Trang chủ    Thực tiễn    Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên các địa bàn khó khăn ở Tây Nguyên hiện nay (Qua thực tế huyện Đăk Glong)
Thứ hai, 13 Tháng 11 2017 09:10
1807 Lượt xem

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên các địa bàn khó khăn ở Tây Nguyên hiện nay (Qua thực tế huyện Đăk Glong)

(LLCT) - Trong những năm qua, trước yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, Đảng bộ huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó nâng cao năng lực xây dựng, triển khai và lãnh đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án có hiệu quả, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huyện Đắk Glong được thành lập theo Nghị định số: 82/2005/NĐ-CP, ngày 27-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở chia tách huyện Đắk Nông và thành lập thị xã Gia Nghĩa. Đăk Glong là một trong 319 huyện nghèo của cả nước, với 7/7 đơn vị xã nghèo (trong đó 3 xã đặc biệt khó khăn, 4 xã vùng 3). Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, xuất phát điểm thấp là đặc trưng nổi bật của Đăk Glong và cũng là thách thức đối với công cuộc xây dựng và phát triển. Khi thành lập, năm 2005 thu nhập bình quân chỉ đạt 5,07 triệu đồng/người; kết cấu hạ tầng chưa có gì đáng kể; iện tích tự nhiên là 144.875,46ha, dân số 8.160 hộ với 39.588 nhân khẩu, gồm 21 dân tộc sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm 72%, đông nhất là dân tộc H’Mông, có 9.918 người.

Năm 2017, Đảng bộ huyện Đăk Glong có 30 tổ chức cơ sở Đảng (7 đảng bộ xã, 2 đảng bộ lực lượng vũ trang, 2 đảng bộ cơ quan, 1 đảng bộ sự nghiệp, 18 chi bộ cơ sở); 145 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Đảng bộ huyện có 888 đảng viên. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn huyện có 1.255 người[1]. Trong đó, biên chế sự nghiệp, giáo dục và đào tạo là 884 người.

Nhận thức rõ khó khăn, rào cản trên con đường xây dựng, phát triển, Đảng bộ huyện đã xác định một trong những khâu đột phá là công tác cán bộ. Đảng bộ tập trung quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Đăk Nông về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị gắn với xây dựng thôn, bon vững mạnh toàn diện; về tiêu chuẩn chức danh cán bộ; các chính sách phát triển nguồn nhân lực; quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức... và chỉ đạo thực hiện sâu sát.Huyện ủy Đăk Glong đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 7-8-2006 về việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cấp xã, thị trấn giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015; Hội đồng nhân dân huyện ra Nghị quyết số 11/2010/NQ-HĐND ngày 13-1-2010 về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Tiếp đó, Huyện ủy có Kế hoạch số 26-KH/HU, ngày 4-3-2013, về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, giai đoạn 2013-2015; Kế hoạch số 49-KH/HU, ngày 23-7-2015 về thực hiện Đề án củng cố và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn giai đoạn 2014-2021; Kế hoạch số 10-KH/HU, ngày 31-5-2016 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016-2020.

Các nghị quyết, kế hoạch thể hiện rõ nhận thức đúng đắn của Huyện ủy về công tác cán bộ, xác định đào tạo, bồi dưỡng là hoạt động thường xuyên, lâu dài với lộ trình thực hiện cụ thể, xác định rõ đối tượng đào tạo, bồi dưỡng hàng năm.

Để thực hiện có kết quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quán triệt sâu rộng trong đội cán bộ chủ chốt và chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị huyện và cơ sở, từ các ban tham mưu Huyện ủy, chính quyền và các đoàn thể, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tập trung nâng cao trình độ lý luận, đổi mới tư duy, nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo có nhãn quan chính trị sắc bén, lập trường chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức cách mạng. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hành chính công, quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, bồi dưỡng về tin học, đặc biệt là đào tạo tiếng M’Nông để giao tiếp, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến  đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia vận động, giúp đỡ đồng bào nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Cách thức đào tạođược thực hiện đa dạng, gồm các khóa bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo dài hạn, theo các hình thức chính quy hoặc không tập trung, vừa học vừa làm; bồi dưỡng thông qua hội nghị, hội thảo, học tập quán triệt.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt những kết quả tích cực:

Công tác học tập, quán triệt nghị quyết đại hội Đảng các cấp, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy được triển khai kịp thời. Trong 5 năm (2010-2015)[2], toàn Đảng bộ đã tổ chức 141 lớp học tập, quán triệt nghị quyết với 9.648 lượt ngườidự; đồng thời, chỉ đạo mở được 174 lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ với 14.272 lượt người tham gia.

Căn cứ vào quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp huyện, trưởng, phó các phòng ban, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở và trưởng, phó các đơn vị sự nghiệp, giáo dục, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Huyện ủy đã cử 96/140 lượt cán bộ đi đào tạo các lớp chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị.

Về chuyên môn: 33 người học cao đẳng, đại học và sau đại học, chiếm 23,57% tổng số cán bộ trong quy hoạch. Về lý luận chính: 63 người học các lớp trung cấp và cao cấp lý luận chính trị, chiếm 45% cán bộ trong quy hoạch.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của huyện đãgóp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức,đóng góp tích cực vào việc củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đa số cán bộ, công chức đã được đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Cơ cấu số lượng cán bộ, công chức cơ bản đáp ứng được các tiêu chí theo quy định, như tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ tuổi ngày càng nhiều, đặc biệt là cán bộ chủ chốt. Hầu hết cán bộ chủ chốt đều được rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn hoạt động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật, có kinh nghiệm công tác, tích cực thực hiện chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua nhận xét, đánh giá cán bộ hàng năm, đa số cán bộ, công chức, viên chức của huyện đều đã hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Một số hạn chế:

Mặc dù số cán bộ được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ khá cao nhưng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức chưa qua đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn còn cao, chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 923-QĐ/TU, ngày 9-4-2009, của Tỉnh ủy về tiêu chuẩn chức danh cán bộ.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu cân đối, giữa trang bị kiến thức lý luận chính trị với kỹ năng tác nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ.

Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ- tiếng M’Nông chưa cao. Sau khi đào tạo người học chưa nghe và nói thành thạo tiếng người M’Nông.

Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị chưa cao.

Những hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức là một trong những nguyên nhân dẫn đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện Đăk Glong còn những hạn chế: số lượng cán bộ, công chức được đào tạo trình độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, trình độ sau đại học còn hạn chế; năng lực thực tiễn còn thấp; tinh thần, thái độ, trách nhiệm với công việc chưa cao; cơ cấu cán bộ một số xã, một số cơ quan cấp huyện chưa đồng đều, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số còn thấp; phần đông cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở độ tuổi 45-55, trình độ đào tạo chắp vá, hụt hẫng.

Nguyên nhân hạn chế là:

Một số cấp ủy, chính quyềncơ sởchưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Vì vậy, một bộ phận cán bộ lãnh đạo ở một sốcơ sởchưa tạo điều kiện cho cán bộ đi học vì lý do không có người đảm nhiệm công việc thay thế; hoặc cử cán bộ đi học chưa sát, đúng với yêunhiệm vụ thực tiễn.

Mục đích, động cơ, thái độ học tập của nhiều người học chưa thật sự tự giác, chưa chú trọng nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ mà nhiều học viên chỉ quan tâm lấy được bằng cấp, chứng chỉ để chuẩn hóa chức danh, để nâng lương, nâng bậc...

Nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều bất cập. Nội dung chương trình đào tạo còn nặng về lý luận, nhẹ về thực tiễn. Chất lượng của hình thức đào tạo vừa học vừa làm còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học viên. Học viên vừa đi học vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của mình tại cơ quan, đơn vị, dẫn đến nhiều người học phải nghỉ học hoặc đi muộn về sớm. Bên cạnh đó, trình độ và phương pháp giảng dạy của giảng viên còn hạn chế; nhiều giảng viên còn truyền đạt một chiều. Việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Đối với các lớp được mở tại trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, số lượng người học đông, thông thường 70 người/lớp, ảnh hưởng trực tiếp tới việc bao quát lớp học và rất khó để giảng viên thực hiện các phương pháp giảng dạy tích cực, bản thân người học cũng cảm thấy ngột ngạt, khó tập trung. Mặt khác, điều kiện về hội trường (không gian, bàn, ghế, âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, bảng, phấn ... ) không đáp ứng yêu cầu dạy học.

Một số giải pháp chủ yếu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong thời gian tới

Từ thực tế đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở huyện Đăk Glong thời gian qua cho thấy, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương, các cấp, các ngành cần có kế hoạch cụ thể và triển khai tích cực các giải pháp sau:

- Các cấp ủy phải luôn nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Chú trọng đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy. Đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức. Cần chuyển từ đào tạo, bồi dưỡng theo chỉ tiêu sang đào tạo, bồi dưỡng theo đơn đặt hàng.

- Đảm bảo sự thống nhất giữa công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, cơ sở.

- Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ là nữ và người đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đầu tư cơ sở vật chất đối với trung tâm bồi dưỡng chính trị tuyến huyện và đổi mới cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

- Quan tâm xây dựng về số lượng và chất lượng đội ngũ những người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Nhờ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chủ động mà đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện Đăk Glong có sự thay đổi về chất, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm về quốc phòng, an ninh của một trong những huyện nghèo và đông thành phần dân tộc nhất cả nước. Tuy vậy, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của huyện cũng còn những hạn chế, cần thường xuyên sơ kết, tổng kết, xem xét, đánh giá để đúc rút kinh nghiệm, phát huy những mặt được, hạn chế những khuyết điểm và vận dụng sáng tạo vào những địa phương, cơ sở có sự tương đồng.

                                                                                                Nguyễn Văn Hùng

                                                                                   Trường Chính trị tỉnh Đăk Nông

 

 


[1] Huyện ủy Đăk Glong, Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tháng 8 năm 2017

[2] Huyện ủy Đăk Glong, Báo cáo chính trị trình Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ III (2015-2020)

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền