Trang chủ    Thực tiễn    Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 17 Tháng 11 2017 10:55
2231 Lượt xem

Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

(LLCT) Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành ba nghị quyết quan trọng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường hành chính thông thoáng để phát triển kinh tế tư nhân xứng đáng là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

1. Chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân

Từ Đại hội VI đến Đại hội XII của Đảng, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Đảng và nhân dân ta đã xây dựng ngày càng được hoàn thiện và được chứng minh tính đúng đắn trên thực tế.

Quan điểm về vai trò và vị trí của kinh tế tư nhân

Qua các kỳ Đại hội Đảng, vị trí và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân dần được khẳng định và nhấn mạnh. Tại Đại hội X (2006), Đảng ta nhận định: Kinh tế tư nhân là khu vực “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”; Đại hội XI (2011) nêu rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”; Đại hội XII (2016) khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Điều này cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức của Đảng ta so với trước đây, khi chúng ta chỉ coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế.

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (5-2017), Đảng ta ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP”. Như vậy, kinh tế tư nhân có vai trò “nòng cốt” trong phát triển kinh tế đất nước, vai trò của kinh tế tư nhân được đặt ngang hàng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Điều này làm thay đổi căn bản vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước,  khơi dậy và phát huy sự tham gia tích cực của các thành phần xã hội vào phát triển kinh tế đất nước. Sự tinh gọn và đồng bộ hóa về cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp đã góp phần tăng cường sự minh bạch trong hoạt động lập pháp và hành pháp, qua đó tạo dựng niềm tin trong giới doanh nghiệp. Điều này giúp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh, không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn tác động mạnh mẽ, thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 - 2017) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5  khoá IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” đã chỉ rõ: Trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. 

Quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế tư nhân

Xuyên suốt các kỳ Đại hội, quan điểm chỉ đạo định hướng phát triển cho kinh tế tư nhân của Đảng ta luôn nhất quán song có những điều chỉnh cụ thể để phù hợp hơn với bối cảnh và điều kiện mới. Đó là: 

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP. 

Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan toả rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Đề cao vai trò và trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân Việt Nam nhằm đảm bảo tính định hướng XHCN trong phát triển kinh tế tư nhân, “chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các chủ doanh nghiệp. Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao; chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân”.

Xác định rõ vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.

Đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là tổ chức công đoàn, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, theo kịp với sự phát triển về mọi mặt của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.

Qua 30 năm đổi mới,  kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tạo nhiều bước phát triển đột phá cho đất nước, Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, duy trì tốc độ tăng trưởng. Năm 1988, quy mô GDP chưa tới 5,5 tỷ USD, GDP đầu người chỉ đạt 86 USD; đến năm 2016, GDP đã đạt 205,32 tỷ USD, tăng hơn 37 lần, GDP đầu người đạt 2.215 USD, tăng gần 27 lần so với năm 1988, rút ngắn đáng kể khoảng cách thu nhập so với các nước trong khu vực.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu: Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước chiếm tới 58%, đến cuối năm 2016 đã giảm chỉ còn 8,38%.

 Trong quá trình đổi mới và hiện đại hóa đất nước, kinh tế tư nhân ngày càng có đóng góp lớn, đặc biệt trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP, cả nước có trên 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động và mỗi năm có thêm hàng vạn doanh nghiệp được thành lập mới,thu hút khoảng 51% lực lượng lao động của cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm, góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân…. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; nhiều doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường thế giới.Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh… Do đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển cũng chính là tạo điều kiện để giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, để nền kinh tế thị trường phát huy tối đa các tiềm năng to lớn của nó.

2. Phát triển kinh tế tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh

Là Thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất nước, hoạt động năng động, sáng tạo, khi bắt đầu triển khai Nghị quyết 14-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (2002) về “Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 10 nghìn doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đến năm 2010, số doanh nghiệp tăng lên 93.686. Giai đoạn 2010-2015, số doanh nghiệp tư nhân mới thành lập tăng bình quân mỗi tháng 2 nghìn doanh nghiệp. Đầu năm 2017, Thành phố có hơn 300 nghìn doanh nghiệp. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X đề ra, đến năm 2020, Thành phố phấn đấu đạt mục tiêu có 500 nghìn doanh nghiệp.

Trong giai đoạn gần đây, kinh tế tư nhân đang là động lực mạnh thúc đẩy tăng trưởng của Thành phố.

Năm 2005, tổng GDP của Thành phố là 165 nghìn tỷ đồng, trong đó kinh tế nhà nước đóng góp 58 nghìn tỷ đồng, kinh tế tư nhân là 43.300 tỷ đồng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 36 nghìn tỷ đồng.

Năm 2014, tổng GDP của thành phố đạt 852 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 202 nghìn tỷ đồng, khu vực tư nhân là 422 nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Tp. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2015, vốn đầu tư từ thành phần kinh tế ngoài nhà nước chiếm 61% tổng vốn đầu tư cả giai đoạn, thành phần kinh tế nhà nước chiếm 21% và thành phần kinh tế có vốn nước ngoài chiếm 18%.

Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân TP. Hồ Chí Minh có những bước phát triển vượt bậc về số lượng cũng như số vốn đầu tư, nhưng đến nay Thành phố vẫn chưa có tập đoàn tư nhân đủ mạnh tầm cỡ khu vực và thế giới. Trong số hơn 300 nghìn doanh nghiệp, có 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ.

Để đạt được mục tiêu 500 nghìn doanh nghiệp và phát triển mạnh vào năm 2020, Thành phố cần chú trọng đến việc tạo môi trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Đó là:

Thứ nhất,nguồnvốn cho phát triển của Thành phố đang là “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách pháp luật cụ thể, để mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân có thể tham gia đầu tư vào những lĩnh vực và chương trình trọng điểm của Thành phố.

Thứ hai, Thành phố một mặt cần đề cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính, mặt khác cần rà soát, đơn giản hóa và bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm đến mức thấp nhất thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân, thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp đăng ký tại nhà…

Thứ ba, Thành phố cần đẩy mạnh thu hút đầu tư. Ngoài những quy định của Trung ương, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục triển khai một số chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đã thực hiện thời gian qua như: Chương trình kích cầu đầu tư, chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp… Quá trình thực hiện những chính sách mang tính đột phá trên sẽ tạo tâm lý xã hội cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, bảo đảm các yếu tố thuận lợi, kích thích cho phong trào khởi nghiệp tăng mạnh, khuyến khích đẩy nhanh tiến trình hình thành và mở rộng hoạt động của các loại hình doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu, mạnh mẽ hơn nữa vào nền kinh tế đất nước.

Thứ tư, Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách đất đai, tài chính, tín dụng, lao động - tiền lương, hỗ trợ về đào tạo, khoa học công nghệ nhằm đảm bảo tối đa sự thuận lợi cho môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế để kinh tế tư nhân phát triển.

 

Phạm Minh Ngọc

                                                                   Học viện Chính trị Khu vực II

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền