Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển du lịch sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long
Thứ hai, 06 Tháng 11 2017 12:28
10372 Lượt xem

Phát triển du lịch sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long

(LLCT) - Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có sinh thái đa dạng và đặc thù. Trong những năm qua, du lịch sinh thái đã được các tỉnh quan tâm phát triển và đem lại nhiều lợi ích nhiều mặt. Tuy vậy, hoạt động này cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục, tháo gỡ nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng lợi thế lớn của vùng.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có nhiều đóng góp cho xã hội, không chỉ từ phương diện kinh tế mà cả trong bảo tồn và phát huy các nguồn lực quốc gia. Trong bức thông điệp nhân Ngày Du lịch Thế giới 27-9-2007, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã khẳng định: “Du lịch là chìa khóa mang lại thịnh vượng cho cả nước giàu và nước nghèo”. Những năm gần đây, du lịch thế giới có tốc độ tăng trưởng nhanh. Ở Việt Nam, du lịch luôn được xác định “là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo”(1). Trong đó, du lịch sinh thái là một trong những loại hình ngày càng có vị trí quan trọng trong hoạt động du lịch.

1. Đồng bằng sông Cửu Long – vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích 40 nghìn km2, sinh thái châu thổ đa dạng, vừa là vựa lúa lớn bậc nhất nước ta vừa là nơi có nhiều điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách Việt Nam và quốc tế. Trong những năm qua, hoạt động du lịch sinh thái bước đầu đạt những kết quả nhất định với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng. Cụ thể là:

Với điều kiện địa lý của vùng đất nhiều sông rạch, người dân Nam Bộ ban đầu ở trên các miệt giồng, các gò đất cao, về sau mở rộng địa bàn cư trú ở miệt vườn, miệt cù lao, miệt kênh… hoặc ở một dạng khác là sống theo tuyến (sông, kênh, rạch, đường lộ).

Cùng với việc trồng lúa, những cư dân tới nơi đây ngay từ những ngày đầu khai khẩn vùng đất mới này đã lập vườn trồng cây ăn trái. Đào mương lên liếp lập vườn là những sáng tạo độc đáo của cư dân đồng bằng trong việc vừa trồng vườn kết hợp nuôi cá tôm. Vườn thường ở sát nơi cư trú, gần nhà. Những vùng đất phù sa có nước ngọt ven sông Tiền, sông Hậu là địa bàn của các vườn tược, người ta gọi đó là miệt vườn hay văn minh miệt vườn.

Ngoài những cây chính, người ta còn trồng xen một số loại cây khác hoặc trồng kiểu vườn tạp. Một số nơi trong các nhà vườn, trên cao là dừa, rồi đến cây ăn trái, kết hợp với các thùng ong, trồng nấm, rau xanh, chuồng heo, dưới mương là tôm, cá. Trong các vườn, do chịu ảnh hưởng của thủy triều, người ta tiến hành đào mương, lên liếp để lập vườn. Trong vườn, nông dân trồng các loại cây khác nhau, từ các loại cây ăn quả như cau, dừa, chuối, cam, quýt, chanh, bưởi, mãng cầu, thơm, nhãn… đến những loại cây lấy gỗ hoặc vật liệu làm nhà như dầu (thủy mai), sao, tre… và cả những loại cây thuốc. Ngoài những vườn cây nhỏ có tính chất gia đình, còn có những vườn cây ăn trái nổi tiếng như các vườn xoài, chuối, bưởi, măng cụt, sầu riêng. Ngoài việc nuôi các loại tôm cá, người dân vùng sông nước còn trồng các loại cây mọc dưới nước như sen, súng, môn nước, rau muống, rau nhút, bồn bồn, kèo nèo, điên điển…

Trang phục, ẩm thực, lối cư trú thể hiện rõ tính chất miệt vườn trong việc thích nghi với môi trường sinh thái của cư dân. Trong đời sống văn hóa tinh thần, phương ngữ của cư dân có nhiều từ ngữ, khái niệm liên quan đến văn minh miệt vườn và cả trong cách nói. Sinh hoạt văn hóa nghệ thuật để lại nhiều dấu ấn văn minh miệt vườn trong ca dao, dân ca, hò vè…

Ngoài ra, do những biến động về tự nhiên, những đặc thù của vùng đã tạo nên những thế mạnh mà hiếm có vùng đất nào trong khu vực có được. Những vùng sinh vật cảnh, vùng đất ngập nước nổi tiếng như:

Năm vườn quốc gia: Mũi Cà Mau, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim và vườn quốc gia Phú Quốc, với tổng diện tích lên tới trên 93.500ha;

Bốn khu bảo tồn tự nhiên (Ấp Canh Điền - Bạc Liêu, Hòn Chông - Kiên Giang, Láng Sen - Long An, Thạnh Phú - Bến Tre)

Ba khu bảo tồn loài (Lung Ngọc Hoàng - Hậu Giang, Sân chim Đầm Dơi - Cà Mau, Vườn chim Bạc Liêu)

Bảy khu bảo vệ sinh cảnh: Gò Tháp - Đồng Tháp; Núi Sam, Thoại Sơn, Trà Sư, Tức Dụp - An Giang,

Một khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học: trung tâm nghiên cứu ứng dụng rừng ngập mặn Minh Hải (Cà Mau)(2).

Khu du lịch sinh thái Tràm chim - Đồng Tháp có quang cảnh thay đổi theo mùa. Mùa nước nổi thì trên là rừng dưới là nước; Mùa khô du khách có thể đi dạo trong vườn tràm ngắm những cây tràm cổ thụ cao tới 30m, thân bám đầy dây leo. Tràm chim Đồng Tháp có diện tích 7 nghìn ha, có đến 198 loài chim trong đó có những loài quý hiếm ghi trong sách Đỏ, như: sếu cổ đỏ (hạc đầu đỏ), một trong 15 loài sếu còn sót lại. Đến đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên nguyên sơ, đặc thù của vùng Đồng Tháp Mười xưa. Đến đây, du khách được ngắm các bộ sưu tập chim đa dạng và các hoạt động trình diễn liên quan đến chim. Đồng thời, đây cũng chính là nơi giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và thiên nhiên.

Sân chim Bạc Liêu cũng được biết đến cách trung tâm thị xã 4km có diện tích khoảng 160ha với khoảng 60 nghìn con trong đó có nhiều loài quý hiếm như điên điển, quắm trắng, quắm đen, còng cọc…

Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng (Đồng Tháp) có lợi thế về vị trí địa lý gần Thành phố Cao Lãnh với những đặc trưng sinh thái rừng tràm, vườm chim, làng quê ẩm thực đậm chất Nam Bộ hấp dẫn.

Tại Cà Mau, Vườn quốc gia mũi Cà Mau với hay Khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi - Cà Mau với hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển có giá trị về đa dạng sinh học, thuỷ sản lâm nghiệp…

Mũi Cà Mau, điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc cũng là điểm du lịch khó quên. Ngoài ra, việc du lịch sinh thái biển đảo tại Phú Quốc đang được nhiều du khách lựa chọn (lặn biển, khám phá hệ sinh thái biển đảo: san hô, các loài thủy sinh, bò biển...)

2.Thực trạng hoạt động du lịch sinh thái ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Du lịch sinh thái miệt vườn

Các khu du lịch, các điểm sinh thái trở thành những điểm nhấn trong các tuyến du lịch và đã thu hút nhiều đối tượng khách du lịch như các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên, khách đoàn các cơ quan, địa phương trong những dịp lễ. Bên cạnh đó, khách quốc tế cũng tìm đến đây để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của các cánh rừng ngập mặn, khu sinh thái, tận hưởng không khí trong lành, không gian yên tĩnh, khám phá hệ sinh thái đa dạng, phong phú hiếm có.

Tuy vậy, do phương thức tổ chức chưa phù hợp, nên một số điểm du lịch sinh thái tại ĐBSCL (vườn quốc gia Tràm Chim, Lâm ngư trường) suy giảm đáng kể. Bên cạnh đó là hệ thống giao thông và dịch vụ còn hạn chế. Chưa có sự nối kết được với các dịch vụ du lịch khác. Việc làm du lịch còn manh mún, tự phát, chưa có nhiều quảng bá, còn phụ thuộc nhiều vào các công ty lữ hành. Nhân lực du lịch hầu hết chưa qua đào tạo cơ bản, chủ yếu là lao động bán thời vụ, còn hạn chế về hiểu biết văn hoá, địa lý, sinh thái,... của vùng đất này, cũng như những thông tin hữu ích cho du khách.

Du lịch sinh thái sông nước, kênh rạch

Cùng với các khu du lịch, các điểm sinh thái được quan tâm bảo tồn và phát triển là điểm tham quan du lịch thu hút nhiều đối tượng du khách và nhà nghiên cứu, đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống sông nước, kênh rạch chằng chịt, là vùng văn hóa thấm đẫm nước nhiều nhất, mang bản chất văn hóa nước rõ rệt nhất, và do vậy, hơn đâu hết, người Việt vùng đồng bằng song Cửu Long tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng xử với nước nhất.

Việc thu hoạch lúa nước diễn ra vào cuối mỗi mùa nước lụt nên cư dân phải kết gổ làm thành xuồng, bè để di chuyển theo những dòng nước nhất định tạo thành luồng lạch, khởi đầu cho việc hình thành hệ thống đường thủy mà trong mùa khô chúng là con đường, sang mùa nước lại trở thành dòng kênh. Sau này khi nhiều trung tâm cư trú đông hơn được thành lập thì người ta nối thẳng các đường nước thành sông đào, kênh đào và tạo ra các bến nước làm nơi thuyền bè tụ họp thành thứ chợ nổi trao đổi hàng hóa sản vật.

Chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước miền Tây. Chợ họp trên sông, giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm ghe, thuyền, xuồng của cư dân. Chợ họp cả ngày, nhưng thường nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Trên thuyền chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại trái cây. Nét riêng của các thuyền là trên mỗi thuyền có một vài cây sào, trên đó treo lủng lẳng các loại sản phẩm mà mình có bán. Cho nên khách hàng chỉ cần nhìn vào cây sào đó là có thể biết trên thuyền, ghe đó có thứ mình cần hay không. Chợ là nơi mua bán thật sự của cư dân địa phương, là nơi người dân địa phương trao đổi sản vật, nông sản, thực phẩm… khác hoàn toàn với chợ nổi Damnoen Saduak tại Thái Lan. Do đó, thu hút được nhiều khách du lịch.

Tuy nhiên, hình thức du lịch sinh thái này vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách: lúng túng về chiến lược phát triển; hiệu quả hoạt động còn thấp, chưa thật sự phát huy ngang tầm với vai trò, vị trí…

Như vậy, phát triển du lịch nói chung, du lịch sinh thái nói riêng gắn với hình ảnh và sản phẩm du lịch đã tạo nên ấn tượng là một phương thức phát triển thị trường hiệu quả. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL chưa thật sự tạo được điểm nhấn trong cảm nhận của du khách cả trong và ngoài nước.

Đồng thời, một số thách thức đặt ra, như: sự hạn chế về năng lực quản lý của chính quyền địa phương, mức độ tham gia của cộng đồng còn thấp và các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện, đó là xung đột lợi ích sinh kế cũng như quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên và quyền kiểm soát ranh giới đất đai giữa các cơ quan chính quyền và cộng đồng địa phương. Mặt khác, các phong tục địa phương và lối sống của người dân trong một số trường hợp bị thương mại hóa bởi các hoạt động du lịch. Ví dụ, các hoạt động xúc tiến du lịch tại các khu vực không được kiểm soát và các tệ nạn đi kèm như rượu chè, mại dâm, tăng giá cục bộ… dẫn đến tình trạng mất ổn định và suy thoái về mặt văn hóa và lối sống trong khu vực.

Muốn giải quyết được những vấn đề này cần có một nổ lực lớn của toàn xã hội từ chính quyền địa phương, các ban ngành có liên quan đến du lịch, các công ty kinh doanh du lịch và cả cộng đồng nhân dân địa phương.

3. Một số giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long

Một là, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả "Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt tại Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL ngày 3-8-2016;đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long” theo Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23-1-2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch.

Hai là, cần tập trung xây dựng chính sách ưu đãi và kêu gọi đầu tư cho du lịch trong vùng. Trong đó, đầu tư một cách tập trung, không dàn trải theo từng giai đoạn cụ thể để tạo những sản phẩm đặc trưng mang tính khác biệt. Xây dựng các sản phẩm bổ trợ và sản phẩm cạnh tranh trong giai đoạn tiếp theo trên cơ sở khảo sát, tính toán và phân khúc thị trường cụ thể.

Ba là, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch sinh thái với sự quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ của ngành du lịch. Phát triển nguồn nhân lực và quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp tại các địa phương, nhằm đáp ứng xu hướng phát triển du lịch tại khu vực cũng như đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách trong và ngoài nước.

Bốn là, tập trung chỉ đạo việc phát huy vai trò của cơ quan chuyên trách về triển khai chiến lược Marketing. Trong đó, tăng cường xã hội hóa du lịch, thu hút mọi thành phần kinh tế cùng tham gia, cùng khai thác, cùng hưởng lợi và cùng bảo vệ môi trường du lịch. Đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển, huy động nguồn lực liên ngành phục vụ phát triển du lịch. Thực hiện chính sách và các chương trình hành động du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, đầu tư tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong tổ chức hoạt động du lịch và cung cấp dịch vụ du lịch, thực hiện liên kết công - tư trong việc huy động kinh phí để tăng cường đầu tư cho xúc tiến, quảng bá điểm đến, phát triển thương hiệu điểm đến; có thể hình thành quỹ phát triển du lịch và quỹ xúc tiến du lịch để tạo nguồn lực cho phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương.

Năm là, đẩy mạnh công tác quảng bá tiếp thị và truyền thông về du lịch. Cần tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch với thị trường trong và ngoài nước. Các địa phương cần có các biện pháp hướng dẫn du khách nhận thức cách sử dụng các sản phẩm dịch vụ một cách thân thiện phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững.

Sáu là, các địa phương cần đẩy mạnh trao đổi, phối hợp và hỗ trợ cung cấp dịch vụ giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn vùng, đặc biệt là liên kết cung cấp dịch vụ giữa các công ty lữ hành với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, vận chuyển khách… trong việc đón, phục vụ khách du lịch. Mở rộng và tăng cường liên kết nội Vùng và liên kết vùng (trong nước, khu vực và quốc tế), liên kết giữa các địa phương trong Vùng; hợp tác, liên kết giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực liên quan, đặc biệt với công an, các đơn vị quốc phòng để bảo đảm an toàn cho khách du lịch, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và an ninh.

______________________

(1) Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8 - 12 - 2014 Về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

(2) Tổng cục Du lịch: Báo cáo tổng hợp Đề án Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long, tr.17

                                                      

ThS Nguyễn Thị Hằng

                                                            Học viện Chính trị khu vực II

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền