Trang chủ    Thực tiễn    Thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế tri thức gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Thứ hai, 13 Tháng 11 2017 13:23
3256 Lượt xem

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế tri thức gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế

(LLCT) - Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ lớn của cả nước. Sự phát triển của Thành phố tạo động lực đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng cũng như cả nước nói chung. Để bảo đảm định hướng phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế tri thức được Thành phố đặc biệt quan tâm.

1.Kinh tế tri thức định hướng phát triển kinh tế tri thức gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam

Phát triển kinh tế tri thức là xu hướng dựa trên trình độ cao của lực lượng sản xuất hơn hẳn so với kinh tế công nghiệp. Ở đó, tri thức khoa học và công nghệ, kỹ năng của con người là những yếu tố quyết định nhất của sản xuất và trở thành lực lượng sản xuất quan trọng hàng đầu. Tuy vai trò của con người trong lực lượng sản xuất không thay đổi nhưng tính chất hoạt động và yêu cầu đặt ra đối với họ đã có sự thay đổi căn bản so với người lao động trong nền kinh tế nông nghiệp và công nghiệp. Trong nền kinh tế công nghiệp, cường độ lao động của con người đã được giảm nhẹ đáng kể nhờ sự trợ giúp của máy móc, thiết bị và để sử dụng chúng có hiệu quả, người lao động phải có sự hiểu biết về tính năng, tác dụng của máy móc đó và về quá trình sản xuất nói chung. Nhưng trong nền kinh tế tri thức, đội ngũ lao động trí óc, vừa nghiên cứu vừa sản xuất, sản phẩm của họ là những phát minh được ứng dụng ngay vào quá trình sản xuất. Tri thức khoa học và công nghệ là yêu cầu hàng đầu đối với người lao động.

Tri thức, đặc biệt là công nghệ thông tin, kinh tế mạng là những yếu tố quan trọng để liên kết các doanh nghiệp và các quốc gia với nhau, sẵn sàng hợp tác cùng có lợi. Những doanh nghiệp, quốc gia nào có lợi thế về tri thức khoa học, công nghệ trong việc tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ càng có nhiều cơ hội thành công hơn. Chính vì vậy, đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức là cách duy nhất đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạc hậu, tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật trong quá trình xây dựng CNXH, hội nhập ngày càng sâu vào các quan hệ kinh tế toàn cầu, khu vực và song  phương.

Tại Đại hội IX (2001), lần đầu tiên, Đảng đã nêu rõ quan điểm mới về phát triển KTTT: ''Đi nhanh vào công nghệ hiện đại ở những ngành và lĩnh vực then chốt để tạo bước nhảy vọt về công nghệ và kinh tế, tạo tốc độ tăng trưởng vượt trội ở những sản phẩm và dịch vụ chủ lực. Công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn phát triển. Nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển kinh tế- xã hội, từng bước phát triển kinh tế tri thức ở nước ta''(1).

Tới Đại hội X (2006), việc phát triển KTTT được thể hiện rõ với tư cách là một yếu tố cấu thành đường lối CNH, HĐH đất nước: ''Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức; kết hợp việc sử dụng vốn tri thức của con người Việt Nam với tri thức mới nhất của nhân loại”(2).

Tại Đại hội XI (2011), với định hướng chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng, sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững, Đảng ta tiếp tục khẳng định: ''phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế tri thức, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước”(3).

Từ một nền kinh tế nông nghiệp đi lên CNXH, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam phải tiến thành đồng thời hai quá trình: Chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp lên kinh tế công nghiệp (CNH, HĐH); chuyển từ kinh tế nông-công nghiệp lên KTTT. Trong khi ở các nước đi trước, đó là hai quá trình kế tiếp nhau, thì ở nước ta, tận dụng cơ hội là nước đi sau, hai quá trình này được lồng ghép với nhau, kết hợp các bước đi tuần tự với các bước phát triển nhảy vọt, tức là gắn CNH, HĐH với phát triển KTTT.

Nội dung trung tâm của phát triển KTTT là đi thẳng vào công nghệ cao, công nghệ mới nhằm nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp dịch vụ có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao. Trong ''Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020”(4), đã đề ra một số mục tiêu khối lượng như: tăng trưởng GDP bình quân 7-8%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD... Chỉ tiêu về chất lượng:  tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP; giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt 45% GDP; yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt 35%; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 2,5-3%/năm; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 30-35%...Có thể nói, đây là những nấc thang trên lộ trình CNH, HĐH, phát triển KTTT.

2. Phát triển kinh tế tri thức gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức

Chuyển dịch cơ cấu kinh tếlà quá trình thay đổi cấu trúc của các yếu tố cấu thành cơ cấu đó theo một chủ đích và phương hướng nhất định. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là yêu cầu khách quan, phụ thuộc vào trình độ phát triển của khoa học và công nghệ mà nền kinh tế đó đã đạt được trong mỗi thời kỳ lịch sử. Một nền kinh tế có hiệu quả là nền kinh tế sử dụng tối ưu các nguồn lực hiện có. Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, tính hiệu quả của một nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào sự lựa chọn việc phát huy các nguồn lực trong nước và vào năng lực thu hút, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài (từ nước ngoài và từ các tổ chức kinh tế quốc tế).

Vì vậy, lãnh đạo quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tếcần xác định định hướng của việc chuyển dịch, trong đó xác định rõ đặc trưng phát triển và vị trí của mỗi ngành trong tổng thể kinh tế, trên cơ sở đó xác định các chính sách phát triển. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế phải dựa trên sự đánh giá chính xác những lợi thế của đất nước, xuất phát từ nhu cầu của thị trường với những dự báo triển vọng cạnh tranh của sản phẩm, của ngành kinh tế trên thị trường trong nước và quốc tế. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế phải bảo đảm khả năng thích nghi nhanh với sự biến đổi của môi trường trong nước và quốc tế, trước hết và chủ yếu là tiến bộ khoa học và công nghệ, chi phí cho điều chỉnh cơ cấu kinh tế thấp.

Theo hướng này, hiện nay và trong nhiều năm tới, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng phải dựa vào tiềm năng tài nguyên trí tuệ, đầu tư mạnh vào việc nuôi dưỡng và phát triển nguồn tài nguyên trí tuệ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ cơ cấu ngành kinh tế truyền thống lên kinh tế công nghiệp và kinh tế tri thức. Cần nắm bắt kịp thời cơ hội, phát huy năng lực trí tuệ nội sinh, đổi mới cách nghĩ, cách làm, mở rộng một cách có hiệu quả việc áp dụng công nghệ mới hiện đại vào phát triển các ngành truyền thống, đẩy mạnh phát triển các ngành kỹ thuật cao, đẩy mạnh việc sáng tạo các thành tựu khoa học và công nghệ mới. Theo đó, mục tiêu xây dựng cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả đến năm 2020 như sau:

Ngành công nghiệp, tập trung nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm; phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, ưu tiên phát triển những sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Các ngành công nghiệp nền tảng được ưu tiên để đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế.

Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, cơ khí, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường.

Tập trung lấp đầy các khu công nghiệp gắn với việc đầu tư bổ sung các công trình, dịch vụ hạ tầng xã hội (nhà ở, trường học, y tế, chợ,...) và thực hiện tốt bảo vệ môi trường.

Ngành nông nghiệp, hướng vào phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới có năng lực cạnh tranh cao và thương hiệu tốt. Phát triển nông nghiệp toàn diện, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và sinh thái của mỗi vùng, mỗi địa phương. Tập trung đầu tư khâu nghiên cứu và phát triển giống cây trồng, vật nuôi, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học. Đổi mới đào tạo nhân lực, đưa tri thức sản xuất, kinh doanh, tri thức khoa học công nghệ đến với người nông dân; sử dụng công nghệ sinh học làm gia tăng giá trị các mặt hàng nông-lâm-thủy sản.

Ngành dịch vụ đẩy mạnh phát triển, nhất là các dịch vụ có giá trị, hàm lượng tri thức cao, tiềm năng lớn, có lợi thế và có sức cạnh tranh, như du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế; hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, dịch vụ phát triển phần mềm công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác. Đẩy mạnh tham gia mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước; xây dựng thương hiệu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam.

Như vậy, để đạt được mục tiêu cơ cấu kinh tế theo hướng HĐH, CNH, vấn đề phát triển kinh tế tri thức tại Thành phố Hồ Chí Minh cần được nhìn nhận một cách toàn diện.

Những thuận lợi, khó khăn trongphát triển kinh tế tri thức tại Thành phố Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 5.428 USD/người(5), so với mức 2.215 USD/người của cả nước (46,600 triệu đồng/năm)(6). Thành phố còn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư và phát triển nhanh nhiều loại hình doanh nghiệp, tạo lực hút đối với các luồng lao động nhập cư từ khắp nơi đổ về, góp phần làm cho nguồn nhân lực của Thành phố khá dồi dào. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của Thành phố có cơ cấu trẻ, số lao động trong độ tuổi từ 20 - 45 chiếm hơn 65% tổng số lao động. Tổng số lao động đang làm việc 4.234.768 người, chiếm 70,62% tổng số lao động. Trong tổng số lao động đang làm việc, chuyên môn kỹ thuật bậc cao chiếm 15,57%; chuyên môn kỹ thuật bậc trung chiếm 5,61%; các nghề giản đơn và thợ chiếm 41,24% và các loại công việc khác chiếm 35,81%(7). Hàng năm, Thành phố có khoảng 70 nghìn sinh viên các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp, kể cả số học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo ngắn hạn có khoảng 180 nghìn người. Số lao động đã qua đào tạo tăng từ 40% năm 2005 lên 72,39% năm 2015. Hệ thống các viện nghiên cứu, trường đại học về cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Thành phố.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của các KCX, KCN. Hiện Thành phố có 3 KCX và 16 KCN được thành lập với tổng diện tích 4.532ha; trong đó 17 KCX, KCN đã hoạt động thu hút 1.371 dự án đầu tư với số vốn gần 10 tỷ USD, tạo ra việc làm cho gần 290 nghìn lao động(8). Định hướng đến năm 2020, công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm 10% tổng GDP toàn thành phố(9).

Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh có hệ thống cơ sở hạ tầng khá hiện đại, đồng bộ, như hệ thống giao thông, cảng biển, sân bay, hệ thống thông tin truyền thông, có hệ thống ngân hàng trong nước và quốc tế hiện đại…

Phát triển kinh tế tri thức ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay tập trung vào việc chuyển dịch cơ cấu một cách hợp lý, phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp mũi nhọn và chuyển dịch cơ cấu lao động tương ứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng GDP và bảo đảm quá trình phát triển bền vững. Sự phát triển kinh tế tri thức của Thành phố đã bước đầu định hình trên một số lĩnh vực chủ yếu như: công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ năng lượng.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức đối với phát triển KTTT, đó là: nền kinh tế thị trường và thể chế kinh tế thị trường tại TP.Hồ Chí Minh nói riêng và ở nước ta nói chung còn nhiều yếu kém, bất cập.

Hệ thống thể chế kinh tế thị trường chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo, không minh bạch, và nhất là năng lực thực thi pháp luật còn yếu. Cải cách hành chính diễn ra chậm chạp, khiến cho năng lực hỗ trợ của nền hành chính cho phát triển kinh tế bị hạn chế, thậm chí trong nhiều trường hợp các thủ tục hành chính lạc hậu, rườm rà gây cản trở cho phát triển kinh tế.

Các ngành công nghệ cao đang ở trình độ phát triển sơ khai. Số doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai (R&D) nhằm tạo ra công nghệ mới là không đáng kể. Đây chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thành phố hiện chỉ có một số doanh nghiệp nhà nước có cơ sở hoạt động và nghiên cứu phát triển công nghệ, nhưng lượng vốn đầu tư cho R&D của các doanh nghiệp này còn thấp so với nhu cầu đổi mới và phát triển.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống kinh tế- xã hội còn rất hạn chế. Mạng thông tin đa phương tiện tuy đã và đang được mở rộng khá nhanh, nhưng chưa bao phủ rộng khắp, chưa kết nối được đến hầu hết các tổ chức và các hộ gia đình… Các phương thức kinh doanh mới như thương mại điện tử, thị trường ảo, tổ chức ảo, doanh nghiệp ảo, làm việc từ xa… còn ở trình độ thấp.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, yếu kém. Thị trường lao động của Việt Nam nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng đang rất thiếu các chuyên gia về quản trị kinh doanh, các lập trình viên, kỹ thuật viên, đội ngũ công nhân có tay nghề cao...

Do vậy, TP.Hồ Chí Minh cần sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho việc phát triển kinh tế tri thức dựa trên bốn trụ cột của kinh tế tri thức: giáo dục, phát minh, sáng chế; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hệ thống thể chế chính sách kinh tế; các trụ cột công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm một thể chế, chính sách thực thi có hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức; phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn.

__________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  X, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XI, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011.

(4) Tạp chí Cộng sản, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, URL: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dang-XI/Noi-dung-co-ban-van-kien/2011/2136/Muc-tieu-va-cac-dot-pha-cua-Chien-luoc-phat-trien-kinh.aspx

(5) Cục Thống kê Tp. HCM, Tình hình kinh tế xã hội tháng 12 và năm 2016, URL: file:///C:/Users/HTQT/Downloads/BCTH%20-%20NAM%202016.pdf

(6) Tổng cục Thống kê, Số liệu thống kê, URL: http://www.gso.gov.vn/SLTK/Table.aspx?rxid=7933072e-4191-488e-a0d3-8a6edea04dbd&px_db=11.+Y+t%E1%BA%BF%2c+v%C4%83n+h%C3%B3a+v%C3%A0+%C4%91%E1%BB%9Di+s%E1%BB%91ng&px_type=PX&px_language=vi&px_tableid=11.+Y+t%E1%BA%BF%2c+v%C4%83n+h%C3%B3a+v%C3%A0+%C4%91%E1%BB%9Di+s%E1%BB%91ng%5cV11.01.px&layout=tableViewLayout1

(7) Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, Phân tích thịtrường lao động năm 2016- Dựbáo nhu cầu nhân lực năm 2017tại Tp. HCM, URL: http://www.dubaonhanluchcmc.gov.vn/tin-tuc/6320.thi-truong-lao-dong-nam-2016-du-bao-nhu-cau-nhan-luc-nam-2017-tai-thanh-pho-ho-chi-minh.html

 

(8) Báo Mới, TP Hồ Chí Minh: Các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, URL: https://www.baomoi.com/tp-ho-chi-minh-cac-khu-che-xuat-khu-cong-nghiep-thu-hut-duoc-nguon-von-dau-tu-lon/c/23413743.epi

(9) Thời báo kinh tế Sài Gòn online, Khoa học, công nghệ là động lực phát triển TPHCM,

 URL: http://www.thesaigontimes.vn/165789/Khoa-hoc-cong-nghe-la-dong-luc-phat-trien-TPHCM.html

 

ThS Phan Thị Trà Mi 

 Học viện Chính trị khu vực II

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền