Trang chủ    Thực tiễn    Tăng cường liên kết vùng nhằm phát triển bền vững Tây Nguyên
Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 11:38
2511 Lượt xem

Tăng cường liên kết vùng nhằm phát triển bền vững Tây Nguyên

(LLCT) - Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và giàu tiềm năng, lợi thế về đất đai, khoáng sản, tài nguyên khí hậu đặc thù để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung. Tuy đã có bước phát triển quan trọng, nhưng nhìn chung Tây Nguyên hiện nay vẫn là vùng nghèo, quy mô kinh tế nhỏ yếu; mà nguyên nhân cơ bản là liên kết vùng, phân công giữa các tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, tăng cường hoạt động liên kết vùng nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên là vấn đề có tính cấp thiết.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, với diện tích tự nhiên 54.474km2, dân số khoảng 5,4 triệu người, là một trong bảy vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Tây Nguyên có tiềm năng, lợi thế to lớn về đất đai, tài nguyên, khoáng sản... để phát triển kinh tế; đặc biệt là nền nông nghiệp sản xuất quy mô lớn tập trung; đồng thời có nhiều danh lam, thắng cảnh thuận lợi cho phát triển du lịch.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Tây Nguyên đã có sự phát triển mạnh mẽ. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Năm 2014, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản trong cơ cấu kinh tế vùng là 43,7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 27,97% và dịch vụ 28,33%(1). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,92% (2011) xuống 11,22% (2014); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 38,02% (2011) xuống 22,74% (2014). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22,76 triệu đồng/năm (2010) lên 32,2 triệu đồng/năm (2014)(2).

Tuy vậy, Tây Nguyên vẫn là một vùng nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Nhiều ngành, lĩnh vực chưa phát triển tương xứng với tiềm năng (như công nghiệp chế biến, xuất khẩu, du lịch, đầu tư); mới chỉ tập trung khai thác tài nguyên thiên nhiên, chưa thật sự đầu tư phát triển bền vững. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, năng suất lao động chỉ bằng 47,5% mức trung bình của cả nước. Cơ sở vật chất và chất lượng y tế, giáo dục ở nông thôn còn yếu kém. Tài nguyên thiên nhiên, môi trường, nhất là tài nguyên rừng suy giảm nhanh do việc khai thác chưa hợp lý, cùng với áp lực của di dân tự do. Việc quy hoạch phát triển thủy điện có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn nhưng cũng có những tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng lớn đến tài nguyên đất, rừng, nguồn nước, cũng như đời sống của đồng bào trong các vùng dự án.

Đặc biệt là sự hạn chế, yếu kém trong liên kết vùng: Mô hình phát triển kinh tế của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên tương đối giống nhau, chưa có sự liên kết vùng và phân công giữa các tỉnh trong phát triển kinh tế. Các địa phương vẫn áp dụng mô hình phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ, xuất khẩu nguyên liệu thô, do đó hiệu quả thấp và không bền vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm (đặc biệt từ năm 2001 đến nay), tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến giảm (trong khi tài nguyên khoáng sản và nông lâm sản là thế mạnh của Tây Nguyên); nhiều sản phẩm chủ lực như cà phê, chè, tiêu,... chưa có liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi sản phẩm; các yếu tố đặc sắc về địa kinh tế, cảnh quan, văn hóa chưa được sử dụng hợp lý cho phát triển du lịch, dịch vụ và thúc đẩy liên kết vùng; sinh kế của dân cư không được bảo đảm bền vững(3).

Mạng lưới giao thông kết nối các địa phương trong nội vùng Tây Nguyên chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động và phát triển liên kết kinh tế vùng. Kết nối hạ tầng giao thông của Tây Nguyên với bên ngoài còn khó khăn cả về đường bộ, đường hàng không và chưa có đường sắt. Chưa bảo đảm lưu thông hàng hóa và hành khách với tốc độ cao và thông suốt giữa các địa phương trong vùng và liên vùng; giao thông đường hàng không chưa nối tuyến quốc tế; việc huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã bước đầu hình thành nhưng còn mang tính tự phát, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường, chưa tạo được những sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Các doanh nghiệp chưa liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ để làm chủ thị trường, còn bị doanh nghiệp nước ngoài chèn ép, chiếm lĩnh thị trường và thương hiệu.

Số lượng doanh nghiệp ở Tây Nguyên còn mỏng, chỉ chiếm 2,67% tổng số doanh nghiệp cả nước. Các doanh nghiệp thường có quy mô vừa và nhỏ, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất còn hạn chế, ít có doanh nghiệp tham gia đầu tư sâu vào công nghiệp chế biến nông lâm sản. Liên kết giữa các doanh nghiệp nhìn chung vẫn yếu, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn mới tham gia vào công đoạn sơ chế nên nhu cầu liên kết còn hạn chế. Các doanh nghiệp chỉ tham gia một khâu rất ngắn trong chuỗi cung ứng nên giá trị gia tăng thấp và tính liên kết không cao(4).

Các hỗ trợ khác (về khoa học công nghệ, cung ứng đầu vào, đầu ra, thanh toán tài chính - ngân hàng, pháp lý, đào tạo,...) còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán và thanh toán quy mô lớn. Hệ thống dịch vụ hậu cần như kho bãi tập kết, trung chuyển hàng hóa giữa các địa phương cònthiếu và yếu kém.

Nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên còn thiếu, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư của cả nước. Trong giai đoạn 2010 - 2014, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng Tây Nguyên chỉ chiếm 4,7 - 5,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Tây Nguyên cũng hạn chế cả về số dự án và lượng vốn đầu tư. Lũy kế đến năm 2014, toàn vùng thu hút được 148 dự án FDI với tổng số vốn 819,8 triệu USD, bằng 0,83% tổng số dự án và 0,32% tổng số vốn FDI của cả nước. Bình quân vốn đầu tư 1 dự án FDI vào Tây Nguyên chỉ bằng 39% so với trung bình cả nước.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của các tỉnh Tây Nguyên, thì liên kết kinh tế nội vùng chưa được coi trọng. Năng lực liên kết, phối hợp trong việc tổ chức thực thi các chính sách phát triển của các tỉnh vùng Tây Nguyên chưa đủ mạnh. Sự phối hợp, liên kết các chủ thể kinh tế trong nội Tây Nguyên và với bên ngoài vùng (các địa phương ở vùng Đông Nam Trung Bộ, Nam Trung Bộ) còn khá lỏng lẻo và mang tính hình thức. Chưa có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng trong việc huy động nguồn lực và khai thác các tiềm năng để phát triển. Chưa có cơ chế hợp tác/đối tác công tư hiệu quả để huy động nguồn lực khai thác các tiềm năng phát triển.

Như vậy, một số giải pháp tăng cường liên kết vùng nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên là:

Thứ nhất, đổi mới công tác quy hoạch; đẩy mạnh liên kết trong đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội

Đổi mới công tác quy hoạch trên cơ sở tầm nhìn toàn vùng; xây dựng quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương trong liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng nhằm phân bố lại lực lượng sản xuất. Tiến hành rà soát các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, quy hoạch ngành, quy hoạch của từng địa phương để phân bố lại lực lượng sản xuất theo hướng ưu tiên khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng; liên kết để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ, tăng cường các hình thức doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp thuê ngoài; từng bước hạn chế sự trùng lắp về cơ cấu ngành, sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nghiên cứu, sửa đổi và ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, hoàn thiện hệ thống giao thông liên kết các tỉnh nội vùng Tây Nguyên với nhau và với các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ cũng như các tỉnh của Lào, Campuchia trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), huy động nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn.

Phát triển hạ tầng sản xuất (giao thông, thủy điện, thủy lợi), xây dựng cơ chế phối hợp điều hòa sử dụng nguồn nước giữa thủy điện và nông nghiệp, giữa các tỉnh cùng lưu vực sông; cải tiến năng lực trữ nước và tưới tiêu của hệ thống thủy lợi.

Thứ hai, tăng cường liên kết trong sản xuất, kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ          

Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực: Ban hành cơ chế, chính sách liên kết sản xuất nông lâm nghiệp cho toàn vùng Tây Nguyên, xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Thúc đẩy hình thành và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực của vùng (trước hết là cà phê, hồ tiêu) trên cơ sở liên kết giữa các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh trong cung ứng các yếu tố đầu vào và sản xuất, chế biến sâu, tạo ra sản phẩm tiêu dùng cuối cùng có giá trị gia tăng và chất lượng cao, mang đặc trưng riêng của vùng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Thực hiện liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, từ sản xuất đến thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm (theo tiêu chuẩn 4C, GAP,...), bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Xác định một số sản phẩm mũi nhọn, chủ lực để xây dựng thương hiệu quốc gia; xây dựng hệ thống quản trị và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm của vùng.

Hình thành và phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho liên kết kinh tế nội vùng. Tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc thiết lập mạng lưới sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt với các ngành sản xuất công nghệ cao và công nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao như cà phê, cao su, mía đường, tiêu, điều, chè, rau quả và ngành khoáng sản, thủy điện. Đẩy mạnh liên kết trong trong xúc tiến đầu tư, thương mại cho toàn vùng nhằm tạo ra sự liên kết, phối hợp giữa các tổ chức, các ngành hàng, các doanh nghiệp với nhau, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của mỗi địa phương, vừa phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn vùng. Khắc phục tình trạng các địa phương ban hành chính sách thu hút đầu tư tràn lan như hiện nay. Đẩy mạnh tìm kiếm nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị làm nòng cốt cho hình thành liên kết, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm. Kết nối với các doanh nghiệp chủ lực; hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.

Liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong vùng Tây Nguyên về “Thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất”: Xây dựng các chương trình du lịch chung của toàn vùng; đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; xây dựng chương trình quảng bá về du lịch vùng Tây Nguyên. Đồng thời, liên kết với các địa phương, doanh nghiệp thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ để phát triển hạ tầng du lịch thống nhất nhằm phát huy lợi thế so sánh về đặc thù sinh thái, văn hóa; đẩy mạnh liên kết, hợp tác du lịch quốc tế trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và các nước ASEAN.

Liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh liên kết đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, với cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực với các vùng khác trong cả nước và hợp tác quốc tế. Ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học để tạo lập cơ sở dữ liệu và luận cứ phục vụ các mục tiêu phát triển và ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm có thế mạnh của vùng như cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, khoáng sản, lâm sản. Thúc đẩy liên kết trong xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội, đầu tư trên địa bàn và hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thứ ba, xây dựng thể chế, đổi mới tư duy trong phát triển vùng và liên kết vùng

Cần thiết lập cơ quan quản lý điều phối vùng kinh tế Tây Nguyên. Hiện nay, tuy đã có Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; nhưng chỉ với chức năng tham mưu, giám sát. Do vậy, cần thiết lập cơ quan quản lý điều phối vùng kinh tế dưới dạng “Ban chỉ đạo vùng” hay “Hội đồng vùng” đóng vai trò “nhạc trưởng” điều hành vấn đề liên kết. Trước mắt, cần bổ sung nhiệm vụ điều phối, liên kết kinh tế,... cho Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, thành lập các ban điều phối liên kết như: Ban Điều phối phát triển hạ tầng giao thông, Ban Điều phối phát triển du lịch, Ban Điều phối phát triển các sản phẩm nông - lâm - nghiệp chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su,...) do Bộ quản lý chuyên ngành chủ quản.

Xúc tiến thành lập “Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng Tây Nguyên” - bao gồm các chuyên gia trong các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học như:  Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt... để nghiên cứu, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp thực hiện liên kết phát triển vùng Tây Nguyên bền vững.

Cần thiết lập các quỹ tài chính phục vụ cho các mục tiêu phát triển chung của toàn vùng Tây Nguyên: Hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển liên kết vùng để huy động các nguồn lực tài chính, khoa học, kỹ thuật trong và ngoài nước như: Quỹ hỗ trợ phát triển cà phê, Quỹ hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển hạ tầng. Hiện nay, Tây Nguyên chưa có một tỉnh nào thật sự “nổi trội” để đóng vai trò trung tâm hạt nhân. Do vậy, trong thời gian tới cần hình thành Trung tâm hạt của vùng.

Trong dài hạn, cần tập trung xây dựng các quy chế liên kết vùng, trong đó quy định hình thức, nguyên tắc, nội dung liên kết và cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ tài chính đối với các dự án liên kết vùng; xác định cơ quan điều phối xây dựng và trực tiếp chỉ đạo, giám sát thực hiện. Ban hành quy định tiêu chí đánh giá phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương gắn với liên kết kinh tế vùng, tránh tình trạng chạy theo thành tích, không tính đến yếu tố hiệu quả chung của toàn vùng. Ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trong các lĩnh vực ngân sách, liên kết đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. Xây dựng thể chế kinh tế đặc thù cho các cực tăng trưởng, các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng điểm để hình thành đầu tàu, động lực có tác dụng lan tỏa trong nội vùng và ngoại vùng. Nâng cao vai trò các hiệp hội ngành hàng, trong đó có các tổ chức xã hội nghề nghiệp của nông dân, phát triển hợp tác xã, nghiệp đoàn nông nghiệp theo từng ngành hàng của Tây Nguyên.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động liên kết nội vùng Tây Nguyên với liên vùng và liên quốc gia. Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các địa phương vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác bao gồm: thu hút đầu tư; chế biến, xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su, điều, hoa quả, đồ gỗ. Hợp tác xây dựng các trục giao thông kết nối Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, nhất là đến các cảng biển, các đầu mối giao thông; các địa điểm du lịch.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế liên kết giữa Tây Nguyên với các vùng duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, trước mắt thí điểm cơ chế liên kết trong lĩnh vực du lịch, logicstic.  Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương của hai nước Lào và Campuchia trong khuôn khổ hợp tác xây dựng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS); hợp tác phát triển các hành lang Đông - Tây và hợp tác song phương; hợp tác giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên và các địa phương của Lào và Campuchia.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1) Tổng cục thống kê: Niên giám thống kê 2014, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2015.

(2) Tổng cục Thống kê: Tư liệu kinh tế  - xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,Nxb Thống kê, Hà Nội, 2015.     

(3) Nguyễn Xuân Thắng (Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3): Bài phát biểu đề dẫn Hội thảo phát triển kinh tế - xã hội đặc thù  vùng Tây Nguyên - những vấn đề cốt yếu và giải pháp, Kỷ yếu Hội thảo, Đắk Lắk, ngày 25, 26-4-2014.

(4) Nguyễn Trọng: Bước đầu đánh giá về thực trạng doanh nghiệp ở Tây Nguyên, Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển Kinh tế - xã hội đặc thù vùng Tây Nguyên: Những vấn đề cốt yếu và giải pháp”, Đắk Lắk,ngày 25, 26-4-2014.

PGS, TS Lê Văn Đính

Học viện Chính trị khu vực III

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền