Trang chủ    Thực tiễn    Pháp luật thời Hậu Lê với việc phòng ngừa tham nhũng trong tuyển chọn và sử dụng quan chức
Thứ hai, 28 Tháng 8 2017 15:12
2385 Lượt xem

Pháp luật thời Hậu Lê với việc phòng ngừa tham nhũng trong tuyển chọn và sử dụng quan chức

(LLCT) - Năm 1428, sau khi giành lại độc lập cho dân tộc, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, mở đầu triều đại Hậu Lê. Nhờ những chính sách tiến bộ của Triều đình, đặc biệt là chính sách tuyển chọn, đào tạo, quản lý quan chức, đã góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng đất nước. Những kinh nghiệm quý báu từ chính sách đối với quan chức thời kỳ này có giá trị tham khảo hữu ích cho công tác cán bộ ở nước ta hiện nay.

1. Về tuyển chọn quan chức

Việc tuyển chọn quan lại và thu hút nhân tài thời Hậu Lê dựa vào nhiều con đường như khoa cử, tiến cử, khảo công khảo khoá... 

Chế độ khoa cử là con đường chủ yếu để tuyển chọn quan lại, được triều đình đặc biệt chú trọng. Năm 1428, khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi đã quyết định dựng lại Quốc Tử Giám ở kinh đô, mở trường ở các lộ, ban chiếu “cầu hiền”, mở rộng đường cho người tài ra làm quan, thậm chí cho cả những người trước kia lỡ hàng giặc Minh. Con em thường dân cho đến quan lại muốn được bổ dụng đều phải học hành, qua sát hạch, đỗ đạt, các giáo quan cũng được triều đình chọn lựa cẩn thận. Các đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông đều định rõ thể lệ thi cử, quy định rõ thủ tục, giấy tờ của người ứng thi, phép thi. Năm 1462, vua Lê Thánh Tông định lệ “Bảo kết thi hương”, trong đó quy định rõ: “Không cứ quân dân sắc mục, hạn đến thượng tuần tháng 8 năm nay phải đến nhà giám hay đạo sở tại khai tên và căn cước, đợi thi Hương, đỗ thì gửi danh sách đến viện Lễ nghi, đến trung tuần tháng giêng sang năm vào thi Hội. Cho quan bản quản và xã trưởng xã mình làm giấy bảo kết rằng người ấy thực là có đức hạnh thì mới được kê vào sổ đi thi. Người nào vào loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa… thì tuy có học vấn, giỏi văn bài cũng không cho vào thi”(1).

Việc tuyển chọn quan lại bằng con đường khoa cử có ba ưu điểm lớn: Một là, tiêu chuẩn xét tuyển thống nhất trong phạm vi cả nước nên bảo đảm tính công khai, minh bạch, thúc đẩy việc tu dưỡng, phấn đấu của những người có chí hướng làm quan. Hai là, những người tham gia thi cử bình đẳng về cơ hội (trừ những người không đủ tiêu chuẩn về lý lịch và tư cách đạo đức), ai cũng có thể dự thi, không phân biệt thành phần, giàu nghèo, sang hèn hoặc tuổi tác; nếu thi đỗ đều có cơ hội được bổ nhiệm làm quan. Ba là, tạo sự gắn kết giữa học tập, thi cử và tham chính; thúc đẩy xã hội coi trọng giáo dục, văn hóa và tài năng cá nhân. Người làm quan đã qua học hành, thi cử đều giỏi văn chương, lịch sử, biết chăm lo cho nhân dân, có trình độ quản lý xã hội cao hơn và tương đối đồng đều. 

Về chế độ tiến cử, khi lên ngôi Hoàng đế, vua Lê Lợi đã lệnh cho các đại quan trong triều phải tiến cử người hiền tài, lời chiếu rằng: “Trẫm nghĩ muốn thịnh trị tất phải được người hiền, được người hiền phải do ở tiến cử. Cho nên người làm vua phải lấy việc ấy làm đầu… Vậy hạ lệnh cho các đại thần văn võ, công hầu đại phu, từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều tiến cử một người, hoặc ở trong triều, hoặc ở thôn quê, hoặc đã làm quan hoặc chưa làm quan… Nếu cử được người có tài bực trung thì thăng tước hai bậc, nếu cử được người có tài đức đều giỏi, hơn hết mọi người, thì tất được thưởng hậu…”(2). Đến thời vua Lê Thánh Tông cũng quy định: Người được bảo cử hoặc tham nhũng, hoặc không làm nổi việc, làm quan không công trạng gì, thì điều tra xem viên quan nào đã bảo cử người ấy, mà trị tội; Lại bộ là nơi bổ nhiệm quan lại, nhưng nếu bổ nhiệm không tốt thì bị Lại khoa bác bỏ và cử người thay thế, cử người bậy phải chịu tội.

Về khảo công,hằng năm, triều đình thường xuyên tổ chức các kỳ thi nhằm khảo xét, đánh giá năng lực của quan lại. Ở cấp cơ sở, địa phương, chức quan xã trưởng ít nhất phải học hành đến chức giám sinh. Đây là chính sách rất tiến bộ của vua Lê Thánh Tông so với các thời kỳ trước. Từ thời Lê Thái Tổ, triều đình không phân phong cho con cháu đi trấn trị các nơi, không giao chức vụ quan trọng trong triều nếu họ không có tài, học hành kém. Nhà vua còn tổ chức các khoa thi Hoành từ để chọn người hiền tài trong số các quan lại đương chức. Trong việc tuyển chọn quan lại, thanh liêm luôn được xem là tiêu chí hàng đầu.

Có thể xem thời Lê Sơ, đặc biệt là triều vua Lê Thánh Tông là thời cực thịnh của giáo dục, khoa cử phong kiến và trọng dụng nhân tài. Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: “khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức (1470-1497). Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau càng không thể theo kịp. Trong nước không để sót nhân tài, triều đình không dùng lầm người kém”(3).

2. Về đào tạo và quản lý quan chức

Hệ thống giáo dục thời Lê Sơ rất được chú trọng. Vua Lê Thái Tổ đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Ngay sau khi lên ngôi vua, ông đã lệnh cho các trấn trong nước đều phải xây trường học, mở mang giáo dục.

Để thực hiện mục tiêu phát triển nền giáo dục Nho học, vua Lê Thánh Tông rất đề cao vai trò của đội ngũ “học quan” cũng như những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy trong các viện, trường học, quy định tiêu chuẩn cụ thể và tổ chức thi để lựa chọn. Đối với những người đỗ khoa thi tiến sỹ nếu bố trí ở Hàn lâm viện sẽ được ưu ái nâng thêm một cấp so với các vị trí công tác ở địa phương. Các giáo quan được chọn lựa hết sức cẩn thận. Dưới triều Lê Thái Tông, các giáo quan ở kinh đô và các lộ được tập hợp về kinh đô để khảo hạch, ai yếu kém thì bị sa thải. 

Nội dung giáo dục chủ yếu là Nho giáo, các tài liệu học tập, giảng dạy và thi cử chính thức gồm có: Tứ thư, Ngũ kinh, Ngọc Đường Văn Phạm, Văn kiến thông khảo, Văn tuyển, Cương mục, Bắc sử... Vua Lê Thánh Tông cho xây dựng lại Văn Miếu, mở rộng Thái Học viện, mở thêm Tú Lâm và Sùng Văn quán để bồi dưỡng con em quý tộc, quan lại cao cấp…

Các kỳ thi cũng được quy định khá chi tiết, gồm các kỳ thi đại khoa: thi Minh, thi Hội, thi Hương và các khoa thi lại viên với các môn Toán và Viết chữ. Qua các kỳ thi văn sách hay thi Đinh, người học được trình bày năng lực chính trị và sự hiểu biết thực tiễn của mình. Từ giáo dục khoa cử đã xuất hiện nhiều nhà nho, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà sử học làm rạng danh đất nước.

Bên cạnh đó, để khuyến khích tinh thần hiếu học, triều đình còn quy định những người đi học được ưu ái không phải đi lính, không phải nộp thuế; giám sinh Quốc Tử Giám ngoài việc được phát sách công phục vụ việc học tập còn được chế độ học bổng theo ba hạng: thượng xá sinh, trung xá sinh và hạ xá sinh. Bên cạnh đó, người có học còn được nhà nước và nhân dân tôn vinh qua lệ xướng danh, treo bảng, ban mũ áo, phẩm tước, dựng bia tiến sỹ và lệ vinh quy bái tổ. Nhờđó, đã góp phần quan trọng phát triển nền giáo dục nước nhà.

Triều Lê Sơ là thời đại đầu tiên ban hành Luật Hồi tỵ - luật hạn chế tham nhũng quyền lực, thông qua các quy định ngăn chặn việc kéo bè, kéo cánh hay nâng đỡ người thân quen, cả nhà làm quan... Năm 1486 (năm Bính Ngọ niên hiệu Hồng Đức), vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ cấm quan lại được lấy vợ cùng làm việc nơi làm quan, nhằm phần nào ngăn chặn tình trạng các bà vợ "chỉ huy" các ông quan chồng để thao túng quyền hành. Năm 1488, vua Lê Thánh Tông ban hành quy định, hễ là anh em ruột, anh em con chú, con bác, bác cháu, cậu cháu với nhau thì chỉ cho một người làm xã trưởng, không được cho cả hai cùng làm để trừ nguy cơ bè phái. Đến năm 1496, quy định được mở rộng đến cả những người là anh em con cô con cậu, con dì con già và cả những người là thông gia với nhau không được cùng làm xã trưởng. Cụ thể, Điều 375 Quốc Triều Hình Luật, đoạn 258 Hồng Đức Thiên Chính Thư có quy định các nội dung của Luật Hồi tỵ như sau: (1) Quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản. Quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc (2) Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở (3) Các lại dịch nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác. (4) Các quan lại không được làm quan ở nơi trú quán (nơi từng ở một thời gian lâu dài), ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi (5) Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình (6) Các lại mục, thông lại các nha thuộc các phủ huyện là người cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác (7) Các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về kinh đô chầu được dự đình nghị, song trong các cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa phương mà mình nhậm trị thì không được vào dự (8) Các khảo quan (coi thi, chấm thi) có người thân thích dự thi ở trường mình thì phải báo lên cấp trên để tránh đi. Nếu cố tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái (9) Các quan thanh tra, xét xử thấy trong vụ án, vụ điều tra có người thân quen của mình (bà con nội, ngoại, bạn thân…) đều phải khai báo và hồi tỵ ngay (10) Cấm quan đầu tỉnh lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình vợ nhũng nhiễu; cấm các quan tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan ức hiếp dân để được mua rẻ; cấm tư giao với đàn bà con gái trong trị hạt; cấm các quan lại đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh…

Mặt khác, triều đại Hậu Lê cũng thực hiện chế độ lương bổng và đãi ngộ hợp lý. Thời Lê Thánh Tông, bổng lộc quan lại gồm 2 phần cơ bản: quan lộc (lương trả bằng tiền), điền lộc (lương trả bằng ruộng), được quy định khá rõ ràng theo chức quan. Ngoài ra, nhà nước còn có hình thức ban thưởng cho các quan nhân các dịp đặc biệt, hoặc do họ hoàn thành tốt công việc, hoặc làm quan được tiếng thanh liêm…

Bên cạnh đó, thời Hậu Lê cũng xây dựng chế độ thanh tra, giám sát chặt chẽ. Ngoài Ngự sử đài được giữ lại từ thời Trần, năm 1471, vua Lê Thánh Tông lại đặt ra Lục khoa - cơ quan thanh tra của Lục bộ, có trách nhiệm xem xét việc làm đúng, sai của các quan và các việc không đúng thể thức ở mỗi bộ, đặt ra chức Hiến sát sứ ty ở các đạo thừa tuyên, có nhiệm vụ theo dõi tình hình quan lại trong khu vực mình phụ trách. Ngoài ra, đôi khi vua vi hành đến các địa phương, hoặc tổ chức đoàn “thanh tra” (như liêm phóng sứ) đến từng địa phương để nghe ngóng dư luận, thăm hỏi nhân dân. Nhà Hậu Lê cũng giữ chế độ khảo sát nghiêm cẩn đối với quan lại từ thời Lý, Trần, đồng thời quy định rõ ràng lệ khảo khóa: cứ 3 năm một lần sơ khảo, đến 9 năm thì thông khảo (xét toàn bộ) một lần nữa mới định việc thăng giáng. Trong các đợt khảo khóa, đức tính liêm khiết là tiêu chí hàng đầu để đánh giá quan lại - như sắc dụ năm 1478 của vua Lê Thánh Tông đã nêu: “… xét kỹ các quan trong bộ thuộc, hoặc có người liêm hay tham, siêng hay lười” . Trong các lần khảo khóa, các cơ quan giám sát, các trưởng quan ở các cơ quan, các địa phương không chỉ xem xét báo cáo của các quan cấp dưới, mà còn xem xét cả dư luận trong nhân dân. Nếu làm quan được dân mến thì xứng chức, nếu tham ô, nhũng nhiễu, dân ghét, dù không có chứng cứ vẫn xem là không làm tốt phận sự. Quốc Triều Hình Luật của nhà Hậu Lê cũng có những quy định rõ ràng về chế độ thưởng xứng đáng cho người dân khi tố cáo đúng sự thật các hành vi tham nhũng, làm trái quy định.

Việc xử lý tội phạm tham nhũng được nhà Lê Sơ đặc biệt lưu tâm và nghiêm trị theo Bộ luật Hồng Đức. Trong 700 điều của bộ luật, có tới 107 điều quy định những hành vi không được phép phạm phải đối với quan lại như: lợi dụng quyền thế sách nhiễu nhân dân, ăn hối lộ, gian lận, bớt xén của công, lợi dụng quyền chức mưu lợi riêng… Điều 138 của bộ luật này quy định, quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước bị phạt theo các mức sau: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền bị cách chức, từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày, từ 20 quan trở lên bị xử chém. Ngoài hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan tiền bị phạt 50 quan, từ 10 đến 19 quan thì bị phạt từ 60 đến 100 quan. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung công. Khi đã tham ô, việc định tội không phân biệt hay căn cứ vào giàu nghèo, chức trọng, chức hèn kém.

3. Có thể vận dụng kinh nghiệm tốt thời Hậu Lê vào tuyển dụng và quản lý cán bộ, công chức hiện nay

Một là, về tuyển dụng cán bộ, công chức

Hiện nay, đổi mới việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính, trong đó, công khai, minh bạch trong thi tuyển công chức là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu và có kết quả nhất định.

Việc công khai, minh bạch cũng được thực hiện trong thi tuyển, xét tuyển một số chức danh lãnh đạo. Năm 2007, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước" đã xác định: “Thực hiện việc thi tuyển đối với một số chức danh lãnh đạo gắn với chuyên môn nghiệp vụ trong bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp". Thi tuyển lãnh đạo nhằm phát hiện người có đức, tài, không phân biệt cán bộ trong hay ngoài quy hoạch, là đảng viên hay người ngoài Đảng, nhằm phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Đến nay, nhiều nơi như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, một số cơ quan như Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tư pháp... đã tổ chức thí điểm hình thức thi tuyển với các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và có kết quả tốt.

Hai là, về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Từ việc giáo dục, đào tạo quan chức thời Hậu Lê cho thấy, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp, trước hết cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong đào tạo cán bộ phải chú ý khuyến khích sự tự giác, tinh thần hăng say học tập của người học, gắn lý thuyết với thực tiễn để đạt được kết quả thực chất.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước ta luôn được quan tâm và ngày càng nâng cao chất lượng; gắn đào tạo cơ bản về lý luận chính trị với đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chức danh. Hệ thống giáo dục quốc dân cũng như hệ thống đào tạo lý luận chính trị được củng cố, phát triển; số lượng cán bộ được đào tạo lý luận chính trị tăng nhanh; đội ngũ cán bộ giảng viên tăng cả về số lượng và chất lượng... Bên cạnh đó, gắn việc đào tạo nâng cao trình độ trí tuệ với rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ đất nước trong thời kỳ mới.

Ba là, về quản lý cán bộ

Luật Phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay quy định: "Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó". Pháp luật cũng xác định, tố cáo là quyền cơ bản của công dân, là kênh đặc biệt quan trọng giúp cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành để bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành cũng quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng… áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu…”.

Nhiều nội dung trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta hiện nay đã kế thừa những kinh nghiệm về chính sách tuyển chọn, đào tạo và quản lý quan lại thời kỳ Hậu Lê vàaHHhhhggh rất nhiều những kinh nghiệm, những bài học phong phú từ lịch sử, cả trong nước và trên thế giới. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

_________________________

(1), (2)Đại Việt sử ký toàn thư: Trọn bộ, Nxb Văn hóa - thông tin, tr. 617, 532.

(3)Lịch triều hiến chương loại chí, tập III, Nxb Sử học, 1961, tr.12.

 

ThS Nguyễn Thị Thùy Linh

 Học viện Chính trị Khu vực 1

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền