Trang chủ    Thực tiễn    Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lãnh đạo xây dựng đội ngũ trí thức - Kết quả và kinh nghiệm
Thứ năm, 14 Tháng 9 2017 15:02
2716 Lượt xem

Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lãnh đạo xây dựng đội ngũ trí thức - Kết quả và kinh nghiệm

(LLCT) - Nhận thức rõ vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Chủ trương của Đảng đã được các cấp, các ngành tỉnh Vĩnh Vong tập trung triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả.

1. Những kết quả bước đầu trong xây dựng đội ngũ trí thức ở tỉnh Vĩnh Long

Hội nghị Trung ương 7 khóa X (2008) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác xây dựng đội ngũ trí thức, được Tỉnh ủy Vĩnh Long quán triệt kịp thời và triển khai thực hiện hiệu quả.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 7, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 3-11-2008 về thực hiện nghị quyết của Đảng, nêu rõ: “Cùng với sự phát triển chung, đội ngũ trí thức của tỉnh đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, góp phần trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp tích cực trong xây dựng những luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, nghị quyết, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài, từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ tiếp cận với trình độ của khu vực và cả nước”.

Thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương Đảng và triển khai Chương trình hành động số 21 của Tỉnh ủy, Vĩnh Long đã đạt được một số kết quả quan trọng sau:

Thứ nhất, đào tạo đội ngũ trí thức trình độ cao

Tỉnh ủy đề ra các chương trình mục tiêu cụ thể, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ trí thức, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức, nhất là đội ngũ trí thức làm công tác quản lý. Trên tinh thần đó, tại Kỳ họp thứ 16 khóa VII, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ra Nghị quyết số: 106/2009/NQ-HĐNDngày 9-7 -2009 về xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 với mục tiêu nâng số lượng trí thức có trình độ sau đại học lên gấp 2,5 lần và tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức hoạt động có hiệu quả.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa thành Đề án xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số: 1855/QĐ-UBND, ngày 12 - 8- 2009, với những chỉ tiêu cụ thể như:

Năm 2010, xây dựng xong quy hoạch đội ngũ trí thức trong hệ thống chính trị các cấp, sắp xếp các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh theo hướng có đại học chuyên ngành và 10% có trình độ thạc sĩ trở lên (khoảng 16 người).

Năm 2015, có 50% cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh và huyện, thành phố có trình độ thạc sỹ trở lên (khoảng 80 người), có 50% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (ban thường vụ Đảng uỷ) có trình độ đại học trở lên (khoảng 320 người).

Năm 2020, có 80% cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh và huyện, thành phố có trình độ thạc sỹ trở lên (khoảng 128 người), có 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (ban thường vụ đảng uỷ) có trình độ đại học trở lên (640 người), trong đó có 30% có trình độ thạc sỹ (khoảng 192 người).

Triển khai Đề án, tỉnh Vĩnh Long đã thực thi nhiều chính sách mới phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đào tạo ở nước ngoài nguồn nhân lực có trình độ sau đại học cho tỉnh Vĩnh Long (gọi tắt là Đề án Vĩnh Long 100)đã được phê duyệt từ tháng 8-2006, với mục tiêu đến năm 2015 tỉnh có 100 cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về các chuyên ngành cần thiết nhằm tạo bước đột phá cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, với cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của địa phương, trong đó chú trọng đào tạo lực lượng trí thức phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin,kiến trúc vàkinh tế thương mại.

Thứ hai, tăng cường chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức ở cơ sở

Tỉnh đã thực hiện việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ trí thức cấp xã, phường, thị trấnvì đây là một trong các khâu đột phá của tỉnh để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội và chuẩn bị nguồn cán bộ trí thứccho giai đoạn tiếp theo.

Năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã triển khai đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo hai giai đoạn 2011-2015 và 2015-2020 với trên 32 nghìn lượt cán bộ, công chức xã. Lực lượng cán bộ, công chức này sẽ được đào tạo toàn diện cả về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ. Trong đó, Trường chính trị Phạm Hùng và các Trung tâm bồi dưỡngchính trị huyện, thị, thành phố là đầu mối đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị; Trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn là đầu mối đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long còn liên kết với các học viện, các trường cao đẳng, đại học, các trung tâm thuộc các bộ, ngành trung ương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vàcông chức xã theo nhu cầu.

Thứ ba, phát triển đội ngũ trí thức làm công tác giảng dạy, nghiên cứu

Tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng các tiêu chuẩn, chế độ, chính sách, cơ chế đãi ngộ phù hợp để thu hút những người có năng lực giảng dạy đang hoạt động trên các lĩnh vực thuộc mọi thành phần kinh tế và những người đang công tác tại các cơ quan,đơn vị có năng lực tham gia giảng dạy, nghiên cứu theo chế độ kiêm nhiệm. Đồng thời, tỉnh tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế ở các cơ sở đào tạo bồi dưỡng, đặc biệt là Trường chính trị, Trung tâm giáo dục thường xuyên ở các huyện, thị và thành phố.

Đối với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã có những chủ trương phù hợp với yêu cầu tình hình mới như quy hoạch lại hệ thống đào tạo đại học, phát triển mạng lưới trường lớp theo diện rộng, đổi mới mục tiêu giảng dạy phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Năm 2011, đã nâng cấp Trường Cao đẳng Xây dựng Miền Tây thành Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, đây là cơ sở đào tạo nguồn lực tri thức trọng điểm quốc gia cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long với các chuyên ngành đào tạo phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và địa phương. Hằng năm, Trường cung ứng cho địa phương và cả nước khoảng 1 nghìn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu phát triển lực lượng trí thức ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Thứ tư, chính sách bồi dưỡng và sử dụng nhân tài

Để có những bước đi đúng đắn, phù hợp điều kiện thực tế và đem lại kết quả cao, tỉnh Vĩnh Long đã kịp thời đề ra những chủ trương và ban hành cơ chế, chế độ bồi dưỡng, trọng dụng và sử dụng nhân tài. Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh đã hỗ trợ chính sách cho cán bộ, công chức đi học ở nước ngoài theo Đề án Vĩnh Long 100 được cấp toàn bộ kinh phí học tập bao gồm ăn ở, phương tiện đi lại nhằm đáp ứng một phần điều kiện sinh hoạt, học tập, để người được cử đi học yên tâm, phấn khởi học tập ở nước ngoài. 

Ngoài ra, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ luân chuyển cán bộ đang công tác ở các vùng khó khăn và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với chủ trương này, tỉnh cũng có sự khảo sát, sắp xếp, cơ cấu bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả và tránh sự lãng phí trong quá trình sử dụng đội ngũ trí thức. Tỉnh quan tâm thực hiện chính sách đãi ngộ con em Vĩnh Long đang học đại học ở ngoài tỉnh (như thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ); thành lập các quỹ học bổng Phạm Hùng, Trần Đại Nghĩa để hỗ trợ các em có thành tích học tập khá giỏi.

Về công tác sử dụng nhân tài, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1533/QĐ-UBND, ngày 11-8-2011 triển khai Nghị quyết số 14/2011/NQ-HĐND ngày 28-7-2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thuộc diện quy hoạch nguồn của tỉnh, được cơ quan cử đi học thông qua Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ngoài các chế độ được hưởng theo quy định, cán bộ, công chức còn được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu thực tế, làm luận văn tốt nghiệp và đặc biệt sau khi tốt nghiệp còn được hỗ trợ 35 triệu đồng đối với thạc sỹ và 50 triệu đồng đối với tiến sỹ và tương đương. Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên tạo điều kiện cho cán bộ, công chức phát triển năng lực thông qua trình độ chuyên môn, cả phẩm chất và những cống hiến của mình với vị trí tương xứng.

2. Phương hướng trong thời gian tới

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, phương hướng công tác xây dựng đội ngũ trí thức của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long tập trung vào các nội dung chính sau:

- Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về vai trò, vị trí của trí thức trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế. Các cấp uỷ Đảng có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo trí thức và công tác trí thức, đưa công tác trí thức vào nghị quyết, chương trình hành động hàng năm, nhiệm kỳ để triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần xác định công tác trí thức là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để xã hội hiểu đúng vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức; đồng thời đội ngũ trí thức nhận thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội.

- Cần phát huy tài năng, trọng dụng những trí thức có đạo đức tốt, có năng lực làm công tác quản lý kể cả trong và ngoài Đảng; có phương thức và cơ chế quản lý, sử dụng trí thức phù hợp để phát huy năng lực cống hiến của trí thức. Những người đứng đầu cấp uỷ Đảng, chính quyền định kỳ tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của trí thức đóng góp cho mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh.

- Hoàn chỉnh quy hoạch cán bộ từ cán bộ chủ chốt cấp xã đến các chức danh lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh, huyện, thành phố, để đảm bảo mỗi năm ít nhất có 100 cán bộ, công chức đi học sau đại học, trong đó có 30% là cán bộ công chức thuộc diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh, huyện, thành phố và cán bộ chủ chốt ở xã, đưa 30 cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đi đào tạo đại học nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra và phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị.

- Thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch: Chương trình đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức hàng năm. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, đơn vị đưa đi đào tạo trên chuẩn nghề nghiệp, nhất là đưa đi đào tạo sau đại học, để nâng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tạo nguồn để bổ sung các chức danh lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh và huyện, thành phố. Quan tâm đào tạo đội ngũ trí thức trẻ, đồng thời bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ trí thức hiện có.

- Cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Trung ương về dân chủ trong hoạt động khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hoá - nghệ thuật; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách hiện có và ban hành các chính sách mới phù hợp điều kiện cụ thể của tỉnh trong thời kỳ mới; tăng cường đầu tư từ nhiều nguồn lực, tạo điều kiện cho trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh.

- Quy hoạch đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức: Đào tạo bằng nhiều hình thức trong tỉnh, trong nước và ngoài nước.

- Công khai, minh bạch trong thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, từ khâu tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ quản lý trong hệ thống chính trị các cấp. Tạo điều kiện cho trí thức phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng và những kết quả cống hiến của mình.

- Thực hiện tốt các chính sách đã ban hành như: Chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức đi học, luân chuyển cán bộ, cán bộ tăng cường về công tác ở xã; chính sách thu hút bác sỹ, dược sỹ về công tác ở tỉnh. Các chính sách này được điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn.

- Thường xuyên thông tin cho đội ngũ trí thức về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tình hình của tỉnh và đất nước, quốc tế. Tăng cường công tác chính trị tư tưởng và trách nhiệm của trí thức trong học tập, rèn luyện; tạo động lự cho trí thức phấn đấu, vươn lên ngang tầm thời kỳ mới. Thực hiện phương châm khoa học đi trước một bước bằng cách thông qua sự truyền bá của trí thức. Tiếp tục cụ thể hoá các chính sách thu hút con em Vĩnh Long đang học ở các trường đại học, học viện khi tốt nghiệp ra trường về công tác ở tỉnh nhà.

3. Một số kinh nghiệm trong lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng đội ngũ trí thức

Từ thực tiễn lãnh đạo xây dựng đội ngũ trí thức của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long thời gian qua, bước đầu đúc rút một số kinh nghiệm sau:

Một là, tập trung làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể, nhất là ở cơ sở về vấn đề này; qua đó tạo được sự đồng thuận trong nhận thức về tầm quan trọng công tác xây dựng và phát triển nguồn lực trí thức bền vững theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Đảng. Thường xuyên tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện. Trong đó, tập trung bám sát tình hình thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy, nghị quyết của Hội đồng nhân dân về xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh.

Hai là, lãnh đạo thực hiện nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức, cần có bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển đội ngũ trí thức đồng thời thực thi linh hoạt từ khâu quy hoạch, đào tạo đến phân công, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ, bảo đảm hợp lý. Hướng trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức, đáp ứng tốt yêu cầu trước mắt và lâu dài, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện chonwg trình, đề án, cần bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham mưu như Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Giáo dục - Đào tạo, tạo sự đồng tình và nhất trí cao trong việc tập hợp đội ngũ trí thức yên tâm học tập, nghiên cứu và phục vụ công cuộc xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng phát triển.

Ba là, củng cố và phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong việc phát triển nguồn nhân lực ở địa phương. Đội ngũ trí thức phải được đặt trong tổng thể quy hoạch đội ngũ cán bộ kế cận, phải được bố trí, sử dụng đúng ngành nghề, đúng chuyên môn nghiệp vụ, đúng sở trường công tác để phát huy năng lực thật sự của đội ngũ trí thức vào sự nghiệp phát triển chung của địa phương.

Ngoài những chính sách trọng đãi thỏa đáng về vật chất cần quan tâm tôn vinh về tinh thần, về nhu cầu cống hiến của trí thức, bảo đảm cho trí thức yên tâm công tác và phục vụ lâu dài ở địa phương, nhất là cán bộ quản lý có trình độ khoa học kỹ thuật, các chuyên gia đầu ngành, đội ngũ công nhân trí thức.

Bốn là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở địa phương trong việc xây dựng đội ngũ trí thức trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Thực hiện xã hội hóa các hoạt động như huy động các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, được cống hiến và phục vụ xã hội một cách bền vững và ổn định.

Xây dựng và củng cố các tổ chức Hội trí thức ở địa phương, qua đó tập hợp, đoàn kết, rèn luyện đội ngũ trí thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng tiếng nói chung, đảm bảo hài hòa lợi ích của đội ngũ trí thức đối với việc phát triển nguồn nhân lực ở địa phương cả trong trước mắt và lâu dài.

                                                              ThS Trương Thị Hồng Nga

                                                           Trường Đại học Xây dựng Miền Tây

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền