họp được nâng lên, công tác tổ chức, điều hành từng bước được cải tiến. Việc xây dựng và ban hành các nghị quyết của hội đồng nhân dân có chất lượng, bảo đảm đúng luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chất lượng và hiệu quả của hoạt động giám sát cũng được cải thiện đáng kể so với trước.

Hầu hết UBND cấp xã đều xây dựng quy chế làm việc theo quy chế mẫu do Chính phủ ban hành; phối hợp tốt giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương; thực hiện tốt Pháp lệnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính. Năm 2009, có 138/219 xã, phường, thị trấn đạt loại A (khá) và 10 xã, phường, thị trấn đạt loại C (yếu, kém), đến năm 2015 có 107/222 xã, phường, thị trấn đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 4 đơn vị đạt hoàn thành nhiệm vụ, không có đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được củng cố, kiện toàn, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động. Đến năm 2015, đã phối hợp và duy trì hoạt động của 2.161 tổ hòa giải với 11.098 hòa giải viên; thành lập 222 ban thanh tra nhân dân ở các xã, phường, thị trấn; phối hợp, hướng dẫn, xây dựng 2.075 bản hương ước, quy ước ở khu dân cư; xây dựng được 2.035 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và 3.192 cá nhân cốt cán trong tôn giáo là lực lượng nòng cốt trong các dân tộc, tôn giáo…

2Những bất cập và nguyên nhân

- Việc thể chế hóa, xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thịcủa cấp trên ở một số đảng ủy xã, phường, thị trấnchưa kịp thời,chưađồng bộ, tính cụ thể và hiệu quả chưa cao. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một sốtổ chức đảng còn thấp;công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên; nhiều chi bộ chưa tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo quy định…

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của hội đồng nhân dân còn thiếu chủ động; việc xem xét những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng cơ bản còn mang tính hình thức. Công tác giám sát còn hạn chế.

- Hoạt động cải cách hành chính của UBND ở một số xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ, công chứcxãchưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. Hiện số cán bộ cấp xã có trình độ học vấn tiểu học và trung học cơ sởchiếm tỷ lệ còn cao (33,11%), tỷ lệ cán bộ xã có trình độ chuyên môn còn ít (33,72%), khoảng gần 50% công chức cấp xã chưa biết sử dụng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, trên 60% cán bộ, công chức cơ sở chưa qua bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, do đó, chưa theo kịp so với yêu cầu công việc.

- Công tác phối hợp hoạt động giữa Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể còn chưa chặt chẽ. Công tác xây dựng lực lượng nòng cốt ở một số khu dân cư chưa được chú trọng; chất lượng hoạt động của đoàn thể, nhất là tổ chức đoàn thanh niên ở nhiều thôn, làng, tổ dân phố chưa phát huy được hiệu quả, hoạt động cầm chừng.

- Trụ sở và các trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ làm việc của hệ thống chính trịcơ sở chưa được đầu tư đúng mức, có nơi xuống cấp nghiêm trọng; ảnh hưởng lớn tới hiệu quả, chất lượng công việc.

- Với địa bàn rộng, dân cư không tập trung, hệ thống phương tiện, thông tin chưa đáp ứng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp nhận, nắm bắt chủ trương, đường lối, chính sách. Một số nơi trình độ dân trí thấp, do đó vai trò tham gia giám sát, phản biện của nhân dân địa phương đối với chính quyền cơ sở chưa cao.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia lai trong thời gian tới

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tỉnh Gia Lai cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn đối với các cấp ủy Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chú trọng củng cố và kiện toàn các tổ chức thôn, làng, tổ dân phố, đặc biệt tại các thôn, làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, coi trọng xây dựng chi bộ thôn, làng; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên, thu hẹp chi bộ thôn, làng, tổ dân phố chưa có chi ủy. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm và thẩm quyền giám sát của HĐND cấp xã. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đổi mới phương thức làm việc của UBND xã, phường, thị trấn.

Thứ tư, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng vào giải quyết thủ tục hành chính, coi đây là khâu đột phá của cải cách hành chính tại chính quyền cơ sở.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hướng đến đảm bảo đúng tiêu chuẩn, có cơ cấu hợp lý. Tổ chức tốt việc rà soát lại tổng thể đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn về số lượng, chất lượng theo từng nhóm chức danh, gắn với vị trí công việc hiện tại của họ để xác định rõ những mặt hạn chế và yếu kém. Từ đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa sử dụng lâu dài, hay bổ sung, thay thế; chú trọng đến cán bộ, công chức người DTTS, cán bộ, công chức là nữ.

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý, chủ chốt ở cơ sở.

__________________

(1), (2), (3) Theo Báo cáo số 128-BC/TU ngày 20-2-2017 về tổng kết Đề án số 02-ĐA/TU ngày 17-4-2009 của Ban thường vụ Tỉnh ủy “về đối mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2015”.

         ThS Lê Thị Tình

Trịnh Thị Thu Hiền

Khoa Nhà nước và Pháp luật,

         Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền