Trang chủ    Thực tiễn    Tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Liên bang Nga
Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 17:33
1825 Lượt xem

Tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Liên bang Nga

(LLCT) - Sau hơn 2 năm, trải qua 8 vòng đàm phán chính thức, ngày 29-5-2015, tại Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), mở ra một bước ngoặt mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khối nói chung và đặc biệt là Liên bang Nga nói riêng.

1. Những cam kết của EAEU về thuế quan cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam

FTA giữa Việt Nam và EAEUgồm 16 chương, 216 điều, 12 phụ lục về thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lý và thể chế. Trong đó, nội dung chính mà Hiệp định đề cập tới là các cam kết xuất xứ và quan trọng nhất là các cam kết về thuế quan của hai bên dànhcho đối tác.

Trong Hiệp định thương mại tự do, EAEU đã cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam thông qua việc loại bỏ các hàng ràothuế quan. Biểu thuế được đàm phán bao gồm 11.360 dòng thuế, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, nhóm loại bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (EIF), gồm 6.718 dòng thuế, chiếm 59% biểu thuế.

- Thứ hai, nhóm cam kết cắt giảm theo lộ trình từng năm, muộn nhất đến năm 2025, gồm 876 dòng thuế, chiếm 25% biểu thuế.

- Thứ ba, nhóm giảm 25% so với thuế hiện tại và sau đó giữ nguyên, được thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực 131 dòng thuế, chiếm khoảng 1% biểu thuế.

 - Thứ tư, nhóm không cam kết (N/U): EAEU loại bỏ hay giảm thuế quan, hoặc có thể đơn phương loại bỏ hay giảm thuế nếu muốn, gồm 1.453 dòng thuế, chiếm 13% biểu thuế.

- Thứ năm, nhóm áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng (Trigger): gồm 180 dòng thuế, chiếm khoảng 1,58% biểu thuế. Các sản phẩm được áp dụng thuộc nhóm hàng dệt may, da giày và đồ gỗ. Hằngnăm EAEU sẽ đưa ra một ngưỡng số lượng nhất định đối với mỗi sản phẩm được áp dụng biện pháp này. Trong trường hợp lượng hàng hóa nhập khẩu vượt qua ngưỡng quy định, các sản phẩm sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi như Hiệp định và buộc bị áp thuế MFN trong thời hạn hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng.

2. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga

Trong các nướcEAEU, Liên bang Nga được đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất củaViệt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũnglà đối tác thương mại lớn nhất của Liên bang Nga trong ASEAN. Trong 5 năm (2010-2014), tổng kim ngạch thương mại giữa hai nướctăng trưởng trung bình 20%/năm. Hiện Nga là một trong 10 đối tác kinh tế và kinh doanh quốc tế lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, chiếm 10% kim ngạch thương mại của nước tavới toànchâu Âu.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nga những mặt hàng truyền thống như gạo, nông sản, đồ gia dụng, hàng dệt may và giày dép, sản phẩm thủy sản, và mới đây là điện thoại di động. Sản lượng và giá trị xuất khẩu các mặt hàng này có xu hướng tăng mạnh. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch thương mại hai bên đạt 2,18 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt gần 1,05 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2015. Thương mại giữa hai nướcdần hồi phục trở lại sau đợt suy giảm năm 2014-2015 do đồng Rúp mất giá.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng dần qua các năm, ngoại trừnăm 2014, 2015 có sự sụt giảm đáng kể, song đã có dấu hiệu khởi sắc và tăng trở lại vào năm 2016.

Việt Nam xuất khẩu sang Liên bang Nga 24 loại hàng hóa khác nhau thuộccác nhóm hàngnông thủy sản, công nghiệp, khoáng sản, v.v.. Trong đó, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện có giá trị xuất khẩu trên 640 triệu USD năm 2015.Đây cũng là mặt hàng đứng đầu trong cơ cấu hàng xuất khẩu sang Liên bang Nga (chiếm 44,5%); tiếp đến là máy vi tính và sản phẩm điện tử, linh kiện (8,6%); cà phê (7,2%).

3. Một số ảnh hưởng của FTA Việt Nam - EAEU đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Liên bang Nga

FTA giữa Việt Nam và EAEU đem lại nhiềutác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga, có thể kể đến như:

Một là, gỡ bỏ dần các rào cản, tăng cơ hội thâm nhập vào thị trường Nga

Nga tuy là một thị trường rộng lớn nhưng vẫn tương đối đóng với hàng hóa nước ngoài. Dù đã gia nhập WTO, songmức thuế nhập khẩu trung bình vào Nga vẫn cao, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Vì vậy, FTA giữa Việt Nam và EAEU sẽloại bỏ thuế quan với hầu hết các dòng thuế, giúp tháo dỡ hàng rào thuế quan giữa hai nước, đem lại lợi thế lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam trong việc thâm nhập và phát triển thị trường này.

Bên cạnh đó, các rào cản thương mại khác như vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, hay các vấn đề về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, sở hữu trí tuệ cũng có những chuyển biến tích cực đối với việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga. Trong FTA Việt Nam - EAEU, các điều khoản về các vấn đề trên được quy định dựa trên cơ sở của các hiệp định: SCM, SPS, TBT, TRIPS. Nhờ đó, các quy định này được đưa về một cơ sở chung, minh bạch hơn, giảm bớt sự khác biệt so với quy định của các thị trường khác. Điều này giúp cho việc tìm hiểu, tra cứu cũng như thực hiện các quy định về SPS, TBT... của Nga và việc thâm nhập vào thị trường Nga trở nên dễ dàng hơn, tạo bước đà cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Đặc biệt, FTAgiữa Việt Nam và EAEU được ký kết đã và đang mang đến cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Liên bang Nga khi lệnh cấm vận của Nga với các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ châu Âu có hiệu lực, tạo ra một khoảng trống lớn về nguồn cung hàng hóa trên thị trường. Đây là điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Nga, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Nga, nhất là nông sản.

Hai là, nângcao sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga

Việt Nam là nước đầu tiên ký FTA với EAEU, do đó, trong khi các nước khác vẫn chịu thuế MFN khi xuất khẩu sang Liên bang Nga, thìcác mặt hàng của Việt Nam đạt được ưu đãi lớn,tăng sức cạnh tranh về giá khi được cắt giảm hay xoá bỏ thuế quan. Trong số các ngành hàng được áp dụng mức thuế mới, thủy sản, dệt may và da giày là những ngành hàng có lợi thế nhất. Ngành hàng thủy sản và chế biến thủy sản được giảm thuế xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, ngành dệt may được giảm thuế 0% ở một số nhóm hàng, số khác sẽ giảm theo lộ trình 10 năm...

FTA Việt Nam - EAEU đã đem lạinhững ảnh hưởng tích cực, mang đến nhiềucơ hội cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Liên bang Nga, song vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập:

Thứ nhất, chưa đưa ra quy định, cam kết để giải quyết triệt để được rào cản khi xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga

Liên bang Nga có các yêu cầu về TBT, SPS không ổn định, thiếu minh bạch nên rất khó dự liệu. Thêm vào đó quy trình, thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp, không rõ ràng, nhất quán;giao dịch với EAEU chủ yếu sử dụng ngôn ngữ tiếng Nga. Tuy nhiên, hiện nayFTA Việt Nam - EAEU chưa xử lý được các rào cản này. Trong khi đó,nếu không vượt qua được những vấn đềnày thì các lợi ích từ việc loại bỏ thuế quan, mở rộng thị trường mà Hiệp định mang lại sẽ giảm hiệu quả.

Trên thực tế, FTA quy định một quốc gia có hệ thống quản lý chất lượng tương đương thì doanh nghiệp được đối tácchứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, Nga chưa coi Việt Nam là nước có hệ thống quản lý chất lượng tương đương, nên vẫn tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Quy trình này rất chặt chẽ, bắt đầu từ khâu nuôi trồng, chế biến, vận chuyển, xuất khẩu... và được tiến hành thường xuyên, chứ không chỉ lần đầu sau khi cấp giấy phép xuất khẩu. Bên cạnh đó, các quy định của Nga về vấn đề này được đánh giá là chưa minh bạch, có nhiều điểm khác biệt so với các thị trường xuất khẩu lớn kháccủa Việt Nam.

Mặc dù sau khi gia nhập WTO và ký kết FTA Việt Nam - EAEU, các quy định về TBT được thực hiện trên cơ sở hiệp định TBT của WTO, nhưng song song với hiệp định đó, Nga vẫn có “quyền soạn thảo, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp”. Nói cách khác, FTA mới giải quyết một phần vấn đề về SPS, TBT, chứ vẫn chưa thể giải quyết hoàn toàn gốc rễ của vấn đề. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản... nên sản xuất các mặt hàng theo quy định của các thị trường này. Do đó, để xuất khẩu sang Nga đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng một quy trình sản xuất phù hợp.

Thứ hai, vấn đề đáp ứng các quy tắc xuất xứ

Đối với thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O), trong khi một số FTA thế hệ mới như TPP, FTA Việt Nam - EU hướng tới việc áp dụng cơ chế doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, thì FTA Việt Nam - EAEU vẫn áp dụng quy trình cấp chứng nhận xuất xứ thông qua một cơ quan có thẩm quyền do nhà nước quy định. Về cơ bản, chỉ những sản phẩm đáp ứng các quy tắc xuất xứ của một FTA mới có thể hưởng các mức thuế suất ưu đãi của FTA đó. Tuy nhiên, các ưu đãi của FTA có tính phức tạp, bao gồm số lượng lớn quy tắc khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

4. Một số giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga

Một là, Nhà nước cần hỗ trợ, tuyên truyền sâu rộng về các cam kết trong Hiệp định cho các doanh nghiệp

Việc nắm được những ưu đãi thuế quan, cam kết xuất xứ, cam kết chất lượng và các yêu cầu trong FTA là quan trọng và cần thiết, giúp các doanh nghiệp tận dụng đượcnhững ảnh hưởng tích cực và khắc phục những mặt hạn chế mà Hiệp định đem lại. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền về cáccam kết trong Hiệp định, giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định. Hiện nay, các nguồn thông tin về các quy định của EAEU vẫn chủ yếu bằng tiếng Nga và tiếng Anh, các nguồn thông tin bằng tiếng Việt còn hạn chế. Đây là lý do vì sao doanh nghiệp chưa tiếp cận được thị trường.

Hai là, tăng cường đàm phán cấp nhà nước và trợ giúp doanh nghiệp về hoạt động xúc tiến thương mại

Hiện nay,hệ thống quản lý của Việt Nam về vệ sinh an toàn thực phẩm còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía liên minh EAEU. Trong thời gian tới, Nhà nước cần đẩy mạnh đàm phán,nhằm mục tiêutiến tới việc EAEU chấp nhận hệ thống kiểm dịch của Việt Nam, đồng thời đề nghị các chuyên gia của EAEU sang giúp đỡ trực tiếp các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Chính phủ và cơ quan nhà nước cũng cần thiết lập các đầu mối giao dịch thương mại tập trung và ổn định tại Liên bang Nga để các doanh nghiệp có thể chủ động theo dõi, nắm bắt nhu cầu của thị trường nước nhập khẩu nhằmđiều chỉnh, đưa ra chiến lược phù hợp. Thí dụ,thành lập website của Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga:  http://vietrussia.com, website Ngân hàng liên doanh Việt  Nam - Liên bang Nga: http://www.vrbank.com.vn, hay tổ chức Hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva” giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Nga. Tuy nhiên, số lượng các hoạt động còn ít và chủ yếu chỉ bó hẹp tại Mátxcơva. Dovậy, Nhà nước cần đẩy mạnh việc trợ giúp doanh nghiệp về hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường khả năng tìm kiếm các đối tác Nga và quảng bá hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này.

Ba là, các doanh nghiệpxuất khẩu cần chủ động nghiên cứu các quy định nhập khẩu hàng hóa của  EAEU và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm

Để có thể nhanh chóng nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, tuân thủ và tận dụng những lợi ích về hệ thống thuế quan, các quy tắc xuất xứ, các hàng rào phi thuế quan, các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng vệ ngưỡng (áp dụng cho các mặt hàng dệt may, đồ gỗ, giày dép),... thông qua Hiệp định. Đối với các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, cần đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa, về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan. Ngoài ra, cần sớm có giải phápđể các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường EAEU không qua nước thứ ba để được hưởng ưu đãi và giảm giá thành sản phẩm.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta còn ở mức thấp so với các nước khácnhư Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ.v.v..do một số hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga còn ở phân đoạn thấp và trung bình, một số mặt hàng là đầu vào cho sản xuất tại nước nhập khẩu, do đó không tạo được thương hiệu với người tiêu dùng. Vì vậy,muốn xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam tại thị trường Liên bang Nga, các doanh nghiệpcần áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của Liên bang Nga; đẩy mạnh tự động hóa dây chuyềnsản xuất để giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2017

Tài liệu tham khảo:

1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Tóm lược Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), 2015.

2. Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan: Sơ bộ tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Nga giai đoạn 2010-2015, 2016.

3. Báo điện tử Chính phủ:Xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á - Âu cần lưu ý những gì?,2015.

 

TS Vũ Thành Toàn

Đại học Ngoại thương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền